Nguyễn Dõan Mạnh
PHẦN 1
CHO QUÊ HƯƠNG
Một góc Đồng Hới - những ngày thi công cầu Nhật Lệ
Đồng Hới vào đêm…
ĐỒNG HỚI: NHỮNG NGÀY SAO QUÊN
Cuộc sống mà không có tình yêu, chẳng khác nào trái đất không có mặt trời.
Xin bắt đầu bằng tình yêu quê hương vì: “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ
thôi”.
Không ai có thể chọn cho mình nơi sinh ra, cũng như không có
thể chọn người sinh ra mình, quy luật của tạo hóa đã sắp đặt an bài thì không
thể nào thay đổi được. Mỗi người chỉ được sinh ra một lần, ở một nơi nhất định
và tất nhiên là duy nhất. Nơi nhất định và duy nhất ấy chính là cội nguồn, được
diễn tả bằng hai tiếng “Quê
Hương”.Hãy nhìn lên bản đồ Việt Nam - Đất nước cong cong hình chữ S, ở chổ hẹp nhất, tính từ biển Đông, tiếp giáp đất bạn Lào, thuộc miền Trung đó chính là quê tôi.
Quê tôi, đất không rộng người không đông, thời đó Thị xã chỉ vỏn vẹn không tới một trăm hecta đất. Phía Nam bắt đầu từ Cầu Dài ra đến cống Phóng Thủy khoảng hai cây số. Chiều rộng, từ bờ sông Nhật Lệ đến cầu Rào (nơi rộng nhất) khoảng một cây số. Phía Nam chç cầu Dài, mép sông Nhật Lệ tới xóm Nại giáp Đức Ninh chỉ khoảng 50m. Giữa trung tâm Thị xã là Thành Đồng Hới (được xây dựng từ thế kỷ 17) chia Thị xã thành các khu vực riêng biệt và theo đó phong tục tập quán, văn hóa, nghề nghiệp của từng khu vực cũng khác nhau.
Tuổi thơ của tôi lớn lên trên mảnh đất ấy, trong cuộc sống thanh bình hạnh phúc êm đềm cùng gia đình và bạn bè. Những kỷ niệm, những nhớ thương từ thời niên thiếu không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi.
Quê hương có ông bà, cha mẹ, anh em, bà con thân thuộc, cũng là nơi chôn nhau, cắt rốn - nơi ta cất tiếng khóc chào đời, bi bô tập nói, chập chững bước đi rồi tập tễnh đến trường; tập đánh vần, tập nắn nót viết từng con chữ. Nơi đó ta lớn lên theo ngày, theo tháng và giận hờn yêu thương …. cũng là nơi ta có những kỷ niệm tuổi thơ với bạn trai, bạn gái để rồi nhớ……nhớ….thương….thương với ai đó qua một lần hay nhiều lần gặp mặt.
Nơi đây có những căn nhà, những con đường đất nhỏ, có giếng nước trong veo, cùng những cây đa cổ thụ trãi dài bóng râm; Có cầu Dài, cầu Ngắn bắc qua dòng sông xanh biếc, Có bến đò dọc, bến đò ngang ngược xuôi qua lại. Quê hương tôi có những cồn cát vàng, cồn cát trắng mà ngày đó tụi con nít chúng tôi thường nô đùa, chạy nhảy; có rừng phi lao, có hàng dừa gọi gió, che nắng, che mưa…Nơi đây còn có mái trường đầy ắp yêu thương, các thầy cô dạy cho ta từng con chữ; Là nơi có Nhà thờ, Đình, Chùa, Miếu… để ông, bà , cha, mẹ ta thờ cúng, cầu kinh khấn Phật, cầu trời, khấn đất cho mưa thuận gió hòa, cho “Quốc thái-dân an”, làm ăn phát đạt, hạnh phúc lâu bền.
Vùng ngoại ô quê tôi, ấy là nơi có những đồng muối trắng tinh của người dân Diêm Điền – Phú Thượng. Tuy diện tích nhỏ và sản lượng không lớn nhưng hạt muối quê tôi cũng đủ cung cấp cho người dân quê sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và chế biến thủy sản làm nước mắm, muối cá, đồng thời có mặt đều đặn trong các phiên chợ tỉnh và các chợ vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Muối còn đủ để cung cấp cho đồng bào dọc biên giới Lào - Việt, chạy xuôi theo dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Nơi ấy, còn có những cánh đồng lúa xanh rờn ở Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Lương Ninh và xa chút nữa là vựa lúa Quảng Ninh – Lệ Thủy mà từ xa xưa đã được mệnh danh “ nhất Đồng Nai, Nhì hai huyện”. Đồng lúa quê tôi không được thẳng cánh cò bay như đồng bằng sông Hồng hay đồng bằng sông Cửu Long nhưng cũng đủ cung cấp lương thực cho cuộc sống người dân ấm no, không phải lo lắng chạy ăn từng ngày, từng bữa. Hạt gạo quê tôi không được thơm, ngon, như những nơi khác nhưng hạt gạo chắc như tấm lòng người dân quê tôi vậy.
Vùng ngoại ô, phía bắc quê tôi có hồ nước ngọt Bàu Tró. Với trữ lượng xấp xỉ chín triệu mét khối, nước hồ đủ cung cấp cho cả Thị xã. Đây là thứ nước tự nhiên không ở đâu có được, không ở đâu sánh bằng mà thiên nhiên ban tặng cho quê tôi. Bao đời rồi, dòng nước mát Bàu Tró ấy đã là nguồn nước không thể thiếu được trong cuộc sống thường ngày của người dân Đồng Hới.. Từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ và chúng tôi đến cả thế hệ sau đều cần nguồn nước ấy. Ít ai có thể tưởng tượng được, một vùng cát trắng, môt vùng quê sỏi đá ấy lại có được một hồ nước ngọt có thể nuôi dưỡng người dân suốt từ đời này sang đời khác; lại ít ai biết rằng: nguồn nước Bàu Tró ấy nằm sát và chỉ cách biển cùng cửa sông Nhật Lệ chưa đầy cây số. Nước biển thì mặn và bao la vô tận, trong lòng biển bao la ấy có biết bao nhiêu là tài nguyên vô giá, là thủy hải sản mà thiên nhiên đã cung cấp cho con người. Nhưng có lẽ cái quý nhất mà biển Đông đã dành tặng cho quê tôi chính là những gì chắt lọc được để chưng cất nên dòng nước ngọt Bàu Tró. Nếu nói không ngoa thì đó là thứ nước cất tự nhiên sạch nhất - sạch hơn rất nhiều so với tất cả các nguồn nước ngọt nào khác, uống vào mát lạnh, sảng khoái vô cùng. Hồi nhỏ chúng tôi thường uống ngay không cần đun sôi vẫn tốt. Nếu đun sôi để pha trà thì nước trà xanh trong ngọt lịm, uống xong vẫn ngọt lịm ở đầu môi, đầu lưỡi và cả cổ họng. Hồ nước ngọt Bàu Tró là hồ nước ngọt tự nhiên khép kín giữa lòng động cát vàng, cao ở phía bắc cửa Nhật Lệ.
Thời Pháp tạm chiếm thị xã, người Pháp đã đặt một nhà máy bơm ở Bàu Tró dẫn nước từ Bàu Tró về thị xã, đẩy nước lên tháp cao (château déau ) ở Đồng Phú. Từ tháp đó, nước tỏa đi các nơi, về các công sở, dinh thự, đồn bốt của Pháp hoặc vào trường học, bệnh viện, các xí nghiệp của người Pháp quản lý. Đến sau 1954 chúng ta tiếp quản nhà máy thì nhân dân mới có nước Bàu Tró sử dụng bằng các vòi nước đặt ở các nơi công cộng. Cảnh quan xung quanh hồ Bàu Tró khá ngoạn mục, u tịch, tĩnh lặng, huyền bí và lãng mạn. Bao bọc xung quanh hồ là những đồi cát vàng, đồi cát trắng.Trên đó, rừng phi lao bạt ngàn xanh um dày đặc, được bàn tay con người chăm sóc, nuôi dưỡng tạo vành đai để ngăn chặn gió và sóng biển xói mòn, ngăn chặn những trận bão cát xâm thực Bàu Tró và những khu cư dân dọc bãi biển Nhật Lệ. Quanh năm, gió vµ sãng biển vỗ về cùng với rừng phi lao mảnh mai, mềm mại như bay như liệng, như vờn như múa, tạo thành một bức tranh rất sống động và trữ tình. Ngọn cây phi lao quyện vào gió, gió quyện vào phi lao tạo nên muôn vàn âm thanh vi vu, rào rạt, véo von, réo rắt suốt ngày đêm, càng làm cho cảnh quan khu vực Bàu Tró thêm lãng mạn và u tịch.
Hồ Bầu Tró
Không hiểu hồ Bàu Tró được hình thành như thế nào, từ bao giờ, Bàu Tró sâu bao nhiêu, rộng bao nhiêu và đáy hồ ở đâu. Chỉ được nghe truyền thuyết dân gian kể lại rằng Bàu Tró rất sâu, sâu không có đáy. Người ta đã thử bằng cách chèo thuyền ra giữa hồ, buộc đá vào dây thả xuống hồ để đo chiều sâu ( tất nhiên là đá phải đủ to và đủ sức nặng để chìm xuống đáy), vậy mà thả hoài, dây cũng chẳng chùn. Đến khi hết dây này, nối thêm dây khác cũng không thấy đá chạm đáy, nên cũng chưa rõ chiều sâu bao nhiêu. Lại có chuyện tương truyền rằng: ở vùng vực Tróoc - (Kẻ Bàng ) có một trận lũ rất lớn cuốn trôi nhiều nhà cửa, cây cối theo dòng nước. Một thời gian không lâu sau lũ, người ta thấy xuất hiện những trái bưởi to ở hai bên bờ Bàu Tró - một loại bưởi được trồng ở vực Tróoc. Người ta ngờ rằng hồ Bàu Tró có đáy ngầm, thông lên tận vùng hang động mạn Tây bắc cũng từ đó.
Có lẽ không người dân nào ở quê tôi trước đây và mãi mãi sau này, trong đời không một lần nhắc đến hai chữ Bàu tró và tự hào về nó.
Tự hào cũng phải thôi vì hồ Bàu Tró không chỉ cung cấp nguồn nước ngọt qúi giá cho cuôc sống con người mà khu vực Bàu Tró còn là dấu tích văn hóa của nền văn minh hậu kỳ đồ đá mới.Từ xa xưa khu vực Bàu Tró đã có người nguyên thủy đến cư ngụ quanh hồ, tạo nên nền văn hóa Bàu Tró mà trước đây người Pháp đã nghiên cứu thừa nhận và cho đến nay các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà khảo cổ học của chúng ta cũng đã khẳng định các di chỉ Bàu Tró có niên đại 5000 năm. Bàu Tró còn rất nhiều chuyện để nói nhưng nay thì….hồ gần như cạn kiệt, có nơi còn trơ ra cả đáy hồ và nước hồ thì bị ô nhiÔm. Ai cũng tiếc nhưng không râ vì sao. Ôi Bàu Tró !
Chắc sẽ có rất nhiều nguyên nhân, chúng ta chưa vội bàn cãi gì mà phải có thời gian cùng các dữ liệu, các thông tin khoa học mới kết luận được, nhưng chắc chắn là có lỗi của con người. Phải chăng chúng ta đã tận dụng thiên nhiên quá nhiều mà không có một phương pháp nào bảo vệ cho nó. Tôi đã đi nhiều và sống nhiều nơi trên đất nước mình, cũng như nhiều người khác đã một lần đi qua, ghé lại hoặc sống lâu dài tại mảnh đất này. Điều chắc chắn không ai không biết, không thừa nhận và khẳng định, đó là: m¶nh đất này quá đẹp! Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta ngày trước lại chọn nơi đây làm thủ phủ để rồi lớp lớp chúng tôi được sinh ra và lớn lên nơi đây, được thừa hưởng một vùng trời, vùng đất, vùng sông, vùng biển bao la tựa mình bên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ - luôn che chở bảo vệ mảnh đất này trước bao phong ba bão táp của thiên nhiên, và đương đầu trong mọi cuộc chiến tranh giữ nước qua các thời kỳ lịch sử.
Người Pháp từng cai quản quê tôi một thời gian khá dài. Do vậy họ cũng để lại một dấu ấn khá lý thú trên mảnh đất này, đó là ý đồ xây dựng nơi đây thành một hòn ngọc viễn đông hoặc một Pari thu nhỏ ở miền Trung trong lòng xứ thuộc địa đông dương để từ đó bành trướng thôn tính 3 nước Đông dương. Cái hồn, cái đẹp của nơi này do đâu mà có sức lôi cuốn như vậy? Người Pháp lấy nguyên cớ gì để làm việc đó hẳn phải có rất nhiều nguyên nhân.Theo tôi có lẽ họ tìm đến quê tôi vì nơi đây có cái thế Long chầu Hổ phục, Thủy tụ tài tụ đủ tiêu chuẩn tạo ra một thị xã cổ kính mà chưa có nơi nào trên đất nước Việt Nam, như ở Đồng Hới Quảng Bình đạt được tiêu chuẩn cân xứng như vậy.
Do vậy, cái hồn, cái đẹp ở đây chính là vẻ đẹp của thiên nhiên mà tạo hóa đã dành tặng cho mảnh đất này. Đất Đồng Hới gắn liền với sông Nhật Lệ. Sông Nhật Lệ uốn mình, vỗ về, ru ngủ Đồng Hới. Đồng Hới nghiêng soi bên dòng Nhật Lệ, ngày ngày nghe biển hát khúc tình ca êm ái, du dương. Tất cả đã tạo nên cảnh sông nước hữu tình nơi đây. Cho nên, nói đến Đồng Hới là phải nói đến sông Nhật Lệ. Đồng Hới nằm bên dòng Nhật Lệ cũng như thuyền và biển trong thơ Xuân Quỳnh vậy. Tôi mạn phép chị Xuân Quỳnh được so sánh tình yêu của thuyền và biển cũng như tình yêu của Đồng Hới và Nhật Lệ vậy. Tôi trộm nghĩ giá như, chỉ là giá như thôi chị Xuân Quỳnh ở vùng quê sông hoặc biển mà phải là biển Quảng Bình và sông Nhật lệ thì có lẽ thơ tình về biển của chị còn hay biết nhường nào.
Miền Trung và Quảng Bình quê tôi ở đâu cũng có những con sông đẹp và gắn với những chiến công của dân tộc ta trong lịch sử chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Sông Mã gắn với:
Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùng.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà nội dáng kiều thơm
Dòng sông Bến Hải mang dấu ấn của thời kỳ chống Pháp và nỗi đau của dân tộc bị chia cắt. Hiền Lương - Bến Hải tuy hẹp về địa lý, nhưng lại là con sông “dài nhất” trong lịch sử của dân tộc ta - Con sông mà cả dân tộc ta phải tốn biết bao xương máu, với chặng đường hơn ¼ thế kỷ mới vượt qua được. Con sông mà Hồ Chủ Tịch sau gần nửa thế kỷ bôn ba khắp 5 châu 4 biển, cũng chưa thể vượt qua để đưa dân tộc ta đến ngày sum họp một nhà.Tiếp đến là sông Thạch Hãn ở Quảng Trị - dòng sông được mệnh danh của tuổi trẻ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, là một khúc anh hùng ca của tuổi trẻ chống Mỹ. Trong khúc tráng ca ấy có cả máu và xương, có cả tình yêu và chân lý của cuộc sống, có cả lịch sử và tương lai. Bởi lẽ con sông đang chứa trong lòng nó hàng trăm linh hồn liệt sĩ đã lặng lẽ chìm trong những ngày đỏ lửa hào hùng của thành cổ Quảng Trị. Đến hôm nay và mãi mãi mai sau mỗi chuyến đò ngược xuôi Thạch Hãn không quên lời nhắn nhủ:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước,
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
Rồi sông Hương ở Huế, ai đã một lần đến Huế, chiều chiều bách bộ dọc hai bờ Hương Giang hẳn phải nao lòng, rung động, trước những tà áo dài trắng , áo dài tím và nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ, chắc sẽ ra đi không đành. Bởi nói đến Hương Giang là nói đến tình yêu, tình yêu của con người mà Hương Giang nói dùm lòng mình đó.
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Nón rất Huế,mà đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
Còn nhiều dòng sông nữa ở miền Trung, nhưng chỉ xin nêu bấy nhiêu thôi, vì với tôi, sông Nhật Lệ là dòng sông của tuổi thơ, dòng sông của kỷ niệm, nơi đây chẳng kể ngày, kể tháng, giữ bao nhiêu kỷ niệm của đời tôi. Tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà văn Nga Gorki: “Quê hương có thể có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để nhớ. Người ta có thể có nhiều mối tình nhưng chỉ có một để mang theo”. Nhật Lệ trong tôi cũng vậy.
Nhớ về Nhật Lệ, là nhớ con sông của anh hùng ca, của thi ca - nhạc họa và con sông của tình yêu trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Nhật Lệ là dòng sông có nhiều huyền thoại. Nếu Nhật là mặt trời, Lệ là đẹp thì có lẽ tên của sông sẽ là: Dòng sông Mặt trời đẹp, nhưng nếu Lệ là nước mắt thì chắc chắn tên sông phải là: Nước Mắt mặt trời . Nhưng dù là tên gì đi chăng nữa thì cũng sẽ thừa nếu bạn chưa có dịp ghé lại và ngắm nhìn dòng sông này vào lúc bình minh lên từ phía biển hoặc lúc hoàng hôn, khi mặt trời sắp lặn đằng sau dãy núi U bò, hay những đêm trăng thanh gió mát lúc chú Cuội ngồi gốc cây đa, bạn hãy đứng ở một vị trí nào đó dọc sông hoặc ngồi thuyền qua lại trên sông thì tất cả trời đất, núi sông, gió, trăng và cả tiếng sóng biển sẽ hòa quyện vào thành một bản hòa tấu mênh mang…mênh mang.
Sông Nhật Lệ khá dài, nó được bắt đầu từ phía tây dãy Trường Sơn và do nhiều nhánh sông hợp lại. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin nói về đoạn Nhật Lệ qua Đồng Hới, đoạn từ Phú Thượng - xóm Nại (nay là Phú Hải) ra cửa sông ở Đồng Thành (nay là phường Hải Thành) với chiều dài khoảng ba cây số. Do hai bên bờ sông Nhật Lệ không ổn định nên chiều rộng của sông cũng khác nhau. Chỗ Phú Thượng - Nại chỉ rộng khoảng năm trăm mét. Càng ra gần phía biển càng rộng hơn, đoạn Tam Tòa - Mỹ Cảnh là rộng nhất cũng phải từ bảy đến tám trăm mét. Những lúc triều cường có thể là một ngàn mét. Khúc sông Nhật Lệ trước mặt Đồng Hới trông như một hồ bán nguyệt. Nó được tạo bởi vòng cung uốn từ Nại ra đến cửa biển và đường thẳng phía Bảo Ninh chạy suốt từ xóm Hà Thôn xuống Mỹ Cảnh. Đoạn cửa biển, dòng sông thắt lại, tạo thành khúc eo khép hẹp lại là nơi sông và biển gặp nhau, nước sông ra biển nước biển vào sông sâu.
Sông Nhật lệ đoạn
chảy qua Đồng Hới.
Để chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của Nhật Lệ và toàn cảnh Đồng Hới hãy đứng trên các cồn cát cao ở Bảo Ninh sẽ nhìn rõ. Nó như một bức tranh trời biển bao la, núi non lồng lộng, sông nước mênh mông.
Ngược lại, nếu đứng dọc bờ sông phía Đồng Hới sẽ nhìn thấy toàn cảnh Bảo Ninh như một bức trường thành bằng cát viền quanh bờ sông xanh biếc với những rặng dừa, lùm dương liễu và cây cối đủ loại chen lẫn sau những dãy nhà cửa san sát như chồng như úp lên nhau; Với những bức tường vôi trắng, mái ngói đỏ, ẩn hiện trong những lùm cây, tầng lá xanh tươi từ thấp đến cao; Với bến nước dọc sông vµ tàu thuyền tấp nập, dọc ngang, dập dờn, chao đảo, như vờn, như múa trong gió và sóng. Dọc bờ sông phía Bảo Ninh là những kè đá kiên cố để chắn sóng, chắn gió ẩn nấp trong màu cát vàng óng ánh, xập xòa sóng vỗ suốt ngày đêm.
Nhật Lệ lúc bình minh lên.
Toàn cảnh Bảo Ninh trông giống như một hòn non bộ được thiên nhiên sắp đặt và bàn tay con người xây dựng như một sự đính ước với nhau tạo nền cho bộ mặt Đồng Hới quê tôi thêm duyên dáng, hữu tình. Hồi đó, toàn khu vực Bảo Ninh chưa có điện, khi màn đêm buông xuống, cả khu vực cồn cát ấy lấp lánh trong muôn thứ ánh sáng lập lòe, kỳ ảo. Phần lớn người dân dùng đèn dầu thắp sáng sinh hoạt nên về khuya huyền ảo lắm. Sáng nhất là ánh đèn Măng song của người dân ven sông dùng để đánh bắt cá trên các chòi (rớ) dọc sông, còn lại hầu hết dùng đèn dầu hoặc đèn pin. Nên về đêm, đứng từ phía Đồng Hới nhìn sang cứ như một dải ngân hà lấp lánh …..lấp lánh.
Từ trên cao nhìn xuống, bao quanh Bảo Ninh là sông và biển, là sóng và gió nên cuộc sống của người dân nơi đây phần nào cũng phụ thuộc vào thiên nhiên từ dáng đi đến giọng nói. Hầu hết từ trẻ đến già đều có dáng đi hơi nhoài về trước vì chân phải bám chặt vào cát để làm trụ. Giọng nói thì sang sảng, thánh thót. Có thể nói cuộc sống của người dân ở đây là: Ăn trên sóng, đi trên cát và nói trong gió. Vì sóng biển quanh năm suốt tháng vỗ ầm ầm cả ngày lẫn đêm và do vậy gió biển cũng lồng lộng suốt bốn mùa. Việc đi lại cũng độc nhất vô nhị vì phương tiện duy nhất là “xe hai cẳng” không cần giày dép, chỉ hôm nào trời nắng nóng, cát cũng nóng bỏng thì người ta mới dùng dép. Nhưng di chuyển trên cát mà đi dép thì rất bất tiện, nên có “chang chang cồn cát nắng trưa” đến mấy thì người dân cũng đạp lên cát bỏng mà đi. Hồi đó, toàn khu vực Bảo Ninh không hề có một phương tiện cơ giới nào để đi lại được, ngoài xe “hai cẳng”. Những lúc cần thiết phải đưa bệnh nhân hoặc sản phụ đi cấp cứu thì sử dụng hai xe “hai cẳng” gộp lại thành xe “bốn cẳng” để cáng người bệnh trên võng khiêng xuống thuyền chở về Đồng Hới.
Về đêm, sau một ngày lao động vất vả, người Bảo Ninh lại chìm vào giấc ngủ cũng trên cát, trong sóng và gió biển để ngày mai lại một ngày mới cũng trên cát, trong sóng và gió biển. Từ bao đời rồi vẫn thế.Và tất nhiên, khi ai đó về cõi vĩnh hằng họ lại được nằm trong cát, được sóng và gió biển ru hoài giấc ngủ ngàn thu.
Bảo Ninh là một phần của Đồng Hới. Bảo Ninh làm cho bức tranh Đồng Hới thêm sinh động, ngoạn mục và nên thơ. Nhật Lệ là con sông của Đồng Hới, con sông của Bảo Ninh làm thành một quần thể hữu tình non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Người ở nội thị Đồng Hới và người dân ở Bảo Ninh vốn có quan hệ họ hàng, thân thuộc với nhau. Ở Đồng Hới có thân nhân, bà con ở Bảo Ninh và ngược lại, ở Bảo Ninh cũng có bà con thân nhân ở Đồng Hới. Do vậy, việc đi lại, sinh hoạt, thăm viếng nhau từ rất lâu đời đã tạo nên sự gần gũi gắn bó. Tuy cách sông trở đò nhưng người dân Bảo Ninh thường xuyên có mặt ở Đồng Hới để làm việc, học hành, chợ búa và người Đồng Hới có mặt ở Bảo Ninh trong những dịp cúng giỗ, lễ tết, cưới hỏi của người thân. Phương tiện qua lại giao lưu là đò. Hàng ngày từ tờ mờ sáng, đò ngang hoạt động phục vụ việc đi lại của người dân từ cán bộ công nhân viên chức làm việc trong các cơ quan xí nghiệp, bà con tiểu thương và những hộ buôn bán lẻ khi kiếm được mớ tôm mớ cá và học sinh các cấp đều tập trung ở bến đò để chờ qua sông. Hết chuyến này lại đến chuyến khác. Mỗi chuyến đò khoảng hai mươi đến ba mươi người mất ba mươi phút đến một tiếng. Tùy con nước và hướng gió mà người lái đò tính toán sao cho có hiệu quả. Không mất sức mà đảm bảo thời gian, vào đúng bến đổ. Thường mỗi đò có bốn mái chèo, mái chèo lái là quan trọng nhất và đây thường là chủ đò, họ quen con nước, hướng gió để điều khiển cho đò đi đúng hướng. Chèo mũi và chèo hông là chèo lái giúp thêm lực đẩy cho đò lướt sóng nhanh, khi ngược gió. Thường ngày, các mái chèo phụ này không cần phải có người nhà đò cầm giữ.
Người nhà đò và khách sang sông đều là bà con lối xóm có nhiều kinh nghiệm sông nước như nhau. Kể cả các mệ, các chị đi chợ hay học sinh đi học hễ thấy tình huống cần phải thêm tay thì đều đứng dậy chèo liền, nhẹ nhàng như không có gì xảy ra. Từ bao đời nay vẫn thế, cuộc sống gắn liền với sông nước đã dạy cho họ cách ứng phó linh hoạt. Do hai bên bờ sông thoai thoải bằng phẳng nên đò vào bờ chỗ nào cũng được không cần cầu đò. Lúc đò vào cặp bờ thì mọi người lần lựơt lên bờ trong trật tự để toả đi các nơi. Khi khách đã lên bờ hết, chủ đò kiểm tra lại tư trang hành lý của khách xem có bỏ quên gì không, nếu có thì giữ lại để chuyến sau trả lại cho khách rồi tát nước trong đò (nếu có), buộc lại dây chèo, sửa sang lại chỗ ngồi cho khách rồi lại đón khách ngược lại. Cứ như vậy, hết chuyến này lại đến chuyến khác. Hết ngày này lại sang ngày khác, cứ ngày lại đến đêm dù mưa gió hay nắng nóng, dù rét căm căm, hay nóng nực. Hầu hết khách đi đò là người quen với nhau và ở gần nhà nhau nên khi lên đò nói chuyện với nhau rất vui vẻ, từ chuyện làm ăn, con cái học hành đến chuyện thôn xóm, làng xã, chuyện ma chay, cưới xin hoặc mâu thuẫn đánh lộn của từng gia đình cũng từ những con đò ngang này mà loan truyền đến với nhau hoặc đến những địa chỉ cần thiết.
Hẳn những cư dân đôi bờ Nhật lệ trong đời đã từng nghe tiếng gọi đò trong đêm thanh vắng:
Đò….ơi….đò… ơi…. đò ơi vang vọng, tha thiết. Ấy là tiếng gọi đò của những khách lỡ chuyến sang ngang khi màn đêm đã buông xuống. Tuy sông rộng nhưng tiếng gọi vẫn vang vọng từ bờ này sang bờ kia.
Bên bờ Nhật Lệ.
Chòi rớ trên sông Nhật lệ.
Khi nghe tiếng gọi đò, bất kể giờ giấc người lái đò nhanh chóng xách đèn xuống bến vừa đi vừa hua tay ra hiệu, đấy cũng là tín hiệu trả lời:
Đò đây, chờ tí…tí…í…
Thủa ấy, bọn tôi có một thú vui rất dễ thương là cứ vào ngày nghỉ chủ nhật hoặc lễ, tết là rủ nhau qua Bảo Ninh chơi. Chỉ cần cái quần đùi và áo may ô là đi xuống bến, xuống đò ngồi tỉnh bơ. Khi đò qua được 2/3 sông thì chủ đò bắt đầu thu tiền, đến chỗ chúng tôi ngồi chỉ cách bờ chừng 10 mét. Thấy vậy bọn tôi nháy mắt ra hiệu nhau và thế là cả mấy đứa nhảy tùm xuống nước bơi vào bờ, chủ đò chỉ buông một câu : Tổ cha bay!. Sang được bên ấy, bọn tôi chạy một mạch ra phía biển đùa giỡn, vật nhau, hứng gió và nắng biển. Người ta nói “ Nhất quận công, nhì ị đồng” nhưng ị biển còn sướng hơn nhiều. Bởi vậy trước khi ra về đứa nào cũng tranh thủ làm cho bằng được cái chuyện mà người ta cho là sau quận công ấy.
Ngoài đò ngang, để qua lại sông còn có thuyền thúng. Đây là loại phương tiện có tính chất cá nhân của từng gia đình để kiếm kế sinh nhai. Thuyền thúng được cấu tạo như cái thúng loại to-hình tròn bán kính khoảng hơn một mét, đan bằng tre mà phải là loại tre già, thẳng, ít mắt. Sau khi chọn được tre người thợ phải chẻ mỏng thành từng mảnh bỏ ruột chỉ lấy cật rồi phơi hoặc sấy cho dẻo, mới đan được thúng. Sau đó, quét nhựa đường trộn với phân bò xung quanh cả trong và ngoài. Thuyền thúng đi kèm với chòi (rớ). Chòi là công cụ để đánh bắt tôm cá trên sông còn thuyền thúng là phương tiện đi từ bờ sông ra chòi và từ chòi ra rớ (lưới) để thu gom tôm cá bắt được. Thường thuyền thúng chỉ một người điều khiển đi lại trên sông nhưng khi cần nó lại thành phương tiện có tính chất trung chuyển có thể chở được ba hoặc bốn người. Chèo thúng không phải dễ, phải có kinh nghiệm và quen mới chèo được, nếu không thúng chỉ xoay tròn, mà chẳng đi được bao nhiêu. Trên chòi là khoảng trời riêng, có thể tổ chức ăn uống ngủ nghỉ rất hấp dẫn và mát mẻ. Sướng nhất là khoản “xã bầu tâm sự xuống sông.’’
Dùng thuyền thúng ra chòi rớ
Thuyền thúng chỉ là phương tiện của từng cá nhân gia đình, nên việc qua lại sông ít được sử dụng chỉ khi cần hoặc khi đò ngang đã nghỉ. Thế nhưng được qua lại trên sông bằng thuyền thúng dù mạo hiểm vẫn là một điều thú vị hấp dẫn vô cùng. Thuyền thúng không phải chỉ có ở Nhật lệ mà là sản phẩm của vùng sông nước miền Trung. Nhưng cái lý thú nhất mà tôi muốn nói ở đây là những con người đã làm ra nó. Đó là những ngư dân già, ở ngay xóm Câu, nơi mà tôi có thể bỏ ra cả giờ đồng hồ ngồi theo dõi các động tác từ đầu cho đến khi thuyền hoàn thành, đưa xuống sông chèo thử. Ông Dền một ngư dân lớn tuổi ở xóm tôi là người làm cái việc đó, và ông là ông của thằng bạn cùng tuổi, cùng học với tôi khi còn nhỏ. Tôi còn nhớ nó tên Đoài. Ngoài đò ngang, bến Nhật Lệ còn có đò dọc. Đò dọc đi đường dài, thường là từ Đồng Hới lên Lệ Thủy, Xuân Dục và ghé một số nơi như Võ Xá, chợ Tréo hoặc Quán Hàu, Trần Xá. Khách đò dọc phần lớn là bà con tiểu thương, mang hàng hóa đi bán ( chủ yếu thực phẩm biển) và sau đó mua nông sản trái cây các loại về giao cho bà con tiểu thương ở chợ Đồng Hới. Đi đò dọc thường cả ngày mới đến nơi, có lúc phải ngủ trên đò nên hành khách phải chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống cho mình một cách chu đáo. Đến bữa, mọi người mang thức ăn ra, ai có gì ăn nấy hoặc đổi cho nhau, vừa ăn uống vừa nói chuyện rất rôm rả. Đò dọc chở khách thì có bến có thời gian đưa đón khách theo quy luật. Đò dọc chở hàng thì rất tùy tiện, đi về không theo quy luật nào cả mà họ thường lợi dụng con nước và hướng gió để đi. Đò từ Lệ Thủy về thường chở củi và gạo về nhập vào cửa hàng lâm sản, cửa hàng lương thực hoặc bán lẻ tại chợ, có người gánh vào từng ngõ hẽm, từng gia đình để bán.
Hồi mới sáu hay bảy tuổi, tôi đã có dịp đi cùng vợ chồng anh chị tôi từ Hà nội vào trên chuyến đò dọc từ bến Nhật Lệ lên Xuân Dục. Sau đó lại đi bộ lên xã An Ninh để thăm bà con. Chỉ tính thời gian ngồi trên thuyền và đi bộ cũng mất ba ngày. Từ bến Nhật Lệ lên đò với bao nhiêu hành khách và hằm bà lằn hàng hóa tương cà mắm muối, nồi niêu, xoong chảo. Từ sáng sớm đò chòng chềnh, dập dờn, chao đảo cho đến gần tối mịt mới lên tới Xuân Dục. Dọc đường đi, hai bên bờ là cảnh quan sông nước, ruộng lúa nương khoai, bãi dâu trải dài theo dòng sông nom rất ngoạn mục và nên thơ. Sông Nhật Lệ thượng lưu gọi là Kiến Giang, nước trong xanh biếc, hai bên bờ là núi non hùng vĩ, trời xanh lồng lộng, mây trắng dập dờn. Nếu hành trình vào ban đêm, khi màn đêm buông xuống, mọi người chập chờn trong giấc ngủ, không gian yên ắng chỉ có tiếng lách tách của mái chèo khua khoan thai trong đêm thanh vắng nghe rất êm ái và quyến rũ. Thỉnh thoảng người lái đò cao hứng cất lên những điệu hò khoan, điệu ví cùng tiếng mái chèo trong đêm làm cho không gian vốn yên ả lại càng thêm lãng mạn, như ru ngủ khách bộ hành. Đối với tôi, có lẽ đây là đêm xa nhà đầu tiên mà cái đêm đầu tiên ấy lại được bồng bềnh trên sông nước như một kỷ niệm không bao giờ quên.
Bến Nhật Lệ vào mỗi sáng rất tấp nập và nhộn nhịp. Nào đò dọc, đò ngang, thuyền thúng, thuyền đánh cá đi lại trên sông như mắc cửi. Các bà, các mẹ, các o tranh thủ đến chợ, các nam thanh nữ tú tranh thủ đến trường, công chức đến sở làm việc, tiếng gọi nhau í ới vang cả một góc trời. Không khí khẩn trương nhất là những ngư dân Đồng Hải, tay bưng rổ đồ nghề câu, tay vắt lưới, quần đùi áo vắt vai xuống thuyền chuẩn bị cho một chuyến ra khơi. Các động tác chuẩn bị rất thuần thục và nhanh chóng. Mỗi thuyền có năm đến sáu người, tất cả đồng loạt đẩy thuyền ra sông, một số chèo, số còn lại kéo buồm. Lúc xuất phát thuyền đi bằng sức đẩy của mái chèo, ra đến giữa sông buồm đã được kéo lên và căng đầy gió thì cứ thế lao về phía biển, hàng chục chiếc nối đuôi nhau . Đoàn này nối đuôi đoàn nọ, một cảnh tựơng rất ngoạn mục và hấp dẫn trên sông Nhật Lệ kéo dài cho đến lúc đoàn thuyền ra khỏi cửa sông, những cánh buồm nhỏ dần….nhỏ dần cho đến khi mất hút, vỡ òa trong ánh mặt trời và trong sóng biển dập dờn. Trên trời từng đoàn chim hải âu xếp hàng ngay ngắn sải cánh chao lượn bay về phía biển để kiếm ăn, thỉnh thoảng lại thay đổi đội hình và tiếng kêu inh ỏi làm náo loạn cả không trung. Một vài con quạ lẻ đàn chao lượn trên cao dòm ngó như tìm kiếm cái gì còn sót lại của con người làm cho không gian ban mai trên bầu trời Đồng Hới và Nhật Lệ cứ như một bức tranh sống động vô cùng. Đầu phía nam, cách Đồng Hới khoảng mười cây số là nơi hợp lưu của hai chi lưu: Sông Kiến Giang từ Lệ Thủy xuống và từ Long Đại tại Quán Hàu rồi chảy dọc theo cồn cát trắng và dương liễu ngút ngàn, song song với quốc lộ 1A về đến Đồng Hới. Đoạn này con đường và dòng sông quấn quýt dập dờn bên nhau. Khách bộ hành trên đường 1A ngắm nhìn, thưởng thức gió và hơi nước, nhất là ban đêm khi ánh trăng lấp ló sau phía biển thì huyền ảo vô cùng; Quãng đường như ngắn lại bởi phong cảnh rất hữu tình, mát mẻ và xua đi mệt mỏi trên đường thiên lý. Chảy về đến xóm Nại- Nhật Lệ phình to uốn lượn ra phía tây đón nhận thêm các nhánh sông mới là sông Cùng, (rào Lệ kỳ) rào Bình Phú, rào Thuận Lý; rào Diêm Điền. Điểm uốn lượn này dòng sông ngăn cách đường số 1 bởi sông và hói. Sông rộng hói hẹp. Hai vị trí ngăn cách này cũng là hai điểm nhấn không thể thiếu cho bức tranh Đồng Hới thêm sinh động vì tại đây có cầu Dài và cầu Ngắn. Không rõ xuất xứ thế nào mà cầu có tên là Dài và Ngắn..Thôi thì chỉ suy luận một cách đơn giản: Cầu Dài bắc qua sông, sông rộng nên cầu phải dài - là cầu Dài. Còn cầu ngắn bắc qua hói, hói hẹp nên cầu ngắn - là cầu Ngắn . Hơn nữa, hai cây cầu chỉ cách nhau không tới cây số nên lấy hai cái tên đó dễ phân biệt nhau. Cầu Dài là cây cầu dài hơn cầu ngắn - cầu ngắn là cây cầu ngắn hơn cầu dài cho dễ nhớ mà cũng vui vui, ngồ ngộ. Cầu Dài “dài” như lịch sử văn hoá Đồng Hới với bao thuần phong mỹ tục đã làm nên Hồn vía Phố. Còn Cầu Ngắn, nói là ngắn nhưng cái “ ngắn” của khoảng cách từ trái tim - khối óc. Có lẽ đó là mối dây liên tưởng để tự hào trong dằng dặc kỷ niệm của bao thế hệ người Đồng Hới. Cầu Dài và cầu Ngắn được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Cầu Dài làm bằng sắt. Cầu Ngắn được làm bằng bê tông cốt thép một vòm khá kiên cố. Mặt cầu có chỗ bằng bêtông lại có chỗ chỉ bằng gỗ và chỉ một làn xe qua lại. Hai bên có hành lang cho người đi bộ. Nói đến cầu Dài, cầu Ngắn, người Đồng Hới xưa không ai quên được những đêm oi bức, thường rủ nhau đổ ra cầu hứng gió, ngắm cảnh. Từ trên cầu nhìn về phía tây là đỉnh U Bò, là đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ mờ ảo. Nhìn về phía đông là sông, là nước, là cồn cát, là cảnh tấp nập trên sông, là những lão ngư không chuyên thả hồn buông câu sảng khoái vô cùng.
Từ phía nam đi qua cầu Ngắn, cầu Dài là vào đường Võ Nguyên Giáp, cũng là địa phận thị xã hồi đó. Vùng nội thị, tuy diện tích nhỏ nhưng cũng được chia thành từng khu vực rõ rệt và đầy đủ tiêu chuẩn của một đô thị thời bấy giờ.
Trước hết xin nói về khu nội thành: Thành Đồng Hới còn được gọi là thành Quảng Bình. Từ xa xưa nó được đắp bằng đất, đến thế kỷ 17 dưới thời vua Minh Mạng mới được xây bằng gạch. Thành có chu vi hơn hai ngàn mét, chiều cao khoảng bốn đến sáu mét, bề dày có nơi lên đến mười mét, đó là nơi kiến trúc cửa thành. Thành có 3 cửa hướng ra 3 phía Đông - Nam - Bắc. Hướng Nam còn gọi cửa Nam cạnh nhà máy điện Đồng Hới. Phía Bắc còn gọi là cửa Bắc hướng ra Đồng Phú. Phía Đông là cửa Đông hướng ra sông Nhật Lệ. Mỗi cửa thành có một cầu dẫn. Bởi vì thành Đồng Hới cũng là một kiểu thành vauban (vô băng) nên xung quanh thành có hồ bao bọc . Hồ thành rộng chừng 30 mét, thông ra sông Nhật Lệ bằng một cửa cống lớn xây thành cầu đi lại gọi là cầu Mụ Kề. Hồ thành có rất nhiều tôm, cua to và cầu Mụ Kề có hằng hà cá bống cát, rạm, cá ngạnh. Nói đến khu vực cầu Mụ Kề có không ít người sẽ không sao quên được, vì đây là nơi ấp ủ biết bao nhiêu kỷ niệm, ký ức của nhiều lứa học trò vô tư nghịch ngợm từng là học sinh cấp 2 Đồng Hải. Đồng Hới cùng Lũy Thầy là dấu tích của cuộc chiến tranh Đàng trong và Đàng ngoài dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Nay kiến trúc thành và cửa thành Đồng Hới không còn nữa, kể cả Quảng Bình Quan (tuy đã được phục dựng lại) coi như chúng ta đã mất, mất tất cả. Đã đành do chiến tranh tàn phá, do bom đạn Mỹ hủy hoại nhưng một phần cũng do ý thức của con người chưa biết giữ gìn, trân trọng lịch sử .Vì mỗi viên gạch, mỗi phiến đá, mỗi mét vuông tường thành là chứng tích vô giá của lịch sử, là tiếng nói ngàn năm của ông cha ta vọng lại cho hôm nay và cho cả ngày mai, dễ gì chúng ta tìm lại được. Vẫn biết chiến tranh là khốc liệt, là tàn phá như vậy nhưng con người cũng trở nên cùng quẫn để đến nỗi không còn một khả năng phục dựng lại cho hậu thế, rõ ràng do lỗi của con người thế hệ chúng ta. Chắc rằng trong cuộc sống bình yên hôm nay, cũng không ít người bàng hoàng khi nhìn lại thấy chính mình đã góp phần đánh mất những giá trị văn hoá trầm tích của quê hương. Và cũng thật đáng tiếc khi nhiều lắm những dấu Xưa - Hồn vía Phố chỉ còn lại trong sự ngậm ngùi của các bậc cao niên.
Khu vực thành là nơi đặt các cơ quan cai trị, dinh thự của các quan lại thời Phong kiến thực dân nhằm cai quản cả vùng Quảng Bình. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, đặc biệt là từ sau năm 1954 khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc thì khu vực thành được xây dựng lại làm trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Bình. Nơi đó là trụ sở Tỉnh ủy, xây dựng trên đất Lầu Quán sứ của người Pháp. UBHC tỉnh, xây dựng trên đất dinh quan án sát người Việt. Ty Công an (bao gồm cả trại giam), tỉnh đội và cả lực lượng công an vũ trang, một số cơ quan hành chính khác xây dựng trên đất Dinh quan tuần vũ và trại lính khố đỏ. Ở đây có một cây ngô đồng thật to, tán rộng. Gần cổng Bắc, còn có hội trường Tỉnh ủy và một khu vực khá rộng dành cho triển lãm hoặc thỉnh thoảng chiếu phim phục vụ nhân dân.
Đặc biệt trong nội thành, giáp thành tây là Sân vận động. Đây là nơi vui chơi, hoạt động thể dục thể thao thưởng thức các loại hình nghệ thuật như xem phim, kịch, xiếc của cả thị xã. Sân vận động có cả lễ đài, là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng về chính trị văn hóa của tỉnh và thị.
Sân vận động thực chất là một bãi đất trống rộng và bằng phẳng được trồng cỏ dày đặc, chính giữa là sân đá bóng. Người ta lấy vôi bột rải làm đường ranh 4 cạnh hình chữ nhật và 2 cột cầu môn ở 2 phía, xung quanh có đường chạy và những ụ đất cao để ngồi xem. Việc xây dựng, cải tạo sân vận động chỉ bằng sức người, chủ yếu là cuốc xẻng, gồng gánh bằng nhiệt tình lao động của cán bộ công nhân viên chức và nhân dân thị xã với tinh thần xây dựng chủ nghĩa xã hội vào các ngày chủ nhật hàng tuần rất nhiệt tình và hăng hái. Tôi còn nhớ, nơi đây đã từng diễn ra một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Quảng Bình đó là lễ đón Bác Hồ về thăm Quảng Bình và Vĩnh Linh vào ngày 16/6/1957.
Sáng sớm ngày 16/6/1957 nhân dân thị xã và các huyện trong tỉnh từ các hướng với quần áo chỉnh tề, tay cầm cờ hoa xếp hàng đi về sân vận động trong niềm hân hoan phấn khởi vô bờ bến. Ai cũng ước ao được một lần nhìn thấy Bác, để được nghe Bác nói, Bác chỉ bảo. Cùng đi với Người và trên lễ đài hôm đó còn có đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông Vũ Kỳ (thư ký của Bác) và lãnh đạo tỉnh, thị xã. Cố Thông (nhân sĩ - là thành viên MTTQVN tỉnh) cùng một số thiếu nhi thị xã.
Trên lễ đài Bác vẫy tay chào nhân dân Quảng Bình. Đáp lại hàng ngàn người đồng thanh hô to: Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm.
Tôi đã cố sưu tầm, tìm kiếm bài nói chuyện của Bác và những hoạt động của Người trong thời gian lưu lại Quảng Bình hôm đó, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Chỉ biết Người đã nghỉ đêm cùng đoàn tại nhà khách của sư đoàn 325 ở cửa biển Nhật lệ ( hiện tại có một cột mốc còn ghi rõ). Ngày hôm sau, Người phải trở về Hà nội sớm hơn so với dự kiến.
Được biết, tỉnh nhà đã tổ chức hội thảo về sự kiện này nhưng chưa có kết luận cụ thể. Hiện chỉ có một số hình ảnh chụp trên lễ đài và cột mốc tại bãi biển Nhật Lệ ghi một cách chung chung là nơi Bác tắm biển, nhưng những tấm ảnh ấy cũng chưa nhìn hết được thành phần đoàn chủ tịch. Có bao nhiêu đại diện thiếu nhi, là ai, (có một người tên Nguyệt và ai nữa không). Đáng tiếc nhất là không có bài nói (băng ghi âm) nội dung lời Người. Ngoài ra tôi cũng rất quan tâm đến những nơi Bác đến. Chẳng hạn Bác có đến thăm bệnh viện Đồng Hới hay không, Nếu có thì đi vào thời điểm nào, trước hay sau khi dự míttinh ở sân vận động. Sinh thời, Bác đi thăm rất nhiều nơi cả chính thức và đột xuất, thậm chí trong những lần thăm chính thức cũng có đột xuất mà ngay cả chính quyền địa phương hay thủ trưởng các đơn vị cũng không biết, nên việc Bác đến thăm bệnh viện mà lãnh đạo tỉnh không biết cũng có lý của nó. Ông Phan Huy là y sĩ phụ trách phòng mổ của bệnh viện hồi đó cho biết: khoảng 13h hôm đó, đoàn của Bác khoảng 10 người đi vào cổng bên phải của bệnh viện rồi đi thẳng xuống nhà bếp nằm ở dãy nhà phía sau mà không ai để ý đến (vì đang giờ nghỉ trưa). Đến nhà ăn Bác gặp ông Dũng và hỏi thăm tình hình vệ sinh thực phẩm sau đó đi lên khu điều trị bệnh. Tại đây Bác gặp và hỏi thăm sức khỏe ông Đào - là một cán bộ kháng chiến đang điều trị bệnh. Sau đó Bác lại đi tiếp đến thăm khoa sản, tại đây Bác có gặp và hỏi thăm sức khỏe của một sản phụ tên là Phương.
Toàn bộ thời gian thăm bệnh viện chỉ 20 đến 30 phút lại đang trong giờ nghỉ nên ít ai để ý cũng không có lãnh đạo cùng đi. Ông Huy lúc đó đang ở trong phòng mổ nên chỉ nhìn ra chứ thật tình ông cũng không ngờ hôm đó Bác đến thăm. Hôm tỉnh nhà tổ chức hội thảo, ông là một trong những nhân chứng đã thuật lại nội dung trên (cùng một số người khác). Tiếc thay, có người chưa thông (chắc vì họ không thấy). Với tôi, tôi nghĩ cũng có lý vì phù hợp với nhiều cuộc thăm khác của Bác ở các nơi. Như ở Hà nội Bác đến thăm gia đình một người dân làm nghề gánh nước thuê tại phố Hàng Chĩnh vào đêm giao thừa. Tại Hải Phòng Bác đến thăm gia đình một công nhân làm nghề quét rác mà đâu lãnh đạo nào biết. Vì Bác của ta là vậy - có như thế Bác mới biết đời sống thực của người dân.
Xin nói thêm điều này, vì có liên quan đến sự kiện mà tôi đang nói (chỉ là ngoài lề thôi). Ấy là việc liên quan đến cột mốc ghi lại nơi Bác tắm biển tại đây. Với tôi, tôi cũng có chút hoài nghi không biết Bác có tắm biển ở đây không vì thời gian làm việc của Bác quá ngắn ngủi, chỉ nghỉ đêm tại đây mà tại khu vực này sâu lắm, mấy ai tắm đêm. Nhưng điều mà tôi suy nghĩ nhất lại là chuyện khác, đó là dẫu Bác có tắm biển đi chăng nữa thì thiếu gì từ ngữ để ghi mà lại ghi huỵch toẹt ra: nơi này Bác tắm biển. Làm như Bác về đây để được tắm biển hoặc Bác chỉ tắm biển ở đây. Việc Bác tắm biển ở đây (nếu có) chỉ là một sinh hoạt đời thường cũng như nhiều nơi khác, nhưng không ở đâu, chỉ có ở quê mền hết chuyện để làm nên bày ra làm cái cột mốc ấy (nhìn hơi bị chướng về từ ngữ). Tôi có nói chuyện này với mấy anh bạn đồng hương Quảng Bình tại thành phố Hồ Chí Minh, thì có người nói: “Mấy thằng cha ngoài mền làm chuyện tào lao”. Tôi có đến một vài nơi mà trước đây Bác đến, cũng như vào thăm nhiều bảo tàng của Bác, nhưng tuyệt nhiên không thấy nơi nào giới thiệu hay thuyết minh về chuyện riêng tư này. Có chăng, trong một lần về Quảng Ninh làm việc tôi được mấy anh bạn đồng nghiệp đưa đi thăm quan Vịnh Hạ Long và tiện thể theo yêu cầu của chúng tôi, họ đưa chúng tôi đến thăm đảo Ti Tốp nơi mà trước đây phi công vũ trụ TiTốp của liên bang Xô Viết hoàn thành chuyến bay thứ hai (chuyến đầu tiên là Ga –ga- Rin ) thành công. Ông có sang thăm Việt Nam và được Bác Hồ đưa đi thăm Vịnh Hạ Long sau đó đến đảo này nghỉ ngơi. Tôi có nghe kể lại, tại đây Bác tắm biển cùng TiTốp. Nhưng địa phương này đâu có cột mốc ghi nhớ như ở quê mền.
Tôi còn nhớ năm 1967, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá Miền Bắc, Bác về Thái Bình thăm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phong thuộc huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư) - nơi lá cờ đầu của Miền Bắc trong sản xuất nông nghiệp với phong trào 5 tấn thóc trên héc ta. Bác cùng đoàn đi thẳng xuống tận HTX chứ đâu có ghé tỉnh hay thị xã Thái Bình. Ngày hôm sau khi đài tiếng nói Việt Nam thông báo tỉnh mới biết. Bác Hồ về thăm Quảng Bình là một sự kiện đặc biệt, có một không hai đối với tỉnh nhà, đồng thời đánh dấu cho chặng đường dài sau 46 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân của Bác. Câu chuyện Bác về Quảng Bình phải tạm dừng lại ở đây bởi Bác còn tiếp tục chuyến thăm bờ bắc sông Bến Hải, còn cả trăm cây số nữa mới đến. Giấc mơ thống nhất đất nước vẫn còn dang dở. Nam bên nớ- Bắc bên ni, cõi lòng Bác vẫn chưa nguôi thương nhớ Miền Nam và coi đó như một món nợ của đời mình đối với đồng bào miền Nam. Biết bao người chiều chiều còn phải “đứng trông về, mắt đượm tình quê”. Riêng tôi đây cũng là sự kiện đầu đời khi tôi vừa đủ lớn, đủ nhớ và cảm nhận sự lớn lên cùng quê hương Quảng Bình từ đấy (lúc đó tôi 5tuổi) để rồi cùng lớp lớp con cháu của Bác tiếp tục con đường mà Bác đã chọn.
Trở lại với sân vận động nơi gắn với tuổi học trò của tôi và bè bạn những trận cầu nảy lửa, những đêm xem chiếu bóng trong niềm vui náo nhiệt của người Đồng Hới. Sân vận động có ba cửa đi vào, cửa chính và hai cửa phụ hai bên. Còn nhớ những năm cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960, tại đây cũng diễn ra những giây phút nghẹt thở khi chứng kiến những trận cầu bóng đá khu vực miền Trung cứ luân phiên tổ chức ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nơi đây diễn ra các trận bóng đá mang tầm cỡ khu vực và quốc gia ở miền Bắc. Hàng tuần, vào chiều chủ nhật hàng ngàn người từ muôn nẻo đổ dồn về sân vận động để xem ít nhất là một hoặc hai trận đấu, chưa kể những trận của đám choai choai chúng tôi tổ chức một cách tự phát. Thường thì có trận bóng đá chân đất của các đội nghiệp dư đá theo phong trào của từng địa phương, từng ngành nghề trong tỉnh với nhau, sau đó mới đến các đội chuyên nghiệp chân giày như đội tuyển thanh niên Quảng Bình gặp Thanh Hóa hoặc Nghệ An … Nếu không có đội ngoài tỉnh thì các đội trong tỉnh cũng tổ chức thi đấu với nhau. Tuy mang tính chất “cây nhà lá vườn” nhưng cũng rất gay cấn và hấp dẫn. Lý thú nhất là khi có các đội bóng chuyên nghiệp có tầm cỡ như Thể công, Trường huấn luyện, Đường sắt…vào thi đấu tại đây. Một không khí thể thao bao trùm cả thị xã. Người dân không quản ngại đường xa, mưa nắng tập trung về sân mua vé để xem đá bóng. Công việc chuẩn bị cho các trận đấu đều do những người không chuyên đảm nhận: từ kẻ vạch đường trồng cầu môn, treo lưới, nhặt bóng đến khâu hậu cần cho cầu thủ vv…Lứa cầu thủ hồi đó nay cũng đã ngoài 60 thuộc lớp người cao niên cả rồi. Tôi chỉ nhớ tên một số anh như: Thừa, Kỳ, Hải, Phi, Minh, Ứng, Thiện, Phú, Châm, Lâm, Hoan,Thùy, Lợi, Chánh và Vân . Tôi còn nhớ anh Thừa (sau là giáo viên dạy thể thao của tôi ở cấp 3) có thân hình vạm vỡ “hơi quá cỡ”, sẽ phù hợp hơn nếu là võ sĩ quyền Anh hay Juđô, bởi có hai cái mông lúc chạy cứ lắc la lắc lư, nhún nhảy để lại ấn tượng vui vui khó quên. Nhưng anh lại là một cầu thủ khá chuyên nghiệp, chạy nhanh lừa bóng rất điệu nghệ. Tôi khoái nhất là cú đá phạt góc của anh vì bóng bay cầu vồng rồi bay luôn vào lưới của đối phương. Ngoài đá bóng, anh còn là một tay bóng bàn thiện nghệ vào loại nhất nhì tỉnh và có hạng ở cấp quốc gia miền Bắc hồi đó. Tôi tự cho mình là người có diễm phúc vì được làm học trò của anh trên nhiều phương diện: bóng bàn , bóng đá và các môn thể thao khác cũng như học ở anh tính cách của một người Đồng Hới chính gốc chân thật dễ gần gũi, nhất là thời kỳ anh chuyển hẳn sang làm công tác giáo dục ở trường cấp 3 Đồng Hới. Rất tiếc, anh Thừa- thầy Thừa của tôi không còn nữa, nhưng mãi mãi không phai mờ trong ký ức của chúng em, không vơi trong niềm thương và nỗi nhớ về thầy. Nhân viết bài này, em xin gửi đến Thầy hiện ở nơi nao một nén nhang lòng và lời cầu chúc linh hồn siêu thoát…siêu…thoát.
Trong số các anh, có anh Phi, anh Minh chuyên đá hậu vệ và đá cứng. Tuy chiều cao hơi bị khiêm tốn nhưng có sức bật rất cao để cản phá bằng đầu sự tấn công của đối phương một cách có hiệu quả. Anh Kỳ có lối đá hoa mỹ, bay bướm trông rất thư sinh và anh cũng là một tay bóng bàn cự phách trong làng bóng bàn của tỉnh. Anh Hải thường lấn sân đối phương sớm nên bị mang tiếng là ăn cơm tháng trong các trận đá. Anh Vân đá rất giỏi được tuyển vào đội tuyển quốc gia mang tên Trường huấn luyện Trung ương ở Hà nội và từng ra nước ngoài thi đấu nhiều lần.
Lại nhớ đến hàng thủ môn thì có anh Nghĩa, anh An, anh Huỳnh Cu, anh Thấu trong đó anh Nghĩa là bắt hay nhất. Trọng tài là các anh như: anh Châu ( thường gọi là Châu quéo vì tay bị tật), anh Thành ( chồng cô giáo Kim); anh Nghêu. Anh Định, anh Thấu thỉnh thoảng làm trọng tài phụ. Trong số những người làm trọng tài nêu trên thì anh Châu là người bắt chuẩn nhất, nhưng nghề chính của anh ấy là thuyết minh Phim tại rạp chiếu bóng Nhật Lệ vì giọng nói của anh rất chuẩn Đồng Hới. Ngoài ra còn một số anh chuyên lo khâu tổ chức hậu cần mà kể ra thì không nhớ nỗi. Các anh có người còn, người mất nhưng chắc chắn trong lòng dân Đồng Hới ngày ấy và thế hệ chúng tôi - những người “xưa yêu quê hương qua trận cầu nảy lửa” không quên được.
Nói về chuyện khán giả ngày ấy với phong tràoVăn hoá thể thao trên sân vận động. Khán giả thì đủ mọi thành phần lứa tuổi, vào được sân rồi tự kiếm chỗ ngồi, hoặc đứng để xem và hò hét cổ vũ. Tôi khoái nhất là tìm đến chỗ có ông Sỹ (thợ thiếc) một khán giả trung thành với tất cả mọi trận đấu. Bác ấy biết mọi chi tiết từng cầu thủ, con ông nào, bà nào, nhà ở đâu để cổ vũ cứ như một bình luận viên chuyên nghiệp; kể cả khi cầu thủ đá dở bác ấy còn kêu tên cả cha mẹ ra mà chửi cũng chẳng sao. Hoặc không tiếp cận được bác thợ thiếc thì có một chiêu cũng vào loại độc nhất vô nhị là leo lên một trong ba cây nhãn ở gần cửa, đu đưa vắt vẻo trên các cành cây để xem đá bóng.Vào sân, không chỉ xem mà tụi nhỏ chúng tôi còn tổ chức các trận đấu với nhau bằng các sân mini. Cả bọn chia đôi quân số hai bên bằng nhau đá ở những góc sân khác nhau. Các trận đấu không tính thời gian cho đến khi mệt thì thôi và cũng có đông người xem cổ vũ. Các nơi trong thị xã nhiều người tập trung dưới các loa phóng thanh lắng nghe đài tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp các trận bóng đá đang diễn ra ở sân vận động Hàng Đẩy Hà nội.
Ngoài đá bóng, đây còn là nơi chiếu phim và các hoạt động nghệ thuật khác. Hàng tuần vào tối thứ 7, chủ nhật người dân lại đổ dồn về sân vận động rất vui vẻ và nhộn nhịp. Từng đoàn người từ các ngõ, ngách, từ các khu dân cư tay cầm quạt mo hoặc quạt giấy, có người còn cặp nách cái ghế nho nhỏ xinh xinh hoặc nhặt đâu đó cục gạch để ngồi. Có người cẩn thận hơn còn mang theo dù, áo mưa, tấm nilong phòng khi mưa đột xuất. Lịch chiếu phim và chương trình, nội dung phim được thông báo rộng rãi ở những nơi công cộng trong thị xã bằng các tờ áp phích hoặc phấn màu viết thẳng lên tường nhà và hàng rào. Có khi, nhân viên đội chiếu phim còn đi xe đạp vào các ngõ ngách thông báo cho mọi người cùng biết. Phim hồi đó thường do các xưởng phim của Liên Xô và Trung Quốc sản xuất (xưởng phim Mát-cơ- va, Kiép hoặc Bát nhất, Thượng Hải vv ...) chiếu về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Hồng quân Liên Xô, Trung Quốc chống chủ nghĩa phát xít, và nhiều thể loại khác cùng nhiều phim tài liệu khác do ta sản xuất về cách mạng tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ vv…
Vé vào xem bóng đá thì tùy thuộc vào tên tuổi, thương hiệu của đội bóng và tính chất của trận đấu thường giao động từ một hào đến năm hào một người. Còn vào xem phim thì chỉ hai mức: người lớn một hào, trẻ em năm xu. Tuy vào sân phải có vé và có cửa kiểm soát chặt chẽ nhưng lũ trẻ con chúng tôi ngày đó đâu có chịu chi, mà thú thật đâu có tiền để mua, nếu có cũng để dành vào sân mua cốc nước uống, gói đậu phụng, cái kẹo cau của mấy o, mấy mệ buôn thúng bán mẹt bên cạnh cây đèn dầu nho nhỏ bày bán trong sân.
Để vào được sân, tụi nhỏ chúng tôi có nhiều chiêu lắm, từ bí mật đến công khai. Chẳng hạn như: Đến cổng chính bám theo người lớn (Vì người lớn được kèm trẻ em), lượm vé mà nhân viên chưa kịp xé hoặc lợi dụng nhân viên soát vé lơ là, là lẻn vào….nhưng xem ra mấy chiêu này phập phồng lắm, lúc được lúc không. Do vậy phải sử dụng con đường bí mật, bằng cách chui sâu, leo cao. Tường phía nam có 3 vị trí có thể vào sân một cách chắc chắn nhưng khá vất vả, là cặp tường và con hói, băng qua cỏ dại, gai góc và hai dãy nhà vệ sinh công cộng. Có khi chúng tôi phải dẫm lên cả phân trâu bò, thậm chí cả phân người và cả rắn rết. Băng qua được những cửa ải ấy thì đến được một khoảng tường trống hoắc trống hơ, do bị đạn bắn thủng từ thời nào không rõ. Quan sát xung quanh không thấy người canh thì cứ hai đứa một lượt, thằng này đứng lên vai thằng kia trèo lên xong, quay lại kéo thằng kia lên. Cứ thế chúng tôi kiếm đường nhẹ nhàng bí mật lẻn vào một cách êm thấm không để bị phát hiện, vì bị phát hiện thì tụi đi sau không vào được. Chúng tôi vào bằng con đường này tuy bí mật nhưng cũng có lúc phải công khai táo bạo, và trắng trợn. Ấy là khi có hàng chục đứa cùng đến một lúc đã tập trung sẵn sàng ở vị trí tập kết mà bị nhân viên gác cổng chặn lại không cho leo vào thì chơi màn Ala xô-xung phong. Một thằng khoẻ nhất đứng dưới cho cả bọn dẫm lên vai mà leo vào, hết thằng này lại đến thằng khác rồi cứ thế mà chạy. Nhân viên kiểm soát giỏi lắm chỉ có hai người. Họ bắt sao nổi lũ chúng tôi, giỏi lắm chỉ tóm được một hay hai đứa, trong lúc đuổi bắt thì cả lũ đã vào hết được bên trong rồi. Đứa nào vô phúc bị giữ thì ăn một hai cái tát hoặc đá đít là xong. Liều lĩnh nhất có lẽ là chui qua khu vực doanh trại công an vũ trang vì đây là nơi đóng quân của lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng trong tỉnh. Đương nhiên đây cũng là một nơi khá nghiêm ngặt dưới con mắt của mọi người lúc đó. Ấy vậy mà đám con nít Xóm Câu lại tổ chức chui vào sân bằng con đường đó. Cứ hai đứa, lớn có, bé có lợi dụng bóng tối các cây cổ thụ, đi theo các dãy nhà lính ở để đi vào sân. Có lần anh Dũng tôi cầm đầu cùng Dỉnh, Sáo, Hải chui vào gần đến nơi thì bị tóm cổ đưa vào phòng trực ban tạm giam ở đó. Tôi, Nuôi, Hùng ngọong đứng bên ngoài lo sợ, khóc lóc. Không giải quyết được gì, bọn tôi bèn lấy đá ném lên mái tôn một căn nhà kề tường rào. Hai ông trực ban nghe tiếng đá lộp bộp trên mái nhà thì đi ra kiểm tra. Thế là cả bốn ông có thời cơ chạy thoát. Ngoài ra vẫn còn một số đường khác nữa nguy hiểm hơn mà chắc nhiều người đã biết, đã từng tham chiến, nói ra nữa chắc sẽ thừa. Để ai đó hồi tưởng lại kể cho con cháu nghe và biết.
Buổi tối xem phim ë sân vận động đông vui lắm. Mặc dầu vé vào sân đồng loạt như nhau nhưng cũng có chỗ ngồi được cho là “VIP”. Ấy là đám choai choai vào sân sớm, chọn chỗ xung quanh máy chiếu phim để xem cho rõ và theo dõi được nhân viên thao tác máy. Thường đội chiếu phim có máy phát điện, gần đến giờ chiếu mới cho nổ và thử máy. Vui nhất là khi có tiếng máy quay sè sè thì lũ trẻ nhảy cẩng lên để đầu hoặc đưa hai tay xòe hình chim, chó hiện lên màn ảnh. Xem phim trong sân có cái sướng và cái cực khác nhau, sướng thì ai cũng biết còn cái cực thì không nói ra ít ai biết. Có hai cái cực: nhất là trời mưa, mưa nhỏ thì đội mưa mà ngồi, ai chuẩn bị được áo mưa, nilong thì tùy nghi sử dụng. Nếu mưa lớn coi như giải tán, mạnh ai nấy chạy cả sân cỏ thành một sân nước trắng xóa, tung tóe. Chỉ tội nghiệp mấy anh chị nhân viên chiếu phim lo che đậy máy và thu dọn đồ đạc mang về. Cái cực thứ hai là chuyện tế nhị khó nói. Ấy là, cả sân vận động có khi tập trung cả ngàn người nhưng không hề có một chỗ dành cho việc xả nước dư, chất dư không cần thiết trong cơ thể. Ban ngày còn đỡ chứ tối xem phim thì hỡi ơi, còn hơn cực hình bạ đâu làm đó. Con nít thì cứ vô tư tè ngay chỗ ngồi, đàn ông thì cố nín, nín không nỗi thì lách ra ngoài vài chục bước là có thể vô tư tè một cách thoải mái. Khổ nhất là mấy bà, mấy o, mấy chị, mấy đứa con gái cũng có nhu cầu chính đáng ấy nhưng không biết làm cách nào. Đi ra ngoài thì phải ra thật xa mà đi xa thì mất thời gian có khi mất cả chỗ ngồi, không theo dõi được phim. Nên thông thường họ ngồi theo từng nhóm, quen thân nhau để giúp nhau làm chuyện đó một cách âm thầm (như là không có gì xảy ra) như đám con nít chúng tôi vậy. Nhưng cũng xin nói lại cho rõ, đây là trường hợp bất khả kháng ngoài sức chịu đựng. Điều này nói ra chắc có người cho là bịa đặt, không tin, cứ hỏi những bà, những chị nay khoảng 55 đến 60 tuổi người Đồng Hới ở bất kỳ đâu thì rõ, biết đâu ai đó sẽ mỉm cười vì nhận ra mình từng là nạn nhân của cái việc làm bất đắc dĩ đó.
Ngày nay, sân vận động vẫn còn đó, lại to hơn và đàng hoàng hơn nhưng tất cả đã khác rồi. Còn đâu nữa thời hoàng kim của nó khi mà giờ đây mỗi lần đi qua người ta chỉ liếc mắt nhìn qua để tiếc mà không nói nên lời. Tỉnh nhà đã bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của để xây dựng mới, chỉnh trang, nâng cấp nhưng không sử dụng được lại đổ thêm tiền, lại sửa….Nhưng than ôi, nay nó là một cái sân vô hồn, đầy cỏ, không ai còn đếm xỉa tới. Chẳng khác gì một lão già hết hơi bị con cháu ruồng bỏ. Mà cũng phải thôi vì cả tỉnh và thị xã cũng không có nỗi một đội bóng cho ra hồn thì sao lão già ấy hồi sinh được. Một thành phố văn minh hiện đại đến đâu chăng nữa mà sân bóng không ra hồn, không có đội bóng và thanh thiếu niên ngoảnh mặt với thể thao thì thành phố ấy cũng mất đi cái sinh khí tươi trẻ. Thật đáng buồn mỗi khi thế hệ chúng tôi về quê muốn tìm lại kỷ niệm. Hãy làm và làm thật nhanh những điều gì đó để cho niềm vui của mọi người trở lại, để mọi người đến với sân chứ không còn liếc nhìn sân trong sự ngậm ngùi nữa. Hơn thế nữa, “ông già” sẽ không già nữa mà trở nên trẻ trung, cường tráng lại như ngày nào thủa hoàng kim -Sức Trẻ.
Đối diện với cửa chính của sân vận động có một khoảng đất trống rất rộng, có thể làm đến 5 hay 6 sân bóng chuyền nhưng thường để không, cỏ mọc dày đặc nên chính quyền thị xã giao cho học sinh các trường học trong thị quản lý tổ chức lao động tăng gia sản xuất mà chủ yếu là trồng khoai lang. Nhà trường lại chia cho từng lớp để học sinh quản lý tổ chức lao động thực hành vào ngày nghỉ thứ 5 hoặc chủ nhật hàng tuần. Vào ngày nghỉ, học sinh các cấp nào tay cuốc, tay xẻng và quang gánh trên vai gồng …gồng, gánh…gánh, đào…đào, bới….bới để dọn cỏ, cuốc đất, vun thành từng luống ngay hàng thẳng lối. Một số người khác đi bứt cây xanh về độn trong từng luống, chờ hoai để làm phân rồi mới trồng dây lang xuống. Không khí lao động rất nhộn nhịp và vui vẻ. Các lớp đua nhau làm nhanh, làm đẹp và biến khu đất trống này thành vườn lang có một màu xanh tươi mát, sạch sẽ. Đất không phụ lòng người, cây không phụ lòng đất nên dây khoai lang tốt tươi nhanh chóng và phủ kín cả khu đất ấy. Vui nhộn nhất là lúc thu hoạch, những củ khoai căng tròn, mủm mỉm trông rất bắt mắt, được chia về các lớp rồi theo từng người về với gia đình thay cho lời báo cáo kết quả lao động với cha, mẹ, họ hàng. Tất nhiên, ít thôi nhưng ai cũng vui. Vui vì hạnh phúc, mà không riêng gì lứa học trò chúng tôi mà trước đó các thế hệ đàn anh cũng phải lao động tăng gia như vậy, nhưng ít hạnh phúc hơn. Nghe kể lại: Sau giải phóng năm 1954, học sinh phải trồng khoai ụ là một loại khoai được mang từ chiến khu về. Đất ở trên đó thì tốt, lại có nhiều tre để làm giàn còn ở thị xã kiếm đâu ra những thứ ấy, coi như là cực hình. Thế nhưng nhà trường lại luôn yêu cầu phải nâng chỉ tiêu nên đâu cũng chỉ định lập ụ , hở ra là ụ. Sân trường, vườn chùa, vỉa hè đầy ụ. Học trò thành quỉ cả vì đi ăn trộm cả hàng rào, gìàn bí, phên liếp…đem nộp. Lại còn phải gánh đất sưng cả hai vai, có người đưa ra sáng kiến lấy bùn ở hồ thành cho gần nhưng hỡi ôi! Hồ thành là bùn nước mặn nên cây ụ đâu có sống nỗi đành phải mất cả chì lẫn chài. Phong trào trồng cây ụ kéo dài gần hai năm mà không ai nói chuyện thu hoạch, mà không riêng gì học sinh, cả người lớn trồng cũng không ra lá, nói chi củ. Ngay ở đất Đồng Phú là đất trồng màu tốt thế cũng không nghe ai nói có mục sở thị hình hài một củ khoai ụ xem nó như thế nào. Chuyện này tôi nghe kể lại, mà người kể là một học sinh của thời Đồng Hới 1954 nay gần 70 tuổi nhằm nhắc cái thửơ mà tư duy của chúng ta còn ấu trỉ như vậy đó
Từ sân vận động đi ra cửa đông, qua khỏi cửa đông là một khoảng không gian rộng mở, bao la từ sông nước trời xanh mây trắng. Khu vực này có vườn dương, gọi là vườn nhưng thực chất đây là một sân bóng rổ. Thời Pháp thuộc là sân tennis phục vụ cho Tây và dân hàng phố ở Đồng Hới ăn chơi trước đây. Bao quanh sân là dương liễu nên mới có tên là Vườn Dương. Ở đây phong cảnh rất lãng mạn và nên thơ nhất là vào ban đêm bởi có ghế đá ngồi hóng mát, có tiếng gió rì rào, có ánh đèn vừa đủ sáng. Phía ngoài Vườn Dương là sông Nhật Lệ, lại còn có cầu bơi phục vụ nhu cầu bơi lội của thanh, thiếu niên thị xã. Vào những buổi chiều trong ngày, lúc nào cũng có vài ba chục người đến bơi lội vui chơi, hóng mát. Cầu được xây từ mép sông ra dài khoảng 20 mét, khúc sông này lại sâu và sạch sẽ nên rất phù hợp cho bơi lội. Hơn nữa, cảnh quan thì hữu tình nên rất lý tưởng. Bên cạnh vườn dương là đài Liệt sĩ của tỉnh (mới xây) có quy mô khá lớn, khá đẹp để vinh danh, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ của tỉnh đã hy sinh vì độc lập tự do cho đất nước và cũng là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Quần thể Vườn Dương, Cầu bơi, đài liệt sĩ còn là nơi lý tưởng để các trai tài gái sắc đến tâm sự tìm hiểu nhau vào những đêm trăng thanh gió mát. Từng cặp, từng cặp ngồi bên nhau âu yếm tâm sự say sưa. Dường như đây là thế giới riêng của họ, không ai còn biết trời đất là gì nữa. Đám con nít thì tò mò muốn biết ai đang ngồi với ai, nói chuyện gì với nhau và có làm gì nhau. Vì dân thị xã biết mặt nhau cả, nên chỉ cần biết một vài chi tiết để hôm sau gặp, trêu chọc chơi vui. Có đứa tinh nghịch còn bí mật bò, tiếp cận tận nơi, mục sở thị chính xác đối tượng hoặc lén lấy dép guốc mang dấu rồi hôm sau khoe toáng lên với mọi người là bắt được “cua đời”. Lại có hôm bắt được “cua đời ngoại” là mấy ông Tây công tác trong Ủy ban Quốc tế ôm ấp, hôn hít mấy em gái thân thương không biết ở đâu đến. Gặp những ca này, bọn con nít nhanh chóng thông báo cho nhau đến coi và cố tình nhìn cho ra mặt “cua mái”. Nhưng tuyệt nhiên không nhận ra được ai cả. Có lẽ đây là những người từ nơi khác đến chứ không phải con gái nhà mền, nếu có chỉ là cá biệt và cũng không nhận ra vì có lẽ đã hóa trang trước đó rồi. Tụi này chơi ngông lắm, dù biết có người để ý nhưng cứ “phớt ăng lê” lại còn biểu diễn mấy trò nhảm nhí ngay tại ghế đá hoặc gốc cây một cách vô tư.
Ngay sát đài liệt sĩ, có một khu đất trống khá rộng và một vài cái vila kiểu Pháp, thị xã cải tạo lại làm nhà văn hóa thiếu nhi có thư viện để đọc sách, có sân bãi để tập nghi thức đội, có nhà học nhạc, học hát và khu vui chơi ngoài trời. Vào mùa nghỉ hè, hàng ngày có hàng trăm học sinh đến vui chơi sinh hoạt rất nhộn nhịp và thoải mái . Một số bạn đã trưởng thành từ nhà văn hóa này, được đào tạo chính quy trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp ở trung ương và địa phương. Nhưng rất tiếc, nhà văn hóa mới hoạt động được một thời gian ngắn thì chiến tranh xảy ra và nhà văn hóa cũng phải giải thể để đi vào cuộc sống mới “ác liệt” hơn. Khác với các địa phương khác trên miền Bắc, ở ta còn có cơ quan đại diện của Ủy ban quốc tế. Đây là một trong những bộ phận được hình thành sau khi hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết nhằm giám sát việc thi hành hiệp định tại vĩ tuyến 17 ở Vĩnh Linh, (chủ yếu là thực hiện việc ngừng bắn trong phạm vi quy định ) và nhiều điều khoản khác. Ủy ban Quốc tế gồm có ba nước đại diện cho ba chế độ chính trị khác nhau tham gia. Ba nước đó là : Ấn Độ, Ba Lan, Canađa, nếu nước nào không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị thay thế. Do là cơ quan Quốc tế nên họ được hưởng ưu tiên về đi lại sinh hoạt rất đặc biệt theo quy chế ngoại giao. Hàng ngày họ đi xe màu trắng, cắm cờ ngoại giao từ Đồng Hới vào Vĩnh Linh làm nhiệm vụ rồi trở về. Chế độ sinh hoạt vui chơi thuộc hạng cao cấp so với đời sống của dân ta rất nhiều. Những chuyện “em út” và cử chỉ “ tươi mát”cũng là lẽ thường tình với họ mà ở vườn dương chẳng qua là bề ngoài mà bọn con nít nhìn thấy, còn trong trụ sở và trên xe thì vv…vì đấy là khu vực “ bất khả xâm phạm’’. Đố trời biết được. Nấu ăn (đầu bếp) trong UBQT là ông Vinh (thường gọi là Vinh nám) và một người đại diện cho ta ở trong đó là ông Trọng (ông là chồng cô giáo Nam Trân - người mền ). Ủy ban Quốc tế hoạt động một thời gian dài, đến khoảng 1959 thì giải thể do đế quốc Mỹ can thiệp vào miền Nam, hà hơi tiếp sức cho chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại hiệp định Giơ - ne - vơ. Chúng còn hô hào lấp sông Bến Hải để Bắc tiến. Bây giờ, sòng phẳng mà nói thì sự có mặt của UBQT tại Đồng Hới cũng gây cho ta ít nhiều phiền toái trong công tác chi viện cho miền Nam khi mà tất cả mọi con đường, mọi phương tiện vận chuyển người, vũ khí, hậu cần dù bí mật hay công khai đều phải qua đây mới vào được với miền Nam. Thôi thì đây cũng là một giai đoạn đáng nhớ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, và là một dấu ấn cho riêng Đồng Hới - quê mền.
Như đã nói ở phần trên, diện tích toàn thị xã chỉ trên dưới một trăm héc ta nên hệ thống đường sá nội thị ngắn và hẹp như chiều dài và chiều ngang của nó. Có ba trục đường chính chạy suốt chiều dài của thị xã. Đường Võ Nguyên Giáp từ Cầu dài ra đến cống Phóng thủy có chiều dài khoảng hai cây số, đây thực chất là một đoạn của quốc lộ 1A chạy qua Đồng Hới. Không hiểu do đâu mà người ta lấy tên của đại tướng để đặt tên cho đường này, vì theo thông lệ chung, một người còn sống thì chưa thể đặt tên cho các công trình, bất kể là công trình gì .Nói là nói vậy thôi, chứ đối với đại tướng, Ông là người Quảng Bình, là học trò xuất sắc của Bác Hồ, Ông còn là tổng tư lệnh tối cao của quân đội nhân dân Việt Nam, một quân đội vừa làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “ chấn động địa cầu” buộc thực dân Pháp phải ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Vậy không cớ gì mà không tự hào để làm điều đó. Đoạn đường này được rải nhựa, nhiều xe cộ qua lại. Hai bên đường có nhiều nhà đẹp, hầu hết được xây dựng từ thời Pháp và nhiều cơ sở tôn giáo, chùa Linh Quang, chùa Phật học vv…
Đường này chạy qua trước mặt Quảng Bình Quan. Nơi đây có một vòng xoay, cũng là một vườn hoa tuy nho nhỏ nhưng cũng khá đẹp và mát mẻ. Xe lớn chạy từ phía Nam ra đường Võ Nguyên Giáp đến cửa Nam thì rẽ phải cặp theo thành để ra Vườn Dương, qua cầu Mụ Kề đến cửa Bắc mới ra cống Phóng Thủy. Sở dĩ phải chạy như vậy vì đoạn trong thành là đường cấm, không cho xe cộ lưu thông, tránh ồn và để bảo vệ di tích thành. Trục thứ hai là đường Lâm úy, chạy từ kho gạo ở bến Nhật Lệ ra đến Vườn Dương.Tuy ngắn và nhỏ nhưng được coi là con đường chính của thị xã. Là con đường tập trung nhiều cơ sở kinh doanh buôn bán với nhiều nhà lầu tiệm buôn, nhà hàng, các cơ quan xí nghiệp, các tổ chức đoàn thể, trụ sở chính quyền; công an. Vì thế ngày đêm luôn tấp nập kẻ bán, người buôn, người đi dạo phố thong thả ngắm nghía phố phường hoặc mua sắm vài ba món quà mỗi khi có dịp về thị xã. Lâm Úy là người con của Quảng Bình đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tôi nghe kể lại :
Trong một trận đánh giáp lá cà giữa quân ta và mấy tên lính Tây, một mình Lâm Úy vật lộn với mấy thằng Tây to khỏe trên một cây cầu ở Lệ Thủy. Anh ôm một thằng tây và cả hai cùng rơi xuống sông, khi vớt được xác lên thì tay anh còn ôm chặt thằng Tây và răng còn cắn chặt vào cổ nó. Trục thứ ba chạy dọc sông Nhật Lệ, từ cầu Dài ra đến Vườn Dương . Đây là con đường đất, một bên là nhà cửa san sát.
Từ cầu Dài ra chỗ kho gạo là khu vực của bà con làm nghề chài lưới, buôn bán nhỏ, chế biến thủy hải sản. Phần còn lại đường băng qua chợ, đình làng, chùa người Hoa ( chùa ông Bang); bệnh viện…ra đến Vườn Dương. Đoạn đường này nằm sát sông, mỗi lần thủy triều lên thì nước sông mấp mé nhà dân nên sinh hoạt đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa bão. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã thổi một luồng sinh khí mới vào Quảng Bình nói chung và Đồng Hới nói riêng. Phong trào lao động xã hội chủ nghĩa với tinh thần vì chủ nghĩa xã hội, vì thống nhất Bắc Nam, vì miền Nam ruột thịt và Trị - Thiên thân yêu lan rộng khắp mọi nơi.
Để làm tốt công tác hậu phương, các tỉnh thành phố thị xã trên miền Bắc kết nghĩa với các địa phương ở Miền Nam đều khắp và rầm rộ.Trong đó, quê ta kết nghĩa với Quảng - Trị và Thừa - Thiên tạo thành một dải đất liên hoàn từ đèo Ngang cho đến đèo Hải Vân. Mảnh đất Bình -Trị - Thiên trở thành mặt trận Bình - Trị -Thiên với đầy đủ ý nghĩa của nó. Để ghi nhận sự kiện đó, tỉnh Quảng Bình và thị xã chủ trương lấn sông Nhật Lệ, trồng dừa dọc sông và đặt tên là: Hàng dừa Bình - Trị -Thiên. Ý Đảng hợp lòng dân, một phong trào lao động tự nguyện với ý chí, tình cảm hướng về Trị Thiên ruột thịt đã lan tỏa trong đời sống nhân dân. Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ quân đội, công an, công nhân viên chức, nhân dân, học sinh, cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết, đồng bào người Hoa và cả Việt kiều mới về nước với hai bàn tay, một ít phương tiện cơ giới cũ kỹ, hàng triệu mét khối cát được vận chuyển từ Bảo Ninh về bằng xàlan; từ Đồng Thành về bằng xe gòong và gồng gánh lấn sông Nhật Lệ tạo một đường viền dọc sông hơn 10 mét từ cầu Dài ra đến đình làng Đồng Hải, trồng 3 hàng dừa ngay hàng thẳng lối. Dừa không phụ lòng người, chỉ hơn một năm sau, cây lớn lên xanh tốt tạo nên cảnh quan xinh đẹp rồi ra hoa kết quả xum xuê. Hàng dừa ấy là biểu tượng của tình cảm Bắc Nam, Bình -Trị -Thiên ruột thịt. Hàng dừa ấy tồn tại cho đến những ngày chiến tranh để oằn mình gánh chịu bao nhiêu đạn bom, sẽ chia những đau thương mất mát và hy sinh của người dân Đồng Hới. Nhớ lại, thời kỳ đó chúng tôi còn quá nhỏ chưa làm được gì và cũng chẳng ai cho làm nên nô đùa là chính. Chúng tôi bày ra nhiều thú vui ngộ nghĩnh như: theo xàlan qua lại Bảo Ninh chơi, theo xe gòong (vừa đẩy vừa đứng) xuống tận Đồng Thành; tổ chức các trò chơi trên cát như kéo co, vật lộn, đá bóng, nhảy cao, nhảy xa…đối tượng là từng đám con nít các xóm chơi với nhau gần gũi, thân mật.
Ở xóm Câu có mấy đứa sàn sàn tuổi tôi như: Hoàng Nuôi, Trần văn Hùng ( Hùng Ngọng), thằng Cui (An); thằng Thộng (Tân), thằng Dẳng, thằng Hà, thằng Xù vv… tối ngày quần nhau trên cát chơi trò vật lộn. Tôi và thằng Cui thường vật thắng mấy bạn kia. Sức tôi và Cui thì tương đương bất phân thắng bại. Thằng nào thua phải cõng thằng thắng chạy mấy vòng hoặc bị mấy cái búng tai. Số còn lại đứng vỗ tay tán thưởng. Trò kéo co thì có tính chất tập thể hơn nên từng xóm kéo với nhau. Trò này dễ dẫn đến cãi nhau và đánh lộn vì các bên hay gian lận về số người.
Ngoài ba trục đường nói trên, thị xã còn nhiều con đường khác tuy ngắn và hẹp nhưng sạch sẽ và thông thoáng như: đường Cô Tám, đường Cảnh Dương, đường Lê Thanh Đồng, đường Bà Bống, đường Lê Trực, đường Cự Nẫm, đường Lê Tự Đồng, đường Linh Quang, và con đường nho nhỏ, xinh xinh mang tên Xóm Câu… đều là những con đường rợp bóng cây xanh, giữ nhiều kỷ niệm của tuổi học trò chúng tôi. Tất cả các con đường nói trên đều dẫn xuống khu vực chợ Đồng Hới và sông Nhật Lệ. Các con đường trong nội thị đều đáng yêu, đáng quý, đều có thể viết nên nhạc, nên thơ. Thế nhưng với tôi, có lẽ con đường nho nhỏ xinh xinh mang tên Xóm Câu cùng với 4 con kiệt nhỏ từ Xóm Câu xuống Nhật Lệ là cả một không gian để thương, để nhớ nhiều nhất. Đường Xóm câu nằm ở phía Nam thị xã, bắt đầu từ đường Cảnh Dương, cách ngang đường Lê Tự Đồng và gần như song song với đường Lê Thành Đồng một khoảng ngắn rồi bẻ quặp về đường Lâm Úy và xuống chợ. Từ đường Xóm Câu đi xuống sông Nhật Lệ ( hồi đó thường gọi xuống bến) có 4 con kiệt nhỏ. Xin gọi kiệt Nhật Lệ 1, bắt đầu từ nhà Xâu. Kiệt Nhật Lệ 2 bắt đầu từ nhà chú Tý, chú Nòng. Kiệt Nhật Lệ 3 bắt đầu từ nhà bác Khóa Yêm (tức nhà chú Tuyến, Anh Thống) và kiệt Nhật Lệ 4 bắt đầu từ vách tường nhà tôi và nhà bác Tròng rồi nhà ông Kỉnh (Anh Kỉnh, Sáo) nhà Hải, Hà, nhà ông Viễn (Anh Cung, Anh Đệ, Hùng ngọng).
Tại kiệt Nhật Lệ 4, có một căn nhà ba gian hai chái lợp bằng ngói xưa, cột kèo, rui mèn bằng gỗ mun, lim có sơn son thiếp vàng. Ngôi nhà ẩn hiện trong một không gian mát mẽ, cây cảnh hoa lá xum xuê: Nào lựu, nào khế, nào mãng cầu xen lẫn hoa hồng; hoa cúc, hoa mai, thược dược, bon sai cùng vô số các loại thảo dược khác được trồng kín cả bốn phía nhà. Lại có cả một hồ chứa nước ngọt khổng lồ trước sân nhà và một hồ cá cảnh nguyên khối đá cùng khối non bộ độc đáo và đàn cá luôn bơi lội tung tăng như chèo kéo mời gọi bạn hiền. Căn nhà và khu vườn ấy, tôi không rõ được xây dựng từ năm nào chỉ biết người được coi là đích tôn để quản lý, chăm sóc thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên của dòng họ Nguyễn tại căn nhà ấy là bố tôi. Căn nhà này được mang số 64 Đường Xóm Câu. Hiện căn nhà không còn nữa nhưng có 5 người vẫn còn lưu giữ 5 tờ giấy khai sinh chứng nhận khi mới lọt lòng đã cất tiếng khóc chào đời tại căn nhà này. Đó là Nguyễn Đoàn Dũng hiện đang ở Cộn - Đồng Hới - Quảng Bình. Đó là Nguyễn Thị Doãn Cung (thường gọi Ny) hiện đang ở Sơn Tây- Hà Nội. Đó là Nguyễn Doãn Cường, hiện đang ở thành phố Huế và hai người nữa là Nguyễn Doãn Bảo và Tôi (người viết bài này) hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh.(xin trở lại ở phần sau kĩ hơn, nếu có điều kiện).
Đồng Hới là phố thị , điều này ai cũng biết. Nhưng để hiểu một cách đúng nghĩa phải xuất phát từ thực tế về tính chất giao lưu, trao đổi , buôn bán, kinh doanh của người dân ở đây. Như phần trên đã nói, tất cả các con đường trong thị đều dẫn đến chợ Đồng Hới . Chợ không chỉ là nơi buôn bán mà còn là nơi thể hiện lối sống, nếp nghĩ, quan hệ xã giao và đời sống của người dân. Thời ấy, chợ Đồng Hới là quần thể gồm ba cái đình (nhà to) dài và rộng gần bằng nhau. Đình phía bắc (giáp đình Đồng Hải) chuyên bán các loại ngũ cốc, hàng ăn, lương thực và tạp hóa. Đình ở giữa bán tạp hóa, hàng xén, mây tre lá. Đình phía nam bán thực phẩm, thịt, cá; rau dưa, mắm, vv… Tại đây còn có nơi bán cá của ngư dân mới đánh bắt từ biển về vào mỗi chiều còn tươi roi rói. Xung quanh chợ là các loại hàng hóa, các sản phẩm do người dân ở các vùng lân cận, các huyện mang về bán như củi, than, lợn; gà, vịt, gạo, vv…cùng hoa quả trái cây do người dân trồng được và cây trái của núi rừng như sim, dâu, chổi rèng… nhiều kể không hết. Đoạn sát bờ sông là nơi bán cá, tôm tươi, mực, các loại thuỷ - hải sản vô cùng phong phú. Nói đến chợ Đồng Hới thì có rất nhiều chuyện để nhớ, nhưng chuyện này nói ra chắc có người sẽ cười và cho là nhảm nhí. Ấy là chuyện mụ Bẹp ở chợ Đồng Hới. Mụ Bẹp tên là gì, bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu chắc là không ai để ý. Mụ Bẹp có bị điên không, có bị tâm thần không, chắc cũng không ai biết. Nhưng sự tồn tại của Mụ Bẹp ở một góc chợ ấy thì hầu như ai cũng biết. Âu cũng là một số phận - một kiếp người làm cho khu vực chợ có lúc vui, có lúc buồn như là cuộc đời của Mụ Bẹp vậy.
Từ đường Lâm Úy có nhiều con đường dẫn xuống chợ, đều là những con đường phố, có nhiều cơ sở kinh doanh buôn bán, tiệm thuốc bắc của người Hoa, cửa hàng tổng hợp cùng nhiều nhà lầu san sát nhau khá khang trang và đẹp đẽ. Đoạn ngã tư chùa ông, có cây đa cổ thụ (nay đâu rồi, nhớ quá đi thôi) đoạn này hai bên đường là quần thể đền , chùa cảnh vật tĩnh lặng, không gian yên ắng, cây cao bóng mát, chim chóc líu lo suốt ngày đêm .
Ai là người Đồng Hới, đã một lần ghé lại đây đều không quên hình bóng cây đa ở ngã tư chùa Ông, đường Cô Tám. Không rõ cây đa ấy bao nhiêu tuổi, đã sống qua mấy thế kỷ mà thân hình xù xì, tán rộng xòe ra bốn phía che bóng mát cho cả ngã tư và cả ngôi chùa cổ kính ấy. Rễ phụ từ trên cao cái thì lơ lửng đu đưa trong gió, cái thì cắm sâu xuống lòng đất tạo một thế vững chắc giúp cho thân hình hộ pháp ấy trụ lại để không gió bão nào lay chuyển được. Cái thân hình xù xì lồi lõm ấy lại là nơi che nắng, che mưa cho khách bộ hành trong những lúc mưa, nắng, thất thường, nhất là đám con nít đi học ở trường cấp 1 Đồng Hải. Ngày đó, chúng tôi trèo lên cây đùa giỡn, có những hốc hai, ba đứa chui vào nằm vẫn còn rộng. Trải qua bao phong ba bão táp và đạn bom của chiến tranh, cây đa ấy vẫn tồn tại như là một minh chứng cho sức mạnh và sự trường tồn của Đồng Hới. Dẫu biết rằng nó đã già nua, nhưng nếu được con người quan tâm chăm sóc thì đâu đến nỗi “Xa rồi bóng hình ấy’’…
Thời điểm cây đa bị xóa tên cũng là thời điểm thị xã mình đứng dậy, vươn lên một tầm cao mới. Giá như, trong lòng thị xã bây giờ có cây đa như vậy thì hay biết bao nhiêu. Thật tiếc nhưng đã muộn rồi! Tôi lại trộm nghĩ: Dù có vươn vai đứng dậy, có to đẹp đàng hoàng đến đâu đi nữa thì thị xã cũng chẳng khác nào một người con gái dậy thì mà không có mái tóc mượt mà thơm mùi hương bồ kết, khi không có bóng cây đa. Tôi không có ý trách móc ai trong việc này, chỉ buồn và thoáng nghĩ vậy. Chỉ cần bỏ ra một ít kinh phí, thuê kỹ sư chuyên trách để bảo dưỡng cho cây (việc này ở Huế có kinh nghiệm lắm ) Và nhất là trong quá trình quy hoạch lại thị xã sau chiến tranh, đặc biệt là sau ngày chia tách Bình -Trị -Thiên. Nếu (chỉ nếu thôi) những người có trách nhiệm có TÂM và có TẦM thì đâu đến nỗi cây đa ấy và nhiều cái khác nữa của thị xã bị xóa sổ. Cũng như gần đây, dân làng Đồng Hải mình dù rất muốn và quyết tâm phục hồi xây dựng lại đình làng cũng không có đất đâu mà xây vì đất đã biến thành tiền cả rồi. Tiền thì mua tiên cũng được mà ! Tôi tin chắc chẳng có tiên phật nào hưởng được cả mà nó đã biến thành nhà cao cửa rộng của mấy ông quy hoạch cả rồi. (Ai có tật giật mình, tôi không nói ai cả ). Đến cơ sự này thì dân làng Đồng Hải mình đành phải thắp nhang vái Tổ tiên để xin phép đưa Đình làng đi lưu vong vậy.
Cây Sung già gần tượng đài mẹ Suốt anh hùng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ mang lại hòa bình ở Miền Bắc. Bộ mặt xã hội có nhiều diễn biến khác nhau và trái chiều nhau. Nhưng tựu trung lại là niềm hân hoan phấn khởi bởi “Chín năm làm một Điện Biên, Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng’’. Đồng Hới cũng vậy, niềm vui hiển hiện trên khuôn mặt của mỗi người. Lác đác trong thị xã một vài người lính Âu - Phi trong đội quân lính viễn chinh Pháp bỏ ngũ, lạc đơn vị hoặc chán ghét chiến tranh không chịu lên tàu về nước mà cố tình ở lại với nét mặt đăm chiêu, lo âu và pha chút sợ hãi, hoài nghi. Liệu ở lại với Việt Nam có được yên không, có được xã hội chấp nhận không,v.v …
Một số gia đình có người thân di tản vào Nam thì lo lắng, nhớ thương mỏi mòn theo năm tháng. Không biết có bao nhiêu người vợ xa chồng, cha mẹ xa con, anh em ruột thịt xa nhau không hẹn ngày gặp lại. Khổ nhất là quan niệm của ngày đó đi Nam là theo địch là phản bội quê hương, dân tộc. Đối diện nhà tôi có gia đình o Liệu, có hai người con là thằng Xù và con Yên, hai đứa lớn lên với mẹ; gia đình o Nhớn, với hai người con trai, lớn lên cùng mệ ngoại là mụ Lang. Chiến tranh xảy ra cả nhà o Liệu chết hết, chỉ còn lại mình con Yên. O Nhớn cũng chết trong một trận bom ở Nam Lý. Xóm đạo Tam Tòa, hầu như cả làng đều di tản vì bị kẻ xấu kích động rằng: Chúa đã vào Nam, nếu ở lại không có người lo phần hồn, thế là cả già, trẻ, lớn, bé đều tìm đường đi theo Chúa vào Nam. Làng Đồng Mỹ và nhà thờ Tam Tòa chỉ còn lác đác vài chục ngôi nhà cùng một số người ở lại trông coi nhà thờ. Tiếng chuông của nhà thờ Tam Tòa và lời cầu kinh của bà con giáo dân Đồng Mỹ cũng thưa dần…thưa dần theo năm tháng.
Bên cạnh đó, đội quân chiến thắng từ chiến khu trở về trong niềm vui vô hạn và sự đón tiếp của người dân thị xã làm cho không khí thị xã cứ như ngày hội lớn. Tiếp quản các công sở, đồn bốt, trại lính là những công việc đầu tiên. Sau đó, đến các kho tàng, cơ sở kinh tế của tư sản và tổ chức lại để tiếp tục sản xuất phục vụ chính quyền mới. Đồng thời với lúc đó là tổ chức đón tiếp hàng trăm, hàng ngàn cán bộ chiến sĩ từ miền Nam tập kết ra Bắc. Sắp xếp nơi ăn , chốn ở một cách đầy đủ chu đáo cho những người con miền Nam ruột thịt là lương tâm, là trách nhiệm của người dân thị xã. Gia đình nào trong thị xã cũng dành chăm sóc đùm bọc học sinh Miền Nam. Ai cũng coi học sinh Miền Nam như ruột thịt và cùng ăn , cùng ở cùng làm, cùng học hành với nhau. Nhà tôi có đến 3 người vào ở mà tôi vẫn còn nhớ tên là anh Lung, anh Thùy, anh Hồng. Nhà dì dượng tôi có anh Tú. Ngoài ra còn các anh như Phạm Trọng Hải, anh Bé, anh Lợi mà đến nay đã hơn 50 năm rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn còn gặp tại thành phố Hồ Chí Minh . Nhắc lại những kỷ niệm xưa, ai cũng bồi hồi xao xuyến. Lại nhớ những ngày đầu thập niên 60, thị xã còn tiếp nhận hàng ngàn bà con Việt kiều trở về Tổ quốc theo tiếng gọi của Thầu Chín- Bác Hồ. Đúng 8 giờ sáng ngày 10/ 1/1960 tàu Anh Phúc chở 922 người từ Thái Lan về nước và sau đó tiếp tục nhiều chuyến khác nữa. Có rất nhiều gia đình về định cư tại thị xã. Qua đó, tôi được biết, học chung và kết thân với nhiều bạn cùng trang lứa. Có thể điểm qua một số gương mặt bạn thân như Nguyễn Thị Hóa, Nguyễn Thị Đà, ba anh em Trung –Nam - Nại rồi Nguyễn Ngọc Sự. Không biết Hóa, Đà, Trung, Nam, Nại về chuyến thứ mấy chứ Nguyễn Ngọc Sự đã xác nhận với tôi là hắn về chuyến đầu tiên nhưng không nhớ gì cả vì lúc đó mới 6 tuổi bị say sóng, lên bờ bằng cáng, để đưa vào bệnh viện.
Hồi mới giải phóng, thị xã tiếp quản một cơ sở kinh tế, cơ sở hạ tầng do Pháp để lại quá nghèo nàn và lạc hậu. Công nghiệp hầu như không có gì ngoài mấy cái máy phát điện lạc hậu, cũ kỹ đặt tại cửa Nam thành Đồng Hới. Tiểu thủ công nghiệp thì phân tán manh mún lại do một số người quản lý, còn khu vực thị xã chủ yếu là kinh doanh dịch vụ ăn uống. Nói đến nhà máy điện Đồng Hới, trước đây người ta gọi là “nhà máy đèn” cũng đúng thôi, vì công suất chỉ đủ cung cấp cho một số cơ quan hành chính, công sở, một số nhà giàu ở trung tâm thị xã và thắp sáng ở một số nơi công cộng với một thứ ánh sáng mờ mờ, ảo ảo.
Mấy cái máy điện cũ kỹ già nua ấy được tiếp quản và tiếp tục phục vụ chính quyền mới dưới bàn tay của những công nhân chân ướt - chân ráo từ chiến khu về chưa được học hành đào tạo gì phải mày mò, thay thế, sữa chữa để máy tiếp tục vận hành. Những công nhân ấy, phải nhắc đến là bác Hiển, bác Trang, bác Nghiệp, bác Xuân, bác Dung ở bộ phận máy. Trong đó, bác Nguyễn Bá Trang là một trong những người thợ máy có kinh nghiệm, có tay nghề cao nhất. Ở bộ phận đường dây tôi còn nhớ có bác Bảy, bác Mượn; Sau này có thêm chú Nuôi, chú Đấu. Dấu chân của họ in khắp các nẻo đường thị xã mang ánh sáng đến với mọi nhà. Bác Trang chắc cũng chả được đào tạo gì và cũng chẳng có bằng cấp gì ấy vậy mà mọi công việc của nhà máy đều một tay bác lo liệu thu xếp đâu vào đấy, kể cả việc bác còn mày mò chế được phụ tùng thay thế cho máy.
Hồi đó điện chủ yếu để thắp sáng mỗi nhà chỉ một đến hai bóng đèn tròn. Thời gian phục vụ chỉ từ 19h đến 22h rồi tắt. Có thời kỳ, bác Trang còn kiêm nhiệm thêm công việc ở nhà máy nước Bàu Tró nên ngày nào cũng phải đi lại liên tục từ nơi này đến nơi khác rất vất vả. Nhà máy nước Bàu Tró có ông Thanh làm giám đốc. Ngoài ông Trang còn có ông Hoa, ông Thức là những công nhân kỳ cựu thời đó. Đến lúc những cổ máy điện ấy hoàn thành sứ mạng lịch sử được đưa vào bảo tàng thì Đồng Hới được Tiệp Khắc viện trợ hai máy phát hiệu Scôđa có công suất lớn hơn. Lúc này, bác Trang cũng là người tiếp nhận rồi mày mò lắp ráp mà tiếng Anh, tiếng Tiệp thì mò cả Quảng Bình không một ai biết được. Thế mà bác Trang cùng những người thợ hồi đó cũng lắp ráp được để đưa vào sử dụng một cách tốt đẹp, lại còn xây một nhà máy mới to, đẹp hơn nhiều. Bác Trang và những công nhân nhà máy điện nước Đồng Hới phục vụ Đồng Hới cho đến chiến tranh và lại tháo máy, dỡ nhà di chuyển lên tận vùng Tróoc phục vụ chiến đấu chống Mỹ cứu nước.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian đó là cung cấp điện cho trung tâm chỉ huy sở dã chiến bộ tư lệnh phòng không đóng tại thôn Đông Dương - xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch nhằm nghiên cứu, tìm cách đánh trả máy bay B52 của giặc Mỹ. Sở chỉ huy mang mật danh B8 là đơn vị đầu tiên của bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam. Những ngày đầu mới thành lập đã có nhiều công nhân ngành điện hy sinh trong thời kỳ này.
Xí nghiệp In Quảng Bình tiền thân là xưởng in Duy Tân, sau 1954 thị xã tiếp quản và đưa vào công tư hợp doanh, trong thời kỳ cải tạo công thương nghiệp. Chỉ có một ít máy móc cũ kỹ lạc hậu còn phần lớn là máy đứng dùng sức người để đạp. Công nhân chủ yếu là người cũ tiếp tục phục vụ lại rồi bổ sung thêm. Trong đó bố tôi là người làm việc từ thời còn là xưởng in Duy Tân rồi tiếp tục cho đến sau này. Ông làm kế toán và cả lo về vật tư cho nhà máy.
Sau khi vào công tư hợp doanh, xưởng in ngày càng phát triển và lớn mạnh không ngừng, trở thành xí nghiệp in Quàng Bình do Ông Nguyễn Lương Thiện làm quản đốc. Ông là người Huế cùng gia đình tập kết ra Quảng Bình và gắn bó với ngành in Quảng Bình và Bình-Trị- Thiên cho đến ngày nghỉ hưu. Chú Viễn người Văn La, chú Vĩnh là phó quản đốc cùng rất nhiều chú bác khác như vợ chồng chú Linh, vợ chồng chú Đông; chú Sáu, chú Lục, chú Sách; chú Học, bác Tròng, bác Cần, chú Mục; Chú Điểu, chú Điềm, chú Bảo, chú Quý, chú Thân, vợ chồng bác Châu Trác… Tôi còn nhớ có o Thương, o Phương, vợ chồng chú Hùng Tím; o Tấn, o Bông, rồi chú Tấn, vợ chồng chú Lệ; vv… tập hợp lại như một đại gia đình cùng chia ngọt sẽ bùi trong suốt thời kỳ hòa bình cho đến những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Thời đó lương thực, thực phẩm và mọi nhu yếu phẩm đều được quy thành tem phiếu phân về cơ quan và do cơ quan quản lý. Hàng tháng đến ngày quy định, người quản lý mới đi mua sau đó mang về cơ quan, cân đong đo đếm lại xem thiếu thừa ra sao rồi mới chia về cho các gia đình.
Các gia đình ý ới gọi nhau, nhận phần cho nhau vui như tết. Phần thanh toán thì khỏi phải lo vì đã có người quản lý theo dõi bằng sổ sách đến tháng trừ lương, ấy vậy mà chẳng xảy ra thắc mắc, khiếu nại gì cả. Khi năm hết tết đến, bố tôi lại cất công chăm sóc vườn hoa trong nhà, để gần tết có hoa mang vào cơ quan chưng, và còn để dành cho các chú, các bác trong cơ quan chưng ở nhà. Nhớ lại những ngày đó, tình cảm con người với nhau thật cảm động. Cả xưởng in là một đại gia đình thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Xưởng in có một bộ phận giữ trẻ, tất cả con cái các công nhân ở đây đều được tập trung lại chăm sóc một cách chu đáo.
Người đảm nhiệm nhiệm vụ chăm sóc trẻ ở đây được mọi người quý mến, gọi tên là Chị Quýt rất thân mật . Chị Quýt hàng ngày phải đi làm sớm, lo dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị nấu nước để đến giờ bố mẹ đưa các bé đến gửi để vào làm việc, không phải lo lắng gì cho con. Bé ăn, bé ngủ, bé chơi hay bé khóc đều đã có chị Quýt chăm nom từ sáng đến chiều, bất kể nắng mưa hay gió bão. Hầu hết con cái của công nhân xưởng in lớn lên ngoài sự chăm sóc của cha mẹ và gia đình còn có bàn tay nâng niu, và tiếng hát ru ngọt ngào của chị Quýt. Nhà chị Quýt có trái bầu, trái bí chị cũng mang đến cơ quan chia cho các chị em và ngược lại mọi người có con cá ngon, có củ khoai từ quê mang về đem cho chị Quýt tạo nên một tình cảm thân thương như ruột thịt.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng được sinh ra từ một người Mẹ. Người công nhân nhà in, làm nhiệm vụ giữ trẻ, mà mọi người gọi - Chị Quýt chính là: Mẹ tôi đó.
Những công nhân xưởng in cùng làm việc với bố mẹ tôi ngày đó là tập hợp từ nhiều nơi, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Những người lưu dụng từ trước 1954, những cán bộ kháng chiến trở về, những chú, bác, anh chị từ Miền Nam tập kết và kể cả một số là Việt kiều từ nước ngoài về. Nó như một xã hội thu nhỏ của Quảng Bình và để lại cho nhau nhiều tình cảm thân thương, quý mến .
Ông Duy Tân còn có tên là Khóa Bé - và tên thật của ông là Đinh Gia Khánh. Ngoài xưởng in ông còn có xưởng làm xà bông và sau giải phóng còn tiếp tục hoạt động một thời gian dài nữa mới ngưng hoạt động. Việc xưởng in và xưởng làm xà bông của ông được nhà nước trưng mua mà thực chất là quốc hữu hóa cũng như nhiều nhà doanh nghiệp khác thời kỳ đó ở Đồng Hới phản ánh một giai đoạn lịch sử ở miền Bắc - Cải tạo công thương nghiệp mà trong đó rất nhiều người bị quy là tư sản. Ngoài ông Duy Tân còn có ông chủ nhà hàng Nam Phát tên là Trần Mạnh Điềm. Ông chủ tiệm buôn Thế Mỹ có tên là Đinh Dương rồi ông Trợ Chuẩn có xưởng chè ở góc chợ Đồng Hới cùng một số những người có tên tuổi khác có nhà máy rượu, nhà máy nước mắm ở Đồng Phú hầu hết bị quy là tư sản hoặc sém bị cho là tư sản để rồi cuộc sống gia đình vợ con gặp vô vàn khó khăn phức tạp. Con cái học giỏi nhưng rào cản lý lịch luôn níu kéo, không cho đi học, chưa nói chi đến việc vào đại học. Muốn đi làm, xin việc không cơ quan nào nhận thậm chí xung phong đi bộ đội cũng không cho. Có người còn bị phát ngây, phát dại như bị khủng bố tinh thần. Hậu quả nặng nề nhất là một số người đã phải bỏ xứ sở, bỏ nhà cửa, bỏ cha mẹ tìm đường vào Nam lập nghiệp. Số đó lại tiếp tục gây thêm biết bao nhiêu hệ lụy cho con, cháu sau này mặc dù họ không muốn như vậy. Hồi đó hễ có xưởng, có tiệm buôn, có người làm thuê là bị cho là bóc lột, là tư sản mà thực sự những người ở Đồng Hới có ăn nhằm gì, có ăn thua gì so với những nơi khác. Tất cả đều do cách nhìn và chủ nghĩa quân bình, tỷ lệ, học theo nước ngoài một cách máy móc rập khuôn của ban cải tạo. Điều này y hệt cái thời cải cách ruộng đất trước đó.Tôi không nhớ được tên cũng như hoàn cảnh của từng người thuộc diện đó, nhưng những cái tên như bác Hồ Nhị Tùng, Trần Khánh Em, Đinh Gia Thiềng, Đinh Dương vv… Rồi ông Trần Đức Miên, Đinh Gia Quý, Võ Như Thí, Thái Đức Thạnh là những thí dụ điển hình. Riêng ông Thí, ông Thạnh, ông Miên, ông Quý vào miền Nam sinh sống, tiếp tục kinh doanh buôn bán và làm ăn phát đạt, tham gia tích cực và có công lao to lớn trong cộng đồng người Quảng Bình tại Sài Gòn trước đây và cho đến sau này. Sau ngày giải phóng miền Nam con trai ông Thí còn tham gia lực lượng công an nhân dân và hiện là sĩ quan cấp tá thuộc công an thành phố Hồ Chí Minh và là đồng chí, đồng đội của tôi. Những người ở lại, tuy chịu đựng nhiều thiệt thòi, thậm chí mất mát lớn nhưng vẫn bỏ qua tất cả để đi vào cuộc sống mới hòa nhập cùng cộng đồng xây dựng quê hương, cùng quê hương đi vào cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước mà lòng vẫn thanh thản -vô tư. Lại có những người do bộc trực thẳng thắn, kèm theo những biến cố của bản thân hay gia đình mà có những phát ngôn này nọ không đúng lúc, đúng nơi bị cho là phản động, để rồi bắt họ đưa đi cải tạo. Như gia đình bà Đinh Thị Bền chẳng hạn, không chồng, không con, thỉnh thoảng mượn chén rượu để giải sầu, mượn quân bài tổ tôm, tứ sắc để giúp vui cuộc sống thì bị cho là gây mất an ninh trật tự cũng bị đưa vào trại cải tạo;vv… Tất cả, tất cả những điều mà tôi kể lại trên như những thước phim buồn, buồn vô hạn đối với những người yêu Đồng Hới.
Bức tranh Đồng Hới không chỉ có thế, mà ở một khía cạnh khác là một sự vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống mới. Mô hình các hợp tác xã sản xuất được hình thành theo từng ngành nghề. Người thợ thủ công có hợp tác xã mộc Hồng Hải, cơ khí Hồng Quang, cơ khí Đồng Lực; các hợp tác xã may mặc, hợp tác xã nhiếp ảnh, hợp tác xã trồng răng, hớt tóc, mây tre lá, làm dầu tràm, làm gạch ngói. Ngư dân ven sông, biển có hợp tác xã đánh bắt cá Nhật Lệ, dành cho nam giới và các tổ sản xuất nước mắm, chế biến các loại mắm từ sản phẩm biển dành cho các bà vv… Người thợ thủ công hợp tác xã Hồng Hải từ chỗ chỉ sử dụng sức người để cưa xẻ gỗ dần dần đưa máy móc vào thay thế. Ngư dân từ chỗ chỉ đánh bắt ven bờ bằng thuyền nhỏ dần dần sắm thuyền lớn ra khơi xa. Có thể nói cả thị xã Đồng Hới hồi đó như một đại công trường.
Như phần trên đã nói, mỗi ban mai trên sông Nhật lệ là tập nập cảnh trên bến, dưới thuyền. Đó là lúc các xã viên hợp tác xã ngư nghiệp Nhật Lệ dương buồm rẽ sóng ra khơi, khởi hành của một ngày đánh bắt cá, tôm. Từng đoàn thuyền nối nhau lướt sóng lao về phía biển trong ánh nắng bình minh làm cho phong cảnh thị xã vô cùng ngoạn mục và tưng bừng. Đến chiều tối thuyền chài trở về với hằng hà sa số nào cá, nào tôm. Từ trên bờ đã có nhiều người chờ sẵn sàng đón nhận những khoang thuyền đầy ắp cá, còn tươi rói một màu xanh chấp chới. Loại cá, tôm ấy là thức ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình làm vừa lòng bất cứ ai dù sành điệu và khó tính nhất. Tôi nhớ ông Kỉnh một lão ngư già ở cạnh nhà tôi, mỗi chiều về có nồi cá luộc trên biển mang theo cũng có phần dành cho bố tôi chút ít gọi là quà của biển, ăn ngon vô cùng. Cá biển rất nhiều loại to nhỏ khác nhau nhưng tất cả đều được sử dụng tùy đặc điểm và tính chất của từng loại. Cho đến bây giờ bất kỳ ai dù đi đâu về đâu cũng không quên được hương vị của nồi cá nục được luộc ngay trên biển ấy.
Sản phẩm của hợp tác xã mộc Hồng Hải là vật dụng được chế biến từ gỗ. Đó là bàn ghế, giường, tủ, đến cả bộ khung nhà cùng rất nhiều vật dụng khác nhau phục vụ cho cuộc sống con người. Từ những khúc gỗ gồ ghề tưởng chừng như vô tri, vô giác qua bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công như bác thợ U, chú Nồng, chú Tiếp, chú Phúc, bác Thuận, bác Định…đều trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang dáng dấp Đồng Hới và phục vụ cho con người Đồng Hới. Nhưng ở một khía cạnh khác, tôi muốn nhắc ở đây là những kỷ niêm mà thời ấy hơn 50% hộ dân ở thị xã phải đun nấu bằng mùn cưa thì….thứ phụ phẩm ấy chỉ có ở Hợp tác xã Hồng Hải. Thế là nhà nhà, ai cũng phải cần đến nó như là một tất yếu trong cuộc sống thường ngày. Mùn cưa được chất thành đống như núi để rồi bán cho dân làm chất đốt. Vào các ngày chủ nhật mọi người chuẩn bị bao bố, xe ba gác để đi mua mùn cưa đông như trảy hội, và mua càng nhiều càng tốt vì phải để dành đun nấu quanh năm. Chú Nồng nhà ở Xóm Câu, là thợ mộc giỏi ở Hồng Hải, có lần đã làm cho tôi một cặp vợt đánh bóng bàn bằng gỗ bóng bẩy trong rất bắt mắt. Người thợ thủ công và ngư dân Xóm Câu rất gần gũi và thân thiết với nhau. Cuộc sống đã dạy cho người dân vô cùng linh hoạt, họ biết làm nhiều nghề của nhau và đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt. Vì thế có lúc được mùa cá, người thợ mộc cũng có thể trở thành ngư dân ra biển làm nghề cá hoặc ngược lại khi biển động ngư dân không thể ra biển thì họ cũng làm được nghề mộc.
Khó có thể kể hết các ngành nghề, các hợp tác xã, các cơ quan, xí nghiệp của thị xã hồi đó, mà nếu nhớ thì cũng không có thời gian ghi lại một cách đầy đủ chi tiết được nên dành dịp khác vậy, dẫu biết đó là thiếu sót, xin hẹn .
Có một hoạt động mà mọi người đều được biết, đều được nghe, nó còn như một món ăn tinh thần của người Đồng Hới thời đó mà tôi không thể không nhắc tới. “Đây là đài phát thanh Đồng Hới, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Đồng Hới”…là tiếng phát thanh viên được phát đi từ đường bờ sông Nhật Lệ thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là giọng nói quen thuộc của ông Lê Bá Ngạc cùng ê kíp làm việc ở đài. Hồi đó đài hoạt động rất có hiệu quả, ngoài đưa tin tức thời sự trong tỉnh, trong thị xã còn lại là tiếp âm đài tiếng nói Việt Nam và cả đài Mạc -Tư - Khoa, đài Bắc Kinh. Có lẽ thích nhất là các chương trình kể chuyện cảnh giác, quân đội nhân dân, đọc chuyện đêm khuya, tiếng thơ và tường thuật trực tiếp bóng đá từ thủ đô Hà Nội. Người phụ trách thu phát nhà đài là chú Phú người Hoa (Bố anh Đắc, chị Lan ). Đài phát thanh tồn tại cùng người Đồng Hới cho đến những ngày chiến tranh và cùng nhân dân đi vào chiến đấu chống Mỹ như một mốc son lịch sử của thị xã.
Nhớ về thời xa xưa của Đồng Hới, hẳn sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến những nét mà chỉ riêng Đồng Hới mới có và ai cũng còn nhớ. Đồng Hới không chỉ có mụ Bẹp tạm cư ở chợ, lúc trầm ngâm ngồi nhai trầu, lúc thơ thẩn đi đi …lại lại trong chợ có lúc lại nổi cơn thịnh nộ quậy phá làm náo loạn cả một khu chợ. Đồng Hới còn có một anh khùng người Đồng Thành.Tuy khùng nhưng biết buôn bán để kiếm tiền, lại có khi diện comlê đi ăn đám cưới. Tết nào anh Khùng cũng mang cát trắng đem đi bán cho các gia đình có nhu cầu lau chùi bộ lư đồng, thay cát trong lư hương. Ai mua thì Khùng bán, Khùng không ăn gian ai, và không ai ăn gian được Khùng. Lại nhớ Đồng Hới còn có anh Sững, tuy lớn tuổi nhưng không biết gì cả, suốt ngày lang thang khắp các con phố thấy giấy là nhặt đem về nhét vào góc tường nhà thầy Đề một đống to tướng, kể cũng vui vui. Xóm Câu lại có ông Mỏng thỉnh thoảng ca bài vọng cổ . “Tui…tui ở bên Tàu… buôn là buôn thuốc lá… ai mua tới tiền … tui ..tui … bán cho .’’ thật là độc đáo và dễ thương. Những con người mang những biệt danh độc đáo có một số phận không lành lặn ấy đôi khi cũng làm vui cuộc sống muôn màu muôn vẻ của Đồng Hới mà không ai ghét bỏ họ.
Nhắc chuyện cũ, cũng nên so sánh với chuyện mới mà tôi được biết gần đây. Đó là dọc bờ sông ở Singapo, người ta đặt một số tượng kích thước bằng người thật và với nhiều tư thế khác nhau. Chẳng hạn như tư thế cầm đèn chạy, tư thế tắm sông với trẻ con. Hỏi ra thì được biết, thời đó khi chỉ là một xóm chài nhỏ ở đó có mấy người man man không gia đình nhà cửa chỉ lo mọi chuyện cho thiên hạ, cũng có lúc lại quậy phá hoặc vui đùa với trẻ con. Nên người ta đặt tượng để ghi nhớ thời hàn vi của họ. Nay mọi du khách đến đây ai cũng dừng chân ngắm nghía và không quên chụp một vài kiểu ảnh kỷ niệm, họ được thu tiền, mà rất nhiều nữa đó.
Tình cờ tôi đọc được một đoạn văn ngắn của một ai đó, mang bút danh là Thái Hải viết về phố thị Đồng Hới, thấy hay hay. Vì ít nhất là phù hợp với bài viết của tôi và xét về độ tuổi và tình yêu Đồng Hới cũng rất sâu đậm, dạt dào nên tôi xin xen vào bài viết của mình cho thêm phần sinh động.
“ Phố xưa in trên thềm tam cấp, trên đình làng miếu mạo, trong nắm đất vo tròn dày đặc vỏ sò, trên bầu vú mẹ ta tràn ngấn song, nơi tha thiết mùi trầm hương, thong thả tiếng chuông chiều, dưới bến sông lác đác bóng vạn đò sau dàn rớ no nê cá tôm mùa nước bạc, bên gốc đa làng trái vàng rơi ngơ ngác, trong mẻ sứ mẻ sành nơi cắm bát nhang thờ cúng tổ tiên xưa, trên những cây cừa ma nằm ru lá khóc, chòng chành ngọn nồm vời vợi bóng trăng êm.
Phố đêm viên bi lăn vào giấc mơ, rớt xuống lòng sông hai bờ sáng tối, cha mẹ nuôi hai chị em tôi nữa bước chân cũng vội, duy chỉ lời khuyên mỏng nhẹ cánh buồm, mỗi sáng mỗi chiều nuột nà tiếng dạ tiếng thưa, nỗi buồn sẻ chia niềm vui gom lại, con gái cặp tóc khuôn phép, con trai guốc mộc gia phong, khăn đóng áo dài bậc cao niên ngày cúng tế, lăn vào Lũy Thầy - Quảng Bình Quan - Thành Cổ, lăn qua tên đất tên làng nơi cắt rốn chôn nhau.
Phố xưa cái kẹo Cau ngọt ngào đằm sâu ký ức, mưa bóng mây không ướt nỗi gốc cây, lũ con nít lăng xăng bên máng xối, mùa hạ đong đầy trên gáo dừa cụm đầu cùng uống, tóc vàng hoe tắm biển nắng miền Trung, những chiều đánh đáo đánh bi nô đùa vêu đầu quên cả khóc, làm lành ư dễ lắm cúi nhìn nhau, rồi chọi cá chọn màu, đẽo cù tìm gỗ, bắt chuồn chuồn, đào dế ra mép hồ thành…cuối tuần cha phạt trận đòn ngẩn ngơ.
Phố xưa chảy vào huyết quản, hồng tươi lồng ngực căng tràn, cho tôi biết nhận ra thực hư đen trắng, biết cầm súng làm thơ, biết nắm mở mười ngón tay để cười khóc với đời, biết sống vì ai và với ai nên sống, bởi máu Phố tinh khôi quyện vào máu tôi người Đồng Hới: Thật thà - Nhường nhịn -Thủy chung.
Phố xưa ròng ròng chảy nhuộm đỏ hồn tôi, nhuốm bạc mái đầu tôi, thắp sáng thêm tình yêu "Tôi và Phố”.
Xin cám ơn tác giả Thái Hải đã có những dòng suy nghĩ hợp với lòng tôi khi mà cả hai có cùng một tình yêu với quê hương Đồng Hới và với tư duy của những đứa con nít chưa đủ lớn. Những gì còn đọng lại trong tôi là cả một khoảng trời mênh mông rộng lớn, là cả một xã hội lý tưởng và xa hơn chút nữa là cả một tình yêu bao la vô bờ bến đối với quê hương Đồng Hới. Nơi mà từ đó cái nhìn, cái hiểu biết của tôi ngày một lớn dần theo năm tháng, cho đến lúc tôi cắp sách đến trường.
Xin tạm dừng bài viết tại đây, hẹn sẽ gặp lại ở phần tiếp theo mà theo dự đoán tôi sẽ viết tiếp phần về Xóm Câu, phần về gia đình tôi, về tuổi nhỏ đi học và cả tình yêu của tôi. Nhưng trước khi dừng câu chuyện, tôi cũng xin bộc bạch đây chỉ là những hồi ức tản mạn, những ghi chép mang tính chất ngẩu hứng theo kiểu nhớ gì viết đó. Tất nhiên, sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, thậm chí làm phật lòng ai đó khi viết mà không chịu xin phép trước. Tất cả mọi sai sót, hoặc thiếu chính xác trong bài (nếu có) sẽ là kinh nghiệm để các phần sau được tốt hơn.
TP Hồ Chí Minh
Những ngày đầu Xuân Canh Dần
Hết phần 1
Mời bạn xem tiếp Phần 2: CHO BÈ BẠN…
Ai cũng nói mình nhớ nhiều ,mà đâu có nhiều chỉ những ký ức tự nhiên nó
c..
ngủ Nhấp chút hoàng hôn, đêm..