18/11/11

P3: ĐỊCH TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT ĐƯỜNG “DƯỚI” VÀ ĐƯỜNG “GIỮA” CỦA TA

PHẦN THỨ BA

Tác giả: NGUYỄN ĐỨC ĐẲNG

http://doxuanthanh.tk/



Thời gian từ năm 1950 trở đi, phong trào kháng chiến của Thị xã ngày càng gặp khó khăn mới. Về mặt địch, từ đầu và giữa năm 1950, càng tăng cường khủng bố, càn quét, vây ráp, bắt bớ đàn áp; đóng chốt thêm vòng trong, vòng ngoài nhằm bảo vệ nội thị và tuyến quốc lộ 1, nhất là xây dựng hệ thống “lô cốt boong ke” ngầm khá dày đặc, có tính liên hoàn hỗ trợ nhau:

- Vòng trong là dọc bờ sông Nhật Lệ: từ Cầu Ngắn, Cầu Dài ra chợ, xung quanh vị trí tiểu đoàn ngụy (đóng tại sở Lục lộ và bệnh viện cũ), ra Vườn Dương, cầu Mụ Kề, xuống vùng Tam Tòa, ra vị trí Đồng Thành – Ba Vĩ ở cao điểm 263, chạy theo Đập Mạ Đồng Phú qua xóm trong Phú Ninh về sau Quảng Bình Quan lên Cầu Dài, Cầu Ngắn, lên xóm Lũy, qua Diêm Hải, dọc theo quốc lộ 1 lên Lương Yến, Văn La và cao điểm vị trí Quán Hàu với hệ thống tập đoàn lô cốt liên hoàn…

- Vòng tiếp đó là vị trí và dãy lô cốt Hà Thôn, chùa Thầy Bồng chạy về Hà Dương, Trung Bính, Sa Động xuống Đông Dương qua lô cốt Đồng Thành (cột Hải Đăng) ra Phú Hội, xung quanh vị trí sân bay, dốc Lộc Đại, qua vị trí Thuận Lý, lên xóm Mân, qua Diêm Điền, Bình Phúc (đình Bình Phúc bị biến thành vị trí lớn) lên đồi và vị trí Đức Phổ (cũng được tăng cường từ “đình cháy”đưa lên), hình thành hệ thống tập đoàn lô cốt, vị trí quan trọng của vòng giữa.

- Vòng ngoài là hệ thống vị trí lô cốt vùng quốc lộ nam Quán Hàu: Từ Võ Xá, Dinh Mười, Mỹ Trung… (nhằm chặn ra vùng biển Gia Ninh, Bảo Ninh); ra vùng quốc lộ phía bắc sân bay là Ba Dốc, Chánh Hòa, lên Ấm Tiến, Sen Bàng vào Bò Bắc, Dốc Dôn, qua vị trí Lệ Kỳ, Trung Trinh, đặc biệt là vị trí Vĩnh Tuy, nằm trên cao điểm án ngự toàn vùng, từ các đường chân núi U Bò, Đá Trơn ra, từ chiến khu xuống (kể cả đường Tỉnh lộ số 4, đường sắt và sông Long Đại, từ Lùi, Bến Tiêm về… )

Địch lại tăng cường trọng pháo ở các vị trí quan trọng mang tính tiền tiêu này (nhất là các đồn Ấm Tiến, Sen Bàng, Dốc Dôn, Thuận lý, Lệ Kỳ, Vĩnh Tuy vv… ) thường xuyên pháo kích lên các đường giao liên của ta, các hậu cứ, các trạm dừng chân dọc vùng Phú Quý, Thuận Đức, U Bò. Chúng còn tổ chức bọn nghĩa dũng, bọn biệt kích, “Commanđô”, “Pactidăng”, ăn mặc áo quần bà ba đen, áo quần nâu như cán bộ, dân công vận tải thường xuyên “thọc” lên vùng tiền chiến khu và lên cả hậu cứ giao liên từ Tây Trạch, Sen Bàng, Phú Quý đến Thuận Đức, Động Lỡ, U Bò… để sục sạo, phục kích, bắt và giết cán bộ giao liên, dân công vận tải thường hay đi ra vào bằng con đường dưới, con đường giữa, mà nguy hiểm nhất là đoạn Khe Chuối vào Vẹm – Thuận Đức.

Để đối phó tình hình hoạt động của địch ở miệt trên vùng chiến khu, nhằm bảo vệ cả tuyến giao liên vận tải, cuối năm 1950 tỉnh đã cho sát nhập cả hai đại đội bộ đội địa phương Đồng Hới, Quảng Ninh (363 và 362) thành một đại đội, tăng cường bốn trung đội mạnh, chọn một trung đội mạnh nhất do đồng chí Hồ Vinh lúc đó đại đội phó trực tiếp chỉ huy (đồng chí Hồ Vinh trong chống Mỹ tham gia Ban Chỉ huy Lực lượng Công an Vũ trang Quảng Bình, sau ngày miềm Nam giải phóng là Chỉ huy trưởng Công an Vũ trang Nghĩa Bình, nay về hưu tại Hữu cung Lộc Ninh). Nhiệm vụ của trung đội này là bám địa bàn Hưng Ninh, Trấn Ninh,Vĩnh Ninh và Thị xã; thường xuyên cơ động hoạt động, phối hợp với cán bộ thị và các xã bám đồng bằng và cơ sở, chủ động bảo vệ đường giao liên và các hậu cứ của ta, tổ chức đánh bọn biệt kích hay “thọc” lên phục kích ta, hoặc lúc chúng đang kéo về, có trận đã cứu thoát được giao liên ta (đồng chí Lê Hán người Thù Thừ lúc qua vùng Dốc Tranh (tây Vĩnh Ninh) bị phục kích bắt và đang dẫn về đồn…)

Tỉnh lại còn chủ trương điều động một số cán bộ và chiến sĩ gan dạ, thông thạo địa bàn vùng này hình thành một đơn vị đạo lộ, đặt tên là C 300 do đồng chí Nguyễn Văn Ngọc (quê ở Hòa Ninh, những năm trước đó thường hoạt động tại địa bàn Đồng Hới – Bố Trạch), là đại đội trưởng đảm nhiệm chốt từ vùng Ba Lùm – Ba Lòi vào đến chân núi U Bò, nhằm lợi dụng các đồi cao nằm phía dưới đường giao liên, tổ chức trinh sát, theo dõi sự hoạt động của địch; đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra dắt- dẫn cán bộ dân công vận tải vào ra đoạn nguy hiểm nhất này.

Do đó hai con đường dưới và giữa trong những năm cuối 1950 đến tháng 6/1954 nói chung là vẫn được tiếp tục bảo vệ và sử dụng tốt, nhưng không phải là không có sơ hở, không có tổn thất, có khi là dân công vận tải, có khi là cán bộ chủ trì huyện, tỉnh bị chúng phục kích gây thiệt hại đáng kể.

Ở đây tôi xin kể hai vụ tổn thất nghiêm trọng:

- Khoảng tháng 3/1951 đồng chí Lê Khiển nguyên Bí thư Thị ủy Đồng Hới (từ cuối năm 1949 đến cuối năm 1950) được điều động lên Tỉnh đảm nhiệm Tỉnh đội phó Quảng Bình đi dự Hội nghị Quân khu 4 về, trên đường vào nam Quảng Bình, tối đó đồng chí dừng lại làm việc và thăm trung đội Đạo lộ chốt vùng Khe Chuối – Tây Nam Trạch. Đến sáng hôm sau dậy thật sớm vào chiến khu Vẹm, nhưng vừa ra khỏi đoạn đường Dốc Dôn lên Phú Qúy (vùng Cúp Cúp hiện nay) thì bị bọn “Commanđô”áo đen phục kích bắn chết lúc vừa tảng sáng.

- Một vụ tổn thất khá nặng nữa mà chúng tôi là những người trong cuộc, đó là vụ Vẹm Lò Than nằm sát ngoài chiến khu Vẹm Thuận Đức: Khoảng tháng 9/1951, sau Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại xóm Mít (Ngân Sơn) để được truyền đạt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ II đầu năm và Nghị quyết của Liên khu ủy về chủ trương chuyển hướng mới. Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã cử 4 anh em chúng tôi là Nguyễn Tư Thoan Ủy viên Thường vụ trực, Lê Thích Tỉnh ủy viên Chánh văn phòng, Nguyễn Tấn Đạm Tỉnh ủy viên Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch và tôi trưởng Ban Cán sự Thị xã Đồng Hới đi ra Khu 4 để được phổ biến kỹ hơn Nghị quyết của Trung Ương và Liên khu ủy về chuyển hướng công tác vùng sau lưng địch.

Trên đường đi từ cơ quan Tỉnh ủy ở xóm Mít (Ngân Sơn) ra cây Dầu, phường Xuân Thị, chúng tôi được tin E95 đã chiến thắng tiêu diệt gọn đồn Sen Bàng. Khi leo xuống U Bò, lại gặp cán bộ chiến sĩ E95 đang phấn khởi hành quân vào và báo tin bộ đội đang triển khai bảo vệ quân y còn giải phẫu cho thương binh tại chiến khu Vẹm (trạm dã chiến); cũng vừa lúc dân công Nghệ Tĩnh đang tấp nập gánh gạo trên đường vào… Lúc ra đến Dốc Tranh mặt trời vừa khuất núi, đoàn hội ý với nhau tranh thủ đi đường ngoài, đường trảng dễ đi hơn. Lúc đó vừa chạng vạng tối, trong đoàn có hai đồng chí cận thị nặng (đồng chí Thích và tôi), nên hưởng ứng ngay và để tổ giao liên (trong đó một đồng chí liên lạc cơ quan Tỉnh ủy và một chiến sĩ 95) dẫn đường đi trước, chúng tôi tiếp cận đi liền sau. Qua khỏi trảng Đồng Lỡ, lại phải vào một đoạn rừng nữa mới ra lại trảng Vẹm. Đoạn rú này tối quá, không thể thấy đường mòn đi tiếp được, đồng chí Thích thắp chiếc đèn bão để vượt qua đoạn rú này… Vừa ra khỏi rú chưa kịp tắt đèn, có tiếng hô lơ lớ: “Ai đó dừng lại”. Một loạt liên thanh nổ luôn. Đồng chí Đạm bị thương gục tại chỗ, đồng chí Thích rớt gương, không mò được cũng đành nằm tại chỗ. Em Mai liên lạc của Tỉnh ủy cũng bị thương nhẹ dưới chân, chạy lui lại được, băng đồi núi chạy suốt cả đêm đó để sáng sau trở về cơ quan Tỉnh ủy báo tin đoàn đã bị phục kích, không rõ sống chết thế nào? Đồng chí Thoan và chiến sĩ giao liên 95 lui vào đoạn rú vừa ra, tìm nơi ẩn náu. Tôi cũng bị mất gương chạy theo độ dốc xuống khe Lò Than, ngược theo khe đó lội bì bõm, trèo qua nhiều cây đã bị gãy ngang suối, cố vào sâu một đoạn xa nữa… Đến một điểm sâu không thể men theo dòng khe được nữa, tôi đành níu cây trèo lên “đôộng” rú và tìm rúc vào một bụi rậm chằng chịt giữa rừng… Mờ sáng đó địch tỏa vào sục sạo tìm kho, đốt các kho gạo vận chuyển của ta dọc đoạn khe này. Tôi ở trên đôộng cao nghe rõ chúng xì xào, gọi chưởi nhau, toán sục sạo tìm kho đốt, toán xuống khe mở đồ hộp ăn, cười nói ầm ĩ gần cả nửa buổi sáng đó. Chúng đốt phá xong vùng kho gạo dã chiến này, toán trở ra đường trảng, toán trèo rú tìm vào đường giao liên vận tải, tiếp tục hành quân leo lên U Bò. Chiều đó vào đốt Trạm Lùi xong chúng còn lên chiến khu Bến Tiêm – Đá Một là nơi ngân hàng Tỉnh vừa mới thành lập, cướp phá bạc ngân hàng ta, vừa đốt xé tiêu – hủy, vừa thả từng “lốc” (từng xếp nhỏ)cho trôi theo dòng sông Long Đại…

Hóa ra đó là kế hoạch của “Đờ lát đờ tát xi nhi” sau trận thua Sen Bàng cay cú. Chúng đã huy động binh đoàn cơ động Lê dương 6 SPAHI ra truy đuổi E 95, không gặp được trung đoàn, chỉ đuổi theo đuôi, giết, bắn bị thương và bắt một số dân công vận tải… Tảng sáng đó chúng bắt đồng chí Lê Thích giao cho bọn địa phương đem về Đồng Hới, thả lại đồng chí Tấn Đạm đã bị trọng thương nằm tại chỗ. Xế trưa tôi men ra, vừa lúc gặp đồng chí Thoan đang chỉ đạo tổ chiến sĩ Trung đội Đạo lộ giải quyết hậu quả, đã cho gánh đồng chí Tấn Đạm trở vào lại tỉnh. Hai anh em chúng tôi cùng đồng chí giao liên 95 tiếp tục đi vào Nhã Nam để sáng sau leo Ba Rền ra Bồng Lai, từ đó ra Tuyên Hóa và Liên khu 4 kịp ngày họp.
Đăng nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét