20/12/10

HÀ NHẬT: Huyền thoại một người thầy - Nguyễn Doãn Mạnh




PHẦN 1: BÀI THƠ VÀ NGƯỜI THẦY HUYỀN THOẠI


Không biết thầy thương và yêu thơ như: trời yêu đất, mây yêu gió, hay cơn sóng mỗi ngày vỗ về mơn trớn, vuốt ve bờ cát dài của Quảng Bình quê tôi hay không? Không biết thầy yêu và thương thơ như cô thôn nữ bổng chốc qua thơ của thầy biến thành tiên nữ môi mọng hồng, đẹp ẩn dụ màu san hô, để rồi thầy như cơn sóng ngầm ôm lấy với tâm hồn cao thượng, muốn dành cho nàng ngày trở về qua những thử thách gian lao của bản thân?!


Nhưng hỡi em
Nếu có người trai chưa từng qua bão tố
Chưa từng qua thử thách gian lao
Lẽ nào có thể xứng với tình em?

Thầy là vậy.

Qua những lần “tiếp cận” tôi biết thầy bắt đầu sáng tác thơ vào một ngày đầu thu năm 1953, nhiều khi cũng có thể là từ đầu năm. Ráng nhớ đi nhớ lại qua những lúc vui vui bên chung rượu, vài học trò cùng với thầy tổng hợp lại thì cũng vài trăm bài, bây giờ kiểm đếm chỉ còn vài chục bài. Thầy có buồn không?! Có lẻ có và cũng có thể không, bởi vì thơ vừa viết xong chưa ráo mực đã đọc cho bạn bè, kỷ hơn đôi chút tặng người đẹp cho thoả lòng lảng tử. cuối cùng “tài sản” hữu hình trắng tay, tài sản “vô hình” dần dần hiện về trong ký ức của riêng mình. Thầy cũng không mong gì hơn.

Làm thơ ngày đó không thêm hương vị “chiến tranh”, “lòng yêu quê hương đất nước”, “căm thù giặc”, “bảo vệ quê hương”, đan xen, cuộn hoà vào thơ, trộn lẩn vào từng tứ thơ…thì không xong, sẽ bị “chỉnh lý” ngay: “ lối sống tiểu tư sản”, “tuyên truyền văn hoá đồi truỵ”, “lối sống thực dụng, lãng mạn, đa tình”…

Chúng ta đều hiểu và biết rằng chiến tranh là điều phi lý, nhưng trong chiến tranh cũng còn rất nhiều điều hợp lý: cũng có “cùng mắc võng trên rừng trường sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm…”, cũng có “sợi nhớ sợi thương”, cũng có những “kỷ vật” là hoa lan rừng anh tặng cho em giữa “bom gầmrồi chia tay.

Thế nhưng ngày ấy “lớp trẻ” muốn làm thơ tình hơi bay bổng, lãng tử một chút thì phải sáng tác… “âm thầm”, lặng mà lẻ, lén mà lút, sáng tác…chui, rồi chuyền tay chui, đọc và ngâm chui theo nhóm bên ấm trà, đôi khi bên chiếu rượu rất hồn nhiên sung sức vô tư thời trẻ, tình tứ bay bổng huyền ảo như tứ thơ. Bởi vậy nhà giáo, nhà thơ Hà Nhật ngày ấy sáng tác thơ tình khúc chiết, mạnh mẽ, hư ảo mà “rất thực tế” của đôi lứa là không dễ dàng gì. Gần cuối đời người Hà Nhật muốn ôn lại, nhớ lại, hồi tưởng lại, tìm lại chút “hương thầm”, chút kỷ vật và nhiều kỷ niệm ngày xưa để dành cho ngày nay tức là: in một “chùm thơ” để lưu lại, kỷ niệm cái thời dạy học làm thơ “rất sung sức”. Nhà thơ phải “trở lại quê nhà”, bôn ba một chuyến ngược thời gian trên cả ngàn cây số để tìm lại ở bạn bè, ở học trò ngày ấy, ở những chỗ có thể có mà cũng có thể không chưa tính được, như bình thường thì các em không nhớ nhưng đôi khi bên chén rượu thì những dòng thơ cuồn cuộn tràn về…không sót một câu.

Thơ của thầy bị “sơ tán” rồi “thất tán” do cái chất “lãng tử di động” của thầy. Cầm cây viết lên, tình yêu lạ tràn về rồi ẩn hiện từ từ trên trang giấy… ý thơ, tứ thơ, đượm nồng trí tuệ từ hiện thực mà sâu thẳm, luồn lách, mon men, lén lút, nhẹ nhàng rồi bay bổng, rồi công khai, rồi hùng dũng xuất hiện với đời, với tình mơ của thầy, với tình yêu đôi lứa, với bạn bè anh em, với cả người mới quen. Có lẻ tố chất thơ đã hoà trộn trong máu của thầy đã có từ lâu, rất lâu.

Khoảng năm 1961 “hít thở bụi phấn” ở Nghệ An, không biết “định mệnh” đã an bài hay không mà thầy đã “sinh” ra “hai đứa con” để đời cho “hậu thế” sau nầy: đó là hai bài thơ tình nỗi tiếng: “Bài thơ tình của người thuỷ thủ”, ý tứ thơ độc đáo, gầm gừ gào thét như sóng ngầm, sần sùi mà đẹp như san hô đỏ, trắng phau bờ cát vổ về…

Hết ngày dài lại đêm thâu, chúng ta đi trên đất Phi Châu”, nguồn gốc hai bài thơ của Hà Nhật cũng “gần gần” như vậy, phiêu bồng, lãng tử, dịch chuyển, nếu có bạn bè rủ rê, học trò mời, người quen có nhả ý là thầy…tham gia. Cũng vào năm 1961 có vài ngày nghỉ đủ thời gian về quê Đồng Hới Quảng Bình, đi bằng đường bộ thì cao lắm chỉ có một ngày. Đúng vào thời điểm nầy thầy lại được mấy người quen là ngư dân “chính hiệu” chuyên “bồng bềnh” trên biển cũng có chuyến “hải trình vượt biển” về Quảng Bình mời, thế là thầy đi dù thời gian ít hơn…cở khoảng ba ngày ba đêm!

Rượu uống nhiều thì có hại, uống ít thì đôi khi lại hay! Uống vài ba chung với bạn hiền, tri kỷ, có giai nhân thì nguồn thơ cảm hứng của thầy cuộn về hiền hoà như dòng sông Nhật Lệ vào mùa hè, dữ dội như mùa mưa bão, thơ mộng trữ tình như mùa xuân. Trái lại, những ngày lênh đênh trên biển, không biết sóng say hay thầy say sóng, thầy nôn hay là sóng nôn, mật xanh hay là màu xanh của biển, mật vàng hay ráng chiều tà, mà người thầy huyền thoại của tôi đã “khai hoa nở nhuỵ” được “bài thơ tình của người thuỷ thủ” tuyệt tác, huyền thoại như nàng tiên cá.

Bài 1:

Bài thơ tình của người thuỷ thủ

Em hỏi tôi nước biển màu gì?
Tôi người thủy thủ từng lênh đênh năm tháng
Tôi sẽ nói cùng em
Nước biển dịu dàng, bí mật và cuồng nộ
Cũng như màu đôi mắt của em
Song dẫu thế nào tôi cũng sẽ đến bên em
Và tôi sẽ làm cho đôi mắt em xao động
Như gió ngày ngày đưa sóng về trên biển lặng
Mới hay, thơ hay cũng chính là nết đất, hồn người.

Chưa dừng lại, chỉ còn một buổi là về tới quê nhà, thơ lại “thanh minh” như trãi lòng thầy với “em yêu”, với nửa còn lại của lòng mình:

Bài 2:

Bài thơ tình của người thuỷ thủ

Đêm nay
Khi trăng mọc
Tàu anh sẽ nhổ neo
Em đừng hỏi tại sao anh đi?
Cũng đừng hỏi
Chân trời xa có gì kêu gọi?

Anh biết:
Nếu ở cuối trời có đảo chân trâu
Hay ở đảo xa có nụ hoa thần tìm ra hạnh phúc
Hay có người gái đẹp
Môi hồng như san hô
Cũng không thể khiến anh xa được em yêu

Nhưng hỡi em
Nếu có người trai chưa từng qua bão tố
Chưa từng qua thử thách gian lao
Lẽ nào có thể xứng với tình em?

Hà Nhật (1961)



Trên thế gian có “vô số” con đường để đi, không có con đường nào giống với con đường nào. Cho đến tận ngày hôm nay khoa học đã chứng minh là như vậy, thuyết tương đối hầu như là vỉnh cửu. Vì thế khi sáng tác xong “Bài thơ tình của người thuỷ thủ”, thầy tránh cái “barie” bằng cách chọn đường vòng. Không biết sao ý tưởng nầy lại hay, đường “chim bay” thì lại xa, đường “vòng vòng” thì lại gần. Bài thơ lại nén nót cho “ấn tượng” một chút để ra đi với tên là Mai Liêm gửi một toà sạn báo ở Hà Nội, địa chỉ liên lạc của một người chị bà con bên mẹ là Phạm Thị Chiến, học sinh cấp 3 Đào Duy Từ, Đồng Hới tỉnh nhà (sau này là nửa mảnh trời riêng của nhà thơ Hải Bằng).

Khi báo đăng “Tình ca người thuỷ thủ” Nhạc sĩ hoàng Vân cảm thấy “hợp khẩu”, hay “món ăn lạ” nên biến nó vào từng cung bậc giọng đàn với tựa là phổ thơ Mai Liêm. Bài “Tình ca người thủy thủ” lập tức được thanh niên cả nước đón nhận say mê, nồng nhiệt. Cái tên “Mai Liêm” bắt đầu “nỗi danh” từ đó. Trên đài phát thanh nhiều ca sĩ vẫn hát bài hát nầy. Bút danh “Mai Liêm” ấy không chỉ có ở “Bài thơ tình của người thủy thủ” mà đã ghi ở rất nhiều bài thơ khác. Những bài thơ sau nầy chép gửi cho các báo khác, ở tỉnh nhà không nắm được thông tin, chẵng biết “số phận” các đứa con tinh thần nó “ra làm sao”, đăng (sống) hay không đăng (chết). Từ đó báo biếu cũng không, thì làm sao có tiền nhuận bút như bây giờ để thầy khao bạn bè…vài chung rượu cay! . Tính thầy lại không “để dành” thế là mất luôn tài sản quí là thơ. Khộng biết là nếu “chịu khó nhiều chút”, tìm trong các kho lưu trữ báo chí khoảng từ năm 1956- 1965 của Thư viện Quốc Gia, chắc cũng có thể tìm “thấy” được nhiều bài thơ của người thầy…lãng tử.

Một điều rất thú mà thi vị ở chỗ: Có cái lạ mà không lạ, thơ thầy được nhiều thế hệ thanh niên Quảng Bình ghi chép hơi “ly kỳ” như một cẩm nang sống để được yêu: người thì chép vào tập vở, khá giả một chút thì chép vào…sổ tay, “nghèo mà thông minh” thì “chép” vào bộ nhớ, “nghèo thiệt” thì mượn tập đọc … vài chục lần riết rồi thuộc lòng luôn. Chuyến “vượt đường bộ” về miền trung “tìm lại thơ mình” mùa thu năm 2007 có “môn sinh” đã đọc cho thầy và bạn bè nghe cả một trường ca mà thầy viết trên 40 năm trước. Riêng hai “villa” thơ Lê Đình Ty, Mai văn Hoan “lục tung” ở đâu cũng “tìm ra” cho thầy được sáu bài. Nhiều thế hệ độc giả quê hương “giữ làm của hồi môn” trong tâm khảm, bây giờ khi gặp lại thầy bên chén trà, chung rượu mỗi người đọc vài câu, chấp nối từ sâu thẳm trí nhớ, bài thơ bắt đầu hiện ra mờ ảo, từ từ hiện thực trở thành hoàn chỉnh. Cuối cùng thầy cũng “Phát hiện” gần 40 chục bài mà…do tính phiêu bồng lãng tử của thầy…”tạo ra”.

Trích vài câu thơ trí tuệ, ẩn dụ, man mác hoài niệm của thầy:

Quê cũ nghèo không lúa không khoai
Chỉ có trời xanh và muối mặn

( Muối).

Gặp nhau bây giờ
Táo trong vườn rụng hết
Thôi đừng nhắc nữa
Cho lòng đau
Nghe em

(Táo).

Tình anh như muối kia
Mặn mòi và lặng lẽ
Muối trăm đời vẫn thế
Tình anh không có màu

(Tình muối).

Trong chuyến “về miền cát trắng” năm 2007 tìm lại thơ mình, Thầy “đã ép” trong nước mắt với “bạn hiền”, một bạn thơ đồng tuế, một người nỗi tiếng, đó là Nhà văn, nhà thơ, nhà báo: Hoàng Phủ Ngọc Tường, đã từng “hết đêm thâu đến ngày dài” trên vùng đất, lửa, bom, nóng rát miểng đạn trên đầu của Quảng Trị năm 1972 :

Hãy cạn ly đi Tường ơi
Không uống được vào môi
Thì nhấp bằng mắt vậy
Để ta nhớ một thời sôi nổi
Ngang dọc hai ta một dải đất gió Lào

Cả cuộc đời thuở đó đẹp tươi sao!
Kể nói dối nói những lời có cánh
Gian khó hiểm nghèo say ta như rượu mạnh

Bao năm rồi chưa trở lại mảnh đất thiêng
Ta chưa kịp nhìn đất Quảng Trị bình yên
Tóc vội bạc - rượu nồng chưa kịp uống

Một thời trẻ trung, một thời mộng tưởng
Hãy cạn ly đi Tường ơi!

Huế, 2007
(Uống rượu với Tường)

Rồi cũng trong chuyến “tìm thơ” tháng 8-2007, thầy “sống lại” với thơ, ý thơ thâm trầm hơn, suy tư nhiều, bố cục mạnh mẻ so sánh, nhớ lại kỷ niệm nuối tiếc nhiều hơn khi đã ngoài 70. xin giới thiệu 2 bài thơ mới của thầy.

Bão số hai

Anh bơ vơ giữa cuộc đời phù du
Chỉ có em thôi
chỉ có em là thật

Sông Nhật Lệ ngày mưa như hồng thuỷ
Em dắt anh qua bẫy cạm cuộc đời
Em dắt anh qua đầu đất đến cuối trời
Em khờ dại giữa cuộc đời lọc lõi

Núi Mỹ Đức xa xanh
chiều nay buồn vời vợi
Người đi rồi núi sẽ lại cô đơn
Cuộc sống thì già người sống thì khôn
Chỉ có hai ta, hai chân trời tội nghiệp
Chỉ có anh câu thơ chưa kịp viết
Mãi mãi nằm chết đuối dưới dòng sông

( 8/8/2007)

Đền Cuông

Nghe nói khi bị chém
Máu Mỵ Châu không tan
Bắt biển hoá thành ngọc
Để nghìn thu kêu oan

Cha dẫu nghiêm đến mấy
Nỡ nào cha vung gươm
Chồng bạc tình đến mấy
Nỡ nào tráo lẫy thần

Đền Cuông - cuông bay hết
Về chi nữa em ơi
Cha già còn ngoảnh mặt
Mong gì đời sửa sai!

(8-2007)

Thập kỷ 60 (đương nhiên thế kỷ trước rồi), thơ mới “ít vần” chỉ là những sáng tác “thử nghiệm”, dạo đầu của một vài nhà thơ muốn tìm lối rẽ, lạ lẫm, khám phá vùng đất mới, giải “bất phương trình” bằng cách giải khác. Thơ của Hà Nhật chủ đề tình yêu nhưng không uỷ mỵ mà mang hơi thở…sự sống, sức sống mảnh liệt vươn ở tầm cao:

Nếu có người trai chưa từng qua bão tố
Chưa từng qua thử thách gian lao
Lẽ nào có thể xứng với tình em?

Ở Hà Nội, một trung tâm văn học lớn mà Nguyễn Đình Thi làm thơ “ít vần” cũng bị ít nhiều phê phán. Các tỉnh khác còn đầy rẩy các “ông đồ” thì làm sao không có “phong kiến” trong thơ. Nhưng cái gì nó ít, có giá trị, thì nó hiếm như viên kim cương xanh. Bài thơ ít vần của Thầy Hà Nhật viết ở Vùng chiến khốc liệt lúc đó đầy rẩy ánh lửa của đạn bom, ánh sáng hoả châu, tiếng bom gầm, tiếng đạn hú chỉ tô điểm cho viên “kim cương xanh” -Bài thơ tình của người lính biển- bảy sắc cầu vồng ở tất cả mọi hướng, mọi góc cạnh càng lúc càng lung linh huyền ảo.

Nhân cách hoá một chút: Thơ không hề có số phận của nó, số phận chỉ dành cho “người cha” sinh ra nó. Thơ có sống và sống bao lâu, sống để làm gì là do cảm nhận của người đọc, do cái tâm của người viết, hoàn cảnh nào nó được sinh ra. Bài thơ tình đặc biệt nầy đã sống, đang sống, sẽ sống. Nó hợp khẩu vị với thanh niên thời 60 “hát trước miểng bom”, nó “bền vững” sống động cuốn hút với lứa thanh niên thời 70, nó ghi nhận, hoài nhớ, dấu ấn kỷ niệm thời hoa lửa, bền vững cho đến bây giờ khi tôi ghi lại những dòng nầy: Huyền thoại một người thầy – Hà Nhật – Lương Duy Cán.

PHẦN 2: ĐÔI ĐIỀU VỀ THẦY HÀ NHẬT.


Sau năm 1954 thầy Hà Nhật từ Huế ra Hà Nội học tiếp Đệ nhị và đỗ tú tài Toán vào năm 1956. Nhưng “KHỔ” ở chỗ học toán rất giỏi nhưng lại xin thi vào sư phạm…rồi học văn. Không biết lúc đó thầy có “tính toán “ gì không: các hàm, cos, sin cứng nhắc và khô khan không bằng các “con thơ” đôi khi cứng, có lúc mềm!? Khi còn “sanh viên” Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy cũng đã “sanh” ra một vài chùm thơ tình để đời cho hậu thế!?

Hà Nhật cũng đã có “nhóm thơ”, tình bằng hữu rất thân thiện, chơi thân với các bạn cùng trang lứa và sau nầy là nhà thơ, nhà văn như Phùng Quán, Nguyễn Bùi Vợi, Vân Long, Băng Sơn, Thúc Hà… Nhóm nầy: viết thơ, viết “thư”, đọc thơ, đọc “thư” cho nhau nghe, và cũng gây khổ “không ít” với các “cô láng giềng” là các bạn “nữ sanh viên” một thời trai trẻ! (khổ ở đây là…mê thơ thôi! ).

Đó là những “nhà thơ tương lai gần” thuộc thế hệ trẻ của cách mạng làm thơ sau năm 1954 ở Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi vẫn thường nhắc đến anh bạn thơ Hà Nhật “quê nhà” Quảng Bình da đen đen, dáng gầy gầy, nhưng quá thông minh, rất đa tình và…nhạy cảm!?.

Năm 1956, khi cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” (còn là sinh viên), chàng trai Hà Nhật đã nhớ lại rồi “nặn ra” vài bài thơ độc đáo, bén như…dao cạo (dao lam), sắc nét như đường thẳng (có lẻ thầy nhớ về toán) như bài MƯA HUẾ:

“…
Dáng gầy như cỏ cây quê mẹ
Giếng tình thăm thẳm mắt không vơi
…”

Năm 1959, tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Sư phạm (hơi bị hiếm thời kỳ nầy), Hà Nhật được bố trí về dạy ở Diễn Châu Nghệ An cho …”thực tiển” một chút , “cho gần nhà” một chút. Đã vậy lại dạy …cấp 2!? cho mang tính chất “Nhà giáo thời chiến”, “chia sẻ mủi tên hòn đạn” với anh em, với đồng đội và thời gian trôi qua dạy cũng được…ba năm.

Năm 1964, trở lại quê nhà thầy dạy ở trường cấp 3 Lệ Thủy Quảng Bình. Tại đây có thầy giáo Phan Ngọc Thu cũng “sống với thơ, chết với thơ” không khác gì thầy. “Môn sinh” ngày ấy có lẻ cảm thụ một chữ thơ là một viên đạn “tình yêu” hay sao mà tràn ngập không khí và hơi thở nóng lên hừng hực của thơ. Bởi thế cả lớp “liền anh, liền chị” làm thơ, bích báo lớp (báo tường) văn thì ít, thơ thì nhiều.

Trường cấp 3 Lệ Thuỷ Quảng Bình, sau là trường cấp 3 Đồng Hới ngày ấy, trong đó có lớp thầy Hà Nhật dạy, sau nầy “thành danh” rất nhiều người, có thể “điểm danh” sau: Các bạn chọn tên để xem

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Nguyễn Thị Thu Hồng, phó chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam
Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ Giáo dục
Giáo Sư, Tiến Sỹ Hoàng Quang Thuận, viện trưởng viện Công Nghệ Viễn Thông
Ông Trần Công Phong, chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Một số nhà văn nhà thơ sau:

Lâm Thị Mỹ Dạ
Hải Kỳ
Đỗ Hoàng
Lê Đình Ty
Ngô Minh

Ngoài ra thì còn nhiều, rất nhiều “học trò” xuất thân từ trường cấp 3 Đồng Hới Quảng Bình hiện nay có nhiều người là những vị Tướng, Tiến sĩ, thạc sĩ, luật sư, bác sĩ, nhà thơ, nhà văn, lãnh đạo ở một số lĩnh vực, mà tui không thể kể ra hết trong bài viết nầy.


Ngày hoà bình lập lại (1975), đeo ba lô toàn là sách cộng thêm máu lãng du, phiêu lưu, Hà Nhật lên đường…tiến vào Nam. Hành trang gọn nhẹ, đơn giản như cuộc đời thầy: chỉ có thơ. Vì chưa có 50% cuộc đời còn lại nên “xung phong” là chuyện thường tình. Trên chuyến tìm lại cái gì đó trong thơ, trong từng giọt lệ, từng nụ cười, thì thiên nhiên hữu tình của dải đất miền trung nam bộ cũng làm cho Hà Nhật đứng nhìn, rồi dừng lại “gõ đầu trẻ”. Phan rang với những ngọn tháp cổ kính rêu phong, với mùi tỏi cay nồng, lưu luyến với “môn sinh” mới, dù rất tuyệt vời đầy cảm động nhưng cũng không “tài nào” giữ được “cái ông” nhà giáo, nhà văn, nhà thơ nầy.

Tiến thêm một bước ngắn về hướng nam…mà lại dài, tui nói cái ngắn trước cái dài sau. Ngắn là tới Phan Thiết lúc đó còn là thị xã chỉ cách Phan Rang cái ranh giới mong manh: nếu hai bạn trẻ yêu nhau người quê Phan (Rang + Thiết) có thể í ới gọi nhau: Anh ơi về ăn cơm, em đợi!. Có lẻ nghĩa nặng, tình sâu nơi nầy đã giữ lấy một phần thi nhân của thầy chăng? Hay là nơi nầy hội tụ của ngày và đêm, của Loan Phụng, của “ bài thơ tình của người lính biển” thầy đã trở về và gặp lại? Gặp ai!? gặp cô Phương (nửa mảnh đời còn lại của thầy) một cô giáo trẻ, xinh xinh,hiền hiền dịu dịu, một cái bóng lớn sau thầy vừa tình nghĩa, thuỷ chung, chia đôi gian khổ – đó là cái dài – chắc các bạn đã hiểu!?

Cuối cùng Hà Nhật cũng đến được Hòn ngọc viển đông Sài gòn Tp. Hồ Chí Minh, thành phố công thương nghiệp hiện đại và làm giảng viên ở trường Cao đẳng sư phạm. Nhiều thế hệ học sinh cuối cấp phổ thông, sinh viên…làm sao quên được những buổi SỐNG trong thơ văn đầy hấp dẫn, sống động của nhà thơ Hà Nhật – Thầy giáo Lương Duy Cán… Đọc tới đây có lẻ các bạn “théc méc”, còn thơ lúc nầy thầy có còn sáng tác không!? Tui xin nhắc khéo rằng: đến năm 2007 thầy còn làm thơ mà! Không tin thì xem lại ở phần trên. Khi vào Sài gòn thầy viết sách bình giảng thơ cho các nhà xuất bản, bình thơ cho các chương trình văn nghệ của Đài truyền hình, bình thơ cho “đơn đặt hàng” của các báo.

PHẦN 3: CÓ NHỮNG ĐIỀU ĐỂ NHỚ.

1- Đa sầu đa cảm.

Thi sĩ, nhà thơ thì chuyện đa sầu đa cảm là lẻ thường tình như hít thở không khí mỗi ngày. Nhưng tình cảm “vĩ đại” đến mức cứ mỗi lần nhắc đến tên người bạn già thuở trước hiện đang cách xa ở hai đầu tổ quốc, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi lại nỗi hứng ngâm thơ…rồi khóc như mưa phùn miền bắc thì rất lạ, xưa nay hiếm.

Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi ở 32/34 Tô Ngọc Vân, Quận Tây Hồ, Hà Nội, trong khu biệt thự sang trọng, thoáng mát, rộng rãi (do con làm ở Cty nước ngoài mua cho bố mẹ ở). Cái tuổi trên 70 thì ở dạng “cổ lai hy”, bệnh đến rồi đi, bệnh đi rồi lại đến…phát sinh triền miên cả cuộc đời còn lại. Bà Đỗ Thị Từ (vợ nhà thơ) hằng ngày đi tới đi lui cũng gặp nhau, thủ thỉ thầm thì to nhỏ cũng với nhau…nghĩ lại tuổi về chiều cũng buồn, rất buồn.

Một buổi chiều, nhà thơ Vương Trọng và nhà thơ Ngô Minh ghé thăm ông. Nghe Vương Trọng giới thiệu Ngô Minh là học trò của Hà Nhật, mắt ông sáng lên, giọng to và rõ:

- ’’Ngô Minh học trò Hà Nhật mình biết lâu rồi. Cả Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng nữa. Lứa nhà thơ Quảng Bình ấy là học trò Hà Nhật. Hà Nhật là bạn thân mình từ năm 1956 và những năm đầu của ngày hoà bình ở Hà Nội sau chiến thắng Điên Biên. Thế mà sau nầy đứa ở Nam đứa ở Bắc, hai phương trời xa cách…”

Nguyễn Bùi Vợi có bài thơ tặng Hà Nhật sau vài chục năm xa, giờ gặp lại:

Chơi với nhau khá thân
Viết cùng nhau một lứa
Một thằng đã làm ông
Một thằng chưa lấy vợ
Gặp mừng mừng tủi tủi
Mắt nhìn xoáy vào nhau
Thằng trai tân mà lại
Tóc trắng nửa mái đầu…

Đọc đến đây, giọng ông nghèn nghẹn, nấc lên, thút thít, rồi khóc hu hu như một đứa trẻ. Từng giọt, từng giọt nước mắt giàn giụa lăn xuống đôi gó má hóp vì bệnh tật tuổi già của ông. Ngô Minh xúc động quá cũng phải quay mặt sang hướng khác, sè sẹ, âm thầm lấy khăn mùi soa lau nước mắt.

Kể từ giây phút ấy, ông kể miên man về những kỷ niệm ngày nào với, về người bạn thơ Hà Nhật, cảnh vật, con người xung quanh ông lúc nầy hình như không còn tồn tại. Tình bạn bè như thế không có bút mực nào tả xiết.

2- NHIỀU KHI CÒN PHẢI DO TRỜI

Một ngày hè năm 1956, Nguyễn Bùi Vợi gặp bạn hiền Hà Nhật tại toà soạn tuần báo Độc Lập. Có lẻ “duyên tiền định” nằm ở chỗ nầy để hai người bạn quý nhau cho đến ngày răng long tóc bạc. Ngày đó ở Hà Nội, ngoài tờ báo của Hội Văn Nghệ Việt Nam ra thì có thêm hai tuần báo có đăng thơ là báo Độc lậpCứu quốc. Ai có bài thơ nào được đăng trên báo Văn nghệ thì…trở thành hoàng tử. Hầu như chưa có anh làm thơ trẻ nào được để mắt tới, vì vậy “mục tiêu” gần là gởi thơ đến Độc lập hay Cứu quốc. Hầu như bạn trẻ nào cũng thích đăng thơ ở báo Độc lập hơn, lý do thật đơn giản vì phụ trách mục nầy là ông Nguyễn Đình, thích quản lý nhưng lại tâm huyết với thơ. Đã vậy ông lại rất lịch sự của nhà quản lý, tôn trọng các anh em trẻ làm thơ. Độc đáo ở chổ chỉ đăng một bài thơ mỗi tuần báo. Được đăng ở đây là “vô cùng vinh dự”. Chính tại nơi nầy, toà soạn nầy mà Hà Nhật, Nguyễn Bùi Vợi, Thúc Hà sau đó có thêm bạn hiền là nhà thơ Phùng Quán cùng kết thân.

Đến nay đã trên 50 năm, tình bạn vẫn bền, vẫn vững, không có dấu hiệu phai nhạt nào dù Nguyễn Bùi Vợi, Phùng Quán đã ra đi, đi rất xa vào cõi vĩnh hằng. Trong trí óc, trái tim vẫn còn đầy ắp kỷ niệm ngọt bùi chia sẽ.

Một ngày đẹp hay trời tối gì đó, Nguyễn Bùi Vợi rủ Hà Nhật: “Hai thằng in chung một tập thơ”. Bùi Vợi bảo: “ thơ Hà Nhật sắc sảo, trí tuệ, thơ mình chỉ là thơ tự sự, chân thật, nên mình rất thích thơ Hà Nhật và rất quý trọng bạn ấy!”. Nhà xuất bản Tre xanh của ông Nguyễn Hoàng Quân ( một người chuyên sáng tác thơ và viết tiểu thuyết lãng mạn) đã đồng ý sau khi “hai đứa” xin được “thành hôn”. Ông Quân khuyến khích ngay là NXB tài trợ (cho) công và giấy nên tốn kém “chẳng là bao”. Hai anh em dành mấy đêm liền đọc và chọn thơ, tên tập thơ là GỬI NGƯỜI YÊU, mỗi người 12 bài.

Đem nộp bản thảo, ông Quân hẹn nửa tháng sau đến nhận sách. Đến hẹn, rụt rè trong sung sướng để nhận “đứa con so” thì thấy trong nhà im ắng, cửa đóng then cài. “Hỏi ra mới biết” ông Quân đã chết trước đó vì bịnh tim mạch (đột quỵ). Thế là đứa con đầu lòng không thể làm “giấy khai sinh” mà lại “khai tử”. Tập thơ mỏng không thể chào đời, bản thảo “trôi dạt phương nào” không ai rõ, chả ai hay, buồn ơi là buồn. Đó là kỷ niệm chung đáng nhớ nhất của hai nhà thơ Nguyễn Bùi vợi – Hà Nhật. Ghé vào tai Hà Nhật, Bùi vợi thì thầm: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

3- ĐÔI KHI CŨNG DO..NGƯỜI.

Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có rất nhiều kỷ niệm với Hà nhật: người bạn tri kỷ, chí cốt, nghĩa nặng tình sâu, thậm chí còn hơn anh em “ruột thịt”. Ông kể cho “bạn già” Ngô Minh, nhà thơ Vương Trọng, Hoàng cát nghe câu chuyện “cười ra nước mắt” , có thể đặt tên là “chuyện nhân văn”.

Khi còn dạy ở Nghệ An, nhân ngày mất của Cụ Nguyễn Du, một đêm Hà Nhật cùng với một thầy giáo dạy văn cùng trường tổ chức “tưởng niệm” Đại thi hào Nguyễn Du ngay trong phòng của mình. Đốt nến, thắp hương, khấn vái, rồi thay nhau nói về tính nhân văn trong thơ Nguyễn Du. Hai ông thầy trẻ không biết ở ngoài có kẻ rình, nhìn qua khe cửa, lắng nghe.

Giống như “tình báo thời chiến”, anh ta đua nước rút cở 300m chưa “tới 1 phút” đến nhà ông lãnh đạo địa phương, “tố cáo” là có hai “kẻ địch” đêm hôm ca ngợi “Nhân văn giai phẩm”. Cái ông gầy còm (tức Hà Nhật, thầy tui) nói tới nói lui tới 18 lần cái từ “nhân văn”, còn cái ông to mà cao nói 11 lần “nhân văn”. Các bạn chắc đã biết, bốn chữ “nhân văn giai phẩm” ngày đó gần như có nghĩa hay đồng nghĩa là “phản động”. Dân quê nghèo thì làm sao phân với biệt được “nhân văn” với vụ “nhân văn giai phẩm”. Cũng “từ dạo ấy”, thầy tui – Hà Nhật – cũng bị ghi tên vào “sổ đen” một cách “ấm ức”, “vừa đau vừa tức cành hông”, rất oan uổng. Đúng là đôi khi hoặc nhiều khi “chuyện không đâu vào đâu” với vốn kiến thức bằng “cái trứng gà” sẽ làm cho người khác chịu nỗi oan…không biết tỏ cùng ai!!!???.

“Không biết tỏ cùng ai” ở chỗ nào?, ở chỗ sau đây: Thời gian nầy thầy tui có yêu một người con gái đẹp nết đẹp người quê ở Nghĩa Đàn, nhưng gia đình “nhà gái” nói “nhà giáo nầy” có “dính líu” tới “nhân văn giai phẩm” thì bắt đầu tỏ thái độ “ầu ơ”, nói không là “KHÔNG”, dứt khoát “không được" gặp nhau, yêu nhau. Chính người con gái nầy (đến bây giờ thầy còn dấu tên) là người “tạo niềm cảm hứng” cho Hà Nhật, hay gọi bình dân một chút là “CHO” Hà Nhật sự sáng tạo bài thơ tình nỗi tiếng để đời: “Bài thơ tình của người thuỷ thủ”.

4- TÌNH BẠN

Nguyễn Bùi Vợi – Hà Nhật có thời gian dài “xa cách nghìn trùng” rồi gần như “mất hẵn tin nhau”, thế nhưng nhà thơ Bùi Vợi vẫn “chung thuỷ”, nhớ mãi tình bạn “hai đứa” thuở ban đầu. Hể có dịp là nhắc, nhắc mãi về thầy tui và thơ của thầy.

Khi NXB Thanh Niên giao cho tuyển chọn tập THƠ TÌNH THẾ KỶ XX, Bùi vợi đã đăng ngay hai bài thơ của Hà Nhật. Năm 1999, tuyển thơ THẦY GIÁO VÀ NHÀ TRƯỜNG, không gặp, không có địa chỉ bạn hiền Hà Nhật, Bùi vợi đã “linh động” alô về Quảng bình nhờ một giáo viên văn “làm ơn” đọc thơ “thầy giáo cũ của em” cho Bùi vợi chép. Bài thơ TÂM HỒN THỊ XÃ đã đăng, sau nầy chính Hà Nhật cũng không còn nhớ.

Năm 2000, ra Hà Nội tham gia làm sách giáo khoa cho Bộ Giáo Dục, Hà Nhật “tìm kiếm hết mình” rồi có được số điện thoại của Bùi Vợi. Gặp lại nhau, hai nhà thơ kẻ Nam người Bắc, anh ở đầu sông em cuối sông, ôm chầm lấy nhau như “con trẻ”, sụt sùi trong cổ họng, nước mắt tri âm, tri kỷ tuôn trào. Một kỷ niệm không biết buồn hay vui: có lần Bùi Vợi vào sài Gòn ghé thăm Hà Nhật, thì lúc đó Hà Nhật đang “công cán” ở Quảng Bình quê nhà.

Cựu học sinh trường Viết văn Nguyễn Du, “nhà thư” Đỗ Hoàng kể lại: cuối năm 1999, được nhà trường mời đến nói chuyện với “anh chị em” trường viết văn Nguyễn Du, nhà thơ xứ Nghệ Nguyễn Bùi Vợi đã nói về bạn thơ Hà Nhật của mình một cách khiêm tốn, công bằng, trân trọng, mặc dù lúc đó thầy tui – Hà Nhật- từ lâu đã vắng mặt trên thi đàn.

Nguyễn Bùi Vợi kể : ”Thời sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, lớp văn chúng tôi có rất nhiều người làm thơ như Hà Nhật, tôi, Nguyễn Bản, Hà Minh Đức. Nổi nhất trong nhóm là Hà Nhật. Tuổi hai mươi, người làm thơ nào cũng cho mình là nhất, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” , thế mà khi so sánh với thơ Hà Nhật, tôi vẫn coi thơ Hà Nhật trên thơ tôi một cái đầu. Sau này khi thành nhà thơ tôi vẫn xếp mình vào nhà thơ hạng hai…”.

Quá là nghĩa tình và khiêm tốn, phải không các bạn, nhà thơ xứ Nghệ Nguyễn Bùi Vợi tự đánh giá mình, nhìn thấy bạn Hà Nhật như thế, được nghe, người nghe, lại càng quý mến, rất trân trọng nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, nhà thơ Hà Nhật hai “huyền thoại”, hai “cây đại thụ” trong làng thơ Việt Nam.

Nguyễn Bùi Vợi viết rất nhiều thơ viết về bạn rất tâm đắc:

Xa dăm ba hôm đã thấy nhớ rồi
Đêm trở rét lo bạn mình nhức gối
Có chiều gặp không chuyện gì để nói
Cứ ngồi nhìn cũng đủ để thương nhau…

Nhưng có lẽ tình bạn giữa Nguyễn Bùi Vợi và Hà Nhật mới bền lâu và nồng đượm. Đó thực sự là một tình bạn kính yêu, nghĩa tình chung thuỷ luôn luôn tồn tại vĩnh cửu bất biến theo thời gian, một tình bạn kiểu mẫu, dữ dội, trào lộng, có lẽ do “hai người” kết hợp, hoà trộn với thơ tạo nên. Thời trẻ sao mà đẹp, mà “xinh”…như bài thơ trên trang giấy học trò, sự sống để tồn tại với đời, với người xuất hiện trong từng ý thơ. Dù “nhân văn giai phẩm” bị “gán” cho nhưng Hà Nhật – Nguyễn Bùi Vợi với các nhà thơ cùng trang lứa làm “thơ mới” rồi cũng thơ mới mà thôi...

Tình yêu quê hương, tình bạn, tình thơ, tình người, rất đẹp và trong “óng ánh” như pha lê. Những trái tim bằng thép luôn “phản xạ” sắc màu. Chỉ có ai, người nào hay người ấy có tâm hồn bằng “nam châm” thì mới cuốn hút, kéo về, giữ lấy…mà thôi, mà thôi.

KẾT.

. Thầy tôi, thầy của chúng ta, thầy của chúng tôi và các bạn, đó là “huyền thoại sống” trong cuộc đời, trong tâm khảm “linh hồn ấm” của trường cấp 3 LỆ THUỶ, trường cấp 3 ĐỒNG HỚI Quảng Bình quê tôi. Tình yêu vĩ đại trong lứa học trò “ngày ấy” như là tâm điểm của lòng tự trọng vĩnh hằng. Là điểm bắt đầu để có những vòng tròn đồng tâm khác, không bao giờ kết thúc mà chỉ có giao và nối tiếp nhau.

. Nhiều lúc, nhiều khi, tôi thấy giông giống thầy: Lập gia đình hơi bị trể…một chút, có người vợ hiền hơi “dư dữ” một chút nhưng rất đa tài, giỏi giang, rất thuỷ chung, son sắc, đôi khi giận thì có giận, thương thì…quá trời thương. Thầy có một gái đầu, một trai sau, vợ chồng tui cũng vậy. Hai đứa cũng thực hiện một phần ước nguyện của gia đình học hành đến nơi đến chốn (ở nước ngoài). Không biết sau nầy khi về già thầy và cô, cũng như tui và Xuân (bà xã tui) nói chuyện với những đứa con bằng…skype, bằng Internet…vì tụi nó ở TÂY.

 NGUYỄN DOÃN MẠNH

Ngày 14 tháng 12-2010.

.

 
  • thanhthuoczvolen
    Cám ơn bạn đã dày công sưu tập, tìm kiếm và tiếp xúc để cho nhiều thế hệ học sinh biết hơn về thầy Lương Duy Cán. Tuy nhiên bạn nên xem lại chính ..
  • Đoàn Binh
    Một bài viết không dài nhưng đã giúp mọi người hiểu được thật đầy đủ về chân dung một NHÀ THƠ, một NHÀ GIÁO ...Thầy Lương Duy Cán mãi mãi là ng..
  • .
    • 13:18 21 thg 1 2011
    Nếu trường cấp 3 Đồng hới là niềm tự hào của tất cả chúng ta , thì nhà gíao LDC củng vậy. Với ý nghĩa đó việc đầu tư công sức, suy nghỉ để viết ..
  • TênTên
    • TênTên
    • 16:43 20 thg 1 2011
    Bài viết trử tình, rất hay, lôi cuốn người xem, như một cuốn truyện huyền thoại ghi dấu mãi mãi. Xin cám ơn nhà văn Nguyễn Doãn Mạnh làm tôi nhớ lại người thầy yêu quý của tôi thời cấp 1.
  • .
    • 01:31 18 thg 1 2011
    cám ơn các bạn nhiều ,Mong sự góp ý chân thành từ các bạn dể mình rút kinh nghiệm cho các bài tiếp theo.
  • Thọ Lộc
    bai viet ve thay Luong Duy Can - Ha Nhat la mot chan dung day du ve nguoi thay than yeu va kinh trong cua chung ta. Minh nho 1 ki niem la hoi hoc lop 10, thay Luong Du..
  • Y.L.
    • Y.L.
    • 20:51 14 thg 1 2011
    VÀO XEM VÀ CHÀO THÔI CHỨ KHÔNG DÁM CÓ Ý KIẾN . XIN THỨ LỖI
  • PHẠM BÁ CHIỂU
    Cảm ơn tâm huyết của nhà văn Nguyễn Doãn Mạnh đã dày công sưu tầm và chắt lọc để viết nên một tiểu sử đẹp của thầy Lương Duy Cán. Cũng xin đượ..
Đăng nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét