NHÀ THƠ XUÂN HOÀNG
Tên thật: Nguyễn Đức Hoàng,
Sinh năm: 1925
Mất năm: 2004
Nơi sinh: Quảng Bình (15.11.1925)
Nguyên quán: Tuy Phước, Bình Định.
Bút danh: Minh Thi
Nhà thơ Xuân Hoàng tham gia cách mạng từ năm 20 tuổi (1945) với công việc dạy học, làm văn nghệ ở Quảng Bình, Liên khu 4, tham dự lớp bồi dưỡng cán bộ văn hóa văn nghệ do Đoàn Văn nghệ kháng chiến Liên khu 4 tổ chức trong ba năm liền 1947, 1948, 1949 ở Quần Tín (Thanh Hoá). Sau đó Xuân Hoàng đã đi khắp chiến trường Bố Trạch, Sông Gianh, Cảnh Dương, Đồng Hới... viết báo, làm thơ động viên kháng chiến và trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khóa đầu tiên (1957). Năm 1959, Xuân Hoàng về công tác ở Nhà xuất bản Văn học với cương vị Trưởng phòng biên tập Văn học hiện đại. Năm 1963, theo lời đề nghị của Tỉnh ủy và ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình, nhà thơ rời Thủ đô Hà Nội, đưa vợ con về Quảng Bình để xây dựng Hội văn nghệ địa phương. Mấy chục năm liền làm lãnh đạo Hội, nhà thơ Xuân Hoàng đã chăm lo tận tuỵ cho phong trào sáng tác và từng tác giả trẻ và thơ Xuân Hoàng ngày càng máu thịt với mảnh đất cơ hàn và đạn bom khốc liệt này.
Các tác phẩm:
Tiếng hát quê hương (1959)
Du kích sông Lam (1963)
Miền Trung (1967)
Hương đất biển (1971)
Biển và bờ (1974)
Dải đất vùng trời (1970)
Về một miền gió thổi (1983)
Từ tiếng võng làng Sen (1983)
Quãng cách lặng im (1984)
Thời gian và quãng cách (1990)
Hoa quê Bác (1991)
Thơ tình gửi Huế (1995)
Âm vang thời chưa xa (1996)
Giới thiệu một số tác phẩm của nhà thơ Xuân Hoàng:
Nắng thu
Gặp lại trong trưa cái nắng vàng
Như là thực thể của đa mang
Bởi cây xanh thế nên xao xuyến
Bởi mắt thừa thu hoá ngỡ ngàng
Tôi đã quen đâu cảnh tượng này
Sau tuần xuôi ngược đó cùng đây
Thì ra yên tĩnh hay ba động
Do chính ta nhìn sắc cỏ cây
Hãy cứ bằng lòng như vậy đã:
Sau những ban mai nháo nhác đời
Sau những buổi chiều nghe vắng lặng
Bây giờ đang có một trưa vơi
Ở trong trưa đó, tôi tìm gặp
Sắc nắng mùa thu sáng ngợp trời.
Khi nào thấy
Khi nào thấy trên đường dài mệt mỏi
Cần nghỉ nghơi đôi chút cạnh dòng sông
Em hãy đến tìm tôi nơi bến đợi
Tán đa tôi bóng mát vốn quen dừng.
Khi nào thấy đời buồn gặm nhấm
Cần một lời tiếp sức để đi xa
Em hãy đến tìm tôi nơi bãi vắng
Biển tôi chờ con sóng mãi ngân nga.
Khi nào đó lòng mang thương tích
Những vết thương vô ý tự gây nên
Em hãy đến tìm tôi, chiều tĩnh mịch
Tôi xin làm con suối tắm cho em
Nếu cần nữa tôi là hồ trên núi
Trong hoang vu, im lặng ngắm mây trời
Em hãy đến, chim thiên nga cánh mỏi
Đậu yên lành trên gương mặt hồ tôi.
QUA SÔNG CẦU*
Thơ kỵ nhất: điều người đã viết
Nhưng biết sao khi tôi thích Sông Cầu
Thị trấn đẹp như một lời tiễn biệt
Xanh điệp trùng núi biển đứng bên nhau
Những hàng dừa tấp nập dọc đường mau
Dãy phố trắng đứng trong mưa lặng lẽ
Xoài ở quầy hàng nõn nã mặt đĩa
Thanh long hồng như những củ su thơm
Sắc chợ mamg riêng dáng dấp miền Trung
Nón Phú Yên tròn khuôn trăng biển lặng
Ô cửa vuông nửa chừng rèm mở nắng
Ơi Sông Cầu góc độ buổi mừng thương
Người đi xa thường mang gió mười phương
Kẻ ở lại như một giàn thiên lý
Đường Trường Sơn hôm qua trăng núi vẽ
Biển miền Trung nảy nở cánh buồm giăng
Xe qua rồi, chút nhớ vẫn lâng lâng
Thị trấn trắng đứng trong lời tiễn biệt
Lòng khẽ nhắc đừng nói điều đã biết
Sao âm vang vẫn mãi gọi Sông Cầu!
Đây trăng Vỹ Dạ Hôm qua, tôi về thăm thôn Vỹ
Cồn Hến đã qua mùa bắp lay
Sông xưa vẫn đó con đò cũ
Hương ngọc lan vừa man mác say
Trăng Cố Đô nghiêng xuống ngoại thành
Phải vầng trăng ấy, mãi trong xanh?
Hàng cau cuối xóm hoa vừa trổ
Ngõ trúc nhà ai gió động cành?
Đi dưới trăng mà hiểu Huế thêm
Bài thơ năm trước quá chừng quen
Tôi về thôn Vỹ quây trăng lại
Cho sáng trăng hoài gương mặt em
10-1982
Trong một số ít ỏi những bài thơ của nhà thơ Xuân Hoàng mà mình từng đọc, bài thơ đầu tiên và cũng tạo ấn tượng sâu sắc nhất cho mình là Đồng Hới. Những câu thơ "Em đi phố nhỏ động cành dừa - Cửa biển về khuya gió đêm ngả lạnh..." hay "Hỡi em yêu, cây táo nhỏ bên vườn - Lại sây quả mỗi mùa xuân đến sớm - Mặc lũ con ta ra vườn hái trộm..." khiến mình rất nhớ quê hương…
Đồng Hới
Em đi, phố nhỏ động cành dừa
Cửa biển về khuya gió đêm ngả lạnh
Phố nhỏ tan rồi qua bao trận đánh
Chúng ta về, ấm lại dải đường xưa.
Anh yêu em không phải chỉ riêng em
Bởi lẽ, tình ta nhen từ phố nhỏ
Phố nhỏ đổ… nhưng lòng ta ở đó
Vẫn ngọt ngào trong nỗi nhớ đầu tiên.
Phố nhỏ quê ta thức nhiều kỷ niệm
Hương Dạ lan thơm ngát những canh dài
Em đi nhé, bóng em lồng bóng biển
Bài thơ lành anh đến ngủ trên vai…
Sao thương thế, bài thơ lành phố nhỏ!
Cặp tình nhân nào đó tiễn đưa nhau?
Thơ phố nhỏ cũng chính lòng ta đó
Đồng Hới ơi, năm tháng đậm thêm màu!
Ta biết hôm nay Đồng Hới hủy mình
Để có một ngày mai Đồng Hới đẹp:
Thành phố ta xây bên bờ biển biếc,
Biển miền trung xanh ngắt một màu xanh
Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta
Sẽ lại trồng hoa hồng trên lối cũ
Hoa thược dược, đến mùa xuân lại nở
Vàng huân chương trong mỗi một sân nhà.
Hỡi em yêu, cây táo nhỏ bên vườn
Lại sây quả mỗi mùa xuân đến sớm
Mặc lũ con ta ra vườn hái trộm
Những năm dài chúng vẫn nhớ quê hương!
Và những chiều xanh xao động hàng dừa
Ta lại về, ngồi trên ghế đá
Nhìn những cánh buồm đi trong nắng hạ
Nhắc lại ngày phố đổ năm xưa.
Nhật Lệ quê ta vốn sẵn nhiều buồm
Mây ngũ sắc ta gởi vào một tấm
Buồm sẽ đi xa, biển mình đẹp lắm
Đồng Hới mình sẽ đẹp vạn lần hơn…
Những giai thoại về nhà thơ Xuân Hoàng
“Đãng trí bác học”
Thi sĩ Xuân Hoàng nổi tiếng là người vì thơ mà quên việc khác, người ta gọi ông là người “đãng trí bác học”.
Lúc ông đang giữ chức Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình, chưa có nhà riêng, ông phải ở trong khu tập thể cơ quan vợ là Hội Phụ nữ Quảng Bình.
Sáng đó, vì có công việc, mặc dù là chủ nhật, bà Bình, vợ ông, phải đến cơ quan sớm. Sau nhiều ngày mưa, áo quần không giặt được mà phơi, bà dặn ông:
- Lát nữa nắng lên, nhớ giặt giùm em số quần áo trong chậu đang đặt trong nhà tắm tập thể ấy!
Thi sĩ Xuân Hoàng đang cặm cụi viết bài cho Tạp chí Văn nghệ Quảng Bình số tới, ngẩng lên:
- Bình cứ đi đi, để đó lát nữa anh giặt hết!
Say sưa với công việc sáng tác, mãi gần 10 giờ, ông mới nhớ công việc giặt áo quần cho kịp nắng như vợ đã dặn. Tuy vậy, tứ thơ chưa diễn tả thành lời cứ ám ảnh ông mãi. Ông vừa giặt quần áo vừa suy nghĩ để có thể hoàn thành bài thơ mình đang viết.
Đến trưa, đi làm về, bà Bình bực dọc:
- Nhắc anh rồi, sao anh không giặt quần áo giúp em?
Thi sĩ Xuân Hoàng nhấc đôi kính cận 7 điốp lên, hớn hở cười:
- Rồi! Rồi mà! Anh giặt xong tất tần tật, em nhìn ngoài giây phơi đó thì biết!
- Đâu có? – Bà Bình ngơ ngác. Đoạn, bà chạy vào nhà tắm tập thể, bê chậu quần áo ra mà nói:
- Áo quần nhà mình vẫn còn nguyên đây này anh đã giặt đâu?
Thi sĩ Xuân Hoàng nhìn số quần áo, kể cả áo lót, quần lót… phụ nữ, trẻ con mà ông đã giặt và phơi ngoài dây rồi gãi đầu:
- Thôi rồi! Anh giặt nhầm quần áo của nhà khác rồi! Để anh đi giặt của nhà mình!
Bà Bình một lần nữa đành phì cười vì cái tính “đãng trí bác học” của chồng!
Làm thơ cho ngày mình tạ thế
Tháng 11/1988, thi sĩ Xuân Hoàng vẫn còn khỏe, ăn một bữa những ba, bốn bát cơm. Đi làm việc, vẫn đạp xe bon bon trên đường phố, nhưng vẫn viết một bài thơ gửi cho đời, nếu mình phải xa trần thế. Viết xong, ông đọc cho vợ nghe. Bài thơ như sau: Không phải đùa đâu, thật đấy rồi
Quá nhiều co bóp ở tim tôi
Từ trong tiềm thức tôi ghi nhận
Chính quả tim mình đã kiệt hơi
Tôi chết nay mai chuyện quá thường
Một lời cáo phó, ít tuần hương
Người ta đọc điếu văn bên huyệt
Rồi mỗi người đi một ngả đường
Thôi hết trời hoang cùng gió lạ
Với hoa khoe sắc, nhạc đầm hương
Những ban mai biếc, hoàng hôn tím
Những mộng cùng mơ, giận với hờn
Có nghĩa gì đâu, quán trọ đời
Đến rồi đi đấy, thiệt mà chơi
Không còn viễn ảnh gì lưu niệm
Ngoài sắc thời gian tím tuyệt vời
Thôi được, rồi đây tôi sẽ đi
Hãy xem như đó, một chu kỳ
Bởi tôi là đất, tôi về đất
Tôi chẳng đòi xin một chút gì.
Đọc xong, vẫn như bao lần, ông cười rung mặt kính: “Hay không? Tuyệt hí!”. Bà Bình trừng mắt: “Sao chưa chết mà làm thơ về cái ngày mình chết, ông điên đấy à?”.
Thi sĩ Xuân Hoàng lại cười oang oang:
- Có thế mới là thơ. Vì người làm thơ đâu có sợ chết!
Thi sĩ Xuân Hoàng là vậy, con người tận tụy vì thơ nên bao giờ cũng vô tư, lạc quan, yêu đời. Mãi đến năm 2004, ông mới từ giã cõi trần, thọ 76 tuổi.
Những năm chiến tranh, Xuân Hoàng là Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình. Phong cách đáng yêu của Xuân Hoàng cùng những nhà thơ, cán bộ trong cơ quan Hội đã làm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật một lần dừng chân nghỉ lại, lúc ra về đã thốt lên, nhại lại hai câu trong bài thơ “Nhớ” nổi tiếng của mình:
Nằm ngửa nhớ Bông (tên của nhà thơ Lê Thị Mây), nằm nghiêng nhớ Dạ (nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ). Nôn nao ngồi dậy, nhớ Xuân Hoàng
Nhà thơ Ngô Minh viết về nhà thơ Xuân Hoàng
Chuyện người say đọc thơ và... véo...!
1. Chiều mùng ba Tết Giáp Thân, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật từ Đồng Hới điện báo cho tôi tin buồn: Nhà thơ Xuân Hoàng mất rồi! Ôi, anh ra đi ở tận Sài Gòn, làm sao chạy tới thắp nén hương tưởng niệm!
Thế là tôi đành ngồi lục tất cả các tác phẩm của anh ra lật dở từng trang. Cuốn sách nào anh cũng đề tặng với nét chữ bay bướm, thân thuộc: “Thân mến tặng Ngô Minh & Tâm và các cháu”.
Đối với anh em làm thơ Quảng Bình, Xuân Hoàng vừa là người anh cả, vừa là một mẫu thi sĩ đào hoa, đam mê, chỉ biết có thơ, thơ và... thơ!
Cái chất thi sĩ ấy thể hiện hàng ngày trong cách đọc thơ, trong điệu cười hả hả rung mắt kính của anh. Tôi còn nhớ, hồi chống Mỹ, Xuân Hoàng, lúc đó là Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình, dẫn nhà thơ Anh Thơ về làng tôi, làng Thượng Luật, xã Ngư Thủy, nơi có Đại đội nữ pháo binh anh hùng.
Tôi lúc đó là học trò trường làng, mê thơ, nên nghe có các nhà thơ là chạy theo “để xem”. Thầy giáo tôi bảo, người cao cao, đeo kính cận ấy là nhà thơ Xuân Hoàng. Nhà thơ vừa đi dọc mép sóng vừa sang sảng đọc cho chị Anh Thơ nghe bài thơ viết về Ngư Thủy mới được đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân Đội: “ ...Cha chuyền cho con, chồng chuyền cho vợ / Khẩu súng trường bóng loáng tiếp tay trao...”.
Đọc xong, Xuân Hoàng cười hả hả, rồi đột ngột véo vào tay chị Anh Thơ một cái làm nữ thi sĩ đau điếng, rồi hỏi rất thơ trẻ: “Có mới không ? Có xúc động không?...”.
Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về Xuân Hoàng. Sau này được sống gần gũi anh suốt 13 năm ở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, tôi hàng trăm lần nghe anh đọc thơ, hàng trăm lần “bị” anh véo vào sườn, vào đùi đau điếng, cũng hàng trăm lần nghe anh hỏi hồn nhiên: “Hay không? Mới không ?”.
Giai thoại kể rằng, có lần, trong một cuộc rượu, Xuân Hoàng ngồi bên một nữ thi sĩ, khi anh đọc thơ xong, hứng lên, anh véo một cái vào đùi, làm nữ thi sĩ kêu ré kên: “Anh làm cái gì thế !”. Mọi người biết “tật véo” của Xuân Hoàng, cười rũ ra. Còn Xuân Hoàng thì đỏ mặt, líu ríu xin lỗi: “Mình lộn, mình lộn...!”.
Lần ấy tôi theo xe của Hội Văn nghệ Quảng Bình đi dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ tư. Ngồi ghế trước là anh Tranh lái xe và anh Xuân Hoàng. Hàng ghế sau là tôi, Hoàng Vũ Thuật và Nguyễn Văn Dinh.
Dọc đường, Xuân Hoàng say sưa đọc thơ. Rồi anh bỗng véo thật mạnh vào đùi anh Tranh, làm xe đảo tay lái, xuýt lao xuống ruộng!
2. Nhà thơ Xuân Hoàng tên thật là Nguyễn Đức Hoàng, tham gia cách mạng từ năm 20 tuổi ( 1945) với công việc dạy học, làm văn nghệ ở Quảng Bình, Liên khu 4. Thời gian này anh được dự lớp bồi dưỡng cán bộ văn hóa văn nghệ do Đoàn Văn nghệ kháng chiến Liên khu 4 tổ chức trong ba năm liền 1947, 1948, 1949 ở Quần Tín (Thanh Hoá).
Sau đó anh lặn lội đi khắp chiến trường Bố Trạch, Sông Gianh, Cảnh Dương, Đồng Hới... viết báo, làm thơ động viên kháng chiến. Anh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam lứa đầu tiên (1957).
Năm 1959, anh về công tác ở Nhà xuất bản Văn học với cương vị Trưởng phòng biên tập Văn học hiện đại. Năm 1963, theo lời đề nghị của Tỉnh ủy và ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình, anh rời Thủ đô Hà Nội, đưa vợ con về Quảng Bình để xây dựng Hội văn nghệ địa phương.
Mấy chục năm liền anh làm lãnh đạo Hội, chăm lo tận tuỵ cho phong trào sáng tác và từng tác giả trẻ. Từ đó thơ anh ngày càng máu thịt với mảnh đất cơ hàn và đạn bom khốc liệt này.
Cũng từ đó anh trở thành người anh cả, góp công lớn bồi dưỡng, vun đắp nên lực lượng sáng tác văn nghệ Quảng Bình sung sức với những tên tuổi được cả nước mến mộ như Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Trần Nhật Thu, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Nguyễn Khắc Phê, Trần Công Tấn, Văn Lợi, Hữu Phương, Mai Văn Hoan v.v..
Anh như cây cột trụ của ngôi nhà Văn nghệ Quảng Bình, mà một thời, các nhà văn trẻ dựa vào đó để mà tồn tại và đi tới. Tám mươi tuổi, Xuân Hoàng có 60 năm dấn thân vì cách mạng, 60 năm yêu, 60 năm nhớ, 60 năm thơ dâng miền gió cát.
Cho đến khi qua đời anh đã cho xuất bản 15 tập thơ, 4 tập bút ký, hồi ký, trong đó có nhiều tập sách có tiếng vang như các tập thơ Biển và bờ, Quãng cách và lặng im, Thơ tình gửi Huế. Dài hơi và nặng ký còn có hồi ký Âm vang thời chưa xa.
Anh đã nhận được giải thưởng về thơ của Đoàn Văn nghệ kháng chiến Liên khu 4, giải thưởng Văn học Bình Trị Thiên, tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1996 cho tập hồi ký Âm vang thời chưa xa.
Mới đây là Giải thưởng Nhà nước… Nhưng, có lẽ “giải thưởng thơ” lớn nhất của anh là những bài thơ khảm vào trí nhớ, hay được chép cẩn thận vào sổ tay của nhiều thế hệ thanh niên Quảng Bình như các bài: Đồng Hới, Biển và bờ, Trăng Trường Sơn, Hoa chua me đất, Con tàu trắng, Khi nào thấy, Tự biết....
Khi tóc anh bạc rồi
Em là hoa me đất
Nở trong chiều xa lắc
Tím hồng màu thời gian...
(Hoa chua me đất)
Xuân Hoàng là thi sĩ đậm chất ngất ngư tang bồng, là nhà thơ trẻ thơ, hồn nhiên nhất trong các nhà thơ miền Trung mà tôi từng biết. Nàng thơ, bạn thơ nhắn nhe ở đâu, dù thật xa xôi anh cũng lặn lội tìm đến! Gặp bạn bè ở đâu, câu trước câu sau đã thấy anh đọc thơ sang sảng.
Đọc xong cười hả hả, véo mạnh vào tay, vào vai, vào đùi làm người ngồi nghe bên cạnh đau điếng, rồi lại cất tiếng hỏi ngây thơ: “Mới không ? Thích không ?”. Hình như suốt đời anh không giận ai, mà cũng chẳng ai giận anh. Cũng chẳng bận tâm nhiều đến chức tước, quyền lợi.
Tổ chức phân công công việc thì anh làm hết lòng. Khi không phân công thì anh mừng hớn hở vì được nhiều thời gian để đi, để viết, để đọc thơ cho mọi người nghe. Xuân Hoàng làm thơ rất nhanh và nhạy.
Nhưng anh cũng suy nghĩ rất nghiêm túc, rất trăn trở với thơ. Anh giận “thơ mình chưa vút một đường bay”. Anh tâm sự: “Tôi vẫn đuổi bắt thơ suốt đời như đuổi bắt một vẻ đẹp vĩnh hằng ở trước mắt mà rất khó bắt”.
Khi phát biểu quan niệm về sáng tạo văn học, anh thường giãi bày với lớp trẻ chúng tôi: “...phải đấu tranh không ngừng để nhận thức ra được chính mình thông qua sự nhận thức thiên nhiên và xã hội (quy luật sinh tồn) để mỗi ngày một vươn lên đến sự tự hoàn thiện là yếu tố hàng đầu, đóng một vai trò quan trọng và cơ bản đối với công việc sáng tác”.
3.Trong hành trang tâm hồn tôi, có rất nhiều câu thơ về chiến tranh mà lay động, thấm dẫm tình yêu xứ sở của Xuân Hoàng: Em đi phố nhỏ động cành dừa / Đồng Hới về khuya gió đêm ngả lạnh ...Phố nhỏ quê ta thức nhiều kỷ niệm / Dạ lan hương thơm ngững canh dài / Em đi nhé, bóng em lồng bóng biển / Bài thơ lành em đến ngủ bên vai (Đồng Hới). Hay những câu thơ tình đẹp như tranh:
Nếu cần nữa tôi là hồ trên núi
Trong hoang vu im lặng ngắm mây trời
Em hãy đến chim thiên nga cánh mỏi
Đậu yên lành trên gương mặt hồ tôi.
(Khi nào thấy)
Trong hành trang tâm hồn tôi còn có rất nhiều kỷ niệm về nhà thơ Xuân Hoàng đào hoa, đãng trí. Có lần anh gọi tôi tới nhà để nghe thơ mới. Thấy lâu lâu vắng anh, tôi hỏi. Anh tủm tỉm cười rồi đọc một câu thơ: Chừng lâu rượu chẳng về chai. Thấy tôi ngớ ra.
Anh giải thích: “Lâu chai là Lai Châu đó, mình vừa đi Lai Châu về, có nhiều thơ hay lắm. Trên đó có cô giáo dạy thể dục mà rất say thơ mình, viết thư về. Thế là mình “mò“ lên ngay, sướng không, sướng không? "
Nói rồi, anh ghé vào tai tôi: “Mình vừa về đến Huế đã nhận được hai lá thư của nàng. Thắm thiết lắm. Nhưng Ngô Minh không được nói với ai nhé !”. Dặn tôi như thế nhưng anh lại hồn nhiên kể với rất nhiều người!
Một lần khác, anh bảo tôi: “Mai, giữa buổi sáng, mình dẫn người bạn đến thăm cậu nhé”. Thế là mai tôi cáo ốm, nghỉ việc cơ quan, ở nhà chờ. Đến hẹn anh đến với một cô Tôn Nữ làm thơ từ La Chữ vào.
Qua thái độ hai người tôi biết ngay là... “kết” rồi. Tôi lịch sự xin phép vào phòng trong đóng cửa làm việc, để dành phòng ngoài cho “anh chị” tâm sự. Hai người say sưa đọc thơ tình tặng nhau đến gần hai giờ đồng hồ. Khi chia tay, tôi hỏi nhỏ Xuân Hoàng: “Chị Bình đã biết chưa?”.
Chị Bình là vợ anh Xuân Hoàng, lúc đó là Phó chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh. Xuân Hoàng thực thà: “Bà ấy biết hết, biết hết, biết cả cô “Lâu Chai” nữa, nhưng bà ấy “tha” tất !”.
Nói rồi anh lại cười ha hả, véo vào vai tôi, rồi lột kính chùi chùi có vẻ ngây thơ lắm! Sau này, tôi mới biết, chị Bình yêu chồng, hiểu chồng, thương chồng, nên mỗi khi buồn bực, đau khổ, chị lại âm thầm làm thơ với bút danh Hoài Thi:... sự thật kinh hoàng không dám gọi lên thôi / mà hai ta có thể nào hành khất...”.
Năm 1998, dù đã 74 tuổi, do dồn hết tâm huyết viết hai tập hồi ký ngàn trang “Âm vang thời chưa xa” nên sức khỏe anh sụt hẳn đi, mắt mờ. Thế mà một buổi chiều từ nhà riêng ở phường 18, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, anh trốn chị Bình, mò lên tàu hỏa mua vé ra Huế!
Anh bắt tôi chở đi thăm lại “di sản tình yêu” của mình. Một căn phòng tập thể trên đường Đống Đa, một gốc thông già trên đồi Thiên An, cây bàng góc phố... Anh đứng lặng người, tay sờ lên “từng hiện vật”, mắt chớp rưng rưng. Nhìn anh bần thần trước “cảnh cũ, người xưa” tôi thắt lòng nhận ra quỹ thời gian còn lại của anh rất ít, mà anh là con người luôn khát khao tươi trẻ!
Đó là đợt thăm Huế cuối cùng của anh. Ở thành phố Hồ Chí Minh, sáng ra chị Bình không thấy chồng, hốt hoảng gọi điện thoại cho bạn bè khắp nơi, gọi ra cả Đồng Hới, vẫn không có.
Thế là chị tức tốc mua vé tàu đi Huế...Vì biết Xuân Hoàng rất nặng tình với Huế ! Tìm được anh, chị lại nghe anh đọc những bài thơ mới, rồi “hả hả điệu cười rung mắt kính”, lại hỏi “ Hay không? mới không?”.
Anh Xuân Hoàng là một người suốt đời không giận ai. Gần anh ai cũng bị lôi cuốn bởi lối đọc thơ sang sảng, bởi những cú véo đau điếng, bởi điệu cười ha hả. 60 năm cầm bút đi theo cách mạng ngoài các tác phẩm để lại cho đời, anh đã lăn lộn trong mưa bom bão đạn mấy chục năm trời để xây dựng nên một đội ngũ nhà văn Quảng Bình rất sung sức.
Quảng Bình là tỉnh nghèo về kinh tế, nhưng Quảng Bình là “tỉnh giàu” về người cầm bút viết văn, làm thơ! Công đó có phần đóng góp không nhỏ của nhà thơ Xuân Hoàng. Vào tuổi 70, dù bị nhiều thứ bệnh nan y, anh vẫn thanh thản “Tự biết”:
Mắt không thấy rõ nữa rồi !
Buồn vui xin gửi xa vời bóng mây
Bâng quơ mấy khúc vơi đầy
Gửi mai sau, đợi cái ngày ra đi!
Thảnh thơi ngày tháng “vô vi”
Cuối cùng là cuộc chia ly nhẹ nhàng
Anh Xuân Hoàng ơi, những câu thơ buồn lắm, nhưng em lại nghe như anh vừa đọc xong, hả hả điệu cười rung mắt kính...
Nhà thơ Ngô Minh
Nhà thơ Xuân Hoàng. Một đêm nằm hầm với nhà thơ Xuân Hoàng
Dương Đức Quảng
Thấm thoát đã gần 5 năm nhà thơ Xuân Hoàng đi xa, tôi mãi mãi không còn được gặp anh. Vừa rồi, được tin nhà thơ Trần Nhật Thu mất ngày 31/10/2008 tại TP Hồ Chí Minh, thương nhớ Trần Nhật Thu, tôi lại nhớ tới những kỷ niệm cũ ở Quảng Bình với anh và với nhà thơ Xuân Hoàng, một nhà thơ "tài hoa và đãng trí" đã để lại trong tôi nhiều tình cảm và kỷ niệm không bao giờ quên. Tôi nhớ mãi một đêm nằm hầm với anh cách đây 40 năm. 1. Năm 1967, từ Hà Nội, tôi được cử vào làm phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thường trú lại Phân xã Quảng Bình và Khu vực Vĩnh Linh. Thời kỳ này cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng máy bay và tàu chiến của Mỹ diễn ra rất quyết liệt.
Khi ấy, nhà thơ Xuân Hoàng là Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình, cơ quan đóng gần Phân xã TTXVN. Là phóng viên trẻ lại yêu thích văn học, tôi hay sang chơi với các anh chị em ở Hội Văn nghệ, nghe anh Xuân Hoàng, anh Nguyễn Văn Dinh đọc thơ, anh Trần Công Tấn kể chuyện, nhất là chuyện tiếu lâm. Các anh quý mến, coi tôi như đứa em trong nhà.
Nhiều ngày chủ nhật, anh Trần Công Tấn còn kêu tôi đến nhà ăn bánh bèo, bánh khoái Huế do chị Bích An, vợ anh, và mẹ chị làm. Còn Trần Nhật Thu, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ... lúc đó mới về Hội, làm thơ chưa nhiều và chưa nổi tiếng như sau này, thì coi tôi như một người bạn, người anh cùng trang lứa, cùng sở thích văn chương, nên nhiều bữa có liên hoan hay họp mặt bạn bè văn chương đều kéo tôi sang chơi.
Anh Xuân Hoàng hơn tôi 20 tuổi, lại là thủ trưởng của một cơ quan được nhiều người nể trọng, nhưng không bao giờ "lên mặt" với chúng tôi. Trái lại anh coi tôi cũng như các anh chị em trẻ viết văn, làm báo như những người bạn vong niên, cư xử rất bình đẳng, nhiều khi lại quá hồn nhiên! Mỗi lần sang chơi, anh thường thân mật kéo tôi lại gần, say sưa đọc cho nghe một bài thơ anh mới làm, đọc xong thường hỏi: "Hay không? Được hỉ?".
Thú thật, nghe anh hỏi tôi không biết trả lời ra sao, nhiều khi chỉ biết cười cười để rồi lại được nghe anh đọc bài thơ khác. Nhà thơ Xuân Hoàng cũng chính là "bà đỡ" cho bài thơ Đồng Hới, bài thơ đầu tiên của tôi ra đời trên đất Quảng Bình, một vùng đất mà sau này, "Mấy chục năm vẫn còn xa ngái/ Tôi hiểu vì sao lại đắm đuối đất này".
Một kỷ niệm đối với nhà thơ Xuân Hoàng mà tôi không thể quên, đó là vào đêm 31/3/1968. Khi ấy, nhà thơ chưa có nhà riêng mà ở trong một căn nhà cấp 4 thuộc khu tập thể cơ quan Hội phụ nữ tỉnh, đóng ở thôn Phú Vinh, cách thị xã Đồng Hới gần chục cây số, vì chị Bình, vợ nhà thơ, làm Hội trưởng.
Sau bữa cơm chiều 31/3 tôi sang anh chơi. Như mọi lần, tôi chỉ định sang anh để được nghe anh đọc thơ anh mới làm, rồi dù khuya mấy cũng về. Nhưng đêm ấy, anh nhất định giữ tôi lại:
- Đêm nay cậu phải ở lại đây với mình. Cậu biết vì sao không? Vì đêm nay là đêm cuối cùng Mỹ còn ném bom miền Bắc, từ ngày mai chúng hết ném bom rồi! Giôn-xơn tuyên bố như vậy để chuẩn bị bước vào đàm phán với Chính phủ ta ở Hội nghị Pa-ri. Đêm nay hai anh em mình không ngủ, thức trắng càng vui!
Thế rồi anh kéo tôi xuống một chiếc hầm chữ A mà ở cơ quan nào thời đó cũng có; còn chị Bình và các cháu con anh chị ở một chiếc hầm khác. Đêm đó gần như tôi thức trắng để nghe anh đọc thơ và nghe anh kể về những năm tháng công tác của anh; từ những ngày đi dạy học (trước cách mạng tháng 8/1945) rồi chuyển sang làm báo, viết văn, làm thơ đến bây giờ.
Đêm hôm đó tôi mới biết anh không phải là người Quảng Bình, quê anh ở Tuy Phước, Bình Định, nhưng anh coi Quảng Bình là quê hương mình. Chả thế anh đặt tên cho cô con gái là Nhật Lệ, tên của dòng sông chảy qua thị xã Đồng Hới xinh đẹp.
Gần sáng, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, khi tỉnh dậy thấy ngoài cửa căn hầm đã sáng rõ. Chẳng hiểu anh Xuân Hoàng có ngủ được không, nhưng khi tôi tỉnh dậy thì thấy anh thức. Tôi nhổm dậy, nói với anh:
- Anh cho em về, sáng lắm rồi!
Anh Xuân Hoàng kéo tôi nằm xuống:
- Cậu đợi chút nữa hãy về!
Rồi anh cười, nói tiếp, nửa đùa nửa thật:
- Theo tuyên bố của Giôn-xơn, bây giờ Mỹ đã chấm dứt ném bom rồi, nhưng đừng ra khỏi hầm vội. Nhỡ biết đâu có thằng phi công nào vô kỷ luật, giờ này mới bay về, ngang qua đây còn sót quả bom chưa kịp ném nó ném xuống đây, mình chết thì có uổng không!
Tôi phì cười nghe anh nói, rồi lại nằm xuống cạnh anh, đợi thêm khoảng nửa tiếng đồng hồ nữa mới cùng anh chui ra khỏi hầm! Sau đó tôi mới biết, có lẽ do "đãng trí" nên anh Xuân Hoàng nghe nhầm. Tổng thống Mỹ Giôn-xơn chỉ tuyên bố từ ngày 31/3/1968 ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, đâu có ngừng ném bom Quảng Bình như anh tưởng!
2. Đầu năm 1971, tôi rời Quảng Bình đi B, vào làm phóng viên Thông tấn xã giải phóng tại Quảng Đà. Sau 30/4/1975, tôi về công tác tại Phân xã TTXVN tỉnh Phú Khánh (Phú Yên - Khánh Hoà), chưa có dịp trở lại Quảng Bình để thăm anh Xuân Hoàng và các anh, các chị cùng bạn bè cũ.
Một buổi chiều, có lẽ vào khoảng gần cuối năm 1975, vợ chồng tôi bất ngờ được đón một người khách đến thăm. Đó là một người đàn ông đứng tuổi, tóc bạc, cặp kính dầy cộp trên khuôn mặt xương xương quen thuộc, xuất hiện trước cửa căn phòng của chúng tôi ở 195 đường Hoàng Tử Cảnh (nay là đường Hoàng Văn Thụ), Nha Trang.
- Trời ơi, anh Xuân Hoàng!
Tôi vui mừng thốt lên.
Anh Xuân Hoàng nhìn tôi, vui vẻ:
- Chà, cậu vẫn không khác xưa mấy, có gày và xanh hơn ngày ở Quảng Bình một chút!
Rồi anh cho biết anh mới vào Nha Trang sáng nay. Gặp các anh ở Hội Văn nghệ tỉnh Phú Khánh, biết vợ chồng tôi ở đây nên anh tìm đến thăm ngay.
Quá bất ngờ và quá vui, vợ chồng tôi giữ anh ở lại chơi thật lâu, nhưng anh từ chối, chỉ ở lại thăm chúng tôi một ngày, tặng chúng tôi hai tập thơ của anh, tập “Hương đất biển”, xuất bản năm 1971, năm tôi rời Quảng Bình, và tập “Biển và bờ”, mới xuất bản năm 1974. Cũng chính trong lần đến thăm đó, anh đã đọc cho tôi nghe bài thơ anh mới viết về Sông Cầu, cái thị trấn nhỏ bé của Phú Yên với những rặng dừa xanh bên bờ biển rất đẹp, rất nên thơ: "Thị trấn đẹp như một lời tiễn biệt/ Xanh điệp trùng núi biển đứng bên nhau.../ Những hàng dừa tấp nập dọc đường mau/ Dãy phố trắng đứng trong mưa lặng lẽ.../ Xe qua rồi, chút nhớ vẫn lâng lâng/ Thị trấn trắng đứng trong lời tiễn biệt...".
Sau lần ấy, tôi ít có dịp về lại Quảng Bình và cũng ít qua Huế để thăm anh. Nhiều năm sau, khi tôi chuyển công tác ra Hà Nội thì được tin anh chị đã về hưu. Và, cũng như nhà văn Trần Công Tấn, nhà thơ Trần Nhật Thu trước đó, vợ chồng nhà thơ Xuân Hoàng chuyển hẳn vào TP. Hồ Chí Minh ở với các con.
3. Cuối năm 2003, trong một cuộc họp báo tại TP Hồ Chí Minh, tôi gặp một nữ nhà báo xinh đẹp công tác tại Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại TP Hồ Chí Minh. Không ngờ nữ nhà báo đó lại là Nhật Lệ, con gái của nhà thơ Xuân Hoàng. Nhật Lệ báo tin cho tôi biết cha cô mới bị xuất huyết não, nay tuy đã qua khỏi cơn nguy kịch, sức khoẻ phục hồi dần, nhưng vẫn không mấy khả quan.
Tôi vội vã đến thăm anh. Anh chị ở cùng Nhật Lệ trong một căn nhà nhỏ, sâu trong một con hẻm thuộc quận Tân Bình. Khi tôi đến thăm, anh đang ngồi trên một chiếc xe lăn ở ngoài hiên nhà, tay cầm một cuốn sách, ngước nhìn tôi, cười, nhưng vô cảm.
Kể từ lần anh đến thăm vợ chồng tôi ở Nha Trang năm 1975, đến nay đã 28 năm tôi mới gặp lại anh. Còn chị Bình thì phải đến 32 năm tôi mới gặp lại. Chị cho tôi biết, trong lần họp đại hội chi bộ mới đây, anh vẫn còn khỏe, còn hăng hái phát biểu ý kiến đóng góp với chi bộ, chi ủy. Đến lúc nhận phiếu bầu cử, chị thấy anh cứ cầm chiếc bút bi vẽ mãi một vòng tròn trên tờ phiếu trắng, chưa ghi tên một ai để bầu vào cấp uỷ. Chỉ một lát sau anh từ từ gục xuống ghế. Anh bị xuất huyết não! Chị và mọi người hoảng hốt gọi xe, đưa ngay anh đi cấp cứu. Rất may, nhờ cấp cứu kịp thời mà anh qua cơn nguy kịch, hồi phục được như bây giờ.
Chị Bình cố gắng giới thiệu, còn tôi cố gợi chuyện cũ xem anh có nhận ra mình không, nhưng vô ích. Anh vẫn không nhận ra tôi. Tôi nhìn anh đang chăm chú để mắt vào quyển sách trên tay, như thể đang mải mê đọc, nhưng quyển sách lại bị đặt ngược, mà ứa nước mắt, chỉ mong anh còn tỉnh, nhận ra mình!
Nhà thơ Xuân Hoàng là tác giả của nhiều tập thơ, tập sách được nhiều người biết đến, như: “Tiếng hát quê hương”, “Miền Trung”, “Hương đất biển”, “Biển và bờ”, “Dải đất vùng trời”, “Về một miền gió thổi”, “Thơ tình gửi Huế”, “Âm vang thời chưa xa”... Năm 2007, anh được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Sau lần đến thăm anh ít lâu, tôi được tin ngày 3 Tết Giáp Thân 2004 anh mất mà không thể vào TP Hồ Chí Minh để tiễn biệt anh. Nhớ anh, tôi nhớ từng kỷ niệm nhỏ về anh, nhớ cả những câu chuyện đáng yêu về tính đãng trí của anh mà bạn bè kể, từ chuyện đưa con đi khám bệnh rồi bỏ quên con ở bệnh viện, chuyện giặt nhầm chậu quần áo của nhà hàng xóm tưởng chậu quần áo của nhà mình cùng để trong nhà tắm tập thể, đến chuyện gặp bạn giữa đường, vui bạn vui bè, cứ thế cùng bạn lên xe lửa đi chơi cả tuần mà không báo về nhà, để vợ con lo lắng đi khắp nơi kiếm tìm!
Sau ngày anh Xuân Hoàng mất một thời gian, qua một bài báo của Hồ Ngọc Diệp, tôi mới biết, trước khi mất 16 năm, tháng 11/1988, khi đang còn khoẻ, anh Xuân Hoàng đã làm một bài thơ cho ngày mình tạ thế.
Đọc bài thơ của anh viết về ngày tạ thế của mình, tôi thật sự cảm phục và xúc động trước sự ung dung, tự tại của một con người yêu đời, từng trải, luôn luôn thanh thản, chủ động đón nhận mọi điều sẽ đến với mình, kể cả cái chết: "...Tôi chết nay mai chuyện quá thường/ Một lời cáo phó, ít tuần hương/ Người ta đọc điếu văn bên huyệt/ Rồi mỗi người đi một nẻo đường.../ Có nghĩa gì đâu, quán trọ đời/ Đến rồi đi đấy, thiệt mà chơi/ Không còn viễn ảnh gì lưu niệm/ Ngoài sắc thời gian tím tuyệt vời.../ Thôi được, rồi đây tôi sẽ đi/ Hãy xem như đó, một chu kỳ/ Bởi tôi là đất, tôi về đất/ Tôi chẳng đòi xin một chút gì".
Thế là, những nhà thơ tôi từng quen biết ở Quảng Bình ngày nào, như Hải Bằng, Xuân Hoàng, Trần Nhật Thu... đều đã lần lượt ra đi. Những ngày này, nhớ các anh, tôi lại càng nhớ Quảng Bình, nhớ tới đêm nằm hầm chữ A với anh Xuân Hoàng 40 năm trước. Tiếng cười và câu nói nửa đùa nửa thật của anh năm nào còn như văng vẳng bên tai tôi: "Nhỡ biết đâu có thằng phi công nào vô kỷ luật, giờ này mới bay về, ngang qua đây còn sót quả bom chưa kịp ném nó ném xuống đây, mình chết thì có uổng không!".
Bây giờ, nhà thơ Xuân Hoàng đã thành người thiên cổ, mãi mãi về với đất lành của tổ tiên, "chẳng đòi xin một chút gì" cho riêng mình!
Gió mưa là bệnh của trời...
Tương tư là bệnh của tôi với ...nàng!!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét