24/11/12

Thương dân, dân lập đền thờ

Thương dân, dân lập đền thờ

Tình cờ trong khi đọc thông tin về vụ việc Tiên Lãng mình có nghe được câu "thương dân, dân lập đền thờ" nói đến những ông quan nếu nghĩ đến dân, vì dân thì dân sẽ nhớ suốt đời - lại nhớ và nghĩ về ông Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình thời đánh Mỹ đó là ông Nguyễn Tư Thoan. Hôm nay lịch sử đã trải qua nhiều giai đoạn, tổng kết lại phải khẳng định rằng Bí thư Thoan là một người sống vì dân và luôn nghĩ đến dân. Tôi có nhớ một bài viết của nhà báo lão thành ở Quảng Bình ông Phan Văn Khuyến về ông Thoan có nội dung người dân vùng Nam huyện Quảng Trạch ơn ông, lập đền thờ ông vì nhờ ông mà có công trình thủy lợi Rào Nan (Bài đó đăng trên tạp chí Linh Giang- Chi hội Văn nghệ Quảng Trạch ) chính nhờ công ơn của ông mà cánh đồng của người dân vùng Nam trở thành bờ xôi ruộng mật. 


Tuy nhiên khi sự phấn đấu đang ở đỉnh cao, người dân đang trông nhờ vào tài năng, sự quyết liệt dám nghĩ dám làm của ông thì ông bị "phốt" về lý lịch và sau đó là thời kỳ đau buồn. Đó cũng là một nét cố hữu thường gặp của người tài.
Ông mất, khi Quảng Bình vừa mới tái lập tính ( 1989 ). Đám của ông rất đông, dòng người kéo dài mãi không thôi.

Đập Rào Nan công trình người dân mang ơn ông Nguyễn Tư Thoan

NDM xin giới thiệu bài viết đăng trên báo Quảng Bình của tác giả Ngọc Tấn viết về ông

Cố Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan:

“Doanh điền sứ” mang tâm hồn thi sĩ

 

Xem xong tập cuối “Bí thư Tỉnh uỷ”, bố tôi bỗng ngồi thừ ra. Một lúc lâu sau ông bỗng thốt lên như với riêng mình:

- Cái phim này khiến mình nhớ tới ông Nguyễn Tư Thoan. Hai ông ở hai tỉnh khác nhau mà cái đức liêm khiết, lo cho dân còn hơn cả  nhà mình thì giống nhau đến lạ. Thời thế sao có những con người sống đẹp đến thế !

…Cố bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan – con người suốt 17 năm ròng đứng mũi chịu sào một tỉnh tuyến đầu miền Bắc, con người lừng danh với những “Gió Đại Phong”,“Quê hương Hai giỏi” ấy, cống hiến của một thời đánh giặc lịch sử đã sang trang. Trong cuộc sống đối diện với áo cơm thường nhật bây giờ, điều người dân nhớ nhiều đến ông hơn là những sinh kế mà ông để lại. Cùng thời với ông Nguyễn Tư Thoan, bố tôi chỉ là người lính bình thường ngoài mặt trận. Nhưng là người nông dân ra đi cầm súng, hết giặc lại trở về với gốc gác của mình, tôi hiểu điều gì đã chạm vào cõi sâu kín của lòng ông…



Quê tôi – làng Minh Lệ, xã Quảng Minh một trong 9 xã vùng Nam huyện Quảng Trạch, mảnh đất kẹp giữa hai dòng chảy của sông Gianh – bên nguồn Son, bên nguồn Nậy. Cho đến bây giờ trong tôi vẫn mồn một cái cảnh ruộng đồng: Một mảnh đất hẹp hình lưỡi búa mà đâu cũng nổi u gò những “rôộc” với cồn. “Rôộc” là ruộng trũng, chỉ cấy được một thứ lúa gọi là “nước hai” đỏ quạch. Còn đất cồn, vụ Mười chỉ gieo giống lúa chịu hạn “mành” hoặc “ré”. Nhìn thì đẹp mắt nhưng chỉ một trận bão là chỉ có thể rang “lớ” ( lúa lửng rang giả nhỏ thành cám) ăn qua ngày. Nguồn sống đích thực chỉ có vụ Năm khi đất cồn bát ngát một màu khoai. Câu hát vui “Quảng Bình khoai khoai là khoai” vận vào quê tôi có lẽ là đúng nhất. Trừ ba ngày Tết hoặc giỗ chạp, bữa cơm không khi nào ngớt độn khoai. Ấy thế nhưng khoai đâu có thừa mứa, rẻ rúng gì… Mùa bới khoai, thửa nào cũng kín người. Người làm thì ít, con mót thì nhiều. Dân tận dưới Thái Hoà, bên Hoà Ninh cũng kéo đến mót khoai. Còn lũ chúng tôi thì khỏi nói. Tan học, có đứa khăn quàng chưa kịp cởi đã tay cò tay rỗ xông ra ruộng. Dưới cái nắng hè như quạt lửa, chúng tôi hăm hở bới tung từng hốc đất để tìm từng mẩu khoai sót. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác mừng đến run người khi lưỡi cò vấp vào một mẩu khoai đứt lại dưới lòng đất. Để đối phó với đội quân mót đông đảo ấy, đích thân đội trưởng phải cầm roi cày giữ trật tự. Có khi ông phải thẳng tay lia những cục đất cứng như đá vào đám người dám mon men đến bên đống khoai chưa kịp gánh đi…

Chúng tôi đâu biết giữa những ngày cơ cực đó tương lai của một vùng đất đã được định đoạt với quyết tâm không gì lay chuyển của ông Nguyễn Tư Thoan: “Vũ khí trang phục không làm được, còn hạt gạo để ăn hàng ngày mà cũng không tự lo được là một nỗi nhục của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình”. Quảng Trạch là huyện lớn nhất, đông dân nhất tỉnh. Quảng Trạch đủ ăn là Quảng Bình đủ ăn. Biết vậy nhưng triển khai một công trình lớn giữa lúc chiến tranh đang vào thời điểm ác liệt nhất, sức người sức của đã vét cạn cho tiền tuyến có phải là một hành động liều lĩnh, khoác thêm nỗi khổ cho dân ? “Tay trắng đất không bàn tính mãi; mười năm đằng đẵng vẫn chưa làm”. Sau này vào những ngày cuối đời trở lại thăm công trình, ông đã hồi ức như vậy trong một bài thơ cuả mình. Đủ thấy quyết tâm và trở lực chạm nhau quyết liệt đến thế nào để khởi công được thuỷ lợi Rào Nan…

Tôi có một người anh họ, bấy giờ vì không đủ sức đi bộ đội nên được điều động vào công trình thuỷ lợi này. Những người như anh, xóm tôi bấy giờ vẫn gọi là “bộ đội Rào Nan”. Đùa mà thật, họ được quân sự hoá từ tổ chức đến kỷ luật làm việc. Công trường có thể trở thành trận địa khi cần… Chỉ một công trình thuỷ lợi này cũng đủ thấy tài tổ chức, tài phát động quần chúng của ông Nguyễn Tư Thoan: Giữa bối cảnh bầu trời không lúc nào ngơi tiếng máy bay giặc; mỗi xóm mỗi thôn sức người sức của đã vét cạn cho tiền tuyến, vậy mà chỉ hơn 1 năm - từ đầu 1968 đến giữa 1969 đã huy động được hơn 1 vạn lượt người - được trang bị đủ phương tiện cần thiết, được ăn đủ no để làm việc… Và không chỉ có thế, ông còn chứng tỏ tài năng trong vai trò của một công trình sư: Tự mình đi khảo sát, đích thân lặn cả xuống sông để đo độ nông sâu, ông đã chọn được vị trí vô cùng đặc địa để ngăn sông. Con đập dài hơn 100m, cao 6m kiểu bara bằng đá đan rọ sắt, rất phù hợp với điều kiện thi công thủ công mà vô cùng vững chãi. Đã hơn 40 năm trôi qua con đập vẫn vững vàng, thi gan với bao mùa lũ dữ….

Năm 1970 nước thuỷ lợi Rào Nan về đến quê tôi. Chẳng tổ chức lễ lạt đón mừng gì mà ai cũng biết. Nước chảy đến đâu lũ trẻ con đuổi theo hò reo muốn vỡ xóm… Chỉ một, hai năm sau chẳng cứ ruộng cồn, những mảnh đất vườn phủ dưới bóng tre rậm rì vẫn dược trồng thứ khoai “chiêm dâu” nhão nhoẹt dể chống đói cũng thành ruộng lúa. Đêm đêm tiếng gàu tát nước ập oà vang động làng trên xóm dưới. Chúng tôi lên cấp III. Trường bấy giờ đóng ở Quảng Thuỷ. Đi trên bờ kênh ăm ắp, nước trong vắt nom rõ từng bông cỏ đong đưa dưới đáy, lòng cứ lâng lâng cái cảm giác “nói với mùa thu”…

Mới đó, củ khoai lang mà người dân quê tôi ngỡ chẳng bao giờ thoát nổi bây giờ đã trở thành của hiếm. Nồi khoai xắt lát xéo nhừ xưa là bữa ăn mùa giáp hạt đã trở thành “đặc sản”…Cũng như quê tôi, nhờ thuỷ lợi Rào Nan mà dân 9 xã vùng Nam Quảng Trạch đã thoát được nạn đói cố hữu. Không chỉ có Rào Nan, với các đập Tiên Lang, Vực Tròn, Vực Nồi, Mỹ Trung… hàng chục vạn dân vùng Bắc Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Ninh cũng đã thoát đói. Tất cả các công trình này đều do ông Nguyễn Tư Thoan khởi xướng và chỉ đạo giữa thời bom đạn mù trời ấy. Quê tôi có người vẫn nói: Phải chi như ngày xưa, hẵn ông Thoan đã được dân lập đền thờ…

Cùng Hội đồng hương Quảng Bình, giờ tôi mới hay Nguyễn Thanh Bình là con ông Nguyễn Tư Thoan. Không thể ngờ con trai út của ông cũng có mặt ở chốn Cao nguyên này...

Tôi kể cho Bình nghe vào thời điểm công trình thuỷ lợi Rào Nan đang triển khai dưới làn bom đạn địch, quê tôi cũng nở rộ phong trào “tiếng hát át tiếng bom”. Tụ điểm biểu diễn văn nghệ là sân kho hợp tác. Không sân khấu, không phục trang vậy mà đêm nào cũng chật ních người. Trong các tiết mục “cây nhà lá vườn” nổi bật  là tiết mục ngâm thơ “Nhớ đồng chí Phùng” và “Tôi lại làm thơ” của ông Nguyễn Tư Thoan. “Nhớ đồng chí Phùng” kể về một người đội trưởng đội sản xuất tên Phùng:

 

 “Đội ni trước đây gian khổ lắm

nửa ở trên bờ nửa dưới sông.

Lương giáo hai chòm chưa họp lại

kẻ xuôi người ngược khá long đong”.

 

Thế nhưng khi chi bộ cử Phùng về phụ trách thì

 

“Đoàn kết giáo lương gắn bó chân tình

tất cả đều bám làng chiến đấu

bám hố bom mà sản xuất thâm canh”.

 

Phùng đã hy sinh trong một đêm làm nhiệm vụ gác cho dân làng xem chiếu bóng với lời trăn trối “Tôi còn ức chưa giết xong loài quỷ Mỹ/ mà nửa chừng đã phải hy sinh”. Bài thơ mộc mạc, được cô Khẩn ngâm nhiều lần mà người nghe cứ lặng đi rưng rưng. Và tôi – bây giờ đã hơn 40 năm, thật lạ vẫn còn nhớ gần hết bài thơn ấy…

Mấy hôm sau Bình đưa cho tôi 5 bài thơ của ông Nguyễn Tư Thoan mà anh còn giữ được. Thơ ông phần lớn là cảm xúc chính trị, khó lãy ra được những câu thật thần nhưng đọc xong toàn bài vẫn rất xúc động, bỡi đó là những cảm xúc rất chân thật về lý tưởng thời đại lúc ấy:

 

Cầu nối lại xe chưa qua nhà cứ dỡ

Đường chưa thông chẳng tiếc máu tiếc công

Thuyền cứ vượt thuỷ lôi đưa hàng lên phía trước

Xe băng bom nổ chậm chở đạn đến tiền phương

Trút gạo trong nồi cho miền Nam không tiếc

Ăn cháo rau đánh Mỹ khoẻ như thường…

 

Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao mình vẫn nhớ thơ ông. Chính là sự mộc mạc mà thấm đẫm tinh thần thời đại ấy… Sinh thời, ông Thoan vẫn nói với bạn bè: Thơ mình chưa phải là thơ mà mình cũng chẳng muốn làm thơ. Nhưng nhân dân anh hùng quá, chỉ nói bằng hình thức ấy thì mới diễn tả được…Bình kể rằng ông Thoan rất mê hò đối đáp. Xuống cơ sở, biết cán bộ nào có năng khiếu là ông lại rủ “thử tài”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mỗi lần vào thăm Quảng Bình là lại cùng ông hò đối đáp… Với tâm hồn thi sĩ, ông rất giỏi đúc kết một điển hình thành khẩu hiệu mang tôn chỉ hành động rộng rãi, ví như “Xe chưa qua nhà không tiếc”; “Cho không lấy, thấy không xin; của công giữ gìn, của rơi trả lại” vv. Ông đặc biệt quý mến văn nghệ sĩ. Giữa thời đạn bom thiếu thốn đủ bề, ông vẫn tạo điều kiện hết mình để họ sáng tác. Nhạc sĩ Hoàng Vân với ca khúc bất hủ “Quảng Bình

quê ta ơi” là một thí dụ…

“Văn là người”. Con người ấy đã sống trọn một cuộc đời chí công vô tư trong sạch…Ông có 7 người con. Hai con trai đầu với cương vị của ông, chẳng khó khăn gì để kiếm suất du học nhưng ông đã cho đi bộ đội. Một người là lính trinh sát, sau này là thương binh hạng hai. Một người là lính tàu không số. Tất cả đều tự học, thân tự lập thân. 17 năm giữ cương vị lãnh đạo tỉnh nhưng cả ngần ấy thời gian gia đình ông toàn ở nhà tập thể. Mãi đến năm 1974 được xã Nghĩa Ninh cho đất, ông mới mua lại một căn nhà gỗ 2 gian mang về ở tạm. Nghỉ hưu rồi ông mới xin mua ít gỗ dựng căn nhà ngói đơn sơ, tự đóng lấy táp lô, nhặt từng mảnh ngói vụn về làm chuồng lợn… Năm 1974 khi được điều động ra Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương nhận nhiệm vụ, có chiếc radio casset đáng giá nhất ông mang trả Tỉnh uỷ. Vật duy nhất mà ông giữ lại là chiếc bình hoa gò bằng xác máy bay Mỹ thứ 200 bị bắn rơi trên đất Quảng Bình… Ở Hà Nội, ông dè sẻn từng miếng thịt để rán mỡ gửi về quê cho vợ con. “Đặc lợi” duy nhất với ông cho đến lúc này là được mua một chiếc xe đạp “Phượng hoàng” giá cung cấp. Ông xin lấy bằng tiền để về quê với sổ tiết kiệm trừ lương tháng được…50 đồng !

Những ngày cuối đời ông sống thanh thản, coi mình chỉ mà một công dân bình thường đã hoàn thành trách nhiệm với đất nước. Nhưng lòng dân thì rất công bằng. Đám tang ông đã có hàng ngàn người dân đưa tiễn. Họ lặng lẽ dắt xe đạp đi bộ theo linh cữu ông…Nhà thơ Phan Văn Khuyến đã có bài thơ khóc ông cảm động

 

“ Anh ra đi chẳng để lại gì

Một căn nhà đơn sơ như những nhà đơn sơ nhất

Người vợ tảo tần với đàn con nheo nhóc

Sống gian nan trước sóng gió cuộc đời…” 

Hôm nay có cơm trắng áo lành

Bà con nhớ anh trên các công trình thuỷ l

Anh lo cho mỗi gia đình thiếu đói

Hơn cả lo chăm cuộc sống riêng mình…

 

Vĩnh biệt thế giới đã hơn 20 năm nhưng trong lòng dân Quảng Bình ông Nguyễn Tư Thoan không bao giờ mất…Với tôi, nghĩ về ông xin được mượn lời nhà thơ Tố Hữu viết về Nguyễn Công Trứ :

 

“ Tướng công - thi sĩ – doanh điền sứ

Quan lớn đời nay được mấy ông".

 

 

Ngọc Tấn ( theo báo điện tử Quang Bình )



 

2 nhận xét:

  1. Đúng,ông đã man trá về lý lịch (người ta phát hiện ra khi ông ở chức đầu tỉnh,và có nhiều công trạng,nếu không thì toi rồi).
    Man trá với Đảng là điều không thể chấp nhận,thế nhưng những công lao của ông sau khi lẻn váo đảng Lao động chứng minh một điều:kẻ xấu có thể trở thành người rất tốt.
    Thôi chuyện đã cũ rồi,ôn cũ một tý thôi.Chúc bạn luôn khỏe!

    Trả lờiXóa
  2. Khi đọc BÍ THƯ TỈNH ỦY QUẢNG BÌNH THỜI ĐẤT LỬA . NXB THUẬN HÓA. 2011, tôi nghĩ các tác giả hơi vội cung cấp thông tin. Để có chân dung ông Nguyễn Tư Thoan một các toàn diện, phải rất nhiều kiểm chứng. Anh/chị Hồng Nga nhỉ...:)

    Trả lờiXóa