PHẦN THỨ BẢY
Tác giả: NGUYỄN ĐỨC ĐẲNG
Thời kỳ tôi trở về lại Quảng Bình và được phân công làm Bí thư Thị ủy Đồng Hới từ tháng 9/1970 về sau, nhất là trong hai năm 1971 – 1972, địch tiếp tục trở lại đánh phá ác liệt, có tính hủy diệt bằng B52, F111 các thôn, xã phụ cận: Lộc Ninh, Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Vĩnh Ninh, Lương Ninh, nhất là vùng Cồn Chùa, Trạng, Động Lỡ vv… với các trọng điểm: Cảng dã chiến từ nhà thờ Tam Tòa lên Cầu Dài, Cửa lạch Nhật Lệ, sân bay Đồng Hới, vùng phà Quán Hàu bến 1, 2, 3 (sau này dời lên Trung Trinh, Vĩnh Tuy), vòng lên đường 15A, 15B, với các cầu ngầm, cầu xung yếu… đều trở thành các mục tiêu đánh phá của phản lực và B52, F111. Càng về các tháng giữa và cuối năm 1972, bom Mỹ càng dày, bầu trời càng xám xịt bụi, khói, ô nhiễm…
Mọi nhà mọi người đã tháo nhà, lấy gỗ xây hầm, dựng nhà hầm, hoặc phân tán mỏng ra đồng, lên đồi… đào “nhà hầm” bám trụ, vừa đảm bảo hạn chế tổn thất về người, vừa phải sẵn sàng xung kích chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đảm bảo Giao thông Vận tải thông suốt qua địa bàn vùng Đồng Hới nguy hiểm và ác liệt này.
Số cán bộ, đảng viên, đoàn viên, nam nữ thanh niên, xã viên , dân quân tự vệ vv… đã hy sinh trong việc rà phá bom nổ chậm, thủy lôi, từ trường, mở đường trên bờ, mở đường dưới sông và cả trong và ngoài cửa lạch, hai bên bờ Bắc, Nam “Treo, Trệ”, tạo lạch, luồng tương đối an toàn để đưa hàng vượt lên! Trong cuộc chiến đấu “Sống chết” này hàng trăm liệt sỹ vùng Thị xã Đồng Hới đã được suy tôn; đó là chưa kể đối với các xã vùng ven mới được mở rộng từ năm 1980 đến nay và chưa tính kê được các tài sản tàu thuyền, đò nôốc phục vụ vận tải bị đánh chìm, đánh đắm…
Đầu và giữa năm 1972 ta giải phóng Thị xã Đông Hà và tỉnh Quảng Trị, buộc địch phải ngồi lại đàm phán với ta tại Paris, nhất là sau ngày ký Hiệp định Paris đầu tháng 1/1973, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, qua sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, của Bộ Tư lệnh tiền phương và Bộ Chỉ huy Binh đoàn 559, Đảng bộ Đồng Hới đã huy động nhân dân toàn Thị xã từ vùng dưới đến vùng trên: đò nôốc, thuyền bè, xe ba gác, xe bò, xe trâu, xe thồ, xe đạp… đủ mọi phương tiện có thể dùng để chuyên chở. Chỉ trong vòng 7 ngày lực lượng này đã lấp xong sông Lũy rộng 140 m, sâu trung bình 6m, với tất cả đất đá, táp lô, gạch ngói vỡ, tường vách nhà cửa, thành quách đã bị bom đạn Mỹ đánh phá đổ nát, chỉ để lại hai đoạn ngắn vài chục mét cho dòng chảy và triều lên xuống (Công binh và Giao thông phối hợp lấp hai đoạn cầu này trong 3 ngày là cơ bản hoàn thành). Vì thế đã bảo đảm cho xe cơ giới hành quân, không phải vòng lên quốc lộ 15 mà có thể bám theo quốc lộ 1 và không phải trở ngại thêm một phà Cầu Dài nữa, nhằm mau lẹ thông tuyến, thông xe, tăng chuyến cho chiến trường.
Năm 1989 cùng đồng chí Lê Nhân (Tộ) xem xong bản thảo “Một số Hồi ức về ngành Giao thông liên lạc vận tải trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”.
Sáng mồng 3 Tết, Tết hòa bình đầu tiên của miền Bắc, của Quảng Bình – Đồng Hới – Vĩnh Linh sau 8 năm chiến tranh dưới bom đạn của Đế Quốc Mỹ. Nhân dân Thị xã Đồng Hới “vui Tết Giao thông” trên đoạn đường quốc lộ 1 tại Cầu Dài lịch sử này. Các chiến sỹ làm nhiệm vụ phấn khởi hướng dẫn xe vận tải, xe quân sự vượt lên. Xe các đồng chí trong Ban Bí thư vào thăm hỏi, chúc Tết đồng bào Quảng Bình – Vĩnh Linh (tiếp đó các đồng chí đi thẳng vào miền Nam, vượt Trường Sơn vào Nam) khi đến gần đầu cầu phía Bắc dừng lại, mọi người đều xuống, cùng rảo bước đi bộ, thăm hỏi chuyện trò với quần chúng, đảng viên, dân quân tự vệ, bộ đội, công nhân viên vv… Ai nấy đều vô cùng phấn khởi, đốt pháo mừng Xuân Thắng lợi… cắt băng thông cầu tiễn các đoàn xe ra phía trước./.
(I) (Chuyến công tác này, đồng chí Lê Văn Lương, đồng chí Tố Hữu thay mặt Ban Bí thư vào thăm đồng bào Quảng Bình – Vĩnh Linh; đồng chí Tố Hữu lại tiếp tục cuộc hành trình vào Nam theo đường Trường Sơn (559) bám theo tuyến vận tải giao liên từ Đông qua Tây Trường Sơn. Lúc đồng chí trở ra có thêm đồng chí Đinh Đức Thiện Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, dừng nghỉ lại ở Tỉnh ủy Quảng Bình và ra điều dưỡng tại cửa lạch Nhật Lệ (đồn biên phòng), tại đây đồng chí Tố Hữu đã tu chỉnh bài thơ dài “Nước non nghìn dặm”….)./.
Ngày 15/4/1989
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét