13/11/10

Hoài Nhớ - phần 2

Phần  2 DÀNH CHO BÈ BẠN . . .
 Nguyễn Dõan Mạnh






TỪ ĐỒNG HỚI – CỒN CHÙA ĐẾN HỘI KHOÁ

Hắn gọi điện thoại vào báo tin, sau đó gửi tập thư mời của ban liên lạc về việc tổ chức họp mặt khóa học sinh năm 1968-1971 vào ngày 25/07/2009 tại Đồng Hới do Phan Thanh Hà ký. Mừng vô vàn vì biết đây sẽ là một cuộc hội ngộ hiếm hoi sau gần 40 năm dằng dặc.
Đọc nội dung thư ngỏ, được biết: Hội khóa lần này là dịp để các bạn cùng khóa chúng ta lại có cơ hội và điều kiện gặp mặt đông đủ bạn bè sau bao năm xa cách, để cùng hàn huyên tâm sự, thăm lại mái trường xưa nơi đầy ắp kỷ niệm và cũng là nơi chấp cách cho chúng ta vào đời, tung bay khắp mọi miền đất nước, để mọi người xa xứ có thể thăm lại mảnh đất Đồng Hới nặng tình nghĩa thổn thức buồn vui một thuở học trò… Gặp mặt nhau lần này, ban liên lạc chúng tôi dự định sẽ tổ chức thăm gia đình các bạn liệt sỹ, thăm các thầy cô giáo và các bạn có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà các thầy giáo chủ nhiệm, thăm và tặng quà nhà trường…”.

Thật cảm động phải không các bạn!

Không chỉ có thế, hắn còn viết thư riêng cho mình nói và giao trách nhiệm liên lạc báo tin, chuyển thư ngỏ đến từng người ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Cẩn thận hơn, hắn còn ghi rõ họ tên từng người ở trong này, cùng lời dặn cố gắng báo bạn bè thu xếp công việc để tham gia cho đầy đủ và tất nhiên là thêm phần long trọng.

Với khối lượng công việc nhiều mà thời gian có hạn, nên chắc các bạn trong ban liên lạc phải tất bật lắm để chuẩn bị chu đáo nội dung cuộc họp. Thì đối với mình, công việc liên lạc, báo tin chuyển thư ngỏ cho khoảng 20 người ở trong này thấm tháp gì. Thế là, sau khoảng 5 ngày, mình đã điện thoại, chuyển thư mời đến cho đầy đủ các bạn. Khi nhận được tin ai cũng cảm thấy vui mừng phấn khởi và hứa sẽ cố gắng thu xếp để về Đồng Hới trong ngày vui này.




Và như các bạn biết rồi đó, vào các ngày cận kề khoảng 22- 23 tháng 07 thì các bạn học sinh phía nam đã có mặt gần như đầy đủ. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, hàn huyên kể chuyện xưa và nay, chuyện làm ăn, chuyện gia đình … râm ran như pháo nổ. Đáng tiếc vẫn còn một số bạn vì nhiều lý do khách quan mà không thể tham gia được, xin nêu cụ thể: Nguyễn Ngọc Sự - anh chàng có hoa tay trong lớp chuyên vẽ lén hình của chị em; rồi Nguyễn Đức Thiện, Thái Thị Thanh Thủy, Nguyễn Văn Qúi, Hoàng Quang Thuận vì bận công việc nên không về tham dự được; Phan Đình Trọng thì đang công tác ở Biên Hòa tuy không về dự hội khóa đợt này, nhưng hắn rất quan tâm đến bạn học cũ và thường xuyên liên lạc với ban liên lạc; cũng như các bạn ở quê; Hoàng Thị Sơn hiện sống ở Hungari, mình có liên lạc nhưng năm nay thì lỡ hẹn rồi, Lê Thị Tâm hiện sống ở Thành phố Đà Lạt mình có gặp một lần tại TP.HCM vẫn diện bộ quần áo bà ba màu đen truyền thống ngày nào và vẫn giữ nguyên cốt cách như thế gần 40 năm về trước. Một người nữa cũng hiện sinh sống tại TP.HCM đã lỡ hẹn đợt này là Ngô Trần Linh Nga, tuy rất muốn về nhưng không thể do bận công tác và ông xã bị bệnh.

Cám ơn các bạn: Phan Xuân Vũ, Lê Thị Nam, Lâm Hồng Tú, Phạm Ba Chiểu, Phạm Thị Hường (cùng phu quân) đã nhiệt tình sắp xếp công việc để cùng trở về nơi ấy, cám ơn nhiều Nguyễn Thị Thuỷ đã vượt lên chính mình để trở về với những kỷ niệm xưa … ngày ấy… và hiện nay.




THẮP NÉN HƯƠNG CHO CÁC BẠN

Vào thập niên 60- 70 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã bước sang giai đoạn ác liệt. Bị thua đau ở miền Nam, Mỹ leo thang, tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cả nước bừng bừng khí thế chiến đấu chống Mỹ. Thế hệ học sinh khóa 1968-1971 đã nghe theo tiếng gọi của non sông và lời hiệu triệu của Bác Hồ “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn chúng ta cũng phải đánh Mỹ và thắng Mỹ”. Hàng chục bạn đã tình nguyện lên đường đánh Mỹ. Có bạn đã viết đơn tình nguyện bằng máu, quyết tâm để được đi chiến đấu. Họ đã tỏa đi khắp các chiến trường Nam bộ - Khu 5, Tây Nguyên; Lào với khí thế: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Những trận chiến ác liệt ở đường 9 Nam Lào, ở Khe Sanh Quảng Trị, ở Thượng Đức mà các bạn đã tham gia là những bản anh hùng ca vĩ đại làm nên chiến thắng lịch sử 30/04/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Sau cuộc chiến có bốn bạn đã mãi mãi không trở về.

Trời Đồng Hới nắng gắt, nhiệt độ khá cao, còn 3 hôm nữa sẽ đến ngày Thương binh liệt sỹ - ngày cả nước đền ơn đáp nghĩa với những người đã có công trong cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc. Đoàn cựu học sinh khóa 68- 71 đã tập trung đông đủ tại Đồng Hới để đến với các gia đình viếng hương hồn các bạn. Trong số 4 liệt sỹ đã hy sinh, có 3 bạn nguyên là gốc Đồng Hới (Kỳ, Dũng, Chiến), còn Đào Hữu Dược là người xã Nghĩa Ninh (nay cũng thuộc TP. Đồng Hới). Mình học cùng Kỳ và Chiến nên biết nhiều hơn, còn Dược, Dũng học lớp khác. Nguyễn Đức Kỳ, sinh 1953 tại Đồng Hới là con đầu của bác Nguyễn Đức Đẳng nguyên là Bí thư Thị ủy Đồng Hới qua nhiều thời kỳ: từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Kỳ học giỏi, chân thành với bạn bè, luôn gần gũi giúp đỡ mọi người trong nhiều công việc. Mình nhớ Kỳ là Bí thư chi đoàn Thanh niên và là lớp phó phụ trách lao động, lúc nào cũng gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của lớp. Nguyễn Văn Chiến người nhỏ (gần như nhỏ nhất) lầm lì, ít nói. Bố của Chiến là bác Đủ nguyên là cán bộ hậu cần của Công an tỉnh Quảng Bình trong thời kỳ CA tỉnh sơ tán lên vùng Nghĩa Ninh, Chiến tuy nhỏ con nhưng đá bóng rất hay, tính tình dễ thương được mọi người qúi mến. Đỗ Đức Dũng to con, đẹp trai, học giỏi, bố là bác Duệ làm nghề sửa đồng hồ ở Đồng Hới, sau sơ tán lên Nghĩa Ninh. Còn Đào Hữu Dược do không cùng lớp, ít được tiếp xúc nên mình không có tư liệu để ghi chép lại.
Những người bạn ấy lên đường nhập ngũ năm 1971 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc khi tuổi vừa tròn mười chín đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Sau một thời gian huấn luyện ngắn tại Hà Tĩnh, các bạn lên đường hành quân vào Nam chiến đấu và hy sinh tại chiến trường vào những năm sau đó. Có người hy sinh trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh. Các bạn chẳng để lại gì cho mình trước lúc đi xa, chỉ để lại tuổi 20 và khát khao chiến thắng, khát khao tình yêu quê hương đất nước. Sau chiến tranh các bạn đã nằm lại vĩnh viễn nơi chiến trường. Máu xương của các bạn đã ngấm vào đất, hòa vào nước của non sông, gấm vóc Việt Nam. Trước di ảnh các bạn, chúng tôi thắp nén nhang thơm, cúi đầu, nghiêng mình bên anh linh thiêng liêng, các bạn luôn ở trong trái tim, tình cảm của chúng tôi…




Kỷ niệm 40 năm.

Sáng 25/07, trời oi bức, mới sáng sớm, ban liên lạc khóa đã có mặt đầy đủ tại sảnh của Khách sạn để kiểm tra hội trường và chuẩn bị bữa ăn sáng cho các bạn. Đó là những món bánh bèo và đậu hủ. Bánh bèo ăn ngon, no, còn đậu hủ mát bổ. Hai món ăn này khá quen thuộc và gần gũi với người Đồng Hới khiến người đi xa không quên được hương vị quê nhà.. Hầu như mọi việc đã diễn ra khá suôn sẻ, đúng dự kiến. Lần lượt từng tốp 2, 3 người nam có, nữ có bắt đầu kéo đến mỗi lúc một đông hơn. Nhìn ai cũng tươi cười, vui vẻ. Có người mình nhận ra ngay nhưng cũng có người sau ít phút hồi tưởng mới kịp nhớ ra nhau. Mọi người bắt tay, ôm nhau cười, nói thật xúc động. Đến sớm phần lớn là các bạn ở phía Nam ra, các bạn ở phía Bắc vào, còn những bạn hiện công tác và sinh sống tại Đồng Hới thì có vẻ chủ quan “sân nhà” nên rề rà hơn.

Nhìn ai cũng thấy lạ lạ, quen quen… quen quen, lạ lạ. Chẳng lẽ “ trời quê hương rất quen mà rất lạ”? Vẫn những con người ấy nhưng nay hầu hết tóc đã muối tiêu, cũng phải thôi vì 38 năm so với một đời người đâu có ít. Vậy là đã đi qua hơn ngót nửa thế kỷ rồi. Nếu nói còn trẻ là nói để động viên nhau và quả thật giờ phút này ai cũng thấy mình đang sống lại với tuổi trẻ. Đó là cảm nhận cái trong trẻo từ tâm hồn, cái đẹp lâu bền trong tình bạn. Khó có thể xóa nhòa được dấu vết thời gian đã khắc chạm trên mỗi gương mặt, mỗi cuộc đời phải không các bạn?

Hội trường KSĐH trang hoàng lộng lẫy và rất ấm cúng. Ban liên lạc khóa kêu gọi ổn định lại chỗ ngồi để làm việc, Bình phải khan cả giọng mới ổn định được trật tự. Khi các bạn đã vào chỗ ngồi đầy đủ thì Bình với phong thái tự tin đã tóm lược sơ bộ công tác chuẩn bị để có được cuộc hội ngộ hôm nay và báo cáo chương trình làm việc của hội khóa.

Phan Thanh Hà, trưởng ban liên lạc của HS cấp 3 khóa 68 - 71 đọc bài diễn văn của Ban liên lạc, nhắc lại những ngày tháng năm gian lao, vất vả “sớm sắn độn mì, chiều mì độn sắn” nhưng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười hồn nhiên, trong trắng. Thời gian vụt trôi nhanh theo dòng chảy không đợi chờ ai, giờ nhìn lại mình tóc đã nhuốm màu pha sương, có người đã thành ông, thành bà… chúng ta mới có dịp gặp mặt nhau đầy đủ tại chính mảnh đất Đồng Hới thân yêu - nơi chúng ta tạm chia tay nhau ngày ấy. Vẫn ngôi trường thân thương, dưới trời xanh Đồng Hới, cảnh cũ, bạn xưa… chợt thấy mình trẻ lại, kỷ niệm bỗng ùa về, trào dâng trong nỗi nhớ.



Cồn Chùa! “Lán” (lều) nhỏ ven rừng, mái tranh vách đất, lớp học nửa nổi, nửa chìm; nửa tối, nửa sáng, đèn Hoa Kỳ lập lòe suốt đêm để dùi mài kinh sử, để chiến đấu chống lại giặc Hoa Kỳ… Những năm tháng đói ăn, thiếu mặc, thiếu diêm đốt lửa, thiếu xà bông để tắm giặt, thiếu thuốc để trị ghẻ lỡ, hắc lào… Cuộc sống thiếu thốn khó khăn là vậy. Cộng thêm trên bầu trời máy bay Mỹ luôn gầm thét, bom đạn rơi bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào mà chúng cho “vẫn còn sự sống”. Một thực tế hiển nhiên là “sống chết từng dây mưa bom bão đạn /lòng nóng bỏng căn thù vẫn mát tươi tình bạn”. Giờ đây, khi nghĩ lại những năm tháng đó, không ai không khỏi tự hào về một thời “hoa lửa” ấy.

Thực tế, bài phát biểu của Phan Thanh Hà ngay từ đầu đã gây được sự chú ý, tạo nên tình cảm xúc động cho mọi người trong buổi họp mặt hôm ấy. Càng xúc động hơn khi được biết trong lúc đang ôn lại những kỷ niệm xưa cùng bạn bè tại khách sạn Đồng Hới thì cách đó không xa, đang xảy ra một sự kiện nghiêm trọng liên quan đến trật tự xã hội mà Phan Thanh Hà chính là người chỉ huy giải quyết. Có lúc Phan Thanh Hà cũng thấy căng thẳng lắm và trên vẻ mặt không dấu khỏi lo âu. Bài phát biểu của Hà thỉnh thoảng bị ngắt bởi những cú điện thoại xin ý kiến của cấp dưới hoặc chỉ đạo của cấp trên (Trung ương và lãnh đạo tỉnh nhà) trước sự kiện phức tạp này. Hơn lúc nào hết, vai trò hắn rất quan trọng nhưng hắn vẫn không bỏ bên nào cả, trọn vẹn đôi bên. Lúc này hắn là vị chỉ huy (2 trong 1) vẫn vui vẻ, chào hỏi bắt tay các bạn bè, vẫn điều khiển từ xa mọi diễn biến phức tạp từ bên ngoài. Sự kiện nghiêm trọng này hắn phải giải quyết hôm ấy là vụ hàng trăm giáo dân từ các nơi đổ dồn về … đòi đất, dựng tượng chúa zesu, xây bàn thờ chúa để cầu kinh tại khu vực đi tháp chuông nhà thờ Tam Tòa. Đây là vụ việc chưa từng xảy ra, chưa có tiền lệ tại Đồng Hới. Sự việc đã xảy ra trước đó mấy ngày, làm mất trật tự, an ninh khu vực Đồng Mỹ và cả Đồng Hới.
TP. Đồng Hới vốn thanh bình, yên ả, không hiểu nguyên nhân từ đâu mà hàng trăm người (có lúc hàng ngàn) giáo dân từ các tỉnh phía bắc, phía nam lũ lượt kéo về Đồng Hới, phần lớn là người già, trẻ em cùng một số thanh niên choai choai, mặt đằng đằng sát khí tập trung tại khu vực tháp chuông nhà thờ Tam Tòa đòi đất, đòi phục hồi nhà thờ. Đây thực sự là sự kiện có một không hai ở Quảng Bình. Nó không những làm mất trật tự trị an xã hội mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, làm ảnh hưởng đến chính sách đoàn kết dân tộc, chính sách tôn giáo, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch bên ngoài nói xấu, bôi nhọ đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Xin được chia sẻ phần nào những khó khăn căng thẳng của Thanh Hà trong thời gian nhạy cảm ấy- thời gian mà việc công, việc tư bạn ấy đều trọn vẹn chu toàn.. Đúng bạn là con người của tình yêu, bạn bè, con người của quê hương, của Nhân dân.

Trước đây, mình không có điều kiện tiếp xúc nhiều với Phan Thanh Hà. Được biết, trừ thời gian đi học nước ngoài, còn lại Hà hoàn toàn gắn bó với mảnh đất Đồng Hới, Quảng Bình thân yêu và trưởng thành lên từ đó. Bây giờ đã là Thủ trưởng của một ngành quan trọng tại Quảng Bình, trên cương vị công tác trông hắn oách lắm. Mình chỉ được thấy hắn qua ti vi, trông bộ trang phục Nhà nước cấp, với đầy đủ quân hàm, quân hiệu (quân hàm, quân hiệu của hắn vào loại hàng độc, hàng quý, hàng hiếm và không đụng hàng với bất cứ ai cùng nghề với hắn ở Quảng Bình. Vì chỉ có một sao, không có gạch dài, gạch ngắn nào cả, có khác chăng là sao nó đeo màu vàng, (vàng thật đó !).

Trở lại phần đầu bài viết vì đây cũng là động lực để người viết bài này - xin nhắc đến người bạn thân tình của mình, đó là T.V.B. Chúng mình chơi thân với nhau từ thuở thiếu thời, khi còn là học sinh cấp 1- Đồng Hới. Trước đây, mọi người gọi hắn bằng cái tên đúp kèm biệt danh rất dân dã (không nói ra thì ai cũng nhớ). Nhưng nay thì không, nói đúng ra thì không ai dám gọi cái tên đó nữa. Thay vào đó, bây giờ các bạn thường gọi hắn là “ Bình bộ đội” “Bình Đại tá” theo nghề nghiệp và cấp hàm của hắn khi trở về với quê hương, trở về với đời thường.

Với riêng mình, ngoài cái tên Bình Bộ Đội, Bình Đại tá gọi theo các bạn, mình còn gọi hắn là Bình Củ Chi, Bình Đồng Dù (vì hắn là lính sư đoàn 9 anh hùng, đơn vị đóng đô ở căn cứ Đồng Dù thuộc địa phận huyện Củ Chi – TP. HCM). Một số anh em trong đơn vị công tác của mình ở TP.HCM (nhất là anh em lái xe) thì gọi là anh “Bình kỹ thuật”, anh “Bình xăng dầu” vì lúc đó hắn là chủ nhiệm kỹ thuật, coi luôn quản lý hậu cần xăng dầu. Mỗi lần mình đi công tác ghé vào, được đơn vị hắn chiêu đãi “không say không về”. Khi về, cánh lái xe còn được cấp xăng đầy bình, đem về chia cho anh em đổ xe honda, rất khoái chí. Có lần đang rút xăng từ xe con ra để chia nhau thì bị bắt quả tang. Anh em lái xe phải tự khai xăng này anh Bình cung cấp ngoài kế hoạch, không liên quan đến xăng của đơn vị mình. Thế là ông trực ban nọ đành… mang xe riêng đến ké được ½ bình xe honda 67.

Hồi học cấp 3, hắn vào loại to khỏe nhất nhì lớp, học giỏi, đá banh thì rất điệu nghệ, cũng như mình, hạnh kiểm chưa bao giờ trên loại B. Vì hắn là một trong những đứa cầm đầu tốp “thứ ba học trò” hồi đó. Những ngày diễn ra hội khóa trông hắn tất bật chạy ngược chạy xuôi từ sáng tới chiều mà thương hắn quá. Nhưng cũng phải thôi, tuy ban liên lạc có đến cả chục người, đã phân công nhiệm vụ, việc ai nấy làm rồi nhưng hắn là trưởng ban tổ chức nên trách nhiệm hắn phải bao quát, hắn làm là đúng rồi. Hơn nữa, bản chất hắn là người lính cách mạng mà - xem ra phẩm chất anh lính cụ Hồ trong hắn còn tỏa sáng lung linh.Còn nhớ những ngày ở Đồng Dù hắn oai lắm. Ngủ có người mắc màn, mệt có người đấm lưng, ăn có người phục vụ mà nay hắn phục vụ lại anh em bạn bè cùng trang lứa. Kể cũng lạ, nhưng chẳng sao phải không Bình. Làm việc gì mà đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người thì đó cũng là niềm vui và hạnh phúc cho chính mình.

Ngày ra quân, mình cứ nghĩ hắn sẽ xây nhà đón vợ con vào TP.HCM sinh sống, ít nhất bọn mình cũng có thêm một thằng bạn già để hàn huyên tâm sự. Nào ngờ hắn quyết trở về - trở về với quê hương, trở về với bạn bè ở Đồng Hới, nơi hắn đã sinh ra và trưởng thành từ đó. Cũng phải thôi, vì hắn đã bôn ba khắp từ bắc vào nam, sang tận Campuchia suốt chặng đường dài 1/3 thế kỷ rồi. Nay thì nó không thể xa nữa cái cảnh hương đồng cỏ nội quê nhà. Hay đúng hơn là không thể xa nữa Hương “nội trợ” ở gia đình, quê hương hắn.

Tốp “thứ 3 học trò” ngày ấy còn có Trần Hùng, nay đang là thủ trưởng đầu ngành một cơ quan cấp tỉnh ở Quảng Bình, và là phó ban liên lạc cựu học sinh cấp 3 khóa 68-71. H cũng là một trong số những học sinh không biết hạnh kiểm B. Tính tình Hùng ngay thẳng, chân thành với bạn bè. Trong đám học sinh “quậy phá” hồi đó thì Hùng có kiểu “quậy phá” riêng: ít nói nhưng nói đâu ra đó, chính xác, chắc chắn, gây tức, gây cười bất cứ lúc nào. Hùng học giỏi đều các môn nhưng nổi trội nhất là môn văn. Hắn hát được, hát hay nhưng ít chịu hát. Còn nhớ, khoảng năm 1971, khi giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, hắn còn đích thị là thủ phạm cùng Sơn, Thanh Tàng, Xô dám “mượn” xe ôtô Com-măng-ca của một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, cả đám hè nhau đẩy xe lên dốc (sau đồi Mỹ Cương, gần sân vận động Tỉnh đội) cho xe tuột dốc xuống đường bằng rồi ngắt điện chìa khóa, nối trực tiếp. Không rõ thằng nào lái nhưng cả đám chạy ra tận ngoài phà Gianh ngắm trăng mới quay về. Trên đường trở về, đường cái không đi mà lao xuống ruộng. Đầu thằng ngồi sau đập đầu thằng ngồi trước, thằng nào thằng nấy mặt mũi hốc hác, lơ ngơ láo ngáo suốt mấy ngày liền không dám ra ngoài. Lúc đó mặt Trần Hùng đập vào đầu Xô, cả ba cái răng của hắn dính luôn vào đầu Xô. Đây là chuyện có thật trăm phần trăm. Không hiểu Trần Hùng có giữ lại ba cái răng “vô tội” đó để làm chứng cho câu chuyện này không ? Hoặc nếu không có nhân chứng, vật chứng là ba cái răng thì ai đó gặp Trần Hùng kêu há miệng ra cười sẽ thấy ba cái răng cửa trên của Trần Hùng hiện nay là răng giả.

Những ngày đầu thời gian quân ngũ, Trần Hùng được huấn luyện tại Hà Tây trong một đơn vị thuộc lực lượng đặc công. Mình có lên thăm một lần, hai thằng chỉ gặp nhau vào bữa trưa tranh thủ giờ nghỉ. Được chiêu đãi bữa cơm lính, tuy đạm bạc nhưng là một kỷ niệm đậm đà tình lính khó quên . Những năm sau giải phóng, Hùng vào Sài Gòn, đóng quân ở căn cứ Sóng Thần (304), hai thằng có dịp gặp nhau nhiều hơn. Có lần, cùng đến thăm một gia đình đồng hương Quảng Bình tại Quận 11, TP.HCM phải ngủ lại đêm nhưng không thằng nào dám ngủ vì anh em gia đình này theo cả hai bên.

Về Đồng Hới dự hội khóa lần này có “người ấy” của tôi đi cùng. Dẫu biết là vi phạm điều cấm của “nội qui ăn chơi” nhưng khốn nỗi “người ấy” của tôi không có cô em gái nào. Nếu có, chắc tôi cũng cố gắng sắp xếp cho “người ấy” ở nhà, nhường cho “em” đi tham quan du lịch, biết đâu được một công đôi việc. Nhưng sự đời đâu phải muốn gì được nấy. Chàng đi thiếp phải theo cùng. Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp mang” là quan niệm của người xưa mà nay được thế hệ sau noi theo còn chặt chẽ hơn. Bây giờ đi đâu ăn uống đầy đủ, nóng thì có máy lạnh, lạnh thì có comple, giầy tất. Cho nên giờ người ấy đi là vì chồng, vì muốn hiểu hơn về chàng và bạn bè của chàng, về một thời trai trẻ gian lao vất vả của những người bạn một thời hoa lửa trên quê hương chàng: Đồng Hới - Quảng Bình. Sau chuyến đi, người ấy biết thêm và say sưa trước cảnh đẹp của trời biển, núi sông và con người, nơi có dòng Nhật Lệ như một dải lụa xanh cắt ngang Đồng Hới. Cả chuyến đi vừa qua, nàng tâm đắc nhất và thích thú nhất là cái đêm cuối cùng được Trần Hùng và “người ấy” của Trần Hùng đưa đi du lịch một vòng xung quanh thị xã. Từ cầu quán Hàu ngược về Đồng Hới, ngắm thành phố Đồng Hới lung linh huyền ảo; từ cầu Nhật Lệ thưởng thức gió biển mát rượi mang theo vị mặn ấm áp đến với một quán giải khát ở trung tâm thành phố. Người ấy biết thêm Đồng Hới chẳng khác gì một Pari thu nhỏ, một hòn ngọc viễn đông - nơi khúc ruột của đất nước. Và có lẽ cùng với tình yêu của người ấy dành cho tôi thì nay còn dành cho Đồng Hới nhiều hơn lên. Tôi ghé vào vai nàng đọc một câu thơ:

Quê anh!
Đất nên lịch sử, người nên bạn.
Núi lộng hồn thơ, biển nặng tình.

Về đến nhà thì đêm đã khuya. Nhưng hương vị món Hàu xào xúc bánh tráng và cháo Hàu ăn ở quán Hàu với vợ chồng Trần Hùng vẫn còn phảng phất, ngây ngất.

Nhân vật thứ tư trong bài là một trong hai bạn nữ, người xếp thứ năm trong số mười thành viên BLL của khóa làm phó ban thủ quỹ. Nhân vật này có lẽ ai cũng biết vì cái thủ tục “đầu tiên” này sẽ giúp Trương Văn Bình nắm được số lượng người tham gia, kinh phí thu được…. Vì “có thực mới vực được đạo”, “có bột mới gột nên hồ”mà. Cứ hỏi thằng Bình đại tá thì biết, khâu tổ chức hậu cần chuẩn bị đầy đủ, chu đáo là đảm bảo 50% chiến thắng trong một chiến dịch. Nhưng thôi, đây là chuyện của ban liên lạc, là nhiệm vụ của cô ấy được giao.Đối với mình, gặp bạn ấy là gặp lại những kỷ niệm xưa, từ thuở lớp một, lớp hai mặc quần thủng đít trốn học đi bẻ cành hoa phượng vĩ, đi bắt chuồn chuồn, cá lia thia của cái thời Đồng Hới còn được mệnh danh là “Thị xã hoa hồng”.

Mình còn nhớ, khoảng năm 1959 hay 1960 gì đó, cô ấy cùng gia đình từ Thái Lan về Đồng Hới sinh sống. Nhà cô ấy ở cạnh nhà mình và nhà Hoàng Nuôi. Ba đứa học với nhau từ lớp vỡ lòng của thầy Hà (ở nhà Xâu - xóm Câu). Sau đó lên cấp 1 Đồng Hới, đến lớp ba, lớp bốn khi chiến tranh xảy ra thì chuyển xuống Đình Đồng Hải học cho đến ngày phải sơ tán thì mỗi người một ngã. Ngày đó chỉ biết Hóa có hai người chị thuộc lớp trước. Cả ba ái nữ của ông Chí ngày đó người nào cũng đẹp gái, khỏe mạnh, học giỏi, hát hay và hay hát…Cách đây vài năm, tình cờ tìm đồng hương ngoài Đồng Hới vào TP.HCM tại một ngôi nhà gần khu du lịch Đầm Sen thì té ra đó là nhà em gái Hóa. Nhưng không chỉ một mà là ba người . Trong ba người em của Hóa có một người giống đúc như chị. Thế mới biết đây là sản phẩm của ông bà sản xuất mang nhãn hiệu “made in Đồng Hới” chứ không phải “made in Xiêm La” như ba người chị, nhưng dù made in nào chăng nữa thì đây cũng tập hợp đủ bộ “lục long công chúa”, hiếm lắm chứ!

Xin nhắc lại một câu chuyện vui sau: Hồi ở Đồng Hới, nhà Hóa ở gần nhà mình và nhà Hoàng Nuôi. Mỗi lần đi học, mình thường rủ Hoàng Nuôi đi đường trên để rủ Hóa cùng đi. Nuôi thì đòi đi đường kiệt cho gần. Thường thì Nuôi nhượng bộ cho nên cả ba đứa cùng đi. Thế là tụi bạn hồi đó cứ lấy tên mình ghép với tên của Hóa và ngược lại mà không ghép với Nuôi. Có lẽ tên mình với Hóa nghe thuận tai hơn. Hôm cả ba đứa gặp nhau ở TP.HCM, nhắc lại chuyện trên tất cả cùng cười. Nuôi “thỏ thẻ” ghé vào mình nói một câu, bằng giọng Xóm Câu “Hồi đó TAU cù lần hơn MI”. Thế mới biết đến bây giờ Nuôi đã ân hận về cái ‘cù lần”dễ thương ấy.

Nói về Hóa, mình lại nhớ đến một người bạn nữa, có kỷ niệm tuổi thơ với mình như Hóa. Nhà bạn ở con kiệt nhỏ. Đầu kiệt là đường nhà mình thông đến nhà bạn ấy để đi ra phố thị. Sau gần 35 năm mới gặp lại nhưng trông bạn ấy “vũ như cẩn”.Vẫn khuôn mặt đầy đặn, vẫn ánh mắt, giọng nói như cái thuở mình còn mặc quần thủng đít, còn làm bộ đi lại nghênh ngang trong lớp. Nhớ lại cái thuở đi học, phải băng qua chợ để đến Đình làng, ngày nào cũng trêu chọc Mụ Bẹp (Mụ bẹp xẹp lại lép…), bị bà ấy chửi, rượt đuổi chạy bán sống bán chết. Buổi chiều tan học, khi chợ Đồng Hới đã vắng người, tranh thủ ghé vào quầy tắt, cam, ổi ở góc chợ “chôm” một bao nặng trĩu mang về bán lại. Được vài hào bạc, mang tiền đó đem lên tiệm xe đạp Bác Đạm (có lẽ nhà Huế) ở gần trường cấp 1 Đông Hải, thuê chiếc xe đạp chạy vài vòng xung quanh thị xã, vùa chạy vừa la, khoái không gì bằng.

Lúc kết thúc hội khóa tại bờ biển Nhật Lệ, từng tốp lại kéo nhau đi hội lớp. Bọn mình đến quán bánh bèo chị Vân ở gần nhà Vinh (Hải Thành). Vừa thưởng thức dĩa bánh bèo một thời nổi tiếng của Đồng Hới vừa tiếp tục những câu chuyện còn dang dở. Bỗng Trần Hùng( vẫn Trần Hùng), đứng dậy trịnh trọng chỉ tay vào bạn ấy và nói: “Cái con ni, rứa mà giỏi lắm đó…”. Tôi cắt ngang lời Trần Hùng rồi hỏi: “Giỏi cấy chi?”. Lúc này Trần Hùng chậm rãi chùng giọng nói: “Đến bây chừ mà nó còn nhớ vị trí chỗ ngồi của từng người trong lớp mình đó” (khoảng 50 người). Thế là mọi người vỗ tay tán thưởng. Tưởng chuyện đó xong, người bạn ấy nhìn vào mình và nói: “Rứa tau không nhớ mi ngồi chỗ mô”. Tôi nghĩ thầm trong bụng, cái con này giỏi thiệt, nhớ dai chi lạ.

Thật sự là cuối năm học đó lớp bị xé lẻ, coi như “tan đàn xẻ nghé”. Có bốn hay năm đứa phải dậm chân tại chỗ, trong đó có mình. Nếu “mi không nhớ chỗ tau ngồi mô là chính xác 100% rồi đó”. Việc bị xé lẻ lớp coi như bọn mình không ngồi chung với nhau trong một lớp nữa, còn việc bị dậm chân tại chỗ tưởng chừng như là một khúc quanh oan nghiệt, nào ngờ từ khúc quanh oan nghiệt ấy mình có dịp kết thân thêm nhiều bạn mới, ít tuổi hơn, thuộc lớp đàn em. Cách đây khoảng bảy hay tám năm, ngành đường sắt khai trương chuyến tàu SE tuyến Sài Gòn – Hà Nội – Sài Gòn hành trình 29 tiếng, tất cả các toa đều máy lạnh. Mình được tháp tùng về Đồng Hới. Ngồi trên khoang VIP với ông anh làm trưởng một nhà ga lớn ở TP.HCM.
Trong toa có năm người đàn anh dân Đồng Hới, nói giọng Đồng Hới đặc sệt. Chỉ có mình ít tuổi, còn bốn người kia lớn hơn ½ con giáp…Năm anh em ngồi nhâm nhi cà phê, uống bia do nhà tàu phục vụ (tất nhiên t/c…miễn phí) hàn huyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ cổ chí kim về Đồng Hới. Rồi tự nhiên chuyển qua đề tài người đẹp Đồng Hới, các thời kỳ “Tau thấy con gái Đồng Hới không đẹp bằng con gái Hà Nội”. “Thì đúng rồi, con gái quê mình mần răng bì được dân Hà Nội. Nó là thủ đô, đông dân, xấu cũng phải trang diểm cho đẹp để ra đường, giải quyết khâu oai”. “Nói rứa chứ con gái quê mình cũng có nhiều đứa đẹp lắm. Thời kỳ mô cũng có đứa đẹp, nhất là đám thằng Mạnh này này”. Tôi lúng túng trước câu quả quyết ấy vì biết chắc các ông anh nhiều chuyện này thế nào cũng bắt tôi phải khai tên một vài người đẹp cùng trang lứa. Quả t thật, tôi làm một tràng nào Mai, Lan, Cúc, Trúc…mà tôi đâu có biết là ai. Và tất nhiên cả mấy ông anh này cũng mù tịch. Tôi hỏi lại: “Rứa lứa của các anh chị mô đẹp?” “Lứa bọn tau đẹp nhất là con V.E.N”. Tôi lại hỏi: “V.E.N nào em hổng biết” “V.E.N em ông Đức làm ở phòng Văn hóa thị xã”. Tôi hỏi tiếp: “Nhà ở đâu?”. “Ở ngoài cổng (kiệt) mi đó, nhà nó đối diện nhà thằng Hiệu, mà chị em nó đứa mô cũng đẹp”.

Thôi đúng rồi, cô V.E.N người đẹp một thời của Đồng Hới là chị ruột của…mà tôi viết ở đây. Không biết nhận xét của bốn ông bạn già trên chuyến tàu hôm đó như thế nào.

Hội khóa lần này, nói chung đông đủ. Các bạn khắp mọi miền đất nuớc đều có mặt, nhưng vẫn còn một số bạn không hiểu vì lý do gì mà không vào dự. Chẳng hạn “Búp bê Thu Hà”, “Cối xay Hoàng Phương”, Trương Phương, Thủy Thái, Lê Thế Giới, Thái, Thích, Lợi…Ông Liếc Hoàng Thị Sơn…Xem ra những vị này đều có lý do. Họ là giảng viên các cấp, là cán bộ giảng dạy trong các trường đại học, nghiên cứu sinh nên không về được, đành chịu thôi. Hẹn dịp khác! Vào đến TP.HCM được ba ngày, thằng “Củ chi” alô vào nói : “Đang tiếp Hồng Hạnh của mày ở Đà Nẵng ra, tại bãi biển Nhật Lệ”. Mình nghĩ thầm: “Lúc ông cần thì… cóc có ra.Lúc nó ra thì…ông vô rồi.”

Thật ra tao đâu biết nó ra là vì ai? Chắc chắn không phải là vì tao rồi. Có chăng nó ra là vì thằng “Củ chi”, thằng có ba cái răng giả hay vì nó nhớ món bánh ướt chấm nước mắm kẹp cá luộc, ngửi thì hôi hôi, ăn thì không sao quên được của thằng Lê Vinh… Thôi đúng rồi, nó rất khoái món bánh ướt, kẹp cá luộc chấm nước mắm cùng cái chất Hải Thành không đụng hàng với ai của chủ nhân món bánh ướt đó.
Hồi nhỏ Hồng Hạnh cũng học chung cấp 1 với mình. Nhà nó ở trong khu tập thể Tỉnh Ủy Quảng Bình, khu vực đó có CA vũ trang bảo vệ suốt ngày đêm nên ít ai vào. Khi gần hết cấp 1 nó sơ tán về quê (Làng Đá Mọoc - Hoa Thủy -Lệ Thủy) và học tiếp cấp 1 tại xã Vạn Ninh. Mình cũng theo chị ruột lên Vạn Ninh học cấp 1 (Do chị đi theo trường cấp 3 Quảng Bình lên Vạn Ninh sơ tán). Nhưng mình chỉ học ở đó được một thời gian ngắn, sau đó được gia đình đưa ra Thái Bình sơ tán…Khi giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc chuẩn bị ký hiệp định Paris, mình trở về quê, Hồng Hạnh cũng từ miền Bắc trở về, lại học chung với nhau ở cấp 3 Đồng Hới cho đến ngày lên đường đi du học tại Liên Xô, mình ra Hà Nội học.

Hồi đi học, nó là đứa học giỏi, là một cây văn nghệ của lớp, tính tình ngay thẳng, chân thật với bạn bè, được nhiều người quí mến. Thời kỳ học cấp 3 nhà hắn cũng ở trong khu vực Tỉnh ủy Quảng Bình (sơ tán lên…Cộn) ngay phía sau rạp Đồng Sơn bây giờ. Ngày nào cũng đi về cùng một tuyến đường từ Cộn lên Cồn Chùa, mệt nhưng rất vui. Ông cụ thân sinh của H.H là bác Nguyễn Tư Thoan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình. Không rõ bác làm chủ tịch bí thư từ thời kỳ nào nhưng chắc là lâu lắm rồi, có lẽ từ trước năm 1954. Trong thời kỳ cải tạo công thương nghiệp, công cuộc xây dựng miền Bắc CNXH thì đã có mặt bác Thoan rồi.

Năm 1957, Bác Hồ về thăm Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh. Trên lễ đài, trước hàng chục ngàn đồng bào Quảng Bình, tại sân vận động Đồng Hới, bác Thoan, bác Cổ Kim Thành đứng bên Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫy tay chào nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh. Ngày đó toàn thị xã là một rừng cờ đỏ sao vàng.

Những năm hòa bình, xây dựng miền Bắc XHCN, miền Bắc có phong trào Gió Đại Phong – cờ ba nhất – Sóng Duyên Hải. Trong đó, Gió Đại Phong là phong trào hợp tác xã nông nghiệp, khai hoang mở ruộng đất canh tác, làm thủy lợi của Quảng Bình. Phong trào này bắt nguồn từ huyện Lệ Thủy sau nhân rộng ra cả nước, rất rầm rộ. Để phòng chống lũ lụt, lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, thâm canh tăng năng suất cho cây lúa, Quảng Bình xây dựng các đập thủy lợi lớn như công trình Cẩm Ly, Mỹ Trung, Rào Nan. Tất cả các công trình này đều có dấu ấn của bác Nguyễn Tư Thoan và đến nay vẫn còn phát huy âm vang trong sự nghiệp xây dựng quê hương.

Từ năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân. Thời kỳ đầu Quảng Bình bị bắn phá ác liệt nhất, không chỉ bằng không quân mà cả hải quân. Cả Quảng Bình thành một pháo đài chống Mỹ, không chỉ để bảo vệ miền Bắc mà còn là hậu phương, là trạm trung chuyển của tiền tuyến lớn miền Nam chống Mỹ cứu nước.. Phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi” “Xe chưa qua, nhà không tiếc/ cầu chưa thông, không tiếc máu tiếc xương” cũng bắt nguồn ở Quảng Bình quê ta đó. Đặc biệt, cho đến nay, tổng kết kinh nghiệm chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh, ở đâu, lúc nào, tài liệu nào cũng nhắc “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tôi nghĩ phong trào đi lên của Quảng Bình “hai giỏi” cũng đã phát huy sức mạnh toàn dân như Hồ Chủ tịch đã đúc kết trong đó có công lao của bác Thoan.

Năm 1977, tôi vừa hoàn thành đợt thực tập dài hạn ở TP.HCM chuẩn bị ra Hà Nội thi tốt nghiệp đại học thì Hồng Hạnh cũng vừa từ Liên Xô về. Bọn tôi gặp nhau tại Cộn và cùng đến nhà để thăm bác Thoan. Con đường đất đỏ đến nhà Hồng Hạnh phải qua cây cầu xi măng bắc qua sông Mỹ Cương nho nhỏ. Đi qua cầu khoảng một trăm mét, bên trái có một cánh đồng nằm gọn giữa làng quê như một thung lũng nhỏ. Xa xa cuối cánh đồng là một ngôi nhà ba gian nhìn xa có vẻ bình dị như bao ngôi nhà làng quê khác. Để đến được nhà HH. phải đi qua một con đường thật sự nhỏ mà hai người đi phải tránh nhau. Khi đến nhà thì mới biết căn nhà đó không to mà cũng chẳng nhỏ, tức là vừa đủ cho hai ông bà cùng mấy người em của Hồng Hạnh sinh hoạt. Vì sao tôi lại nói là vừa đủ? Vì trong căn nhà không to không nhỏ ấy tôi thấy có hai cái tủ (một cái to, một cái nhỏ) để đựng quần áo và làm vách ngăn, chia ngôi nhà thành ba gian: gian giữa to to có diện tích ưu tiên hơn, hai gian hai bên nhỏ, cân đối bằng nhau. Gian ở giữa đặt bàn thờ Bác Hồ và bàn thờ tổ tiên. Chỗ còn lại đủ đặt một bộ bàn, bốn ghế đều nho nhỏ dùng để tiếp khách. Nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của bác Thoan là gian phòng nhỏ bên trái. Chúng tôi rất cảm động bởi trong căn phòng đó, phương tiện sinh hoạt của vị lãnh đạo tỉnh chỉ có một cái giường vừa là nơi bác ấy nằm cùng một cái bàn nho nhỏ kê cạnh cửa sổ để có ánh sáng đọc sách.
Tất cả những vật dụng khiêm tốn, giản dị trong căn nhà không nhỏ không to ấy cũng giống như bất cứ hàng trăm hàng ngàn căn nhà khác của người dân Quảng Bình sinh sống sau hai năm đất nước thống nhất. Lúc chúng tôi đến thăm bác Thoan đã về già, người hơi ốm chỉ có vầng trán cao và đôi mắt vẫn sáng ngời thánh thiện. Biết chúng tôi đến thăm, bác tiếp chuyện một cách vui vẻ, thoải mái. Tay cầm cái quạt mo cau ông chỉ về phía bàn học giới thiệu cây quạt Liên Xô còn mới mà Hồng Hạnh mang về tặng ông. Ông cười dí dỏm nói: “Dùng cái này tiện hơn, còn cái kia điện ở đây lúc có, lúc không mà không nhiều hơn có”. Tất cả cùng cười vui vẻ. Tôi sực nhớ, với ông không chỉ giỏi lãnh đạo chính trị, làm ăn kinh tế mà còn rất hóm hĩnh trong đời thường. Đi đâu ông cũng làm thơ, nhiều bài thơ của ông rất hay, không những xúc động mà còn động viên nhân dân sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi.

Cách đây mấy năm, tôi có đến thăm một vị tướng quân đội là bố của người bạn cùng học đại học với tôi ở Hà Nội. Biết tôi là người Quảng Bình lại ở Đồng Hới, ông đã say sưa kể chuyện chỉ huy tàu hải quân chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển Quảng Bình trong những năm chiến tranh ác liệt nhất cùng với những tình cảm mà nhân dân Đồng Hới Quảng Bình cũng như ông Bí thư Tỉnh ủy dành cho ông và đơn vị. Rồi chậm rãi, ông rút trong tủ sách một cuốn sổ tay đã cũ, giở cho tôi xem dòng chữ: “Đ/c Bí thư Quảng Bình Ng~ - T – Thoan sinh 1920 – Mất 1989. Giỗ 11.6 âm lịch”. Sau đó ông còn cho tôi xem huy hiệu Quảng Bình hai giỏi mà ông được Quảng Bình tặng hồi đó. Tôi thật sự xúc động.

Nếu còn thì nay ông đã trên 90 tuổi. Nhưng ông đã thành người thiên cổ hai mươi năm rồi. Tôi sực nhớ năm 1989 là năm Bình Trị Thiên được chia tách, Đồng Hới lại là tỉnh lỵ của Quảng Bình trong niềm vui phấn chấn của đồng bào, đồng chí của ông.

Một thoáng buồn, khi được biết với những công lao to lớn của ông để lại cho Quảng Bình, để lại cho Đồng Hới trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đang dần vào quên lãng. Những người bạn, những người đồng chí của ông hiện cũng không còn. Tuổi trẻ bây giờ năng động, sáng tạo lắm nhưng lại thờ ơ với quá khứ, lịch sử mặc dù ai cũng biết: Thờ ơ với lịch sử, xuyên tạc và bóp méo lịch sử là có tội . “Nếu bắn vào lịch sử bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn lại mình bằng đại bác”. Hãy làm gì đó đừng để đại bác nổ, chưa muộn, hãy còn kịp. Tôi thầm nghĩ vậy.

Tôi có thời gian học tập tại miền trung du “Rừng cọ đồi chè” thuộc huyện Lập Thạch và Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ở đó người dân ca ngợi bác Kim Ngọc vì những gì mà ông đem lại trong sản xuất nông nghiệp bằng chính sách khoán đất, giao ruộng cho nông dân canh tác. Trong lúc đó, ông bị bản án không phiên tòa kết án: “Đi lệch đường lối, chủ trương chính sách, đưa người nông dân đi theo con đường tư bản…”. Nay thì khác rồi, nhà nước đã công nhận những công lao to lớn và truy tặng Huân chương cao quí của Nhà nước cho bác ấy. Vĩnh Phúc đã lấy tên bác Kim Ngọc đặt tên cho con đường đẹp nhất của TP.Vĩnh Phúc. Và vừa rồi hình ảnh bác Kim Ngọc đã được tái hiện qua bộ phim dài nhiều tập nói về cuộc đời của bác ấy.

Tôi viết những điều này để các bạn chúng ta cùng suy ngẫm.

Tôi có thằng bạn mà mỗi lần về Đồng Hới không thể không gặp nó và tất nhiên trong dịp họp khóa này cũng có nó tham gia. Nhưng nó tham gia với tư cách gì rất khó xác định cho nên tôi cứ cho “Nó là thằng bạn không giống ai”. Sở dĩ tôi nói như vậy vì nó không phải là học sinh khóa 1968-1971 này, dĩ nhiên không phải là thành viên ban liên lạc hay ban tổ chức hội khóa. Ấy vậy mà trong tất cả các hoạt động từ khâu trù bị, chuẩn bị cho đến chính thức nó đều có mặt. Hôm tôi ra Đồng Hới, nó là một trong những người tôi gặp đầu tiên, mà cái hôm đầu tiên ấy tôi đã nhận ra cái “không giống ai của nó”. Cả mấy trăm người từ khắp nơi đến nó là thằng nổi nhất vì nó đội mũ cối bộ đội. Hắn đến bắt tay mọi người, ai nó cũng biết, ai cũng biết nó, rất chi là thân mật. Rồi hắn lo cho anh em ăn sáng, sắp xếp chỗ ngồi, sửa micro… Và nếu cần đi đâu, gọi nó là ok ngay. Leo lên chiếc xe hơi của nó, nó thành tài xế và một câu hỏi ngắn gọn: Đi mô? Ngay cả thủ trưởng (2 trong 1) cũng nhiều lần ngồi xe hắn đi lại. Vì vậy, nó là một con người rất nhiệt tình với bạn bè nên ai cũng quí mến nó.

Người dân Đồng Hới cũ và sau sơ tán lên Cộn ai cũng biết gia đình nó. Vì nhiều nguyên nhân: Năm 1964, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Đồng Hới là trọng điểm bị oanh tạc đầu tiên. Mỗi lần có máy bay địch xuất hiện từ biển Đông hoặc từ phía tây Quảng Bình thì còi báo động vang lên ở tháp nước Đồng Phú. Khi tiếng còi báo động vừa hết, từ các loa phóng thanh của Đài phát thanh Đồng Hới phát ra, tiếng nói rõ ràng, dứt khoát, dõng dạc của một phát thanh viên: “Máy bay địch đã xuất hiện, cách Đồng Hới…km.
Đồng bào nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu”. Cả thị xã im lặng chờ đợi. Các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ lao vào các trận địa sẵn sàng buông lưới lửa phòng không đón đầu, nhả đạn vào những thần sấm - con ma của giặc Hoa Kỳ.

“Máy bay địch đã đi xa, mọi sinh hoạt trở lại bình thường”. Cả thị xã lại nhộn nhịp trở lại sinh hoạt bình thường, hối hả, bỗng òa lên sung sướng khi phát thanh viên Đài phát thanh Đồng Hới thông báo: “Chúng ta đã bắn rơi…máy bay địch, bắt sống một phi công…Đây là chiếc thứ…bị bắn rơi trên bầu trời Đồng Hới!”

Cũng với tiếng người phát thanh viên ấy mà nghẹn ngào nhưng dứt khoát khi sau tết 1965 đọc thông báo khẩn cấp và nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Sắp tới máy bay Mỹ sẽ tập trung đánh phá Đồng Hới. Đồng bào nhanh chóng sơ tán ra khỏi Đồng Hới ít nhất mười cây số theo các hướng sau đây:…”. Đây cũng chính là thời điểm “Đồng Hới tự hủy mình để ngày mai xây thành phố mới”. Người phát thanh viên đó chính là chú ruột của thằng bạn “không giống ai” của tôi. Cuộc sơ tán có thể gọi là vĩ đại đó kéo dài gần 25 năm để hôm nay trên TP.Đồng Hới “đàng hoàng to đẹp” này chúng tôi họp mặt.
Ở TP.HCM, tôi có gặp một người đồng hương. Ông ấy là người Đồng Hới được gia đình cho vào Huế ăn học và bị kẹt lại vì Hiệp định Giơnever 1954. Ông này rất dí dỏm, vui tính. Mặc dù xa Đồng Hới từ trước 1954 nhưng những kỷ niệm về Đồng Hới, về Quảng Bình thì ông ấy nhớ như in. Ở TP.HCM ông làm nghề truyền thần nên những kỹ năng vẽ, cắt dán khẩu hiệu, trang trí hội trường rất điệu nghệ. Đặc biệt là nghề pha màu sơn. Có thể nói không ngoa là nhắm mắt cũng làm được. Có lần tôi tò mò hỏi học nghề ở đâu? Ông trả lời: “Nghề này của ông già tui từ ngoài Đồng Hới dạy”. Văn phòng, trụ sở làm việc của nhiều phường, các quận đều có bàn tay ông ấy trang trí.Nhưng rất tiếc đối với tôi thì không. Ấy là lần tôi nhờ ông vào cơ quan tôi để cắt một số khẩu hiệu, viết một số bảng chữ treo ở hội trường. Ông từ chối một cách dí dỏm: “Chú mày nhờ anh cái gì cũng được nhưng vô trong thì anh xin…kiếu”. Ông bạn đồng hương này cũng là chú ruột của thằng bạn “không giống ai” của tôi.

Học xong cấp 3 Đồng Hới, nhiều đứa trong chúng tôi đi đại học. Gần nhất là Đại học Sư phạm Vinh, còn phần lớn là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Việc đi lại rất khó khăn, lúc đó đường sắt mới chỉ mở vào đến Vinh. Cả bến xe oto Đồng Hới chỉ còn lại vài ba chiếc xe khách ọp ẹp. Loại xe khách mà ngồi trên đó cái gì cũng nghe kêu, chỉ riêng cái còi là im lặng mỗi lần qua chỗ đông người hoặc muốn vượt phụ xe phải dùng tay đập vào thùng xe báo hiệu. Cho nên kiếm được vé xe trong dịp hè về thăm gia đình là chuyện không dễ. Do đó, phải tìm đến mấy bác tài, lái xe tải chở hàng để xin đi nhờ. Một trong những bác tài thường ra tay cứu độ cho đám học sinh chúng tôi hồi đó là ông già của thằng bạn “không giống ai” của tôi. Xin các bạn kiên nhẫn đọc tiếp hai câu chuyện bây giờ mới kể sau đây (tuy hai nhưng có liên quan với nhau):

Những năm cuối đời sinh viên đại học ở Hà Nội, tôi có “cảm tình” với một người bạn cũng học năm cuối chương trình sau đại học tại trường Sư phạm Hà Nội. Hôm dự lễ bế giảng và nhận quyết định vào TP.HCM công tác, tôi rủ thằng Việt bạn tôi lên thăm anh chị tôi đang là cán bộ giảng dạy ở trường sư phạm đó để báo tin và (tiện thể) xin một ít tiền đi đường. Thằng Việt nghe nói chuyện xin tiền nên cũng khoái. Mượn được chiếc xe đạp thống nhất hai thằng chở nhau đi. Đến nơi, tôi để Việt ngồi chơi ở nhà anh chị tôi, còn tôi đi xuống khu vưc sinh viên để tìm người bạn mà tôi có “cảm tình”.
Vừa đi vừa hồi hộp vì không dễ tìm một trong hàng trăm sinh viên đang im lặng ngồi nghiên cứu bài học. Khó khăn lắm tôi mới thấy cô nàng trong một lớp học, đang đọc sách. Đang loay hoay không biết phải làm gì vì chỉ cần một tiếng động lạ biết bao nhiêu cặp mắt sẽ nhìn mình. May quá, có một nữ sinh viên từ lớp học đi ra thế là mình năn nỉ cô ấy quay vào kéo người “cảm tình” của mình ra. Vì chỉ là cảm tình thôi nên câu chuyện cũng đơn giản. Nói chung là không đâu vào đâu. Chỉ đạt yêu cầu là thông báo mình đã học xong chuẩn bị vào Nam nhận công tác. Bạn tôi hỏi có về quê không? Nếu về quê cầm dùm ít sách về trước. Tôi vui vẻ nhận lời và nghĩ bụng: “Mới cảm tình biết đâu được chuyển lên đối tượng”.

Thằng Việt chở, tôi ngồi sau ôm tập sách. Khi đến ngã tư Giảng Võ để về ngã tư Sở thì trời tối lắm rồi. Chúng tôi gặp một đám đông thanh niên choai choai lại càn quấy dàn hàng ngang giữa đường không cho xe vượt qua. Vừa đi sau vừa năn nỉ mà bọn nó không chịu nhường đường.Ngược lại chúng quây lấy chúng tôi gây gỗ rồi xông vào đánh tới tấp vào tôi và thằng Việt. Hai thằng hoàn toàn bị động. Cũng may tôi vừa được đào tạo nghiệp vụ, đang ngứa tay, ngứa chân nên cũng thử xem sao. Tôi và Việt quyết tâm “chơi lại đến cùng”. Nhưng phải bảo vệ tập sách và chiếc xe đạp vì hồi đó có xe đạp đi là oách lắm rồi, mất lấy tiền đâu mà đền. Còn bị mất tập sách của bạn tôi thì “cảm tình” cũng mất đừng mong làm đối tượng, chứ chưa nói là được kết nạp. Cuộc chiến không cân sức giữa hai thằng tôi với hàng chục thanh niên diễn ra rất ác liệt, chúng dùng thắt lưng Trung Quốc và có cả loại dây dù cuộn đầu thành một cục đánh tôi và Việt. Không hiểu sao hai thằng tôi lúc đó ngoan cường thế, không hề hấn gì. Thanh niên trong làng nghe la hét cũng kéo ra tham gia. Không bàn bạc nhưng tôi và Việt hiểu ý quyết triệt một hoặc hai thằng cho nhừ tử bọn chúng mới sợ. Tôi kêu Việt vừa coi xe vừa hỗ trợ phía sau cho tôi để tôi chơi. Lúc đó không hiểu sao tôi chơi đẹp thế, tất cả các thế võ được đào tạo sáu tháng ở trường đều phát huy tác dụng. Chọn hai thằng nhỏ con nhưng láu cá, tôi chơi mấy cú đạp cơ bản. Hai thằng lao vào bên đường khóc tu tu. Cả bọn mới tản ra. Có hai đèn pha từ phía cầu Giấy chạy đến bọn chúng chạy tán loạn. Chỉ còn tôi và Việt ở lại đó, rất may tập sách và chiếc xe đạp vẫn còn nguyên vẹn. Thì ra đó là đèn pha hai chiếc xe Xếtđờca của công an huyện Từ Liêm đi tuần tra. Họ dừng xe định kiểm tra giấy tờ của hai thằng tôi. Đèn pin vừa rọi vào tôi và thằng Việt thì một công an nói: “Thì ra là hai ông lính mắm tôm”. Rồi họ vui vẻ giúp dựng xe lên, chỉnh đốn trang phục cho hai thằng tôi để về trường. Lúc về, tôi đi xe ngồi trước, thằng Việt ôm đống sách ngồi sau và phải ngồi một bên vì ống quần bị rách đến gối. May nhất là được mấy ông công an áp giải ra gần đến ngã tư Sở, vì sợ bọn thanh niên trong làng đuổi theo gây sự.

CÂU CHUYỆN VỀ HÀNH TRÌNH TẬP SÁCH

Ngày hôm sau khóa học coi như giải tán, mọi người tùy nghi đi theo quyết định được phân công. Riêng số được vào nhận công tác ở phía Nam phải ở lại trường để nghe phổ biến tình hình miền Nam và chuẩn bị cho chuyến hành trình vào TP.HCM. Nhà trường cho phép những người có gia đình từ miền Trung trở vô được về thăm nhà và tự đi vào Sài Gòn.

Tối hôm đó, tôi, thằng Việt, thằng Lương (người Tuyên Hóa) chơi ba bộ đồ màu vàng và đầy đủ trang bị như đi công tác. Trong cặp táp và túi xách ngoài tư trang cá nhân ít ỏi là số sách tôi mang về dùm cho bạn tôi. Chặng đầu tiên từ Hà Nội vào Ninh Bình, xe chạy suốt cả đêm, gần đến sáng, xe tạt vào một công trường đang xây dựng để trả hàng. Chúng tôi ngồi chơi chờ trời sáng tại phòng bảo vệ của công trường. Khoảng 7 giờ sáng, cả ba thằng ra đường quốc lộ số 1 để đón xe đi tiếp. Chặn xin mấy xe đầu nhưng không có xe nào cho lên vì xe chạy đường ngắn. Đang thất vọng thì từ xa một chiếc xe giải phóng kéo rờmóoc lù lù chạy tới. Thằng Lương thấy xe Quảng Bình thì mừng lắm kêu chặn lại xin đi. Thấy ba thằng tôi đứng bên đường, bác tài cho xe chạy chậm rồi dừng lại đúng luật qui định. Tôi nhìn bác tài, bác tài nhìn tôi, cả hai cùng nhận ra nhau là người Đồng Hới. B con gái bác tài ngồi trong cabin cũng nhận ra tôi. Biết ba thằng tôi chặn xe để xin đi nhờ, bác tài ra hiệu bảo lên thùng xe. Ba thằng chuyển ba cái cặp đầy sách của bạn tôi lên xe và tự sắp xếp chỗ ngồi. Xe chạy từ Ninh Bình về Đồng Hới phải mất một ngày rưỡi vì đường ngập không đi được. Cuộc hành trình tuy vất vả nhưng rất thú vị vì có nhiều kỷ niệm. Thôi tạm dừng câu chuyện ở đây vì sợ dông dài. Chỉ xin tiết lộ bác tài, người lái xe giải phóng kéo rờmóoc người Đồng Hới hôm ấy chính là ông già thằng bạn “không giống ai” của tôi.

Về Đồng Hới nghỉ một hôm, ngày hôm sau (theo địa chỉ) tôi mang túi sách - không thiếu một cuốn - đến nhà giao cho gia đình. Thật bất ngờ, người đại diện gia đình đứng ra nhận túi sách ấy lại là thầy giáo dạy tôi từ lúc còn mặc quần thủng đít mà người bạn có “cảm tình” của tôi gọi bằng cậu. Bẵng một thời gian khá dài, gần hai mươi năm tôi không liên lạc với thầy. Kể thì có lỗi nhưng rồi cũng là chuyện muôn đời của thầy trò như người lái đò đưa khách sang sông.Chắc thầy cũng không có ý nghĩ gì đó trách móc chúng tôi. Đó cũng do một phần áp lực công việc thường ngày, cuộc mưu sinh đầy khó khăn vất vả của thời kỳ bao cấp, và những khó khăn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau khi tôi lập gia đình tại Sài Gòn, trong một chuyến công tác về miền Trung, tôi đã gặp lại người có “cảm tình” ngày ấy của tôi. Tôi rất mừng vì nàng đã yên bề gia thất và đang là cán bộ giảng dạy, chủ nhiệm bộ môn trong một trường Cao đẳng.Càng bất ngờ hơn khi được biết ông nhạc của người ấy lại là thầy giáo cũ của tôi. Không hiểu đọc những dòng này người ấy có nhận ra mình trong đó hay không. Nếu nhớ xin hãy nhắn vào số điện thoại của người này hai chữ: NHỚ - BIẾT.

Thôi! Kẻo thằng bạn không giống ai của tôi lại thắc mắc chuyện nọ xọ chuyện kia. Nhưng chắc chắn thằng này biết người ấy. Còn những cảm tình với người ấy như tôi hay không thì hỏi nó mới biết. Mấy hôm diễn ra hội khóa, do chương trình làm việc dày đặc, tôi không có điều kiện gặp gỡ, nói chuỵện mà chỉ bắt tay, chào hỏi nàng. Trông nàng vẫn còn trẻ trung tươi đẹp như ngày nào. Bây giờ cái cảm tình của tôi đối với người ấy vẫn không thay đổi mà thêm vào đó còn sự bái phục trân trọng hơn khi có người bật mí cho tôi biết: “cái con ni vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ”.

Ngạn ngữ của người Pháp có câu: “Muốn nhớ nhiều phải quên bớt đi”. Tôi cho là rất chí lý. Vì kiến thức của nhân loại thì vô hạn mà bộ óc của con người thì có hạn. Người ta khuyên chỉ nhớ những điều cần nhớ…Nhưng với tôi, tôi lại muốn nhớ nhiều và không quên bất cứ điều gì, nhất là những kỷ niệm với bạn bè một thời “hoa lửa”. Nếu có điều kiện tôi sẽ viết tiếp về những người bạn của tôi như Hoàng Nuôi, Lâm Hồng Tú, Phạm Bá Chiểu, Phan Xuân Vũ ở TP.HCM, về Lê Vinh …Nhưng như thế sẽ không có điểm dừng. Chẳng hạn: Kỷ niệm với ba anh em nhà họ Lê ở Đồng Hới. Không biết ba anh em này có dây mơ rễ má gì với ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ hay không mà thằng anh lấy niên hiệu của vua Tây Sơn làm tên của mình. Còn hai đứa em, một đứa tên Nang, một đứa tên Nọi. Hai cái tên chướng tai, nghe không giống ai được nhập khẩu từ nước ngoài phải đổi thành Nam và Nại. Chỉ riêng những kỷ niệm với “vua Quang trung” ở Đồng Hới, nếu kể lại là chuyện dài nhiều tập. Một ngày nọ, vua nhớ mẹ nhớ cha ở Xiêm La, bèn đóng giả ngư phủ sắm thuyền rồi rẽ sóng ra khơi. Do không xem ngày giờ, không xem thời tiết, lại khởi hành vào giờ xấu nên Ngọc Hoàng không chịu, tìm cách chặn lại. Một vòi rồng cuốn vua lên không trung rồi đưa vua trở về chốn cũ “Cồn chùa”…mà trước đó không lâu vua từng là thủ lĩnh của Đoàn thanh niên lớp 9B. Ở đó vua được chăm sóc kỹ lưỡng không kém gì vua. Sau vụ đó, vua chuyển danh xưng thành “Lung Quang Trê”… Nhiều, nhiều lắm.

Mình chỉ hi vọng nếu ai đó đọc những dòng này, các bạn sẽ có dịp nhớ lại những kỷ niệm xưa và thấy mình trong đó, hoặc trong đó có mình.

Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn, nhưng kỷ niệm thì làm sao quên được. Để kết thúc, xin trích nguyên văn một đoạn trong bài diễn văn do Phan Thanh Hà đọc tại buổi họp mặt: “Trong cuộc sống bộn bề và hối hả, chúng ta hãy dành chút thời gian để thấy trân trọng hơn những gì hôm nay chúng ta đã gặt hái. Về hội khóa, chúng ta không phân biệt xa gần, không phân biệt giàu nghèo, không có sang hèn, không có sự ngăn cách của địa vị xã hội, không có sự sáo rỗng trong lời ăn tiếng nói. Chỉ có tình bạn - tình bạn chân thành, vô tư và thủy chung như ngày nào chúng ta cùng chung lớp, chung trường, củ sắn chia đôi, bát cơm sẻ nửa.

“Quê hương nghĩa nặng tình sâu, bốn mươi năm ấy biết bao ân tình”. Biết bao là nỗi nhớ niềm thương mà dẫu có nói bao nhiêu cũng còn chưa thỏa.”

Xin mượn lời của bác Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh trong lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
: “Hôm nay chúng ta gặp lại nhau đây là quí lắm rồi”.

Xin cảm ơn Phan Thanh Hà cùng các bạn trong BLL học sinh khóa 68-71.

Xin cảm ơn Trương Văn Bình và các bạn trong ban tổ chức hội khóa.

Xin cảm ơn các bạn có tên và chưa nói về tên trong bài này cùng tất cả các bạn.

Mong hãy bỏ qua những chi tiết chưa đúng hoặc thiếu chính xác (nếu có).

Xin cảm ơn bà xã đã dành cho tôi những giây phút riêng tư để trở về với những kỷ niệm xưa.

TP.HCM, ngày tháng năm 2009.

NGUYỄN DOÃN MẠNH

Nguyên cựu học sinh khóa 1968-1971- 1972
Trường Cấp 3 Đồng Hới, Quảng Bình


3 nhận xét:

  1. Hình ai về thăm trường cũ phong độ quá, trường em ở Đà Nẵng đổi thành trường Đại học Đà Nẵng nên đi ngang trường mà lòng buồn, ngó qua trường Phan Chu Trinh thì ít kỷ niệm vì chỉ học ở đó có một năm lớp 12 thôi mà khi đó mới giải phóng nên bọn em sợ lắm. Khi mô đở con mắt em sẽ đọc hết và bình về bài viết nhé anh. chúc anh khỏe và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  2. Mong khỏi hẳn để tiếp tục theo dõi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ khi bị đau mắt đến giờ nếu điều tiết mắt nhiều là bị đỏ và nhức mắt nên em hạn chế vào blog ban đêm như trước. Hy vọng sẽ lành hẵn để đọc những bài viết hay của anh.

      Xóa