26/2/16

ĐỒNG HƯƠNG ĐỒNG HỚI- QUẢNG BÌNH TRÊN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

TÌM HIỂU VỀ " ĐỒNG HƯƠNG ĐỒNG HỚI- QUẢNG BÌNH TRÊN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH "

Trước năm 1975, tại Sài Gòn đã có hội đồng hương Quảng Bình , tổ chức và hoạt động khá qui củ và đều đặn , bên cạnh đó các làng , các dòng họ như Thuận Bài- Cao Lao cũng có hội đồng hương . Nhưng ngày đó bà con không gọi là hội đồng hương mà  gọi là HỘI ÁI HỮU hay HỘI TƯƠNG TẾ.
Người Quảng Bình di cư vào Nam 1954 khá nhiều và ở Khắp nơi từ Huế vào tận Cà Mau , trong đó tập trung ở Sài Gòn khá nhiều. Ở Sài Gòn , bà con theo công giáo người Quảng Trạch tập trung nhiều ở Khu ông Tạ , Khu Đơn Sa ở quận nhất là khu nhà đèn ( nhà máy điện Chợ Quán ) . Xóm Chùa, xóm Vườn Xoài, Kỳ Đồng , Vạn Hạnh. Ở Đồng Nai, khu vực Huyện Thống Nhất còn có cả vùng Giáo xứ Đông Hải 1- Đông hải 2 toàn bà con giáo dân khu vực Tam Toà Đồng Hới. Hội Ái Hữu hay hội Tương tế tuy tên gọi khác nhau nhưng cùng chung mục đích hay tôn chỉ hoạt động, đó là  những người bằng hữu xa quê hương gắn kết lại với nhau trong tình yêu thương đùm bọc và giúp đở lẫn nhau trong khó khăn  gian khổ hay chung vui niềm vui hạnh phúc.Ngày đó hội Ái Hữu Quảng Bình gồm những mạnh thường quân còn đóng góp tiền của cùng với sự chung tay của các hội viên còn mua đất làm nghĩa trang , xây chùa để lo hậu sự cho hội viên một cách chu đáo. Nghĩa  Trang Quảng Bình và Chùa Quảng Bình ở Gò Dưa Quận Thủ Đức rộng 12.800 m2 đến nay đã có hàng ngàn ngôi mộ vẫn tồn tại và phát triển , đem lại  an tâm cho người Quảng Bình . Là nơi an nghỉ của hàng ngàn người Quảng Bình nơi đất khách quê người. Nghĩa Trang có chia lô và các  khu vực khác nhau dành cho người công giáo và đạp Phật. Khuôn viên nghĩa trang và Chùa Quảng Bình không thua kém gì các nghĩa trang đẹp khác của thành phố. Hàng năm thường tổ chức cúng bái theo đúng phong tục tập quán của dân tộc. Ngoài nghĩa trang Quảng Bình ở Gò Dưa, người Quảng Bình còn có nghĩa trang và chùa Thuận Bài ở Hốc Môn ( nay là quận 12 ) Hoặc nghĩa trang Cao lao ở Sóng Thần- Bình Dương. Đặc biệt hội ái hữu hay tương tế  đều có tập san nội bộ, ghi lại các sinh hoạt nôi bộ và của cộng đồng, sưu tầm và phát hiện nhiều tư liệu về vị khai quốc công thần đồng hương Nguyễn Hữu Cảnh  người Quảng Bình đã góp phần mở mang bờ cỏi vào vùng đất Phương Nam
Là người sinh sau đẻ muộn và vào công tác tại Sài Gòn sau ngày giải Phóng nhưng  cũng biết phần nào những người Quảng Bình một thời xây dựng và  cống hiến cho hội Ái hữu Quảng Bình, tuy nhớ không chính xác và đầy đủ nhưng đó là các ông Võ Khắc Văn, Ông Trần Ngọc Miên, ông Trần Bia, Ông Trần Quang Thông, Ông Đoàn Lương Đống, Ông Phạm Xuân Phương, Hồ Ngọc Tân, Nguyễn Thế Hùng...Ngày Miền Nam giải phóng , một số người ra đi , số còn lại như Bác Miên, Bác Bia và các hội viên khác như Ông Võ Như Thí, Đinh Gia Em, Đinh gia Quý vẫn tiếp tục duy trì hội và sau đó hoà nhập với cộng đồng đồng hương Quảng Bình sau ngày Miền Nam giải phóng.
Có thể nói cội nguồn đoàn kết thân ái là phương châm hoạt động của hội . Chữ Nhân và chữ Nhẫn luôn được vun đắp để cuốn hút rộng rãi trong bà con, tạo nên sức mạnh của tình người tình quê, bởi :
  Quảng Bình xa ngái thân thương lắm
Đến với đồng hương sưởi ấm tình
Tương ái , tương thân đoàn kết lại
Xây lòng ơn nghĩa với quê hương

Lệ- Mâu, nguồn gốc khá xa xôi
Bến Nghé nơi đây dạ thảnh thơi
 Nghĩa cử thiêng liêng đùm bọc lấy
 Dựng xây cành cội tránh đầy vơi.

SAU THÁNG 4/1975.

Sau mấy mươi năm xa cách , người Quảng Bình di cư sau 1954 mong ngóng ngày được về thăm quê, cũng là lúc nhiều người từ Miền Bắc vào Sài Gòn công tác. Miền Nam sau ngày giải phóng bộn bề trăm công ngàn việc cùng với hoàn cảnh khó khăn của đất nước cũng như lòng người còn lắm trái ngang , trắc ẩn nên hoạt động của hội Ái Hữu- Tương tế đều bị gián đoạn. Thời gian 2 năm sau ngày giải phóng hầu như không hoạt động gì nữa. Bình - Trị - Thiên được thành lập, Đồng Hới và cả Quảng Bình chỉ còn là một đốm nhỏ trên bản đồ Bình - Trị - Thiên. Thời đó người ta ví :
Quảng Bình là Quảng bằng vì bị bom đạn san cho bằng phẳng. Quảng Trị là Quảng Trụi cũng do hậu quả của chiến tranh và Thừa Thiên là Thừa Thiêu . Nên Bình _Trị - Thiên được xem là tỉnh nghèo nhất trong cả nước. Hội đồng hương Bình _ Trị - Thiên được thành lập nhưng Quảng Bình và cả Quảng Trị chỉ như đứng ngoài , tham gia ké. Bình - Trị - Thiên dài hơn 300 cây số từ Đèo Ngang vào tận Đèo Hải Vân nên rất khó cho hoạt động chung. Người Quảng Bình nói chung ai cũng có tâm tư nguyện vọng muốn có một hội riêng của mình để hoạt động và ông Hoàng Văn Nhân 9 tức Chú Tộ  người làng Đồng hải, công tác tại Sở Công An thành phố Hồ Chí Minh là người tiên phong đầu tiên.
Ban đẩu, Ông Nhân bàn với các chú người Quảng Bình cùng công tác tại Thành phố và các quận huyện về việc thành lập hội đồng hương Quảng Bình như các chú Minh Mẫn- Tường Mô- Duyên, ai cũng nhất trí nhưng đều rất bận, hầu hết đều tham gia nhưng thất thường. Tất cà đều uỷ thác cho Ông Nhân và Chú Minh Mẫn lo liệu. Anh Hoàng Trọng Bá, người Đồng Hải , cán bộ giảng dạy đại học sư phạm Thủ Đức được ông Nhân triệu hồi và sau đó là thêm các ông như Hoàng Văn Nô cùng vợ là Hoàng thị Cẩm, Rồi ông Hoàng Công Hác người Đồng Phú, Ông Tư Tân , vợ chồng chị Châu ông Phác, thời gian sau còn có chị Châu cùng anh Lương Viên cùng tham gia nên hội đồng hương được thành lâp. Lúc đầu chỉ gọi là Đồng hương Đồng Hới chứ không phải Đồng hương Quảng Bình vì những lý do tế nhị. Địa điểm họp hội là nhà Ông Nhân tại Đường An Dương Vương Quận 5, mỗi lần họp ông Nhân đều chủ trì, chủ chi và chủ xị nghĩa là Ông Nhân và gia đình lo tất tần tật ( Kể cả chi phí đón khách từ Đồng Hới Quảng Bình vào )Ngày đó tôi cũng là một trong những thành viên tích cực lo đầu mối thông tin, ghi chép, có khi lại là xe ôm chỉ đường cho các thành viên đến dự họp. Ngoài nhà Ông Nhân, nếu họp vào Chủ Nhật thì đến Xí nghiệp đánh cá Chiến Thắng do Ông Hác là giám đốc. Nơi đây phòng họp rộng rãi, có máy lạnh và họp xong thì có Zô dô thoải mái.
 Thời gian đầu , đồng hương Quảng Bình chỉ có người vào Nam sau 1975 tham gia, mãi sau mới lôi kéo được số cốt cán trong hội Ái Hữu Quảng Bình vào tham gia như Bác Miên , bác Bia rồi Ông Thí ông Quý và sau đó  bà con mới tham gia đông hơn. Thời điểm vui và đông nhất là khi thành phố có chủ trương mỗi quận huyện ở Thành phố kết nghĩa với một thị xã hay huyện ở phía Bắc, Đồng Hới kết nghĩa với Thủ Đức nên cán bộ hai địa phương vào ra thường xuyên. Các chuyến công tác của Đồng Hới vào Sài Gòn do Ông Lại Văn Ly , Nguyễn Xuân Chàm rồi Anh Thử, anh Thọ làm cho mối thâm giao giữa hai địa phương thêm gắn kết, qua đó hội đồng hương cũng được quan tâm đúng mức. Lại nhớ chuyện như sau: Khoảng 1982-1983 Huyện Thủ Đức dư kiến qui hoặch khu Nghĩa trang Gò Dưa  trong đó nghĩa trang Quảng Bình bị ảnh hưởng nghiêm trong . Nhờ mối quan hệ giữa hai địa phương tốt nên sau đó phía Thủ đức đã dành điều kiện thuận lợi cho khu vực  Nghĩa trang Quảng Bình tiếp tục phát triển. Nhờ đó bà con hội Ái Hữu tham gia thêm đông đảo. Năm 1987, nhân kỷ niệm 30 năm Bác Hồ thăm Quảng Bình ( 1957- 1987 ) Đoàn đại diện Đồng hương Đồng hới, trong đó có bà con di cư 1954 tham gia được đón tiếp chu đáo tại thị xã Hoa Hồng. Nhiều người khóc ròng trong niềm xúc động hơn 35 năm mới về lại cố hương. Có lần họp đầu năm tại hội trường LHCĐ thành phố có gần ngàn người đến dự. Cứ như vậy , hội đồng hương Đồng Hới mà thực chất là Quảng Bình ( Hay phân hội đồng hương Quảng Bình  thuộc  Bình Trị Thiên ) tồn tại cho đến năm 1989 khi BTT chia tách mới tồn tại Độc lập.
Ông Hoàng Văn Nhân ( chú Tộ ) làm hội trưởng, một thời gian sau đó giao cho Bác Hoàng Văn Diệm. Hội Đồng Hới cũng được thành lập , do ông Nhân là Hội trưởng  và nhiều thành viên khác cùng chung tay gánh vác. Phải kể đến đó là các ông Hoàng Công Hác, Hoàng Tử Đồng, Nguyễn Sảng, Tư Tân, Hoàng Trọng Bá, Lê Xuân Đố  ( Lê thị Nam cũng có thời là thủ quỹ cho hội ) Về sau còn có thêm Ông Xuân Hoàng, Ông Nguyễn Cương làm cho sinh hoạt hội họp của Đồng hương Quảng Bình và Đồng Hương Đồng Hới vô cùng Sinh động.
Ông Hoàng Văn Nhân tiếp tục dẫn dắt hội Đồng hới và sau đó là Hoàng Trọng Bá cho đến thời gian gần đây.
Nói tóm lại ,  hơn 35 năm tồn tại và phát triển hội đồng hương Đồng Hới- Quảng Bình dù trãi qua nhiều thăng trầm nhưng đến nay vẫn tồn tại và phát triển bền vững, gắn kết tình cãm thân thương, là chổ dựa cho những người xa xứ.
 Bước vào năm mới 2016- Hội đồng hương Đồng Hới đã có nhiều thay đổ cơ bản. Anh Hoàng Trọng Bá và Nguyễn Thanh Minh đã thôi giữ chức Chủ tịch và phó chủ tịch  hội , nhường chổ cho một thế hệ mới trẻ trung và năng động dẫn dắt phong trào , hứa hẹn một thời kỳ mới vô cùng tốt đẹp.
 Để kết thúc bài viết , trước thềm cuộc họp đồng hương Xuân 2016, Xin thắp một nén hương thơm cho các vị Tiền bối có nhiều công lao đóng góp cho hội , đó là các Ông Bà;
 Hoàng Văn Diệm - Hoàng Văn Nhân- Hoàng Văn Hác- Hoàng Tử Đồng - Hoàng Văn Nô- Hoàng Thị Cẩm...cùng các ông Lưu Hữu Tuý- Xuân Hoàng, bà Như Ý- Nguyễn Cương. Cũng như các bậc tiền bối trong hội Ái Hữu  Quảng Bình . Có lẽ Xuân này họ cũng đang họp mặt tại Nghĩa trang Gò Dưa và nghĩa trang thành phố.

ManhDoan


T/B Đây chỉ là một đôi nét chấm phá cho bức trang chung của Đồng hương Đồng Hới tại Thành phố HCM. Kính mong sự góp ý của những ai yêu Đồng Hới để bổ sung cho bài viết phong phú hơn

























Đăng nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét