23/9/12

CÔNG BẰNG CHO MỘT NGƯỜI ĐÃ KHUẤT


Sep 23, 2012 5:01 PMPublicPageviews 2665
Trackback from



"CÔNG BẰNG CHO MỘT NGƯỜI ĐÃ KHUẤT" là tựa đề bài viết của hai nhà báo lão thành cách mạng Hữu Thọ và Nguyễn Sinh. trong đó ông Hữu Thọ nguyên là UVTƯ, nguyên trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương , nguyên trợ lý tổng bí thư, viết về Người đã khuất.

     Hoài nhớ xin trân trọng giới thiệu đến mọi người cùng xem.

Ngoài ra 
" Lời tâm tình gửi đến anh.... " của Ông Lại Văn Ly nguyên trưởng ty GTVT- Quảng Bình, nguyên bí thư thị ủy Đồng Hới, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên và Nhà văn Trần Công Tấn, hôi viên hội nhà văn Việt nam, tổng biên tập báo cao su là những tình cảm thân thương quý trọng gửi đến người đã khuất, cũng như khắc họa chân dung Ông, cung cấp cho người đọc một cái nhìn toàn diện hơn về Ông để thông cảm sẽ chia với cuộc đời ông...một ẩn số chưa có lời giải.

                                                                         *********
                                                                                                               
     Người đó là ông Nguyễn Tư Thoan, cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.
Hai chục năm sau ngày ông qua đời, một số cán bộ từng đóng vai trò chủ chốt trong tỉnh, nay ở tuổi bảy, tám mươi, đã tìm gặp lại nhau, bàn bạc cho ra đời một cuốn sách nói về ông. Sách có tên: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thời đất lửa đã được nhà xuất bản Thuận Hóa in và phát hành vào đầu năm 2011.
Bằng nhiều mẩu chuyện thật, một số bài thơ và ảnh, sách dựng lại chân dung một con người dũng mãnh, quyết đoán, sống hết mình vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng.
Năm 1946, theo lời kể trong cuốn sách, Nguyễn Tư Thoan được chi bộ địa phương (xã Hoàng Hoa Thám, nay là xã Hoa Thủy, Huyện Lệ Thủy) kết nạp vào Đảng. Năm 1947, thực dân Pháp đánh chiếm Quảng Bình, người đảng viên trẻ được cử làm cán bộ Công an huyện, sau đó ít lâu trúng cử vào Huyện ủy phụ trách Quân sự.
Năm 1949 - 1950, Tỉnh ủy Quảng Bình điều ông sang làm Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh. Là huyện lớn, nằm quanh Thị xã Đồng Hới, lúc đó đang bị địch đánh phá dữ dội. Nguyễn Tư Thoan tự mình tìm hiểu tình hình bằng cách luồn sâu vào các thôn xã bị địch tạm chiếm. Ông thấy tình hình trong huyện quả thật hết sức khó khăn. Nhưng khó khăn không phải do địch quá mạnh hay nhân dân giảm sút lòng tin ở kháng chiến. Chính là do một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút tinh thần, bỏ đất, bỏ dân, chạy tuốt lên chiến khu tận chân núi Trường Sơn. Trong một cuộc họp Huyện ủy có Bí thư Tỉnh ủy về dự, ông nói thẳng suy nghĩ của mình và đề xuất một sáng kiến táo bạo: đốt chiến khu. Đốt sạch lán trại, hầm hào, vật nuôi, cây trồng…, cho cán bộ, đảng viên và một số đơn vị bộ đội địa phương “xuống núi” bám đất, bám dân. Đề nghị của ông được hội nghị chấp nhận và ghi vào Nghị quyết của Huyện ủy. Cuộc “đốt chiến khu” bắt đầu từ đêm 15 tháng 7 năm 1949 trở thành ngày Quảng Bình quật khởi, được ghi vào lịch sử của tỉnh này. Tình hình huyện Quảng Ninh từ đó thay đổi hẳn. Lòng dân phấn chấn, địch co cụm trong đồn bốt, tề ngụy ra đầu hàng hoặc nằm im…
Năm 1951 – 1952, ông Nguyễn Tư Thoan trở thành Phó bí thư Tỉnh ủy, được Hội đồng nhân dân tỉnh bầu làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến, Hành chính tỉnh. Từ tháng 3 năm 1959 ông là Bí thư Tỉnh ủy.
Mười năm hòa bình, chưa kịp gắn lành vết thương chiến tranh, Quảng Bình lại bị đẩy vào cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chọn vùng đất hẹp nhất, hiểm trở nhất, lắm sông, nhiều bến phà, cầu, cống…Kẻ thù muốn dốc hết các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, kể cả pháo đài bay B52, hòng bịt chặt con đường huyết mạch nối hậu phương với tiền tuyến. Được Tổ quốc giao nhiệm vụ chiến đấu, nhân dân Quảng Bình sẵn sàng. Nguyễn Tư Thoan, một lần nữa xứng đáng là vị Tư lệnh tài ba, đầy bản lĩnh.
Nhân dịp Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 100, Hồ Chủ Tịch gửi thư khen. Trong thư Bác có câu: “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Nguyễn Tư Thoan chộp ngay ý đó. Ông đề nghị với Tỉnh ủy phát động một phong trào thi đua rầm rộ đặt tên là Hai giỏi. Trong suốt những năm ấy, Hai giỏi đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn, đủ sức chống chọi với kẻ thù tàn bạo. Quãng đường, bến phà chạy qua xóm thôn nào thì nhân dân xóm thôn đó cùng với lực lượng công binh, thanh niên xung phong, công nhân giao thông lo bảo vệ. Hàng hóa trước khi vào Nam được rải khắp nơi, chỉ có nhân dân bảo vệ mới không bị mất mát, hư hao. Từ đó ra đời những câu ca như “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “đường chưa thông, không tiếc máu” hoặc“cho không lấy, thấy không xin, của công giữ gìn, của rơi trả lại”.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thường có mặt ở những nơi bị đánh phá ác liệt nhất (gọi là “trọng điểm”). Khi bến phà sông Gianh bị máy bay Mỹ đánh rát, bị tắc hàng tháng trời. Chính ông đã cùng Bí thư Huyện ủy huyện Bố Trạch, Huyện ủy Quảng Trạch, Trưởng ty Giao thông đến tận nơi. Ban ngày nói chuyện cách đánh của máy bay địch, cách chống trả của ta, tìm chỗ yếu, chỗ mạnh…Tối đến, ông khoác tấm dù trắng đứng trên mố phà phía nam, để công nhân yên tâm cho phà rời bến. Đêm đó, địch vẫn thả đèn dù, vẫn đánh mạnh, ta cứ chạy phà theo kế hoạch đã bàn. Hơn chục chuyến phà mang theo xe chở đầy hàng vượt sông Gianh rộng hơn cây số. Từ đó phà hết tắc…
Những lần đến “trọng điểm” như vậy, được ông Nguyễn Tư Thoan đúc kết, tạo ra các bài học “Hai giỏi” để phổ biến khắp toàn tỉnh.
Năm 1968, tổng kết phong trào thi đua Hai giỏi, Quảng Bình được Đảng và Nhà nước tôn vinh: “ngọn cờ đầu thắng Mỹ”, được tặng thưởng hai Huân chương Độc lập. Một vinh dự hiếm có lúc bấy giờ.

*  *  *

Quảng Bình nghèo, dân ăn khoai ăn sắn nhiều hơn ăn gạo. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình ngày đêm lo nghĩ về việc đó. Đi đến đâu, ở cuộc họp nào, ông cũng nhắc đi nhắc lại câu: “Vác rá ra Trung ương xin gạo là nỗi nhục, phải cố lên mà xóa đi”. Muốn xóa nhục, phải dốc sức làm thủy lợi. Tỉnh ủy đã có nghị quyết. Nhưng dưới các trận mưa bom, làm thủy lợi không dễ, chưa kể đến thiếu tiền, thiếu vật tư, kỹ thuật…Chính trên mặt trận này, Nguyễn Tư Thoan cũng là người đi đầu. Ông cùng với các cán bộ kỹ thuật của Ty Thủy lợi đi tìm nơi xây dựng công trình, tham gia khảo sát góp ý kiến với họ về tổ chức thi công, làm sao để vừa tăng năng suất, vừa bảo toàn được lực lượng lao động. Một loạt đập, hồ như Đá Mài, Tiên Lang, Đập Bẹ, Cẩm Ly, Vực Tròn, Mỹ Trung đã ra đời. Nổi tiếng nhất là Đập Rào Nan ở huyện Quảng Trạch, công trình ngăn nước mặn, cứu đói, cứu khát cho hơn vạn dân. Công trình được làm xong vào năm 1969, đến nay, sau hơn 40 năm sử dụng vẫn tốt nguyên. Dân các xã phía nam huyện Quảng Trạch vẫn gọi là đập Ông Thoan và xin được góp công, góp của để xây ngôi miếu thờ ông.

*  *  *

Con người được nhân dân tôn thờ như vậy, lúc còn sống, còn làm việc lại là người rất giản dị, thanh khiết. Ông có bảy người con, ba trai, bốn gái. Hai người con trai lớn khi đến tuổi đều gia nhập quân đội. Một  người là chiến sĩ trinh sát, thương binh nặng, nay đã mất. Một là chiến sĩ Hải quân, thuộc đường mòn trên biển. Gần như suốt đời ông và gia đình sống chung trong nhà tập thể cơ quan. Đến lúc về hưu mới tự làm lấy ngôi nhà nhỏ hai gian bằng gỗ ở Cộn (xã Nghĩa Ninh). Ông ra đi không để lại gì đáng kể cho vợ con, ngoài tấm gương sáng là chính mình.

*  *  *

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thời đất lửa” ra đời. Các tác giả, đồng chí, bạn cũ của ông muốn gừi vào đó lời ca ngợi, nỗi day dứt từ bấy lâu nay.
Năm 1974, Nguyễn Tư Thoan được gọi ra Hà Nội, bị đưa ra khỏi Đảng, chuyển sang làm chuyên viên ở Ban Nông nghiệp Trung ương một thời gian trước lúc về hưuLý do duy nhất là “có vấn đề về lịch sử cá nhân” trước Cách mạng tháng Tám. Lý do đó, nếu có, là dấu nhọ của phần đời quá khứ, đã bị chính ông Thoan cắt lìa, vứt bỏ hoàn toàn sau khi được giác ngộ. Từ đó ông là con người hoàn toàn khác, con người của cách mạng, toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng. Vì không được phổ biến công khai cho nên mãi đến bây giờ vẫn còn lơ lửng ở nơi này nơi nọ những tiếng xì xầm về “tên gián điệp của đế quốc leo cao đến tận chức Bí thư Tỉnh ủy”.  Công lao to lớn Nguyễn Tư Thoan cống hiến cho Quảng Bình trong chiến tranh, trong xây dựng gần như bị lãng quên. Dù đã muộn, nhưng chưa quá muộn, chúng ta nên ngoảnh lại, tìm sự công bằng cho con người đáng được tin yêu, kính trọng đó. Ghi công cho ông, truy tặng những gì ông đáng được. Trên hết khôi phục cho ông danh hiệu cao quý: đảng viên. Đó là nguyện vọng chung của đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Bình và gia đình ông.
Là phóng viên báo Nhân dân thường trú tại Quảng Bình, Vĩnh Linh trong thời đánh Mỹ, hai chúng tôi, những người viết bài này, biết ông Nguyễn Tư Thoan và đóng góp lớn lao của ông cho tỉnh Quảng Bình, cho cả nước, chúng tôi xin được góp thêm tiếng nói đồng tình./.

Hà Nội, tháng 4 – 2011
       Hữu Thọ và Nguyễn Sinh
Lời tâm tình đối với ANH NGUYỄN TƯ THOAN

I. Anh Nguyễn Tư Thoan là một cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình qua hàng chục năm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Anh đã từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy, trong thời gian lâu nhất so với các đồng chí khác. Theo tôi hiểu, do những lý do sau đây:
- Trong công tác lãnh đạo, anh Thoan biết nắm bắt đường lối chủ trương của Đảng một cách kịp thời. Là người lãnh đạo có bản lĩnh và kiên định lập trường cách mạng.
- Biết vận dụng các Nghị quyết của Trung ương vào đặc điểm tình hình địa phương một cách sáng tạo.
- Thường xuyên đi sát cơ sở, phát hiện cái mới, biết tổng kết đúc rút kinh nghiệm công tác trong từng thời kỳ.
Đặc biệt trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, anh Thoan luôn xông xáo gan dạ. Trên các mặt trận chiến đấu, sản xuất, giao thông, thủy lợi, chi viện cách mạng miền Nam…đều mang tính chiến đấu cao, có những quyết định đúng đắn, đã góp phần quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng Quảng Bình thành quê hương của phong trào thi đua “Hai giỏi”, được cả nước tin yêu.
Những ưu điểm cơ bản của anh Thoan đã truyền cảm cho cán bộ đảng viên trong tỉnh tư tưởng tiến công cách mạng, tăng thêm cho họ sức mạnh chiến đấu, vượt qua mọi gian nguy thử thách. Bản thân tôi đã được học tập ở anh Thoan nhiều điều bổ ích trong công tác.

II. Trong quá trình lãnh đạo, anh Thoan thường nghiêm khắc đối với những biểu hiện tiêu cực hoặc cố ý làm sai ý kiến lãnh đạo của Tỉnh ủy, nên có những người bị đụng chạm cá nhân, qui kết cho anh là mất dân chủ, độc đoán, đâm ra bất mãn, nói bậy.
Hơn nữa, lúc đó có những kẻ cơ hội, lợi dụng, kích động, cố tình xuyên tạc, cốt làm mất uy tính của anh Thoan hòng chia rẽ nội bộ.
Nhưng tôi thiết nghĩ, những điều đó không thể phủ nhận được công lao cống hiến của anhThoan đối với nhân dân Quảng Bình và đối với sự nghiệp cách mạng.

III. Anh Thoan ơi! Hôm nay ghi lại mấy lời tâm sự, biểu thị tình cảm thân thương và kính mến đối với anh.
Xin cầu chúc hương hồn anh Nguyễn Tư Thoan được siêu thoát ở cõi vĩnh hằng./.

                                                                                                                               LạiVănLy
ANH THOAN ƠI!

Những ngày Mỹ đánh phá rất dữ dội vào mảnh đất hẹp Quảng Bình. Trên trời thì máy bay Mỹ lao vun vút, bay đi ném bom. Ngoài biển thì hạm tàu Mỹ bắn đại bác vào, cứ ầm ầm tiếng bom đạn nổ suốt đêm, ngày. Tuy vậy, Hội Nhà văn vẫn cử một đoàn vào với Quảng Bình do anh Chế Lan Viên dẫn đầu. Anh Chế nói: “Mình muốn đưa đoàn đến thăm anh Thoan. Nghe anh này cũng yêu thơ và có làm thơ. Nhưng ngại anh bận. Tấn xem, thăm dò thử, có nên đến Tỉnh ủy không. Ngại quấy rầy các anh lãnh đạo”…
Tôi đến Tây Thành, nơi sơ tán của Tỉnh ủy gặp anh Thoan, nói với anh ý định của nhà thơ Chế Lan Viên. Anh Thoan hỏi đoàn có mấy người, ngoài nhà thơ Chế Lan Viên còn những ai. Tôi kể đoàn có sáu người, thơ thì có thêm anh Phạm Hổ, chị Anh Thơ. Văn thì có anh Bùi Hiển, Võ Huy Tâm, Nguyễn Kiên…
Anh Thoan tỏ vẻ vui mừng, kêu lên: “Trời ơi! Toàn là những nhà văn, nhà thơ lớn, nổi tiếng. Có yêu quý Quảng Bình lắm họ mới tìm đến với chúng ta trong lúc bom đạn này. Đáng lẽ tôi phải xin đi gặp để thăm các anh chị ấy”. Nói rồi, anh Thoan bàn với Chánh văn phòng Phan Xuân Thiết: “Ta phải chuẩn bị đón đoàn văn nghệ sĩ vào chiều mai. Không có gì tặng thì ta chuẩn bị biếu các anh chị ấy một ít nón “bài thơ” tốt nhất, đẹp nhất của quê hương Quảng Bình”…
Khi tôi chào ra về, anh hãy còn vẫy lại hỏi: “Các anh chị ấy có khỏe không. Đã đi được những đâu trong tỉnh. Anh Tấn nên qua bên Ban bảo vệ sức khỏe, xin một ít thuốc bổ biếu họ dưỡng sức, như tìm được ít cao khỉ, ban long, hà sa đại táo, sâm viên, sâm bột gì đó chẳng hạn… Anh nói với Ban là tôi muốn xin để bồi dưỡng sức khỏe các anh chị nhà văn, nhà thơ ở Trung ương vào công tác”.
Việc quan tâm của anh Thoan đối với văn nghệ sĩ, tôi không ngạc nhiên lắm. Bởi vì mấy năm đánh Mỹ sống ở Quảng Bình, anh Thoan đã có ý kiến với Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh để cấp cho Xuân Hoàng và tôi sổ mua hàng, gọi là “sổ văn nghệ sĩ”, có tiêu chuẩn đặc biệt để mua các loại hàng cần thiết mà khan hiếm như đường, sữa, trà, thuốc lá…Lại còn cấp sổ khám sức khỏe riêng và thuốc bổ do Ban bảo vệ sức khỏe cấp. Ngay cái chỗ ngồi khi họp hành anh cũng có ý kiến với văn phòng sắp xếp cho hai nhà văn, thơ của tỉnh được ngồi cùng chỗ với Thường vụ tỉnh ủy.
Cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với anh Chế Lan Viên của bí thư tỉnh ủy diễn ra thật cảm động. Anh chị em trong đoàn chỉ nghe trên đài phát thanh và báo chí ca ngợi người bí thư tỉnh ủy dũng cảm, năng động, sáng tạo…lãnh đạo hàng chục vạn quân, dân Quảng Bình sản xuất và đánh giặc giỏi, nhưng chưa bao giờ biết tình cảm riêng của anh Thoan và tâm hồn nghệ sĩ của anh. Họ rất ngạc nhiên khi anh Thoan thuộc lòng những bài thơ trong tập “Điêu tàn” của Chế Lan Viên và “Bức tranh quê” của chị Anh Thơ. Lại còn thuộc cả thơ của Phạm Hổ viết cho thiếu nhi. Anh Thoan cảm ơn riêng anh Chế Lan Viên và Bùi Hiển đã ra, vào nhiều lần và bám trụ những vùng ác liệt ở Quảng Bình – Vĩnh Linh để sáng tác. Anh Thoan nhắc đến truyện ngắn “Nằm Vạ” của anh Bùi Hiển và nói vui: “Cảm ơn anh Bùi HIển đã vào “nằm vạ giữa bom đạn” cùng chia sẻ gian khổ với chúng tôi”.
Mọi người vỗ tay cười vui. Anh Chế Lan Viên, Phạm Hổ, chị  Anh Thơ đọc mấy bài thơ vừa sáng tác ở Quảng Bình. Trong không khí vui vẻ đó, anh Thoan cũng xin đọc thơ. Mọi người chăm chú lắng nghe anh Thoan đọc bài thơ anh mới làm viết về đồng chí bí thư chi bộ xã Thạch Hóa. Đó là bài thơ “Nhớ đồng chí Phùng”
Bài thơ dài, có đoạn như sau:
                   Cùng bí thư xã, ra đồng thăm lúa
                   Trên miệng hố bom lúa đứng thẳng hàng
                   Tôi hỏi: “Lúa đội mô mà tốt rứa?”
                   Đồng chí trả lời: “Của đội Hồng Sơn
                   “Đội ni, trước đây gian nan, khổ lắm
                   Nửa ở trên bờ, nửa ở dưới sông
                   Lương, giáo hai chòm chưa hợp lại
                   Kẻ xuôi người ngược khá long đong”
                   Rồi chi bộ cử đồng chí Phùng phụ trách
                   Đoàn kết giáo lương, gắn bó chân tình
                   Tất cả đều bám làng chiến đấu
                   Bám hố bom sản xuất thâm canh…
Đọc đến đoạn anh Phùng bị bom Mỹ giết chết và sự tiếc thương của nông dân, giọng anh Thoan như nghẹn lại, mắt anh rưng rưng làm người nghe đều xúc động…
Trên đường về nơi nghỉ, anh Chế Lan Viên nói: “Hoàng và Tấn về thâm nhập sáng tác ở Quảng Bình, nơi đồng chí bí thư có tâm hồn nghệ sĩ như vậy, thì thật là hạnh phúc”.
Đúng với tôi, anh Thoan là người chân tình chăm sóc. Không chỉ riêng việc nhắc nhở các bác sĩ, các cán bộ tổ chức chăm sóc sức khỏe và điều kiện sinh hoạt trong chiến tranh của chúng tôi, mà riêng với tôi, anh quan tâm đến từng trang viết trong tác phẩm của tôi. Nghe tôi đang viết về anh hùng ngành ngư nghiệp Nguyễn Thị Khíu, anh nhắn gửi bản thảo ra cho anh đọc. Công việc chỉ đạo một tỉnh đang bị Mỹ đánh phá ác liệt như vậy, mà chỉ sau năm hôm, anh đã đọc xong cuốn sách dày ngót ba trăm trang và gọi tôi ra nhận lại bản thảo.
Tôi đến nhà hầm của bí thư Tỉnh ủy, thấy anh Thoan đang kêu to trên máy điện thoại: “Phải huy động mọi lực lượng phá bom nổ chậm, san lấp ngay hố bom trên mặt đường kịp cho xe thông tối nay”. Giọng anh như van lơn: “Các đồng chí ơi! Miền Nam đang cần người, cần gạo, cần đạn. Cố gắng đưa hết sức người mà thông đường… Tối nay tôi sẽ đến chỗ các đồng chí”.
Trước lúc đến chỗ đường tắc ở Quảng Phúc, gần bến phà sông Gianh, anh Thoan vẫn ngồi cả giờ để góp ý cho tôi sửa cuốn sách “Đường ra biển rộng”
Không chỉ cuốn sách trên, mà về sau này, trong bảy cuốn sách tôi viết về Quảng Bình, nói về các anh hùng, về quân dân Quảng Bình đã kiên cường chiến đấu dưới bom đạn Mỹ như “Tiếng nói dưới dòng sông, Dòng suối mát, Cô pháo thủ, Chớp biển, Chỗ gặp nhau, Những bông cỏ mặt trời…” đều có sự góp ý của anh Thoan.
Tôi nhớ có một đêm trăng, khi tôi ghé thăm anh, chúng tôi bỏ căn nhà hầm ra ngồi trước sân ngắm trăng tròn và sáng vằng vặc. Anh đọc thơ cho tôi nghe và mơ ước: “Hết chiến tranh, mình thôi nghề bí thư để khỏi bí thơ. Lúc đó mình sẽ làm những bài thơ kể lại chuyện hôm nay”. Rồi giọng anh tâm tình: “Tấn ạ!Nghề của cậu thật hạnh phúc. Cậu nên viết nhiều đến những chuyện về những con người hôm nay, giữ lại mai sau cho con cháu chúng ta. Để chúng hiểu cha ông chúng ta đã đánh giặc, giữ nước và phải chịu đựng biết bao khó khăn gian khổ, hy sinh như thế nào, chúng nó mới có trách nhiệm đối với nhân dân và Tổ quốc”.
Trời khuya, trăng vẫn sáng, nhưng máy bay giặc Mỹ ngày càng bay lượn hoạt động ráo riết hơn. Bom nổ rền dưới đường quốc lộ. Anh Thoan đưa tôi xuống nhà hầm. Rồi anh bưng ra một cái bát, hai đôi đũa và nói: “Bánh bột lọc mụ Lan để dành. Ta ăn bánh rồi đi ngủ”… Chị Lan vợ anh Thoan là đồng hương Huế với cô giáo Phan Bích An. Cháu Hòa con anh chị là học trò của vợ tôi. Trong thời buổi chiến tranh, có được cái bánh bột củ khoai mì cũng là món ăn quý hiếm để đãi đằng nhau. Chúng tôi ăn ngon lành rồi rút xuống căn hầm ngủ…

*  *   *

Nhớ lời động viên chân tình của anh Thoan, tôi đã viết nhiều nhân vật và đơn vị anh hùng của Quảng Bình. Năm 1971, tôi vào chiến trường B rồi ở miết công tác trong Nam . Cho đến tận năm 1989, mới được tin anh đã về hưu và qua đời tại Quảng Bình. Và giờ đây, sau hơn hai mươi năm anh mất, tôi vẫn viết về Quảng Bình trong chiến đấu chống Pháp và đánh Mỹ. Cuốn sách mới nhất của tôi để nhớ đến Quảng Bình, nhớ đến lời động viên của anh Thoan vừa in xong. Đó là cuốn “Dòng sông Son vẫn trong xanh”.
Anh Thoan ơi! Anh em văn nghệ sĩ vẫn không bao giờ quên a

                                                                                                                                                                                        Trần Công Tấn

Đăng nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét