MẤY SUY NGHĨ TẢN MẠN VỀ TRƯỜNG CA
ĐỒNG HỚI KHÚC HUYỀNTƯỞNG
Phương Thảo
Hiện nay có những ý kiến cho rằng trường ca đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Ngay cả những nhà thơ đã rất thành công như Thanh Thảo, từng khẳng định mình bằng những trường ca có sức sống bền bỉ như Trường ca những nghĩa sĩ Cần Giuộc, Bùng nổ mùa xuân, Khối vuông ru bích… cũng có khi thấy chóng vánh trước xu thế đổi mới của nghệ thuật. (ý kiến của Thanh Thảo, trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên "Cuộc chiến đã kết thúc, trường ca đã làm xong phần việc của nó, giờ nó được quyền nghỉ ngơi" ).
Thế nhưng trên thực tế trường ca lại đang nở rộ và càng chứng tỏ sự hoành tráng của thể loại này trong bước đường phát triển của văn học nước nhà nói chung. Bởi vì trường ca là một thể loại có qui luật sinh tồn của nó. Chiến tranh kết thúc, nhưng trường ca không thể ngừng bước. Nó sẽ tìm cách sống trong thời đại mới, trong hoàn cảnh văn hóa mới, trong bầu thi quyển mới. Chỉ có điều, nó không thể viết như xưa, như cái thời sử thi thời chiến theo cách hiểu đơn điệu cho rằng nhánh chủ đạo của trường ca là thể hiện lịch sử toàn dân ( ý Từ điển thuật ngữ văn học). Chúng tôi tìm hiểu trường ca Đồng Hới khúc huyền tưởng từ xu thế chung đó, nhằm góp một tiếng nói trong việc đánh giá những khám phá, giá trị của sáng tác trên bước đường vươn tới sáng tạo của tư duy nghệ thuật Thái Hải.
Nếu nói thơ là bản tự thuật về cảm xúc của tác giả thì Đồng Hới khúc huyền tưởng là một “bản tự thuật cảm xúc” lớn từ ngọn nguồn của phố biển nơi anh sinh ra và gắn bó cả cuộc đời. Đó là thành phố xinh xắn nơi “ cửa biển / trăng treo” nghiêng soi bên dòng Nhật Lệ, có bề dày văn hoá trầm tích từ 5000 năm. Nơi đây đã làm xao lòng bao tao nhân mặc khách. Thưở xưa Lê Thánh Tông khi cầm quân chinh phạt Chiêm Thành đi qua cửa biển đề thơ, Nguyễn Du cũng từng dừng lại với những câu thơ nổi tiếng “ cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”… “Phố xưa” đó “ chảy vào huyết quản, hồng tươi lồng ngực căng tràn…nhộm đỏ tâm hồn, thắp sáng thêm tình yêu” trong Thái Hải. Trường ca của Thái Hải được bắt đầu từ hình bóng phố xưa ấy. Anh tìm lại và “gom”những kỷ niệm, những mảnh đời đã chắt chiu làm nên hồn - vía - phố hoà vào chén rượu đầy vơi để suy ngẫm như anh viết: Tôi gom lại hoà vào chén rượu…
Thơ hay là thơ được bắt đầu từ cuộc hành trình di tìm thi hứng ngay trong cuộc đời thường, cuộc đời đẫm mồ hôi nước mắt, cuộc đời có tiếng reo vui của những khoái cảm, có tiếng thở dài của những nỗi đau…Viết về Đồng Hới, Thái Hải đã nâng niu “gom” vào kỷ niệm cả những vỏ hến, vỏ ngao, chén nước mắm chắt từ mắt biển, chiếc kẹo cau của tuổi thơ, hương vị của bánh rán; bánh bèo, bánh chì, bánh ướt… “gom” vào linh hồn bức tranh phố quê hình ảnh bác xích lô, ông từ quét lá, hình ảnh người đàn bà ống thấp ống cao chạy chợ bên cạnh mái tóc bồng bềnh thiếu nữ …Tất cả những cái bình thường nhưng không phải ai cũng biết. Bởi trong đó, Thái Hải đã nhìn thấy cái lạ trong cái không lạ mà bình thường người đời rất dễ bỏ qua.
Quê tôi gối đầu lên biển
Rừng lấn hướng mặt trời
Biển bào mòn quất sóng phía hoàng hôn
Vỏ ngao, vỏ hến vùi trong cát
Tầng tầng nên động nên gò
Cát trắng trời / nắng trắng đất….
Tất cả đó là một hệ thống những hình ảnh, những sinh hoạt văn hoá làm nên cấu trúc của trường ca để hoàn thiện bức tranh Đồng Hới mà bao thế hệ con người rất đổi thân thương nơi đây đã thêu dệt nên linh hồn văn hoá quê hương, trong đó Quảng Bình Quan là một biểu tượng: Tôi nhặt bóng phố xưa đặt lên Quảng Bình Quan / Lật trở không gian ký ức. Điều tôi có nhiều suy nghĩ là Thái Hải đã “lật trở không gian ký ức” đó như thế nào để người đọc thưởng thức cả ngàn câu thơ mà không dội lên cảm giác “ bội thực”. Tôi cho rằng anh đã có những khám phá mới với một tư duy sáng tạo. Anh thể hiện bằng một giọng điệu với nhiều gam khác nhau trong một tổ chức ngôn ngữ có nhiều từ độc đáo tưởng lạ lẫm.
Trong chương một, Thái Hải chọn Dòng sông thuổi thơ - dòng sông chở nặng tình yêu làm đề tựa cho Làng - Phố - Ngoại ô. Người Đồng Hới hiểu rất rõ rằng khúc sông Nhật Lệ “ quanh co đỏng đảnh vắt lên làng” đoạn chảy qua Đồng Hới như hồ bán nguyệt lung linh. Nó được tạo bởi vòng cung uốn từ Nại ra đến cửa biển hết Đồng Thành và đường thẳng phía Bảo Ninh chạy suốt từ xóm Hà Thôn xuống Mỹ Cảnh. Từ bao đời nay, sông ấp ủ Làng - Phố - Ngoại ô. Sông tạo nên làng nghề nuôi bao thế hệ. Đời người gắn với đời sông. Với giọng kể thâm trầm, chậm rải như trong cổ tích, vừa kết hợp yếu tố tự sự đan xen trữ tình, cốt truyện, người đọc như được dẫn dắt theo mạch cảm xúc của tác giả tìm về phố xưa trong một không gian định hình mà Nhật Lệ là điểm sáng ( như tiêu đề đã đặt ). Làng “ Lặng lẽ kề bến sông thao thiết” từ thưở hồng hoang “ Người bên xương rồng chắn sóng”, “ Phố ngày ấy trầm mặc / như nhà hiền triết, còn Ngoại ô “ Hào phóng gió / Hào phóng hương đồng / Hào phóng biển đông/ Hào phóng nắng. Ngoại ô Không ồn ã Bình dị/ cùng dòng sông diệu vợi / Đeo đẳng đời người / Như nụ hôn đầu.
Hình Minh hoạ
Nếu như trong đời sống, ta thường chỉ nghe giọng nói nhận ra con người thì trong văn học nói chung và thơ ca nói riêng , giọng điệu giúp chúng ta nhận ra tác giả. Người đọc có thể nhận thấy tất cả các chiều sâu tư tưởng, thái độ, vị thế, phong cách, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua giọng điệu. Dường như trong dòng hoài niệm về Làng - Phố- ngoại ô, với cách nhận diện đặc trưng đó chúng ta nhận ra một giọng điệu tâm tình hiền hoà như dòng sông tuổi thơ chảy vào lòng tác giả. Thái Hải đã lựa chọn ngôn ngữ có tính biểu trưng - một trong những yêu cầu quan trọng của nghệ thuật. Khác với các ngành nghệ thuật khác, “văn chương là nghệ thuật của ngôn từ”. Với thơ trữ tình, đặc trưng này càng “khắt khe” hơn. Về điều này, cảm nhận chúng tôi là Thái Hải rất dụng công. Anh đã tìm cách diễn đạt gần gũi mà không sa vào kể lể, miêu tả mà không lạm dụng chi tiết rườm rà tham lam. Tất cả như đồng hiện đầy đủ một Đồng Hới “ trong mắt tuổi thơ mướt xanh” mà bất cứ người Đồng Hới nào cũng tìm thấy bóng dáng mình trong đó. Đọc kỹ chương một có nhiều câu thơ tôi tâm đắc bởi cách dùng từ độc đáo, có chiều sâu tư duy nghệ thuật: Biển bào mòn quất sóng phía hoàng hôn, Bão lũ trắng tay từ thưở hồng hoang / Người bên xương rồng chắn cát; Làng trong mắt tuổi thơ mướt xanh; Giọng đàn ông sóng vỡ/ mà hiền như hến ngày mùa; Mờ ảo dáng cụ già tạc trên ghế đá ; ông từ quét lá/ Chòm râu như mái đình cong; Có phải làng xưa phì nhiêu nhân nghĩa / Nên tiếng cười muôn thưở phổng phao …vv.. Phác thảo gương mặt Đồng Hới thưở ấu thơ trong khúc huyền tưởng thâm trầm như cổ tích ấy, Thái Hải đã huy động một loạt từ ngữ có tính khái quát cao mang dấu ấn riêng của tác giả - dấu ấn được kết tinh từ mảnh đất , con người Đồng Hới. Tôi hình dung có lúc cô đọng như “ chén nước mắm chắt từ mắt biển” quê anh khi anh miêu tả làng: Cát trắng trời/ Nắng trắng đất …Sinh sôi cùng tôm cá/ cùng câu hát ru/ Trăng treo / cửa bể…
Có lúc chắc nịch, vững chãi như ngư ông “chèo thuyền chém gió” “ngực trần cuồn cuộn”, Nhìn con nước/ Lọn mây/ Biết gió lốc, giông tố...
Và cũng không kém thao thiết như Nhật Lệ giọt mắt ngày dài thảm lụa; rất hồn nhiên, trong trẻo như tuổi thơ “ Tiếng cười vui lăn tròn con sóng”; lại cũng quặn lòng da diết bởi “Tiếng rao thắt vào gốc cây”,…
Có lẽ khi có cảm hứng, dường như giọng và ngữ điệu nảy sinh trước rồi từ ngữ được gọi đến thể hiện giọng điệu thành lời thành câu. Vẫn thống nhất trong mạch cảm xúc về huyền thoại Đồng Hới, ở các chương sau giọng điệu thơ Thái Hải rất linh hoạt, phong phú, phù hợp với nội dung chương mục khi anh tiếp tục hoàn thiện dần chân dung Đồng Hới - đất và người - một thời chiến tranh, một thời “hoa lửa”. Chúng tôi lại bắt gặp anh sục sôi khi nói về Chiến tranh với sức huỷ diệt ghê gớm: Chiến tranh/ Những tội ác cộng lại / Những tội ác nhân lên/ cao hơn ngàn lần tội ác của những kẻ “ KHÔNG CON NGƯỜI”/ Mua/ Bán/ Đổi chác kiếm lời trên xương máu đồng loại. Nhịp thơ thay đổi tự do, câu thơ ngắn và dứt khoát ở những tr42, 43, 44, 45 của Trường ca, ta hình dung nhịp sống thời chiến khẩn trương quyết liệt. Đồng Hới chống trả đạn bom Mỹ bằng sức mạnh hiện tại và truyền thống “ Bốn ngàn năm/ cuộc hành trình tổ tiên… Bàu tró âm thầm muôn lớp sóng sâu / Trào lên hoà lòng người ra trận. Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ đã khiến Phố biển phải Ra đi vì sự sinh tồn. Giọng thơ Thái Hải chùng xuống, lắng lại bởi cuộc “chia tay không hề hẹn trước” để lại đằng sau “ phố xưa một thời quấn quýt/ Bao giờ hết nhớ ngẩn ngơ”. Anh nhớ, suy tư, thao thức, trăn trở như “ Phố núi” bắt đầu một cuộc sống mới hối hả, gồng mình qua những cuộc sinh nở cho Đất / cỏ/ sinh sôi/…Chất sử thi hoà trong giọng thơ trữ tình lãng mạn. Đây vốn là một trong những đặc điểm của thơ ca hiện đại.Càng về cuối chương 3, khi trở lại khúc hát hành quân của tuổi17 Đồng Hới “ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, câu thơ càng biểu hiện rõ giọng điệu sử thi hùng tráng của tuổi trẻ được hun đúc từ linh khí núi sông của lớp lớp văn hoá.
Trở lại với giọng điệu, chúng ta thấy rằng thơ có hồn là thơ thể hiện được giọng điệu. Giọng điệu làm nên hồn thơ.Bởi “đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường giọng điệu nhất định, trong phạm vi của thái độ cảm xúc nhất định đối với đối tượng sáng tác, đối với những mặt khác nhau của nó".Thực tế cho thấy, giọng điệu là một thành tố không thể thiếu được trong việc xây dựng và triển khai tư tưởng, xúc cảm của nhà thơ. Vì vậy khi Thái Hải chiêm nghiệm Hồn vía phố “Lặn sâu vào đất” từ “ Ký ức rỉ máu”, độc thoại, niệm khúc về những cái còn - mất - những cái giá con người phải trả, thì khúc huyền tưởng về Đồng Hới nặng suy tư, giàu chất triết lý: “Tôi hiểu vì sao mẹ khóc / Vì sao bạn chẳng trở về / Vì sao môi em mím chặt / Vì sao tôi chạm vào tôi”. Phải yêu lắm quê mình Thải Hải mới có một cuộc hành trình tìm lại Hồn vía phố với những huyền thoại tuy chưa xa lắm so với lịch sử nhưng cũng dễ mất đi trong vòng quay hối hả của nhịp sống hiện đại “thời a còng”.
Tóm lại, để hoàn thiện Bức tranh quê - phố biển Đồng Hới, trường ca của Thái Hải đã thống nhất mạch cảm xúc trong sự biểu hiện nhiều gam giọng điệu đa thanh, đa sắc linh hoạt mang dấu ấn của ngưòi con Đồng Hới một vùng “ Địa văn hoá” trầm tích. Bản trường ca vì thế mang giá trị văn học, Giá trị lịch sử - Văn hoá, giá trị giáo dục và bao trùm là giá trị nhân văn.
Ta trân trọng ở anh tình yêu hết lòng với quê hương, cuộc đời. Có thể còn đâu đó hạt sạn không tránh khỏi nhưng trường ca Đồng Hới khúc huyền tưởng xứng đáng là quà tặng của các thế hệ nhân dân Đồng Hới. Đặc biệt góp mặt cùng thế hệ các nhà thơ Quảng Bình - Việt Nam như Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Lý Hoài Xuân, Văn Quê, Hoàng Bình Trọng, Hồng Thế, vv và lớp nhà thơ trẻ làm nên diện mạo thơ Quảng Bình trong dòng chảy thơ ca Việt Nam hiện đại.
Đồng Hới tháng 5/ 2010
PT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét