18/11/11
P1 : GIAO LIÊN NỐI LIỀN MẠCH MÁU GIAO THÔNG VẬN TẢI
Tôi nhớ và ghi lại một số sự kiện, một số mẫu chuyện có tính tư liệu, góp phần chứng minh, thể hiện các con đường giao thông vận tải trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại trên mảnh đất kiên cường Quảng Bình – Đồng Hới, Vĩnh Linh vào phân khu ủy Bình Trị Thiên và vào khu ủy Trị Thiên và miền Nam sau này.
PHẦN THỨ NHẤT
GIAO LIÊN NỐI LIỀN MẠCH MÁU GIAO THÔNG VẬN TẢI
Tác giả: NGUYỄN ĐỨC ĐẲNG
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, chiến tranh đã xảy ra ác liệt ở Trị Thiên. Quân đội Pháp hành quân càn quét và lấn chiếm từ Đà Nẵng và Huế ra, từ đường 9 trên đất Lào về. Quảng Bình cần khẩn trương xúc tiến việc chuẩn bị kháng chiến. Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đề phòng tình trạng bị động chia cắt lúc chiến tranh xảy đến, đã hình thành ba bộ phận chỉ đạo:
- Bộ phận miền Nam lấy từ nam Long Đại với huyện Đảng bộ Quảng Ninh, Lệ Thủy.
- Bộ phận miền Trung lấy từ nam Gianh vào bắc Long Đại với huyện Đảng bộ Bố Trạch cùng Đảng bộ Thị xã Đồng Hới được mở rộng với 3 xã phụ cận: Bảo Ninh, Hưng Ninh, Trấn Ninh, và lúc Pháp tấn công đến, thêm xã Vĩnh Ninh của huyện Quảng Ninh được cắt giao cho Thị xã.
- Bộ phận miền Bắc từ bắc Gianh trở ra với hai huyện Đảng bộ Quảng Trạch và Tuyên Hóa.
Công tác giao thông liên lạc cũng cần được tổ chức đáp ứng với sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy. Bộ phận chỉ đạo nào cũng có một trạm (hoặc một tổ) giao liên nhằm nối liền nhau, đảm bảo sự thống nhất chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Từ những cơ sở ban đầu đó, những năm tháng sau đã hình thành các trạm giao liên nối liền mạch máu giao thông vận tải thông suốt từ phía Bắc vào phía Nam của tỉnh. Lúc đầu từ cơ quan chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy trực tại chiến khu Vẹm (Thuận Đức) trong những tháng 4 đến 8/1947; sau đó từ giữa tháng 8/1947 đến gần cuối năm 1949 từ chiến khu tỉnh tại Tuyên Hóa (vùng Còi); từ cuối năm 1949 đến cuối năm 1952 từ vùng chiến khu Bến Tiêm và căn cứ miền tây Quảng Ninh, Lệ Thủy; từ cuối năm 1952 đến giữa năm 1954 từ vùng căn cứ Sơn Trạch, Phúc Trạch huyện Bố trạch (là những nơi cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh di chuyển trụ sở đến), được nối liền về với các huyện, thị, các xã trong tỉnh ra Liên khu 4 và Trung ương, vào Phân khu ủy Bình Trị Thiên…
Thời gian chuẩn bị kháng chiến và đầu kháng chiến này, Thường vụ Tỉnh ủy phân công tôi xây dựng chi bộ Trấn Ninh. Địa bàn xã này là một xã lớn, kéo dài từ Diêm Điền lên Thuận Đức vào cả chiến khu Vẹm qua Đồng Lỡ; lại là hậu cứ của thị và cả tỉnh. Một việc quan trọng của tỉnh và thị giao cho tôi là chọn những phần tử tích cực, tin cậy của chi bộ giới thiệu cho thị để tổ chức công tác giao liên, vừa liên lạc lên với tỉnh, vừa nối về liên lạc với các xã trong thị. Bác Đặng Đặc ở Đức Phổ, bác Lê Tiều ở Trung Nghĩa được chọn cử lên thị (bác Đặng Đặc hiện còn sống, 82 tuổi tại xóm Đức Thị, xã Đức Ninh; bác Lê Tiều bị chỉ điểm và bị giặc bắn chết tại Trung Nghĩa đầu năm 1948. Thời kỳ đầu năm 1947 đi vào cuộc kháng chiến tại địa phương, các đồng chí này vừa lo việc giúp thị xẻ rừng, tìm kiếm và xây dựng hậu cứ, lán trại tại chiến khu Vẹm (Thuận Đức) vừa đảm nhiệm việc liên lạc với tỉnh, vừa liên lạc với các xã Hưng Ninh, Trấn Ninh,Vĩnh Ninh vv… để triệu tập và dắt dẫn cán bộ chúng tôi lên, về Vẹm sinh hoạt, công tác… Khi cần thiết lại còn dắt dẫn các đoàn “dân công đặc biệt”, cải trang làm dân sơ tán lên đường ra Thủ Lộc (Bố Trạch), lên Lâm Lang (Tuyên Hóa) để nhận và gánh bom đạn về cho du kích tập trung của thị và các xã.
Lúc này ngành Giao thông liên lạc vận tải của tỉnh do các đồng chí Võ Văn Ấp, Trần Châu Kính đảm nhiệm và tại chiến khu Vẹm có một trạm đặc biệt của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh do đồng chí Hà Ngọc Khuê đảm nhiệm việc đưa công văn tài liệu ra Bố trạch, vào Quảng Ninh; có khi lại còn được biệt phái đưa mệnh lệnh, chỉ thị về cho các đại đội chủ lực tỉnh đang đóng án ngự các vùng tiền chiến khu từ Bố Trạch vào đến Quảng Ninh; lúc cần thiết lại còn đi thẳng ra Lâm Lang trực tiếp với bộ phận chỉ đạo phía Bắc đưa công văn tài liệu hoặc nhận và vận chuyển bạc tài chính về để phục vụ nhu cầu kháng chiến tại miền Trung.
Thời kỳ đầu kháng chiến, những tháng 4, 5, 6/1947 đường giao liên thường bám đường dưới, đi từ chiến khu Vẹm ra Phú Qúi hoặc Ba Đông, Sao Sa, về Phương Hạ băng qua các xóm Cà, Dài, Hỗ (Tây Trạch), lên Thủ Lộc (Vạn Trạch)… Những đoạn đường này ngày càng bị giặc Pháp tiến công lên càn quét, uy hiếp hoặc dùng máy bay, trọng pháo bắn phá ngăn chặn dễ gây tổn thất.
Đến đầu tháng 7/1947, tôi được Thường vụ Tỉnh ủy cử đi học lớp Huyện ủy viên Tháng Tám do Liên khu 4 mở tại vùng tự do Thanh – Nghệ –Tĩnh. Anh em chúng tôi không được phép đi đường dưới này và đã đi theo tổ giao liên, lúc đó có đồng chí Võ Văn Ấp trực tiếp hướng dẫn. Vừa đi vừa xẻ đường từ chân núi Vẹm ra Nhã Nam dọc theo chân núi Mồng Gà, trèo lên Ba Rền (đúng là 3 cái dốc “rền” leo dài mãi). Đi suốt cả ngày đường (đêm đó ngủ lại giữa Rền thứ 3), tảng sáng sau chúng tôi tiếp tục trèo và xuôi thẳng Bồng lai thêm nửa buổi đường mới đến “căn cứ” của Huyện ủy Bố Trạch, dừng chân nghỉ trưa tại đây. Chiều đó ra thôn Khương Hà, đợi trời tối chúng tôi mới vượt sông Son qua Thanh Lạng nghỉ lại để “cơm đùm, nước bới”, sáng sau tiếp tục trèo rừng qua đường Tam Trang – Thùng Thùng leo vào Cao Mại, xuống Lâm Lang, lên Lệ sơn, từ đó theo đường xe lửa đi bộ tiếp lên Minh Cầm ra vùng tự doTuyên Hóa và Liên khu 4.
Nhưng đến đầu tháng 1/1948, sau lớp Huyện ủy viên Tháng Tám về lại tỉnh (lúc đó cơ quan Tỉnh ủy đã dời ra Còi (Tuyên Hóa), tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định bổ sung vào đoàn Đại biểu của Đảng bộ Quảng Ninh – Đồng Hới dự Đại hội Tỉnh Đảng bộ Quảng Bình lần thứ nhất họp tại hang Đại Hòa (xã Đồng Hóa), chúng tôi phải đi đường vòng xa hơn nhiều. Đại hội này kiểm điểm phong trào kháng chiến của toàn tỉnh trong năm 1947, giành nhiều thời gian bàn và quyết định về công tác địch hậu, nhất là nhiệm vụ, phương hướng chuyển phong trào đấu tranh và xây dựng cơ sở đi sâu vào vùng tạm bị chiếm với tinh thần kiên quyết trở lại bám dân, bám đất, bám đồng bằng, bám thắt lưng địch, quyết tâm chuyển tình thế phong trào kháng chiến của toàn tỉnh. Đại hội cũng đã có quyết định về công tác giao liên nhằm thực hiện tổ chức bắt mối và liên lạc từ cơ sở xã, thôn ở đồng bằng lên huyện, tỉnh được thông suốt, đảm bảo sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo.
Sau Đại hội, đoàn chúng tôi do đồng chí Trương Văn Địch trưởng đoàn trở về lại Đảng bộ ghép Quảng Ninh – Đồng Hới. Lúc này địch đã lên chiếm đóng Cự Nẫm, Cổ Giang, Hà Lời… buộc đoàn phải đi đường “Thượng”. Từ chiến khu Tuyên Hóa (Còi) phải ngược lên lại Đồng Lê vào Qui Đạt, Thón, Cổ Liêm, Đá Đẻo, vòng lên vùng núi lèn miền tây Bố Trạch ở phía sau vùng Troóc, Phong Nha, xuyên vùng núi lèn này “đâm” tiếp vào Cha- Ang leo lên Cà Roòng, Làng Tre, Cờ Đỏ, Aki…
Từ Cà Roòng có thêm giao liên người Vân Kiều dắt dẫn trèo đèo, lội suối vào Làng Tre lên giáp Tà Bồi qua Tà Lê (là những bản của xã Qui Ninh, lúc đó đã giao cho kháng chiến Lào làm hậu cứ để nối liền từ Trung lào (Khăm Muội) thọc xuống hạ Lào (Xavannakhet – Saravan Atôpơ) vv…
Từ bản Tà Lê xuyên về Cờ Đỏ – Aki xuống Cổ Trang và ngược lên Cạc do đồng chí Trương Văn Địch đưa gia đình về sinh sống tại đây, chúng tôi cùng lên để biết Cạc luôn. Cạc thuộc xã Trường Sơn (nay thuộc huyện Lệ Ninh), từ Cạc chúng tôi trở lại Cổ Tràng, vượt sông Long Đại qua Rấy, nơi cơ quan huyện ủy đóng vừa đúng chiều mồng hai Tết. Như vậy là “đoạn đường Thượng” đi từ Còi vào đến Rấy (cơ quan Huyện ủy Quảng Ninh – Đồng Hới đóng) vừa mất ngót 15 ngày (tròn nửa tháng).
Đoạn đường gian khổ, hóc hiểm này không những có sên, vắt, trăn, rắn mà còn có cả cọp, voi… và những dãy núi lèn cao đi suốt vài ngày không có nước uống. Chúng tôi phải mang theo nước đựng trong ống bương (loại lồ ô to); có nhiều đoạn dốc lèn độc đạo, dựng đứng phải leo bằng thang dây, trèo ngược lên lèn cao. Tôi còn nhớ những địa danh “Cù Mạ, Cù Con”; nhiều đêm phải nằm dưới hang đá, có những đêm ngủ giữa rừng già hoặc bên bãi cát ven suối, dọc khe, trải lá nằm, thay nhau đốt lửa cả đêm phòng cọp, beo, trăn, rắn…
Về đến Rấy và cả vùng chiến khu Bến Tiêm lúc đó cán bộ, nhân dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhất là sốt rét, ghẻ hờm thiếu thuốc điều trị. Lương thực chỉ còn ít bắp “mọt”, ít sắn “mốc”, ít khoai non phải nhổ ăn trừ bữa… những ngày 29, 30, mồng một Tết các cơ quan Huyện ủy, Ủy ban, Huyện đội, Giao liên… phải động viên số còn sức, gắng trèo vào Khe Giữa, Đơn Quế gùi gạo của huyện bạn về chống đói và mừng Xuân Kháng chiến… Gian khổ như vậy nhưng vẫn kiên định niềm tin, động viên nhau tăng gia sản xuất, trồng thêm bầu bí, rau màu ngắn ngày…
Tối đó các đồng chí Thường vụ Huyện ủy làm việc với tôi, chính thức phân công tôi về đảm nhiệm Bí thư Chi Bộ ghép vùng Hưng Ninh – Trấn Ninh – Thị xã Đồng Hới thay cho đồng chí Đoàn Tiến Khứ, huyện ủy viên phụ trách vùng đó đã được điều động lên chính trị viên Huyện đội Quảng Ninh – Đồng Hới vào những ngày cuối năm âm lịch.
Sáng ngày mồng ba Tết, tôi tiếp tục lên đường xuống Trạm Lùi, leo U Bò trở về chiến khu Vẹm (Thuận Đức) sau gần 7 tháng xa cách. Đến nơi, tôi gặp đồng chí Đào Thừa chủ tịch xã Trấn Ninh và cử đồng chí giao liên đi mời các đồng chí ngoài “hậu cứ” Hưng Ninh cùng vào họp đảng viên toàn thị tại hậu cứ thị (chung với đảng viên xã Trấn Ninh).
Lúc này mỗi xã và cả thị còn giữ lại một vài giao liên, với số cán bộ đảng viên và công an phụ trách địa bàn, cả 2 xã và thị vỏn vẹn không quá 10 đồng chí, trong đó đảng viên tập hợp lại trong chi bộ ghép vùng Đồng Hới chỉ còn lại 6 đồng chí: Tề, Phát ,Ty, Thừa, Sáu và tôi. Chúng tôi chia nhau thành 2 tổ: Một tổ phụ trách xã Hưng Ninh và các tiểu khu Đồng Thành (khu D) và Đồng Phú (khu B) ở phía bắc Đồng Hới, một tổ phụ trách xã Trấn Ninh và tiểu khu Phú Hải (khu B) ở phía nam Đồng Hới; và củng cố, xây dựng phát triển cơ sở ở địa phương, vừa làm bàn đạp hoạt động thâm nhập về Bảo Ninh và xây dựng cơ sở vùng nội thị (khu A); đặc biệt là bồi dưỡng, huấn luyện cơ sở, đào tạo thành giao liên và bắt mối, phát triển cơ sở qua các địa bàn, hướng mạnh vào nội thị, vào khu A.
Lúc đầu chưa bám ở lại được các tiểu khu ngoại ô, cán bộ chúng tôi về thâm nhập, bắt mối một số cốt cán trước và tổ chức “những hộp thư” ở các miếu, chùa, gốc cây đã qui ước với nhau sẵn, để cơ sở giao liên từ Phú Hội (như các chị Hoa, Dương), Phú Xá (như đồng chí Mãng, bác Kiệt vv… vào đưa tài liệu, kế hoạch... Đồng thời tiếp nhận giấy tờ, báo cáo của cốt cán đưa ra cho chúng tôi như các hộp thư tại gốc dương, giếng Tằm (Đồng Phú) nằm cạnh “đường quan cũ” từ Đồng Phú, Đồng Thành ra Phú Xá, hộp thư ở miếu Bà Hỏa, miếu Vua, và chùa Đồng Phú vv…
Từ những chiếc đò của gia đình đồng chí Trần Phận, Nguyễn Khơm ở Phú Thượng, chúng tôi liên lạc và tổ chức được cơ sở ở các thôn Phú Thượng ngoài, Phú Mỹ, xóm Lũy, Diêm Hải và dùng những cơ sở ở vùng Phú Hải này vào bắt mối và tổ chức được cơ sở ở khu A, nhất là Đồng Hải (nhóm của các đồng chí Trần Cơ, Lê Nhân (Tộ)… ) qua các đồng chí giao liên Nguyễn Quế, Võ Bân…
Từ Phú Hội, Phú Xá và những hộp thư ban đầu đó, chúng tôi về bám lại được Đồng Phú, Đồng Thành, đào được hầm bí mật tại Đồng Thành đảm bảo cho cán bộ về ở lại hàng tuần lễ chỉ đạo công tác; từ đấy bố trí các đồng chí Trương Thị Mượn, Trương Ngô vào hoạt động và xây dựng cơ sở ở khu A thuận lợi và trực tiếp hơn. Đồng thời đã dùng đò và cơ sở Nguyễn Xười qua bắt mối liên lạc được với các anh Hoàng Phú (gần cuối năm 1948 được bầu làm Chủ nhiệm Việt minh xã), bác Hoàng Đậu là cơ sở nuôi dấu chúng tôi, dùng nôốc, thuyền của bác làm nơi huấn luyện cơ sở và giao liên của Bảo Ninh.
Cơ sở giao liên chị Khính ở Phú Hội vào lấy chồng là anh Lề ở Mỹ Cảnh, đã bắt mối được với anh Nguyễn Nhương (Ấy) ở Sa Động và anh Khương đã đưa đò, nôốc đi biển của mình ra Phú Hội đón chúng tôi, trà trộn vào đò, nôốc của ngư dân về thâm nhập, bám ở lại thôn Sa Động. Từ đó chúng tôi tạo điều kiện phát triển cơ sở, bắt mối với các thôn khác trong xã và quan trọng nhất là đã dùng bàn đạp từ thôn Sa Động này đào tạo giao liên vào bắt mối và phát triển cơ sở tại nội thị (nhất là đồng chí Nguyễn Thị Dĩnh (Bảo), Nguyễn Điểu, Hoàng Nhạn vv…). Các đồng chí giao liên này sau ngày được bắt mối và huấn luyện đã đảm bảo tốt nhiệm vụ, luôn sáng tạo và nhanh nhạy, mưu trí, xây dựng được nhiều đầu mối, cơ sở tốt cho kháng chiến nhất là ở nội thị.
Đến gần cuối năm 1948 cơ sở Đảng và quần chúng đã phát triển khá mạnh và đều, phần lớn các thôn của hai xã Hưng Ninh, Trấn Ninh và nhiều thôn, tiểu khu ngoại ô đều đã có tổ chức Đảng, Ban phụ trách chính quyền, Ban liên tổ Việt Minh và các Hội Cứu quốc. Do đó Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ra quyết định cho thành lập Ban Cán sự (01/1949) và tiếp đó là Thị ủy (3/1949) trực thuộc Tỉnh Đảng bộ do đồng chí Quách Xuân Kỳ nguyên Bí thư Huyện ủy Bố Trạch được bổ sung vào Ban chấp hành Tỉnh ủy tăng phái về đây làm Bí thư Thị ủy Đồng Hới; củng cố lại Ủy ban Kháng chiến Hành chính Thị xã Đồng Hới do đồng chí Trương Duy Bình lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban huyện Quảng Ninh – Đồng Hới trở về Chủ tịch Thị xã; hình thành lại các Ban chấp hành, các đoàn thể và mặt trận cấp thị do đồng chí Hoàng Chánh Giai, phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Vĩnh Ninh được đề bạt bổ sung vào Thị ủy đảm nhiệm Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Việt Minh liên việt Thị xã Đồng Hới, thành lập bộ phận giao liên Thị xã do đồng chí Hà Ngọc Khuê phụ trách vv… vào giữa và cuối năm 1949.
Kết quả việc phát triển và xây dựng cơ sở năm 1948 – 1949 này không thể không nhớ đến công sức của các đồng chí giao liên tận tụy hy sinh như các đồng chí Nguyễn Mãng (Phú Xá), năm anh em ruột ở thôn Hữu Cung: Bế, Khai, Cãng, Khãng, Cách; Lộng, Loát (Phú Hội); Bún, Niết (Lộc Đại); Hồ, Mượn, Thương (Đồng Thành); Kế, Khơm, Bân và ba anh em ruột : Phận, Bẽo, Trái ở Phú Hải… Trong đó đồng chí Loát bị giặc Pháp bắt cùng thời gian với đồng chí Nguyễn Giáp (công an tăng phái về địa bàn) đã bị giặc chặt và bêu đầu cả hai đồng chí tại Bàu Tràm. Các đồng chí Cãng, Khãng, Cách lần lươt bị giặc Pháp càn và bắn chết, hai người anh đầu vẫn bám Trạm giao liên, bị sốt rét ác tính chết. Đồng chí Bân ở Phú Hải, đồng chí Hồ ở Đồng Thành bị địch tra tấn tàn bạo vẫn kiên trì chịu đựng, được trả về nhà, ốm đòn tra, hộc máu chết. Đồng chí Nguyễn Kê bám địa bàn, bị địch vây bắt, quyết không thể sa lưới, bơi vượt sông Lũy, nhưng bị bọn chúng phóng lựu đạn, nả “móc- chi-ê” (đạn cối) ra giữa dòng sông, đồng chí đã bị sức ép và hy sinh giữa dòng chảy…
Đặc biệt là đồng chí Nguyễn Mãng, tổ trưởng tổ Đảng Phú Xá và là giao liên, về liên lạc và tổ chức cơ sở tại Đồng Phú, bị giặc ra thôn càn ráp lùng bắt (trong điều kiện đó đồng chí vẫn bình tĩnh kịp báo cứu thoát được chúng tôi); đưa vào Đồng Hới, mặc dù bị tra tấn mọi kiểu man rợ, kể cả kiểu dùng đinh đóng vào sọ não, đồng chí vẫn không khai báo, bảo đảm bí mật cho cơ sở trong nội thị, ngoài địa phương và cán bộ chúng tôi vẫn tiếp tục bám lại được địa bàn, chỉ đạo đấu tranh và củng cố xây dựng cơ sở.
Đồng chí đã bị giặc Pháp đưa ra bắn chết tại xã nhà, đồng chí luôn giữ vững tư thế người ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN, người giao liên mưu trí ngoan cường trong quá trình hoạt động, kể cả khi bị vây bắt, bị tra tấn, bị giam giữ… cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, thể hiện một tấm gương dũng liệt kiên trung.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét