26/3/16

ĐỒNG HỚI NGÀY TRỞ VỀ.

ĐỒNG HỚI NGÀY TRỞ VỀ- KÝ ỨC TUỔI THƠ

Lứa chúng tôi , hầu hết sinh ra và lớn sau hòa bình lập lại ở Miền Bắc. Một ít, trước năm 1954 còn lại hầu hết đều sau năm 1954 cho đến 1956-1957. Nghĩa là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc và Miền Bắc hòa bình , xây dựng cuộc sống mới . Tuổi ấu thơ lớn lên theo từng mùa trăng và con nước thủy triều của sông Nhật Lệ cũng như những địa danh in dấu chân xưa như : dọc đôi bờ sông Nhật lệ- Mũi Sác- Cầu Dài - Cầu Ngắn- Quảng Bình Quan- Chùa Ông Bang- Đình Làng- Chợ Đồng Hới và Xa xa hơn nữa là bên kia Bảo Ninh ( Trung Bính , Mỹ  cảnh , Sa động ). Một phần của Quảng Ninh hồi đó như Lương Ninh- Vĩnh Ninh- Lệ Kỳ- Đức Ninh- Nghĩa Ninh- Lý Ninh , kể cả Quang Phú. Lứa thiếu niên nhi đồng ngày đó của Đồng Hới cùng học cùng vui và hồn nhiên  trong trắng với " Những ngày trốn học bị đòn roi - Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc " Kể cả những chiều mưa tắm trần hay tồng ngồng nhảy cầu Dài- Cầu Gạo hay cầu bơi gần Vườn Dương ( Đài Liệt sỉ ) Hẵn còn in đậm trong tâm trí những ai vốn thích hoài cổ và mộng mơ.
Lớn lên một chút , khoảng 5 hay 6 tuổi là bắt đầu đi học vỡ lòng . Ngày đó không có mẩu giáo như bây giờ mà vỡ lòng là bài học đầu đời , thầy/ cô giáo đầu tiên và bạn bè thì cùng xóm , có khi cùng nhà. Lại còn tùy hoàn cảnh từng nhà mà lứa tuổi vào vỡ lòng cũng chẳng giống nhau . Từ 5 đến 8 hay 9 đều chung một lớp.
Thầy Đề là một cái tên không xa lạ gì với người Đồng Hới , một con người nhỏ thó trong một khuôn viên rộng rãi với cây xanh , hoa kiểng và trái chín quanh năm trĩu quả cùng căn nhà rường thấp có mái hiên và khoảng sân rất rộng. Khuôn viên nhà Thầy nằm giữa và phía sau ngôi nhà kiểu Pháp của Ông Trợ Đoàn , có hai hay ba mặt tiền nằm giữa trung tâm phố Thị. Nơi đây , nhiều thế hệ con em Đồng Hới được học thầy, năm này qua năm khác, lứa này sang lớp khác. Với cách truyền đạt kiến thức và kỷ luật tương đối khắt khe của Thầy Đề - Nhiều người hẳn bây giờ vẫn nhớ như in và kể ra vanh vách nhữg giai thoại về thầy.Gần khu vực ngã tư Cây Đa- Chùa Ông còn có lớp vỡ lòng của cô Kim - cô Thục lớp dạy hai buổi sáng chiều. Khuôn viên lớp học là nhà Chùa , bên trong thờ Phật còn bên ngoài là lớp học . Sân chùa là sân vui chơi cho học trò cũng đầy cây xanh , non bộ và văng vẳng tiếng chuông chùa, tụng kinh gõ mõ trong những ngày lễ phật và Rằm hàng tháng. Cô Kim ( chồng là thầy Thành ) Không con nên tất cả tình yêu thương trẻ đều dành cho đám học trò Đồng Hới như là duyên nợ cuộc đời. Còn Cô Thục, nghề dạy học cũng chỉ vì yêu thương con trẻ còn chính Cô là y tá của bệnh viện Quảng Bình và trung tâm y tế Đồng Hới .Nhà cô Thục ở gần chợ Đồng Hới. Mỗi mùa Xuân về còn là nơi làm hoa giấy, tấp nập kẻ bán người mua. Hoa giấy là một trong những sản phẩm không thể thiếu trong mọi gia đình , mọi ngõ ngách của người Đồng Hới cùng cái  "Lùng tung " con ve bằng đất sét dành cho trẻ nít trong những ngày đầu tết.
  Khu vực Xóm Câu gồm khu trung và Khu Nam thì có cô Đê, Chị Viên và nhất là Thầy Hà . Cô Đê, chị Viên có lẽ ít người biết và nhớ. Còn Thầy Hà thì hầu hết ai ai cũng biết. Cũng phải thôi vì Cô Đê chị Viên chỉ dạy một thời gian ngắn và dạy tại nhà nên ít học trò, còn hầu hết đều học thầy Hà vì thầy trò đều cùng xóm , lại có quan hệ họ hàng bà con. như kiểu làng trên xóm dưới đều biết nhau như trong một nhà. Chuyện học phí thời đó thì tôi không nhớ kỷ nhưng nói chung chỉ là chiếu lệ. Có thì đóng, không thì để đó , có khi không đóng mà thầy cũng chẳng nhắc, chẳng đòi. Tui học ở nhà Xâu với Thầy Hà cùng lũ bạn trong Xóm  Câu như Hoàng Nuôi- Hùng Ngọng- Trần Hà- Hoàng Thi Mục... Đinh thị Tánh- Hoàng thị Mỹ Yên và Thằng Châu ( em Mỹ Yên-  Dinh văn Ớt   v v . Đám bạn dưới bờ sông Như Dương ( vò em Vại ) Tâm ) Hà, chị em nhà Chanh - Chua, chị em Thảo - Hải..Rồi thằng Xuyên , thằng Kỳ  ( Ôi nhiều và nhiều lắm làm sao nhớ hết)
Học ở nhà Xâu một thời gian , sau đó chuyển lên chùa Ấn Quang gần Bến Xe Đồng Hới. Một mình thầy Hà dạy sáng chiều và vui chơi bất tận . Khuôn viên chùa rộng rãi, có sân chùa, vườn . Đặc biệt có cây Bàng " Lá xanh mùa  hạ, lá vàng thu " Khi trời lạnh quét lá bàng đốt lữa ngồi hơ , có đứa thò cả của quý ra ngoài mà không hay biết.Lại có cả giếng nước trong vắt mát rượi, mùa hè tha hồ tắm mát. Chương trình vỡ lòng hồi đó khá cao vì cộng trừ nhân chia đều đã biết. Văn thơ thì cũng rất lai láng . Bài thơ " Việt Nam tổ quốc ta " với những câu " Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn , cánh cò bay lả dập dờn , mây mù che đỉnh Trường sơn sớm chiều ..." hầu như đứa nào cũng thuộc và đọc vanh vách. Hết vỡ lòng dắt nhau vào lớp 1. Tạm biệt tuổi thơ với nhiều kỷ niệm.
1960 thì vào cấp 1 tức tiểu học bây giờ. Cấp 1 Đồng Hải lúc đầu gồm 2 Dãy nhà song song, sau thêm một dãy ngang thành khuôn viên hình chữ U , giữa là Sân trường và cột cờ.Lên cấp 1 thì bạn bè đông hơn vì tập trung toàn thị xã, lại có số con em Việt kiều hồi hương từ Thái lan về như: Nguyễn Thị Đà, Nguyễn Thị Hóa , Lê văn Trung , Lê thị Nam cũng nhập học. Số này tiếng Việt và chữ Việt lúc đầu không rành nên theo học khá vất vả. Lại thường bị trêu chọc nên hay khóc về méc Ông bà . Nhà trường phải thường xuyên răn đe bọn nhỏ chúng tôi phải thương yêu các bạn mới , không được kỳ thị hay trêu chọc.Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Ngọc Anh người Đồng Phú còn giáo viên thì nhiều lắm , không thể nhớ hết. Hầu hết là người Đồng Hới , lại có thầy  Biên từ Hà Tĩnh vào  ( Sau này là bố chồng của Phương Thảo ) có thể kể tên các thầy cô cấp 1 như : Cô Cẩm , cô Tuynh người Bảo Ninh. Cô Sửu, thầy Quảng , Thầy Thụ, thầy Dựng , thầy Cành , Thầy Thắng v...v.Cứ đầu tuần thứ 2 là chào cờ, thầy hiệu trưởng Ngọc Anh tuyên dương các học trò xuất sắc học giỏi sau đó xếp hàng vào lớp. Hồi đó nhà trường cũng như các lớp trang trí rất đơn giản . Chỉ có ảnh Bác Hồ và 5 điều  Bác Hồ dạy. Ngoài ra còn có phong trào thi đua " Học giỏi để đuổi kịp và vượt bạn Nguyễn Xuân Thôi "  (một học sinh của trường, nay là GS Đại học Đà Nẵng ) và học tập tấm gương vượt khó của Nguyễn Ngọc Ký , cùng tấm gương cõng bạn đến trường của đôi bạn Tứ và Hồng. Lớp 1 tôi học lớp thầy Biên, lớp 2 học cô Sửu, lớp 3 học thầy Cành và học tại trường cấp 1 Đồng Hải. Tôi nhớ mãi chuyện này . Số là, tôi học cùng lớp  với L T T T , bạn ấy bị yếu tim và hay bị ngất. Có lần , T ngồi chơi đánh thẻ với nhiều bạn khác thì tôi bắt được đâu đó được một con chuột còn đỏ hỏn . Gói vào tờ giấy và quăng vào đám chơi thẻ. Khi mở ra, cả đám thấy chuột sợ quá chạy tán loạn. Riêng T thì lăn ra ngất xỉu. Các thầy cô phải khiêng T đi cấp cứu, may mà không sao. Tôi sợ quá bỏ trốn, mấy ngày sau mới dám đến trường sau khi đã bị một trận đòn đã đời. Không dám nhìn và lại gần T mấy ngày liền. Sang lớp 4 bắt đầu Mỹ đánh phá thì khối  lớp 4 chuyển xuống Đình làng Đồng Hải bốn lớp . Sáng 2 lớp , chiều hai lớp. Tôi học lớp 4 do thầy Thắng chủ nhiệm . Học tại Đình làng gần hết lớp 4 thì sơ tán, mỗi người một ngã. Thời gian học lớp 4 ở Đình Làng cũng đầy ắp kỷ niệm với nhiều người cho đến tận hôm nay.

Đăng nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét