18/11/11

P6: GIAO THÔNG VẬN TẢI LÀ NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU

PHẦN THỨ SÁU

Tác giả: NGUYỄN ĐỨC ĐẲNG

http://doxuanthanh.tk/


Vào gần cuối quí III/1964 (5/8/1964) cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu, mở ra những thiên anh hùng ca mới! Giao thông vận tải tiếp tục làm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nó trong chiến tranh.

Thời gian tôi trở về làm Bí thư Thị Đảng bộ Đồng Hới trong cả hai đợt chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Vào khoảng giữa năm 1967 – 1970 tôi được Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình cử ra Văn phòng Trung ương theo dõi Quảng bình – Vĩnh Linh. Phần lớn thời gian 1967 – 1969 tôi cũng thường xuyên ra vào và chốt tại Quảng Bình – Vĩnh linh (trong những năm địch gia tăng đánh phá bằng phản lực tại Quảng Bình và cả B52).

Tôi xin kể lại đây việc trực tiếp chỉ đạo và tham gia chứng kiến trên mặt trận Giao thông vận tải tại địa phương và trên đường công tác vào nam Khu 4 về những năm tháng đạn bom ác liệt đó:

Từ trong những ngày hòa bình đi dần vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở miền Bắc, ngay tại Đồng Hới, trong năm 1964 bọn biệt kích nhiều lần đã lén lút đổ bộ vào bờ biển Bảo Ninh, Đồng Thành, dùng pháo 3,5 và ĐKZ bắn phá một số cơ sở ở Đồng Hới, dùng tàu thủy vây bắt ngư dân, đánh phá, xâm phạm hải phận để điều tra, nắm tình hình, ngăn chặn việc chi viện của ta bằng đường biển cho miền Nam. Những ngày đầu xuân Tết âm lịch năm 1965 (những ngày 7,8 và 11/2/1965) chúng dùng phản lực tấn công nhiều đợt, Đảng bộ nhân dân Thị xã xác định rõ: “Trách nhiệm và vinh dự” đã được Tổ quốc phân công ở vào vị trí tiền tiêu và tiếp giáp với miền Nam này, vì đây là “cuống họng” hiểm nghèo, gần núi, sát biển nhất, gần như là “độc tuyến” (cả giao thông thủy bộ); từ Trường Sơn xuống biển lại là đoạn hẹp nhất trên dưới không đến 10 – 15 km. Không có con đường nào khác hơn là phải bám trụ mảnh đất thiêng liêng này để đảm bảo cho việc chi viện chiến trường, cho sự nghiệp Cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những trận đầu của năm 1965, ngay tại Đồng Hới đã xuất hiện những hình thái chiến tranh nhân dân rất đồng bộ, hợp đồng rất hòa nhịp, kịp thời với các binh chủng pháo binh, bộ binh, công an biên phòng, chủ lực, địa phương, dân quân tự vệ vv…, phối hợp chiến đấu với Hải quân, với các hạm tàu được biệt phái vào sông Gianh, Nhật Lệ đảm nhiệm chi viện cho miền Nam, đánh trả và hạ ngay tại chỗ phản lực Mỹ, bắt sống Sumếchcơ, dìm xuống biển Đích xơn… Ở đây cũng đã xuất hiện mẹ Nguyễn Thị Suốt, chị Nguyễn Thị Khíu, o Trần Thị Lý vv…; và tiếp các trận sau đó đã hạ phản lực AD6 rực cháy giữa bầu trời Đồng Hới, đâm đầu ngay xuống lầu cơ quan Tỉnh ủy, tan xác phi công Mỹ. Bắn ngay tại chỗ máy bay không người lái tại địa phương Bảo Ninh. Đầu năm 1972 lại thêm tự vệ Nhà máy sửa chữa ôtô A3 cũng bắn rơi tại chỗ phản lực, bắt sống hai giặc lái Mỹ vv…

Trên mặt trận pháo biển, không những pháo chủ lực, pháo địa phương, pháo thường trực mà còn có pháo của nam nữ dân quân tự vệ (Bảo Ninh có khẩu đội nữ Sơn pháo 75 ly). Việc triển khai các khẩu pháo đó ra các trận địa dọc biển không đơn giản: là sức của gái, trai, già trẻ; ván ngựa, cột kèo đưa ra lót cát để đẩy pháo trườn lên; còn phải vượt sông, vượt qua nhiều trảng cát khác; phải di động và đòi hỏi ngụy trang cẩn thận dưới các rừng phi lao thường bị giặc bắn phá khai quang. Do đó các loại khẩu pháo của các loại binh chủng nói trên mới phát huy hết tác dụng, bí mật, bất ngờ, đánh đắm và đánh bị thương nhiều tàu chiến Mỹ, ngụy, bảo vệ tàu thuyền đi đánh cá và vận tải nằm trong tầm pháo của ta.

Đảng bộ Đồng Hới đã tổ chức cho nhân dân Đồng Hới, trước hết là bà con ngư dân, vận tải bám trụ địa phương, bám biển, bám sông ngày đêm sống chết với sông nươc. Ngay xóm câu Đồng Hải, không còn điều kiện bám lại nội thị thì sơ tán mỏng qua nam Hà Thôn và tây nam Đồng Thành, bám cửa lạch, bám sông biển để vận tải và đánh cá (nay hình thành phường Hải Thành mới).

Vận tải Phú Hải sơ tán lên dọc đê Lũy, sát theo rào Lũy, lên vùng đất được Lương Ninh giao nhượng để bám được dòng Nhật Lệ, cùng với vận tải Phú Bình đảm nhiệm việc vận tải cho Quốc phòng, cho Lương thực, nay cũng đã hình thành một Phú Hải khác xưa (trước đây Phú Hải không có đất ở, chỉ bám dọc cồn bãi, vùng tha ma, nghĩa địa Đồng Hải, xóm Nại, xóm Bùn và dọc Lũy Thầy là xóm Lũy, Phú Mỹ, Phú Thượng ngoài, Phú Thượng trong tự kè đập, lấn bờ sông, bờ rào, bờ hói sinh sống với nghề mò cua bắt ốc, mò sáo, đăng đó làm thuê, đắp mộ; bần cùng, túng thiếu, đói kém, lam lũ…).

Lực lượng lao động sông biển vùng Đồng Hới này đã thành lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và vận tải bốc dỡ hàng hóa cho tàu thuyền Quân đội và đưa cả tàu thuyền đánh cá của mình vào vận tải; tổ chức rà phá, vượt thủy lôi, bom từ trường, bom nổ chậm, đổ mồ hôi, sức lực, tài sản và cả xương máu nhằm “lao hàng” tiến lên phía trước. Nhiều đảng viên, đoàn viên, xã viên và ngư dân đã hy sinh trong mặt trận Giao thông vận tải những năm 1965 – 1969, 1971 – 1972, kể cả những đợt phục vụ vận tải cho kế hoạch VT5 và phục vụ giải phóng tàu Hồng Kỳ tại Hòn La (Quảng Trạch). Ngay tại địa bàn Đồng Hới – Bảo Ninh, các đồng chí trong Bộ chỉ huy 559, nhiều lần có mặt cả đồng chí Đồng Sỹ Nguyên trong những ngày tháng sôi động tại vùng cửa lạch đang bị bắn phá này đã bám sát các tuyến binh trạm, trực tiếp chỉ huy các binh trạm, động viên quần chúng ngư dân vận tải… cùng tham gia chuyển hàng cho tiền phương. Lợi dụng dòng Nhật Lệ, ta đã chèo lái lên bến nam Long Đại và Xuân Bồ (qua cả hai nguồn Long Đại và Kiến Giang), để từ đó xe cơ giới chuyển tiếp vào đường 15, đường 10, đường 16 lên Trường Sơn và tiếp cận vượt tuyến vòng qua đất Lào, chuyển hàng, vũ khí, lương thực cho miền Nam thông qua các binh trạm.

Nhân dân Đồng Hải vừa đảm bảo sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh tế vườn, kinh tế gia đình, chăn nuôi, trồng trọt bám trụ ven các tuyến giao thông 15A, 15B, vừa đảm bảo cho giao thông vận tải thông suốt đi theo các tuyến 15 này mà xung yếu nhất là các ngả ba Phú Qúi, Cúp Cúp, các cầu và ngầm cầu 4, 3, 2 kể cả vùng kho lương thực dã chiến dọc quốc lộ 15A, từ các xóm Hà, Zét, xóm Trị Thiên (tức Thuận Đức xóm ngoài – xóm Hà) vào đến Zét Rú Nguốn (với tên cũ là Thuận Đức xóm trong).

Nhiều thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang, phụ lão và xã viên hai giỏi, ba giỏi, chiến sĩ thi đua quyết thắng vv… đã được xuất hiện. Đơn vị nữ ba đảm đang của Hợp tác xã Bách hóa Ba Đa được biểu dương nêu gương và sau đó được Huân chương của Hội đồng Chính phủ về phong trào thi đua hai giỏi này.

Nhiều cán bộ, đảng viên, dân quân, du kích và cả quần chúng đã hy sinh trong việc bảo vệ tuyến vận tải quốc lộ 15A này. Có khẩu đội pháo của dân quân du kích phường chốt tại cao điểm Rú Nguốn đánh trả máy bay, bảo vệ vùng kho dã chiến bị phản lực oanh tạc sát thương nặng, có đồng chí thanh niên hy sinh trong tư thế đang bốc dỡ gạo trên lưng tại kho lương thực dã chiến Zét. Quần chúng nhân dân vùng Đồng Sơn không tiếc sức, tiếc công, tiếc xương máu, ngày đêm lấp hố bom, san đường, ngụy trang, đào hầm cho xe ẩn nấp ban ngày để kịp tối ra bốc dỡ và vận chuyển được nhanh hơn. Có nhiều gia đình nhường nhà, nhường hầm cho vận tải, cho bộ đội, cho thông tin… đã bị phản lực, sau này cả B52 phóng tọa độ và ném bom rải thảm tiêu hủy như gia đình nữ đồng chí Huy ở Cồn Chùa, ông bà cụ thân sinh của đồng chí Hới ở Cúp Cúp vv…

Thời gian tôi được điều động ra Văn phòng Trung ương theo dõi Quảng Bình – Vĩnh Linh trong những năm 1967 – 1969 là những năm địch càng tăng cường bắn phá tuyến giao thông vận tải, tập trung nhiều vào vùng “cán soong” nam Khu 4, tôi còn có dịp chứng kiến nhiều gương hy sinh to lớn chứng tỏ sự chiến đấu vượt khó khăn gian khổ cực kỳ anh hùng của nhân dân trên cả hai vùng Quảng Bình – Vĩnh Linh.

Thời gian sau này chúng tập trung bắn phá các trọng điểm Sông Gianh, Quán hàu, Long Đại, Xuân Sơn, cố tình dứt điểm các bến phà, các cầu và ngầm hầu hết từ quốc lộ 1 đến các đường 22 (22A, 22B, 22C), đường 12, đường 15A, 15B ở nhiều cung đoạn…; không những chúng dùng bom tạ mà còn dùng các loại bom cháy (phốt pho, lân tinh) nhằm đốt cháy cắt từng đoạn đường, từng quãng rú, từng xóm làng mà có đường đi qua hoặc chúng nghi có kho tàng, kể cả trên núi và dưới đồng bằng. Những đoạn quốc lộ chạy qua các ruộng lầy, các ruộng sâu, các trảng và động cát như các vùng ruộng sâu Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, vùng nam Roòn, bắc Gianh, vùng ruộng sâu Quảng Ninh, Lệ Thủy, nhất là các điểm khe Dinh Thủy (Võ Ninh), cống Bảy Cửa, Bàu Sen (Sen Thủy). Ở miệt trên những đoạn độc đạo đỉnh đồi núi cao, dốc lèn đứng, những đoạn hiểm trở như ngã ba Đồng Lộc, đoạn tây Kỳ Anh, Bưởi Rõi, đường 12 với địa danh “Cổng trời” – “Cửa tử”, đường 15 với các ngầm Khe Rinh, Cà Tang, Đá Đẻo (Minh Hóa), đoạn Xuân Sơn – Phong Nha, Hà Lời – Khương Hà chạy theo sông Son, đoạn đường 20 chạy vào Cà Ang (Bố Trạch), ngã ba Phú Qúy – Cúp Cúp vào Cầu 4, cầu và ngầm Cầu 4, Cầu 3 (Đồng Hới); vùng Long Đại, Xuân Dục, ngã ba vào đường 10 (Lệ Ninh), ngã ba lên xuống nông trường Quyết Thắng, Bến Quan, Hói cụ (Vĩnh linh) vv… là những vùng bị đánh đi đánh lại nhiều lần. Địch đánh phá đường này, Thanh niên ba sẵn sàng, bộ đội mở đường khác, đến lúc địch đánh có tính chất dứt điểm từng con đường, không có con đường nào khác là phải bám trụ: Những đơn vị 050, những đại đội, tiểu đoàn, thậm chí trung đội, tiểu đội (như tiểu đội La Thị Tám ở ngã ba Đồng Lộc, đại đội Trần Thị Thành trên đường 12, đồi 37, nhóm 2 hai em Thế và Thú chưa đến tuổi 17 – 18 đã hy sinh tại đồi Ba Trại), càng động viên nhau “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đảm bảo thông xe, thông tuyến vì miền Nam ruột thịt… Sự hy sinh của lực lượng này không còn tính con số nghìn mà phải nói đến con số hàng vạn… có những vụ, những đêm tổn thất một lần đến hàng trăm chiến sỹ (kể cả bộ đội và thanh niên xung phong), nhất là tại ba trọng điểm Xuân Sơn, Long Đại, Phà Gianh (tam giác điểm)…

Thời gian cuối năm 1967, đầu năm 1968 xe của Tỉnh ủy Quảng Bình, Đảng ủy Vĩnh Linh và Văn phòng Trung ương, mỗi chuyến ra Hà Nội hoặc vào Quảng bình – Vĩnh Linh, do đường tắc nghẽn, hết đêm này đến đêm khác, vài ba đêm mới vượt được một cung đoạn. Mỗi chuyến ra vào phải mất ít nhất là12 ngày đến nửa tháng hoặc hơn nữa. Thậm chí phải ghép thuyền, dùng phà, canô, mưu trí vượt qua các bãi từ trường, bom nổ chậm, chuyển tải xe qua sông, người phải đi bộ theo các tuyến khác….

Trong khi đó bộ phận giao thông vận tải ngày đêm vẫn bám trụ tại các trọng điểm ác liệt nhất, thay nhau đảm bảo thông xe 24/24 giờ/ngày đêm.

Tháng 1/1968 Ban Bí thư phân công đồng chí Phan Hạnh, lúc này là Vụ trưởng vụ Tổng hợp Ban Thống nhất Trung ương và tôi vào truyền đạt thêm ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư đối với Tỉnh ủy Quảng Bình, Đảng ủy Vĩnh Linh và cả Đảng ủy Gio Cam trong Tết Mậu Thân năm 1968. Sau khi làm việc xong với Tỉnh ủy Quảng Bình và vào Vĩnh Linh để triển khai với Đảng ủy khu vực, chúng tôi cùng đồng chí Phan Du lúc đó là ủy viên trực Đảng ủy Vĩnh Linh cùng qua hậu cứ của Gio Cam. Vấn đề đi lại thời gian này trên địa bàn Vĩnh Linh chủ yếu là theo các tuyến hầm hào; vừa đi vừa quan sát OV 10 và các loại máy bay trinh sát khác. Mọi sinh hoạt của cán bộ, bộ đội, nhân dân… đều phải chuyển xuống địa đạo, xuống nhà hầm. Từ đầu năm 1967, B52 đã rải thảm đồng bằng kể cả vùng giới tuyến khu phi quân sự (!); lại còn trọng pháo bờ Nam và hạm tàu thường xuyên bắn phá với đủ các loại bom đạn sát thương nổ nhiều tầng: trên không, mặt đất, lủi cả vào lòng đất. Trong điều kiện đó mạch máu Giao thông vận tải từ Bắc vào Nam qua mảnh đất Vĩnh Linh và qua sông Bến Hải vẫn liên tục thông qua nhiều tuyến, nhiều bến… , từ núi rừng Trường sơn về đến Vĩnh Giang, Vĩnh Quang sát biển… đều có nhiều bến vượt tuyến.

http://doxuanthanh.tk/

Ảnh chụp với thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ

Lúc này Thường vụ Đảng ủy Gio Cam do các đồng chí Vũ (Soạn), Thư chủ trì. Sau khi truyền đạt và bàn bạc cụ thể, các đồng chí triển khai theo kế hoạch; còn chúng tôi cùng đồng chí Du trở về Đảng ủy Vĩnh Quang. Thời gian này xã Vĩnh Quang đã củng cố lại địa đạo mới, có nhiều ngách, nhiều tầng, đã hạ rầm, hạ cột, chống cừ chắc chắn hơn vì đã qua kinh nghiệm của việc bị B52 đánh sập địa đạo cũ cách đây 5 tháng, trong trận đó ngót 92 đồng chí, đồng bào đã hy sinh trong địa đạo.

Lần này tại địa đạo mới, chỉ còn có đảng viên, dân quân du kích được phân công chốt lại làm nhiệm vụ, tự tổ chức lấy cuộc sống (ông bà già, trẻ em và số được phân công đi theo K8, K10 đã được sơ tán ra vùng ngoài khá triệt để ). Cũng như ở địa đạo Vĩnh Mốc (riêng Vĩnh Mốc còn đào được giếng sâu ngay trong địa đạo), trong hoàn cảnh ngày đêm liên tục bị đánh phá, Đảng bộ và du kích Vĩnh Quang vẫn bảo đảm tuyến giao liên chèo đò vượt sông Bến Hải ở đoạn Tùng Luật. Những ngày cuối năm âm lịch và Tết Mậu Thân này, việc đưa các đoàn cán bộ, bộ đội dân quân du kích các xã của Vĩnh Linh và cả của Quảng Bình… vẫn tiếp tục được tăng cường vào tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vận tải súng đạn cho dân quân Gio Cam. Các đồng chí giao liên Vĩnh Quang sau những chuyến chèo đò liên tục cả đêm (bám trụ và ẩn nấp trên mặt sông và đôi bờ Bến Hải này) nhằm đưa các lực lượng chi viện qua sông, đến gần sáng mới trở về địa đạo và trưa đó vẫn vui vẻ tổ chức văn công, văn nghệ mừng Xuân, động viên nhau, để đến chiều tối lại luân phiên tiếp tục ra mặt đường, ra bờ sông, chèo đò làm nhiệm vụ, trong khi pháo Cồn Tiên, Dốc Miếu, pháo hạm tàu, cả máy bay phản lực, pháo sáng, máy bay trinh sát thay phiên nhau tiếp tục trút bom đạn liên tục xuống vùng này…, nhưng không thể nào ngăn chặn được việc vượt sông Bến Hải của quân dân ta trong những tuần tháng chiến dịch ác liệt đó.

Từ giữa đến cuối năm 1968, phong trào cách mạng Trị Thiên gặp nhiều khó khăn, địch ngụy phản kích ồ ạt từ đồng bằng ven thị lên tận các hậu cứ, xã huyện, khu… Việc vận chuyển, tiếp tế của ta có gặp nhiều trở ngại nhất định. Nhiều đơn vị bị đánh bật lên rừng, đời sống vô cùng khó khăn, khốn đốn… một số đơn vị đã phải rút ra Vĩnh Linh, ra Nam Quảng Bình chỉnh đốn và dưỡng sức. Tỉnh ủy Quảng Bình đã phát động nhân dân cả tỉnh, nhất là hai huyện phía Nam (Quảng Ninh, Lệ Thủy), vừa đùm bọc giúp đỡ tại chỗ, vừa huy động được trong nhân dân 2500 tấn gạo chỉ gọn trong tháng với tinh thần “trút gạo trong nồi” cho Trị Thiên ruột thịt và tổ chức vận chuyển số gạo đó vào Nam… Ban Bí thư lại giao cho Quảng Bình mở tuyến Thống nhất dựa vào đường giao liên của cán bộ, bộ đội giải phóng ra vào, tổ chức cho dân công thồ bằng xe đạp (Trung ương đã tăng cường một tiểu đoàn dân công thồ Thanh Hóa do đồng chí Nguyễn Hiều Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đảm nhiệm tổ chức), Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã phân công đồng chí Nguyễn Phụ Tỉnh ủy viên và đồng chí Dê, Trụ hình thành bộ khung của tuyến Thống nhất, lên Bang, Ho, Khỉ tổ chức việc “thọc tuyến” cho xe thồ có thể vận tải trèo núi đưa hàng vào Nam…

Tiếp đó Ban Bí thư lại phân công đồng chí Hoàng Anh Ủy viên Ban Bí thư tăng cường cho Khu ủy Trị Thiên. Thời gian này vào những tháng cuối năm 1968 là những tháng địch tăng cường đánh phá ác liệt nhất. Đối với vùng nam Khu 4, nhất là vùng “cán soong” từ Diễn Châu vào, lúc đầu địch gia tăng đánh phá toàn tuyến, tiếp đó tập trung dứt điểm từng đoạn trọng điểm, nhất là từ nam Hà Tĩnh trở vào. Đường ô tô bị ách tắc trên nhiều cung đoạn. Khi đến Nghệ An, chúng tôi buộc phải rời xe ô tô, đi bằng xe đạp. Được Quân ủy Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An giúp đỡ phương tiện, từ đất Nghệ An, chúng tôi phân thành hai nhóm bằng xe đạp (gồm đồng chí Hoàng Anh, Nguyễn Thân nguyên Khu ủy viên Liên khu 4 cũ, đồng chí Minh Chương và tôi là hai Chuyên viên Văn phòng Trung ương Đảng theo dõi Nghệ Tĩnh – Quảng Bình Vĩnh Linh cùng với một đồng chí bác sỹ, một đồng chí bảo vệ và thêm một giao liên qua từng cung đoạn. Mọi người đều nghi, ngụy trang, tranh chấp những giờ không có máy bay hoạt động, bám theo tuyến đường trung du dọc các gò đồi có đường mòn có thể đi bằng xe đạp. Có đoạn đi vào giữa đường làng, có đoạn ra quốc lộ 15, 12, 22… Từ Tỉnh ủy Nghệ An vào Tỉnh ủy Hà Tĩnh, rồi từ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vào Tỉnh ủy Quảng Bình; đến Tỉnh ủy nào đồng chí Hoàng Anh cũng đặt vấn đề bàn việc đảm bảo giao thông vận tải cho chiến trường miền Nam nói chung và cho Trị Thiên nói riêng; xác định nhiệm vụ Giao thông vận tải trở thành nhiệm vụ hàng đầu của các Tỉnh Đảng bộ ba tỉnh Nghệ – Tĩnh – Bình đối với sự nghiệp Chống Mỹ cứu nước trong giai đoạn quyết liệt này.

Có thể nói trong những năm 1967 – 1968 và cả đầu năm 1969, lợi dụng các đợt ngừng bắn ngắn hoặc dài vào dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch với những chiến dịch vận tải (đặc biệt là chiến dịch VT5 đã đẩy một đợt vận chuyển trên một vạn tấn lương thực, chưa kể vũ khí súng đạn của Quân đội mà các binh trạm đã tổ chức hệ thống vận chuyển riêng), toàn thể dân quân Quảng Bình – Vĩnh Linh và cả Nghệ Tĩnh nữa, không quản ngày đêm mưa gió, đạn bom các loại (nổ chậm, từ trường, thủy lôi vv… ) đều tập trung phục vụ cho vận tải, bốc dỡ hàng hóa, lao hàng ra phía trước.

Có những thôn xóm ven quốc lộ số 1, 15, 12, 22… trở thành những vùng kho dã chiến, nhất là vùng cảng Gianh, cảng Thanh Khê, cảng Nhật Lệ, Xuân Bồ; các đoạn Cẩm Xuyên – Kỳ Anh; Kỳ Anh – Bưởi Rõi Quảng Trường; miệt trên là Thanh Lạng – Tân Ấp, vùng Trung, Thượng Hóa (Minh Hóa); Xuân Sơn – Phong Nha – Khương Hà; vùng Cự Nẫm – Nam Trạch, Hoàn Trạch (Bố Trạch); từ Hà, Zét – Cầu 4 vào Rú Nguốn (Đồng Hới), vùng Nam, Long – Xuân Dục, vùng Bang – Rợn (Lệ Ninh) vv… đều là các vùng chân kho mà máy bay Mỹ trinh sát và thường xuyên tổ chức đánh phá ác liệt dai dẵng nhất.

Dọc biển, dọc sông cũng như dọc các tuyến giao thông ở đâu có hàng tập kết đến, toàn dân phải lo bảo vệ và chuyển tải tiếp, mà hạt nhân là lực lượng dân quân tự vệ, các Ban quản lý Hợp tác xã, các Ban Chỉ huy xã đội và đứng đầu của mỗi xã đó là đồng chí Chủ tịch xã với khẩu hiệu nổi tiếng của Quảng Bình: “Chủ tịch là chủ hàng”… Sau chuyến đi đợt cuối năm 1968 và tiễn đưa đồng chí Hoàng Anh vào Trị Thiên, chúng tôi cùng Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình trở vào khảo sát tuyến Thống Nhất. Lúc này đồng chí Lại Văn Ly là Phó Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Quảng Bình phụ trách Trưởng ban Đảm bảo Giao thông Vận tải tỉnh, đưa chúng tôi theo đường 15, xuyên vào tuyến Thống Nhất lên Vít Thù Lù vào Ho, vào Bắc và Nam Khỉ. Từ đó xe thồ còn thồ tiếp hết đồi này lên đồi khác mãi đến cao điểm 1001 thuộc địa phận Lào để tụt xuống phía dốc tây Trường Sơn giáp đầu nguồn sông Sê – Băng – Hiêng, đưa vào dòng chảy thả các bao gạo bọc bằng hai lớp nilong trôi về địa điểm X để giao liên của khu Trị Thiên nhận đón và gùi về hậu cứ của Khu.

Chúng tôi và các đồng chí Quảng Bình đã dùng xe con vào khảo sát. Một số đoạn dọc theo đường thồ (có đường lội theo khe suối, có đường trèo lên các đồi núi) và cùng nhau xác định: Nếu tổ chức mở rộng một ít và tu sửa một số đoạn đường thì có thể từ xe thồ tiến lên dùng xe con chuyển tải vào theo tuyến này vẫn đảm bảo bí mật được.

Thường vụ Tỉnh ủy đã cử đồng chí Nguyễn Tư Thoan cùng chúng tôi ra báo cáo với Ban Bí thư và Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã giao cho đồng chí Lê Thanh Nghị chủ trì với các đồng chí trong Ban Bí thư, Hội đồng Chính phủ và một số các đồng chí phụ trách các bộ, thường trực ngành liên quan như Bộ Quốc phòng (đ/c Phùng Kế Tài), Bộ Giao thông Vận tải (đ/c Dương Bạch Liên, Nguyễn Tường Lân… ) bàn giải quyết tăng cường phương tiện cơ giới cho tuyến Thống Nhất này (chủ yếu là loại xe Hồng thập tự), giao Quảng Bình ra tận biên giới Lạng Sơn nhận về, để đảm bảo chi viện cho Trị Thiên (qua Ban B đã được tổ chức và tăng cường cán bộ vững hơn).

http://doxuanthanh.tk/

Các đồng chí trong cơ quan Văn phòng Trung Ương Đảng năm 1968

Một lần nữa Quảng Bình – Vĩnh Linh tỏ rõ vai trò trong công cuộc Kháng chiến Chống Mỹ cứu nước lần này là hậu phương trực tiếp miền Nam nói chung và Trị Thiên nói riêng, nhất là việc góp sức mình trong sự nghiệp “Xẻ dọc Trường Sơn”, đảm bảo thông suốt đường đi qua các “cuống họng”, “cán soong” gian khổ ác liệt nhất.
Đăng nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét