PHẦN THỨ HAI
ĐƯỜNG BIỂN “ĐỘC ĐÁO”
Tác giả: NGUYỄN ĐỨC ĐẲNG
Ngay sau khi Hội nghị chi bộ ghép toàn vùng Đồng Hới đầu năm 1948, vùng Hưng Ninh bỏ hậu cứ ở chiến khu dời về Phú Hội trước. Tổ Đảng: Tể, Phát, Đẳng tạo hậu cứ trong lòng dân ở đồng bằng dưới quốc lộ 1, vùng xung quanh sân bay Đồng Hới.
Nhân dân Phú Hội ngày ấy(nay là xã Quang phú) mới khoảng trên trăm hộ với năm trăm nhân khẩu đang trong tình trạng tiêu điều qua nạn dịch tả (có nhà chết không còn ai, nhiều nhà chết từ một đến hai người, một số cá biệt đến ba người); toàn thôn có ngót trên dưới một trăm người bị thiệt mạng trong đợt dịch tả kéo dài đó (mất hẳn 1/5 nhân khẩu toàn thôn).
Lại gặp lúc bọn cầm quyền Pháp, ngụy ở Đồng Hới bao vây, không cho ai đi làm ăn (sau này có cho vào mua bán, nhưng khống chế mỗi lần chỉ mua được rất ít gạo, muối đủ chi dùng trong ngày). Đồng bạc tài chính của chính phủ ta còn lại trong dân phải chôn dấu… Đang mùa biển động cuối năm 1947 đầu năm 1948 nghề cá không thu nhập được gì thêm. Đời sống mọi nhà vô cùng quẫn bách, nhà khá giả cũng phải bữa cháo, bữa rau. Chỉ có con đường là phải liên lạc giao liên ra vùng giải phóng phía Bắc tỉnh. Tổ Đảng chúng tôi đã đưa ra cơ sở bàn và tổ chức cho số bà con còn có thuyền, nôốc ( như gia đình cha con đồng chí Cân – Quyền, đồng chí Dương Phiên, đồng chí Hy… ) đảm nhiệm đi trước, vận động một số cơ sở (như các đồng chí Lèn, Bẹ, Út) tay chèo, tay lái vững vàng mở đường ra Cảnh Dương; thu gom bạc Tài chính của nhau đem ra mua gạo, muối về giải quyết đời sống của nhân dân Phú Hội.
Từ vài chuyến đi ban đầu mạo hiểm và có kết quả đó, Ban Kinh tài Tiếp vận của tỉnh từ Cảnh Dương cũng đã dùng con đường và số thuyền nôốc Phú Hội này chở gạo muối vào cho các cơ quan Kháng chiến của huyện Quảng Ninh – Đồng hới lúc này còn phải đóng hậu cứ tại vùng chiến khu Bến Tiêm. Trong điều kiện tiếp tế, chuyển vận lương thực vô cùng khó khăn, cách trở (giữa năm 1948), cán bộ đảng viên và cơ sở chúng tôi đã tổ chức “dân công đặc biệt” tại ba thôn: Phú Hội, Phú Xá, Hữu Cung, gánh số gạo muối này lên chiến khu huyện, có tổ chức giao liên trinh sát, dẫn đường đi đêm, đi sát và lách tránh các đồn sân bay, Thuận lý, Bầu Bắc… để vào chiến khu Vẹm, lại leo lên U Bò, tụt U Bò, xuống Lùi mới tương đối an toàn. (Trong thời gian này thỉnh thoảng địch vẫn thường có những hoạt động biệt kích hoặc lùng ráp, nhiều lúc chúng đi sâu vào chiến khu Vẹm, Đồng Lỡ, Đá Trơn, Lệ kỳ và Dốc Tranh tận chân núi U Bò; một số lần lại còn lên dốc U Bò nữa). Chính trên con đường hay bị uy hiếp này, cả năm 1948 đến giữa năm 1949 số chị em Phú Hội vẫn gánh mắm ruốc, cá khô lên tiếp tế, bán cho các cơ quan và đồng bào đang sống sơ tán theo dọc sông Lùi – Bến Tiêm – Nước Đắng này…
Con đường biển từ Phú Hội ra Cảnh Dương cũng không đơn giản vì mùa tháng 2, tháng 3 còn có gió mùa đông bắc, sóng dốc lại phải vượt qua cửa Lý Hòa và đồn Lý Hòa, cửa Gianh với hai đồn Thanh Khê, Mỹ Hòa mới ra được vùng căn cứ Cảnh Dương (những chuyến sau vào giữa năm 1948, đầu 1949 còn có nhiều lần ra mãi cửa Nhượng, cửa Sót Hà Tĩnh).Và cũng chính trên những con đường biển đó nhiều lúc bọn Pháp ở Đồng Hới, Thanh Khê và cả Đà Nẵng cho ca nô, tàu thủy ra tuần tra, phục kích. Có những lần chúng ra tận Hòn La, Hòn Mê, mũi cửa khẩu nhằm phục kích vây bắt các thuyền, nôốc đi làm ăn, đi vận tải…; hoặc đổ bộ ven bờ biển phối hợp với bộ binh trên các đồn xuống càn quét các thôn Lý Hòa, Lý Nhơn nam, Phú Hội; hoặc tổ chức càn lớn hơn tiến công ra vùng Roòn – Cảnh Dương…
Do đó việc đi theo đường biển này phải tổ chức nắm sát tình hình địch, tình hình thời tiết. Thường mọi người phải lên đường khoảng xế chiều trước tối, chèo và lái một đêm ròng vượt từ Phú Hội, Nhân Trạch ra đến vùng biển Cảnh Dương vừa gần tảng sáng mới yên tâm quan sát để vào bờ cập bến.
Chính con đường đó, đầu hạ tuần tháng 4/1949, tôi đã cùng một số cơ sở ra Cảnh Dương đi theo thuyền của đồng chí Dương Phiên (đảng viên Phú Hội) để từ đó được dắt dẫn lên Kim Long – Đá Đen là căn cứ của huyện Quảng Trạch thời kỳ ấy và được giao liên huyện dẫn dắt lên Lù Bu Kịn xuôi theo rào Trỗ, ngược lên rào Nậy để về cơ quan Tỉnh ủy tại Còi, tiếp tục đi dự Đại hội Tỉnh Đảng bộ Quảng Bình lần thứ II tổ chức ở Kim Bảng (xã Minh Hóa).
So với cuộc đi 15 ngày trước đây từ cơ quan Tỉnh ủy tại Còi (Tuyên Hóa) về đến chiến khu Vẹm (Thuận Đức), lần này đi từ Phú Hội theo thuyền biển ra Cảnh Dương và đi bộ, đi lườn độc mộc… về đến cơ quan Tỉnh ủy tại Còi tất cả không quá 3 ngày (1 đêm đi đường biển, 1 ngày đi bộ lên Lù Bu Kịn, 1 buổi theo lườn độc mộc xuôi xuống Vực chó, ngược rào Nậy lên; gần thêm nửa buổi đường tiếp đi bộ lên Còi nữa đã rút ngắn được trên 1/5 thời gian hành trình so với đường “thượng”).
Bằng con đường biển “độc đáo” này từ giữa năm 1948 và những năm sau cuộc kháng chiến… Ủy Ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 4 và Ban Tiếp vận đã sử dụng căn cứ Cảnh Dương (lúc đầu đặt tên là Chi điếm Tiếp vận Cảnh Dương) và động viên số thuyền nôốc vùng biển Quảng Bình (kể cả trong vùng tạm bị chiếm như Lý Hòa, Nhân Trạch, Phú Hội…, sau này được đặt tên là Chi điếm Thị – Bố, năm 1949 đồng chí Lê Trạm, đảng viên Phú Hội được phân công phụ trách Chi điếm này). Và tiếp đó còn phát triển thêm Chi điếm Lệ – Vĩnh (vùng Ngư Thủy – Vĩnh Thái) vv… Tổ chức vận chuyển lúa gạo, vũ khí cho Phân khu Bình Trị Thiên, còn tiến sâu vào “đổ bộ” lên vùng biển Triệu Hải, Phong Điền và đã huy động dân công “đặc biệt” các vùng này chuyển tải lên các chiến khu Ba Lòng, Hòa Mỹ, Dương Hòa…
Nhiệm vụ của địa bàn vùng Đồng Hới chúng tôi ngoài việc động viên số thuyền nôốc Phú Hội tham gia tuyến vận tải đường biển này còn có một trách nhiệm lớn nữa là phải tổ chức giáo dục cho ngư dân từ Phú Hội, Đồng Thành, vùng cửa lạch Đồng Hải, Bảo Ninh đảm bảo bí mật, bảo vệ tốt tuyến vận tải “độc đáo” này. Chúng tôi tổ chức không những dùng tín hiệu, chạy chân nhanh chóng thông báo và bảo vệ từng thuyền vào ra mà còn có kế hoạch chống gián điệp chỉ điểm của địch nữa, đã vận động cơ sở và quần chúng ngư dân thực hiện tốt những “kế hoạch đặc biệt” đó để bảo vệ tốt cho tuyến vận tải biển.
Nhờ tổ chức tốt ngư dân Phú Hội, Đồng Thành, Bảo Ninh và ngay cả xóm Câu – Đồng Hải (có những cơ sở tốt có tín nhiệm) mà sự liên lạc hoạt động vào ra càng thông suốt.
Việc tổ chức cơ sở giao liên ngoài vào, trong ra nhất là giữa Đồng Thành – Đồng Hới, Phú hải – Đồng Hới, Bảo Ninh – Đồng hới, từ đó tổ chức đường giao liên từ bộ phận chỉ đạo dưới đồng bằng lên Ủy ban Kháng chiến Hành chính thị ở chiến khu, từ cơ quan chỉ đạo vào nội thị. Đường giao liên được tổ chức bám tuyến qua các xã và tiểu khu ngoại ô như sau: Từ xã Trấn Ninh (trạm Rẫy Cau nơi giao liên Thị xã đóng) băng đồng Trung Nghĩa – Đức Phổ theo đường ruộng về xóm Cụp (Đức Thủy hiện nay) về Bình Phúc hoặc Phú Thượng trong, Băng qua Diêm Điền, lội qua Rào Nại là xóm Nò Đồng Phú, theo đập Mạ Phú Ninh vòng ra và băng qua quốc lộ, bám động cát Đồng Phú theo đường quan cũ ra Phú Xá, Phú Hội. Từ Phú Xá, Phú Hội dựa vào rừng phi lao vào vùng “nhà mát cũ”, xuyên vào Đồng Thành, dùng nôốc cơ sở (đồng chí Xười) vượt sông Nhật Lệ qua Mỹ Cảnh (Bảo Ninh). Từ các thôn Bảo Ninh lên Hà Thôn, lại vượt sông Nhật Lệ trở về lại miệt trên Diêm Hải, băng qua quốc lộ, theo đập “Phán Tuệ” hoặc đập “ông Thao” về lại xóm Lũy. Tại đây có sẵn đò giao thông hoặc xuồng thúng của vợ chồng đồng chí Xén Bé, vượt tiếp Rào Lũy về lại Phú Thượng trong, Bình Phúc. Với những chiếc đò hoặc trộ rớ chằng “trực” cố định, có tín hiệu, ký hiệu ngày đêm nhằm đảm bảo đưa tài liệu và cán bộ, bộ đội đi về, lên xuống an toàn, thông suốt. (Tuyến giao liên này sau được củng cố, qui định lại ký hiệu, mật danh… đảm bảo phục vụ tốt trong những năm 1949, đầu năm 1950 và với kinh nghiệm đó thời gian địch nông ra (1950 – 1953) đã tổ chức lại tuyến “giao liên bí mật”, chuyển hẳn đi vào ban đêm, nhưng vẫn có ám hiệu, tín hiệu, mật khẩu vv… bảo đảm cho cán bộ liên lạc được với cơ sở trực tiếp hoặc qua giao liên, và được sử dụng tốt lúc chuẩn bị tiếp quản Thị xã Đồng Hới).
Tôi còn nhớ một chuyến vào đầu quí 4/1949 do đồng chí giao liên Trần Phận dẫn dắt, hai anh em chúng tôi đã cải trang áo nâu, nón lá của ngư dân từ Đồng Thành qua Mỹ Cảnh đi ra bờ biển Bảo Ninh (lúc này vẫn còn đi tránh ngang qua nhà thờ Đông Dương án ngự đường bờ sông), vừa lúc địch từ Đồng Hới cho máy bay “bà già” lượn vòng trinh sát dọc biển, dọc sông, chuẩn bị cho bộ binh dùng ca nô đổ bộ qua càn quét. Ngư dân Thiên chúa giáo Đông Dương đi câu bãi, đã giúp thêm cho chúng tôi những cần câu, giỏ cá để cùng họ đứng câu. Tránh được vòng lượn của “bà già”, chúng tôi lợi dụng dương phi lao lúp xúp kịp vào Sa Động xuống hầm nhà bác Ân thì ca nô địch sang lùng ráp…
Những quí đầu, giữa và đến gần cuối năm 1949 tại thôn Sa Động này, đồng chí Nguyễn Khương (tức Ấy) một trong những giao liên dũng cảm đầu tiên đã nói ở trên, đã vận động nhiều cơ sở đào hầm bí mật nuôi cán bộ. Bản thân đồng chí đã xây cho thị một hầm bí mật tương đối vững vàng, làm “cứ” cho chúng tôi bám trụ xây dựng cơ sở tại địa phương để chỉ đạo hoạt động qua nội thị (chiếc hầm này đào sát trước nhà đồng chí, hướng ra kè đá dọc bờ sông, có nhiều lỗ thông hơi, nhiều khe hở, có trụ bằng cột gỗ, có thể dùng treo võng được; lại còn có cả bộ ván ngựa, có thể ngồi hội ý 5, 6 người khi cần thiết; và từ trong hầm, qua khe hở và ống nhòm cũng có thể nhìn rõ được bến và chợ Đồng Hới cũng như sự đi lại, qua về giữa dòng sông Nhật Lệ).
Chính tại thôn Sa Động này, ngoài các đồng chí Điểu, Đỉnh, Nhọn đã nói ở trên, chúng tôi còn dùng nhiều cơ sở khác và bắt mối, tổ chức thêm nhiều đường dây liên lạc khác (như đồng chí Luyến, Cúc vv…), nhất là việc dùng giao liên Nguyễn Thị Trúc, dùng ký hiệu và ám hiệu liên lạc với chi bộ nhà tù (do đồng chí Quách Xuân Kỳ đã tập hợp đảng viên thành lập Chi bộ vào ngày 1/7/1949 trước khi đồng chí bị bị giặc đưa ra Hoàn Lão xử bắn 10 ngày) đã khôn khéo đón và dẫn các đồng chí Ngô Thị Nguyên, chi ủy chi bộ nhà tù vượt sông Nhật Lệ về Bảo Ninh. Cách đêm tiếp đó, chi bộ nhà tù đã tổ chức cho 6 cán bộ đảng viên và cơ sở vượt ngục (gồm các đồng chí Ngô, Dinh, Tài, Phong, Hoàn và Hồng) trở về với kháng chiến, lên chiến khu Vẹm an toàn, vừa gặp đoàn cán bộ cơ quan Tỉnh ủy di chuyển vào Quảng Ninh do đồng chí Hoàng Văn Diệm Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp nhận các đồng chí đó lên căn cứ mới Bến Tiêm của tỉnh học tập và bố trí công tác.
Công tác giao liên này còn giúp thị tổ chức đánh tháo cho đồng chí Hiền cán bộ quân báo về hoạt động tại Đồng Thành bị giặc bắn què chân. Chúng đưa đồng chí Hiền vào bệnh viện Đồng Hới điều trị để chuẩn bị tra khảo khai thác. Tổ nữ đồng chí Mượn ở Đồng Thành, phối hợp với tổ đồng chí Ngự , Vinh ở Đồng Phú và cơ sở tại bệnh viện, nhất là đồng chí Huy đã mưu trí lừa địch và dùng xe kéo vào đánh tháo đồng chí Hiền ra và từ Đập Mạ (Đồng Phú) giao liên đã cõng đồng chí Hiền vào xóm Nò, vượt qua Rào Nại lên Diêm Điền và lên xã Trấn Ninh an toàn trơ về với kháng chiến.
Những chiếc đò của đồng chí Xười, đồng chí Phận… , những trộ rớ của các đồng chí Xén, Bé, những tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ của cụ Tiu, bác nhạc Thiên ở xóm Lũy vv… là những hình ảnh khó quên trong ký ức tôi.
Đến những lúc khó khăn cuối năm 1950, đầu năm 1951 mặc dầu địch đã tập trung tất cả đò, nôốc Phú Hải từ chạng vạng tối, suốt cả đêm đến tảng sáng phải đậu dồn tại địa điểm quy định từ Mũi Sáp trước Cầu Dài vào đến chợ Đồng Hới để tiện cho chúng kiểm soát, giao liên ta vẫn tạo điều kiện cho cán bộ thị và Khu E (Phú Hải hiện nay) về với cơ sở và tổ chức quần chúng đấu tranh hợp pháp kết hợp với bất hợp pháp, đấu tranh thắng lợi chống việc tập trung đò nôốc ban đêm đó.
Những đêm rét mướt, các đồng chí giao liên đem đò gia đình mình, lợi dụng “nghề te” để đưa đón cán bộ qua các đoạn sông đó và tiến đến đã giúp đỡ cho cán bộ chúng tôi đào lại hầm bí mật tại “Vùng Vịnh Rào Lũy” này, ngày đêm bám sát được với giao liên và cơ sở lãnh đạo hướng dẫn quần chúng đấu tranh giành và bảo vệ quyền lợi kinh tế, chính trị, giữ vững và phát huy khí thế quần chúng hướng về cách mạng, giúp đỡ, ủng hộ tiếp tế cho kháng chiến (từ cuối năm 1951 đến 1953).
Kết quả việc củng cố và phát triển cơ sở ở Phú Hải (khu E) trong những năm 1951 – 1952 và tiếp những năm sau còn có sự đóng góp tích cực nhất của tổ nữ giao liên: Kỳ, Trái, Dũi vv… , ngày đêm hăng say công tác, không những cho địa phương mình mà còn đảm bảo nối và giữ được liên lạc với cơ sở nội thị như các chị Bình, Hiệp vv …
Phần lớn các giao liên trách nhiệm nặng nề; hoạt động gan dạ, kiên trì, mưu trí. Nhiều đồng chí bị giặc vây bắt, nghi bắt, địch tìm đủ mọi cách khủng bố, hăm dọa, tra khảo, đánh đập, giam giữ, bắt tù nhiều đợt, o ép, mua chuộc vv… , nhưng qua thử thách càng được tôi luyện vững vàng. Được thả ra lại tiếp tục nhận nhiệm vụ công tác, không hề nao núng lại khôn khéo và kiên định hơn như các đồng chí Trương Thị Mượn, Nguyễn Thị Thơm ở Đồng Thành và các nữ đồng chí Kỳ, Trái, Dủi ở Phú Hải…
Nhiều đồng chí bị giặc đem đi bắn thủ tiêu mất xác luôn như đồng chí Trần Cơ, Nguyễn Thị Tuyên ở khu A. Có đồng chí chúng bắn và hủy xác nhưng lại chặt đầu đem về địa phương cắm cọc như đồng chí Nguyễn Tư Quyền xã Hưng Ninh và đồng chí giao liên của thị… (cùng bị bắt một lần với đồng chí Quách Xuân Kỳ tại Phú Hội đầu tháng 5/1949). Nhiều đồng chí bị tù đày nhiều đợt vẫn thể hiện trung kiên vững vàng; đến ngày hòa bình mới trao trả như các đồng chí Bình (Tôi), Liên, Mạy, Hiệp vv… có một số đồng chí phải cho thoát ly ra vùng kháng chiến, sau này được đào tạo thành sĩ quan quân đội và an ninh như các đồng chí: Nhạn, Nhân (Tộ), Thừa.
Nổi lên đẹp nhất là đồng chí Trần Thị Liên đã vận động được gia đình (mẹ và em) đào được hầm bí mật ngay trong khu A (nội thị) đón cán bộ an ninh và dắt dẫn các đồng chí đó đi hạ sát Việt gian phản động ngay tại khu phố. Sau này cả nhà đều bị bắt và bị tra khảo, khủng bố. Mẹ và em kiên trì đấu tranh khẳng khái, không để lộ hầm; còn đồng chí Liên bị bọn mật thám treo lên xà nhà từ sáng đến tối, giam đói suốt cả ngày đó; tối lại hạ xuống, chúng dùng điện, tra khảo đủ mọi cách man rợ, gian ác nhất, đồng chí vẫn dũng cảm chịu đựng, bảo đảm bí mật, không khai nhận gì về hầm bí mật về công tác giao liên và an ninh của mình. Vào nhà tù Đồng Hới, tiếp vào nhà tù Đà nẵng, đồng chí tiếp tục kiên cường hoạt động, liên lạc với cơ sở ở ngoài, với kháng chiến; nồng cốt đấu tranh với địch bảo vệ lợi ích và đòi quyền lợi chính đáng của tù nhân, đến ngày được trao trả luôn thể hiện tính chiến đấu, tính cách mạng của người Đảng viên cộng sản kiên trung, người nữ giao liên dũng cảm, trong sáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét