18/11/11

P4: SỬ DỤNG XE ĐẠP, ĐIỆN THOẠI, VÔ TUYẾN ĐIỆN

PHẦN THỨ TƯ

Tác giả: NGUYỄN ĐỨC ĐẲNG

http://doxuanthanh.tk/



Tháng 10/1952, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định điều động tôi lên phụ trách Văn phòng Tỉnh ủy, lúc này cơ quan Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh đã dời ra thôn Khương Hà (Bố Trạch). Tỉnh ủy ở “xâu” nhất, Ủy ban ở “xâu“ nhì, Trạm giao liên đặc biệt ở “xâu” ba. Trạm này đảm bảo việc chuyển công văn về các huyện, thị hoặc ra Liên khu 4, vào Phân khu Bình Trị Thiên; nhưng còn một nhiệm vụ đặc biệt là dắt dẫn hoặc đón các đoàn cán bộ vào ra công tác cần gặp trực tiếp Tỉnh ủy, Ủy ban. Khoảng đầu năm 1953 đồng chí Phan Cảo (Thọ), Trưởng trạm vào báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy qua chúng tôi là có đoàn cao cấp của Đảng và Chính phủ Cao Miên đi ra theo tuyến giao liên trong đó có đồng chí Sơn Ngọc Minh bị ốm. Các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy đã ra mời đồng chí ở lại dưỡng sức và chữa bệnh, khoảng vài tuần sau mới tiếp tục lên đường ra Khu 4 và Việt Bắc.

Cuối năm 1953 đầu năm 1954, lúc này cơ quan Tỉnh ủy thường xuyên phải di động, không đóng lâu ở một địa điểm nào, đề phòng chỉ điểm và máy bay địch bắn phá. Kể cả các vùng Gia Tịnh, Gia Hưng vv…, sau đó lên các xóm của xã Phúc Trạch (vùng Troóc, Khe Ngang, Thùng Thùng, Ngọn Rào vv…) để tiện việc theo dõi phong trào chỉnh Đảng, chỉnh huấn (lúc này Ủy viên Thường vụ trực là đồng chí Phan Hạnh, vừa là Hiệu trưởng trường Đảng, vừa là quyền Trưởng ty Công an).

Đến giữa năm 1954 theo dõi đài (nghe bằng “điện” sạc ắc quy của bộ phận cơ yếu vô tuyến) được tin qua chiến thắng Điện Biên Phủ, ta đã buộc địch và phe địch ngồi lại đàm phán với ta tại Genève. Được tiếp nhận chủ trương của Trung ương, của Liên khu 4, Tỉnh ủy liền họp bàn kế hoạch cấp bách là phải tiếp tục đẩy nhanh các hoạt động quân sự, chính trị nhằm hậu thuẫn cho bàn hội nghị.

Đồng chí Bí thư ở lại trực chỉ đạo chung, đồng chí Ủy viên Thường vụ trực Đảng (đồng chí Hạnh) được phân công về bám sát các lực lượng quân sự (lúc này chủ yếu là quân địa phương: Tỉnh đội với tiểu đoàn 229, các đại đội bộ đội địa phương huyện và dân quân du kích các xã), tăng cường hoạt động đi sâu vùng tạm bị chiếm, các vùng du kích. Tôi cũng được Thường vụ phân công về với đồng chí Hạnh, tổ chức việc nắm tình hình, kịp thời báo cáo về Tỉnh ủy, về hậu cứ. Công tác giao liên được tổ chức và củng cố kịp thời đáp ứng vào ra nhanh chóng…

Sau khi ta đã giải phóng đồn Sen Bàng (lần cuối), địch đã buộc co dần về vùng quốc lộ 1 và Thị xã Đồng Hới. Tình hình lúc này biến chuyển mau lẹ, khí thế quần chúng ở các vùng ven, nhất là vùng tạm bị chiếm vô cùng sôi động. Công tác địch ngụy vận của chúng ta được xúc tiến mạnh mẽ làm cho binh lính địch càng hoang mang, rệu rã, bỏ hàng ngũ địch chạy về với kháng chiến ngày càng nhiều. Lúc này không chỉ giao liên làm liên lạc mà cơ sở và cả đông đảo quần chúng đều tham gia vào mặt trận giao liên mới đáp ứng được tình hình.

Cơ quan tiền trạm của chúng tôi phải dời sát vào vùng Đồng Hới. Chúng tôi về đóng tại thôn Trung Nghĩa (xã Trấn Ninh nay là Nghĩa Ninh). Lúc này Liên khu ủy cử đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu Ủy viên Thường vụ Khu ủy phụ trách Giám Đốc Sở Công an Liên khu 4 vào tham gia chỉ đạo việc chuẩn bị tiếp quản Thị xã Đồng Hới. Chúng tôi đã tổ chức việc liên lạc bằng điện thoại với cơ quan Tỉnh ủy ở tuyến sau (cũng đã dời từ hậu cứ miền tây Bố Trạch, về dần).

Chúng tôi đã chọn một nhà sát đường làm địa điểm họp hai bên để bàn việc giao và tiếp quản Thị xã Đồng Hới theo Hiệp định Genève được cụ thể hơn. Tại đây có đường dây liên lạc với ta, đồng thời cũng có đường dây liên lạc trực tiếp với tên sĩ quan chỉ huy Pháp tại Đồng Hới. Lúc này về phía ta Thường vụ đã cử đồng chí Phan Hạnh, Phạm Xuân Tuynh làm sĩ quan liên lạc; đồng chí Nguyễn Tư Thoan lúc đó là Chủ tịch Tỉnh trực tiếp đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban quân quản luôn.

Công tác Thông tin liên lạc tuy vẫn còn dùng giao liên đi bộ, nhưng đã tiến đến dùng xe đạp và việc sử dụng điên thoại , vô tuyến điện được tăng cường nhiều hơn; nhất là liên lạc thẳng với Liên Khu ủy và Trung ương…

Bộ đội và Ủy ban quân quản vào tổ chức tiếp quản Thị xã Đồng Hới. Địch ở các đồn Thanh Khê, Hoàn Lão và các đồn lẻ đều co cụm về Đồng Hới và từ đấy quân đội Pháp, ngụy rút theo hai tuyến: Một tuyến theo “tàu há mồm”; một tuyến dùng xe cơ giới theo quốc lộ 1 qua Cầu Dài, Cầu Ngắn, lên cầu phao Quán Hàu đi vào phía Nam…

Nhân dân Đồng Hới đón chào đoàn quân bộ đội vào tiếp quản. Nhiều phương tiện của giao thông liên lạc bưu điện tiếp thu được của đối phương đã kịp thời sử dụng, phục vụ cho Ủy ban quân quản. Đồng thời tiếp tục mở rộng mạng lưới giao thông liên lạc bưu điện ra vào các huyện thị trong tỉnh, liên lạc ra với Liên khu 4 và Trung ương, liên lạc vào Vĩnh Linh tận vùng giới tuyến… Giao thông liên lạc chuyển qua một thời kỳ mới, dùng phương tiện qui mô hiện đại hơn, tất nhiên cũng có những địa bàn, những lĩnh vực còn tiếp tục phương tiện chạy chân, tín hiệu cũ ở phía Nam giới tuyến và phía Tây qua đất bạn Pathét Lào…

http://doxuanthanh.tk/

Cầu Hiền Lương khi đất nước mới chia cắt hai miền Bắc - Nam
Đăng nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét