Nguồn trích từ http://nguyễn doan manh
Năm 1966, Hà Nhật có bài thơ viết về Trúc Ly, bài thơ không dài, chỉ có 21 câu theo thể thơ tự do với ba câu kết :
“ Trúc ly, Trúc ly
Trúc ly, Trúc ly”
Như số phận và tâm hồn dân tộc
Hoài Nhớ tôi rất thích bài thơ này và nhớ hoài về những kỷ niệm một thời gian khổ khi cả nước cùng lên đường ra trận cũng như hoàn cảnh xuất xứ của bài thơ này. Mở đầu bài thơ, tác giả viết :
Tên dịu dàng như một khúc ca
Tên ngân dài như một tiếng nôi đưa
Tên gọi đẹp như là tên thiếu nữ
Như âm vang từ trong câu chuyện
Đây cũng lời tự bạch của nhà thơ ! Vâng , Trúc Ly không phải là tên của một khúc ca dịu dàng, không phải là tiếng kẻo kẹt đưa nôi và tiếng ầu ơ ru con của những người mẹ trẻ, cũng không phải là tên gọi riêng dành cho những thiếu nữ yêu kiều xinh đẹp và kiêu sa. Trúc ly, càng không phải là tên của một cô học trò nào mà tác giả thầm yêu và trộm nhớ. Mà như câu tiếp theo, nhà thơ cho biết Trúc ly, Trúc ly “như âm vang từ trong câu chuyện”.
Một câu chuyện có thật, rất nhân văn mà Hoài Nhớ tôi nhớ hoài dù thời gian đã trôi qua ngót nghét gần cả nữa thế kỷ.
Vậy Trúc ly là gì mà nhà thơ lại “ghiền” và “yêu” đến vậy?
Hãy nghe lời lý giải của tác giả.
Trúc Ly , Trúc Ly
Những bình minh sương trắng toả mờ
Những trưa hạ lùm tre chim cu gáy
Những chiều tím khi mặt trời xuống núi
Nghe mênh mang một tiếng gọi Đò
Đọc đến đây chắc chúng ta phần nào đã hình dung ra tình ý của tác giả và trước mắt bạn đã thấy xuất hiện một dòng sông êm đềm , thơ mộng đang lững lờ chảy và xuất hiện trước mắt nhà thơ , một con đò chở khách sang ngang…một tiếng gọi đò nghe mênh mang… mênh mang.
Đoạn này, nhà thơ đã nói thẳng vào cái nơi mà nhà thơ muốn nói :
Trúc Ly, Trúc Ly
Êm êm bến nước
Nơi gặp gỡ những chân người xuôi ngược
Và những kỷ niệm của nhà thơ với Trúc Ly, Trúc Ly nơi nhà thơ đã đi qua thì không sao quên được
Bóng nhỏ một con đò
Đi về trong lữa thép
Đi về trong đạn bom
Chưa một ngày thiếu mặt
Ba câu kết, như trong phần mở đầu của bài viết này, nhà thơ lại gọi tên:
Trúc Ly, Trúc Ly
Trúc Ly, Trúc Ly
Như số phận và tâm hồn dân tộc
Ba câu kết này, không đơn thuần chỉ là tiếng gọi để hoài nhớ về một kỷ niệm, mà ngày đó nhà thơ còn muốn gửi một thông điệp đến mai sau , đến với tương lai… Số phận và tâm hồn dân tộc luôn gắn với những dòng sông, những con đò… cây đa , giếng nước , sân đình. Trong đó bến đò Trúc Ly, ngày đó ở vùng Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh mà tác giả Hà Nhật lấy nó nguồn cảm hứng cho sáng tác bài thơ Trúc Ly đậm chất nhân văn, trải dài theo năm tháng , Động mãi trong lòng những ai trong đời đã một đôi lần đi qua bến đò ấy ! Trúc Ly. Và nếu tâm hồn dân tộc ấy không còn hay phai mờ trong ký ức thì số phận dân tộc, không biết sẽ về đâu.
Bài thơ tuy ngắn, nhưng ý thơ và tình thơ lại nhẹ nhàng, không bay bướm , không khách sáo như cái tình của con người Hà Nhật vậy.
Hoàn cảnh xuất xứ của bài thơ.
Năm 1965, chiến tranh xảy ra, cả thị xã Đồng Hới phải đi sơ tán. Thầy trò trường cấp 3 Quảng Bình chuyển lên xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh để tiếp tục dạy và học. Con đường hun hút lại cách sông trở đò. Cầu Dài Đồng Hới bị đánh gãy nhịp nào là được nối lại nhịp đó để đi. Đến khi cầu bị đánh sập hoàn toàn thì đi bằng cầu phao và rồi cầu phao cũng bị đánh thì phải “luỵ đò” ấy là con đò thứ nhất. Qua được cầu dài, muốn tránh bị máy bay thả bom trên tuyến quốc lộ 1A và đường 15 thì chỉ có phải qua sông Long Đại tại bến đò Trúc Ly. Đây được xem là tuyến đường huyết mạch dành cho thầy trò trường cấp ba Quảng Bình đến trường và con đường hành quân vào, ra mặt trận của những đoàn binh phơi phới tuổi hai mươi xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước. Bến đò trúc ly là nơi gặp nhau , đợi chờ của từng đoàn , từng đoàn học trò cấp 3 ngày ấy. Tác giả, thầy giáo nhà thơ Hà Nhật – Lương Duy Cán cũng nằm trong số đó. Một ruột tượng đựng dăm bảy cân gạo, khoác trên vai hoặc buộc quanh người, một túi xách đựng hai ba bộ quần áo, vài ba cuốn sách giáo khoa, tập vỡ, một túi xách tay chủ yếu là tương cà mắm muối phục vụ cho việc ăn học trong tuần để hết tuần lại tiếp tục như vậy. Ngoài ra , ai cũng có một tấm khăn choàng bằng vải dù hay vải màn nhuộm xanh lá cây làm áo ngụy trang Ngày đó Hoài Nhớ tôi chỉ là một chú học trò 12 hay 13 tuổi mới học hết lớp 4 thì theo chị sơ tán , nên cũng lon ton đi theo đoàn các anh các chị trong các tối chủ nhật lên xuống Vạn Ninh ăn học , Khi đến bến đò Trúc Ly thì phải dừng chân chờ chuyến .
Thông thường đò chỉ hoạt động về đêm đến sáng và đối tượng phục vụ chủ yếu là bộ đội nên cánh học trò phải chờ nhau cho đủ chuyến mới được đi , có hôm máy bay Mỹ bắn pháo sáng phong toả dọc sông, mọi người phải nằm ngồi rải rác trên bờ , dưới “những lùm tre, chim cu gáy” tre làng và những cái hầm trú ẩn. Ấy cũng là lúc cả đám học trò, kể cả bộ đội quây quần bên Thầy để nghe thầy đọc thơ, bình thơ “ Chiều tím khi mặt trời xuống núi ” để “ nghe miên man một tiếng gọi đò”. Ngoài bình thơ, thầy còn kể chuyện đời , chuyện thế sự, chuyện bảo táp cuộc đời khi còn là sinh viên ở Hà Nội , nhất là thời kỳ thầy bị cho là thành phần trí thức tiểu tư sản theo trường phái nhân văn- mà đáng tiếc không phải là nhân văn theo nghĩa chân –thiện-mỹ hiện đại mà đó là Nhân văn giai phẩm “ mang bục công an đặt giữa trái tim người, bắt tư tưởng ngược xuôi phải theo dòng thế cuộc …” của một số nhà văn thời đó. Và cũng từ đó mà cảm xúc với Trúc ly… Trúc Ly đã hình thành trong thầy như một chất men đậm chất quê hương “êm êm bến nước …nghe mênh mang một tiếng gọi đò
” Trúc Ly… Trúc Ly”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét