NĂM ANH EM MANG NĂM CÁI TÊN
Theo thứ tự từ trên xuống dưới :
1/ NGUYỄN DOÃN DŨNG sinh năm 1947 (Đinh Hợi)
2/ NGUYỄN THỊ DOÃN CUNG sinh năm 1948 (Mậu Tý)
3/ NGUYỄN DOÃN MẠNH sinh năm 1952 (Nhâm Thìn)
4/ NGUYỄN DOÃN CƯỜNG Sinh năm 1956 (Bính Thân)
5/ NGUYỄN DOÃN BẢO sinh năm 1960 (Canh tý)
Anh
Dũng sinh năm 1947 , thời đó không riêng gì vùng quê tôi mà hầu như
trên đất nước Việt Nam còn gặp vô vàn khó khăn , thách thức . Cách mạng
Tháng 8 thành công mới một năm rưỡi thì thực dân Pháp quay trở lại xâm
chiếm nước ta nói chung và chiếm lại Đồng Hới nói riêng. Cuối 1946 Bác
Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến , chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường
kỳ của dân tộc. Đồng Hới thực hiện chính sách vườn không nhà trống . Phụ
nữ , trẻ em , người già phải di chuyển ra khỏi thị xã , tản cư lên các
vùng sâu vùng xa . Ngày đó , mẹ tôi bồng con tản cư lên tận làng Xuân
Dục (tức Xuân Ninh bây giờ) ở trên đó một thời gian chờ thị xã yên ổn
mới trở về. Đồng Hới bị tạm chiếm , trở thành nơi đóng quân của các đơn
vị quân Pháp.
Lớn
lên và đi học , những ngày hòa bình ngắn ngủi ở Đồng Hới anh tham gia
phong trào thanh niên của thị xã , như thanh niên ba sẵn sàng, tham gia
xây dựng đường dây điện thắp sáng cho thị xã (trồng cột điện, kéo dây)
và phong trào thể dục thể thao . Cùng lứa tuổi với anh ở xóm Câu và thị
xã có những anh chị như; anh Nhỏ, anh Đệ, anh Diệu, anh Chái , anh Hà ,
anh Sơn ( Giặc ),anh Thuận rồi chị Hương , chị Viên v…v nhỏ hơn thì có
Sáo , Hải , Dỉnh , Hùng …..Đặc biệt tại ngôi nhà số 12 đường Bờ sông ,
thuộc khu Nam , Xóm Câu cũng có một cô gái , tên là Bê ( Hoàng Thị Thu
Bê) , cùng tuổi với anh. Con gái thì siêng năng học hành , lo phụ giúp
gia đình. Đám con trai , ngoài việc học hành còn lại tụ tập đá bóng và
nhiều người đá cũng rất điệu nghệ nhưng rất tiếc khi phong độ và tuổi
tác đã đến độ chín muồi thì chiến tranh phá hoại Miền Bắc xảy ra. Mỗi
người mỗi ngã, người đi làm , người tiếp tục được đi học, người vào bộ
đội , vào công an hoặc đi thanh niên xung phong .
Tháng
2 năm 1965 , cùng một số thanh niên thị xã Anh lên đường nhập ngũ, tham
gia quân đội ( cùng đợt có anh Trần Lộc ) nhưng không là B dài B ngắn
gì cả mà ăn cơm bắc đánh giặc nam vì những năm đó Mỹ mới đưa quân ồ ạt
vào Miền Nam , tiến hành chiến tranh cục bộ. Bên kia vĩ tuyến 17 thuộc
các huyện giáp ranh Bắc - Nam là vùng chiến sự ác liệt nhất .Đơn vị của
Anh là trung đoàn 270 bộ đội chủ lực đóng tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh
Linh .Nhiệm vụ của trung đoàn là đánh địch ở bên kia giới tuyến bằng bí
mật, táo bạo, bất ngờ nhằm phá vỡ phòng tuyến của địch lập ra để ngăn
chặn sự chi viện của Miền Bắc cho Miền nam .Căn cứ vào tình hình chiến
trường và thời tiết , hàng đêm bộ đội xuất phát từ Vỉnh Linh đánh sang
làm tiêu hao sinh lực địch, phá vỡ tuyến phòng thủ của chúng cũng coi
như mở đường cho bộ binh và cơ giới của ta vào Nam. Với đặc thù và tính
chất cuộc chiến như vậy nên mới gọi là bộ đội ăn cơm Bắc đánh giặc Nam
hay bộ đội ngày Bắc đêm Nam. Khi tuyến phòng thủ hiện đại nhất thế giới
của Mỹ “ Hàng rào điện tử Mắc- na- ma- ra ‘’ nhằm ngăn chặn Miền Bắc chi
viên cho Miền Nam không còn tác dụng nữa thì trung đoàn 270 lại tỏa đi
các chiến trường mới, nhận nhiệm vụ mới .
Khoảng
năm 1968 Anh được đưa ra Nghệ an chuẩn bị đi học lái xe tăng , nhưng
không thành nên chuyển sang học lái xe ô tô quân sự, sau đó chuyển về
trung đoàn D30 Cục Hậu Cần đoàn 559. Cái nghiệp lái xe cùng Anh , gắn
với Anh suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày toàn thắng
và cả sau khi ra quân chuyển qua dân sự vẫn xe ta bon bon trên mọi nẻo
đường ,vào Nam ra Bắc.
Trung
đoàn D30 thuộc Cục Hậu cần đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn) làm nhiệm vụ
trên suốt chiều dài đất nước từ Lạng Sơn vào tận Cà Mau. Hễ chiến trường
kéo dài đến đâu là hậu cần có mặt đến đó trước, để kịp thời cung cấp
trang thiết bị khí tài , lương thực , thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men
thậm chí cả cây kim sợi chỉ cho bộ đội . Mà kẻ địch thì luôn tìm mọi
cách đánh phá nguồn cung cấp hậu cần của ta nên trận tuyến của người
lính hậu cần vô cùng gian lao , nguy hiểm .Ngày đó lính lái xe lấy đêm
làm ngày , ngày nghỉ chặt cây ngụy trang cho xe, đêm đi. Lấy ánh trăng
làm đèn, tranh thủ vượt thêm vài trăm cây số. Lợi dụng pháo sáng địch ,
cố thêm cho kịp đến binh trạm .Không trăng , không pháo sáng thì đèn cốt
đèn gầm rọi xuống tim đường cứ thế mà đi thẳng ra chiến trường và “Đánh
địch mà đi, mở đường mà tiến’’, “Yêu xe như con , quý xăng như máu” “
Thà hy sinh trên tay lái, còn người là còn xe, còn người là còn hàng ‘’
là khẩu hiệu hành động , là suy nghĩ từ con tim , khối óc của những Tuấn
mã trên núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Không thể kể hết những nơi mà
trung đoàn D30 đóng quân trên khắp mọi miền của tổ quốc , chỉ nhớ một số
nơi như Hà Nội , Ninh Bình , Nghệ An , Vĩnh Linh . Chỉ riêng trên mảnh
đất Quảng Bình cũng có đến bốn hay năm địa điểm đơn vị đóng quân Như:
Khương Hà , Hiền Ninh , An Ninh…Và trong số hàng trăm “tay lái ”ngày ấy ,
nay vẫn còn như đâu đó hình ảnh tiểu đoàn trưởng Phan Tương , người
Miền Nam tập kết. Rồi các anh , như anh Sỹ , anh Trang , anh Vị , anh
Doãn người Nghệ An . anh Phạm văn Đoan Người Thái Bình .Và nhiều , nhiều
lắm các anh ở tận Lào Cai , Yên Bái , Bắc Cạn , Vĩnh Phúc, Lai Châu …..
Mà cũng lạ , đơn vị có đến hàng
trăm người người toàn dân từ Nghệ An trở ra , nhưng hầu hết là người
Khu 3 chỉ duy nhất một mình anh tôi là người Quảng Bình ,lại được sự chỉ
huy của một cán bộ Miền Nam tập kết .Thú vị nhất là từ đoàn D30 này
những vần thơ chống Mỹ, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng , tinh thần
chiến đấu ngoan cường, quả cảm của quân đội ta , nhân dân ta được hình
thành bởi một người lính , một nhà thơ mà tên tuổi và những vần thơ của
Anh vẫn còn sống mãi với thời gian. Nhà thơ Phạm Tiến Duật- Người lính
tiểu đoàn D30 – hậu cần – Phạm Tiến Duật . Chính những người con tứ xứ ,
quen nhau từ thuở lái xe ấy đã kề cận bên nhau ngay trong những giây
phút hiểm nguy nhất
Cái vết thương xoàng mà đưa viện,
, Hàng còn nằm đó , tiếng xe reo,
Nằm ngửa nhớ trăng , nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy, nhớ lưng đèo .
Hoặc
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm,
Đường ra trận mùa này đẹp lắm,
Trường Sơn Đông , nhớ Trường Sơn tây .
Mặc
dù đơn vị đóng quân ở Quảng Bình nhưng ít khi anh được về thăm nhà ,
họa hoằn lắm mới tranh thủ ghé nhà một hai tiếng rồi vội vã ra đi , vì
ngày đó chiến tranh còn ác liệt lắm .Cũng may , mặc dù chiến tranh nhưng
phong trào thể thao trong đơn vị luôn được chú trọng nên thỉnh thoảng
anh được cử tham gia đại hội thể thao của đơn vị nhờ năng khiếu đá bóng ,
bóng chuyền từ nhỏ. Nhờ vậy mà có thời gian thăm nhà , thăm quê nhiều
hơn . Chuyện riêng tư , có lẽ cũng từ đó mà….. tới .
Còn
nhớ , mùa hè năm 1971 anh lái chiếc Zin –khơ cắm đầy lá ngụy trang và
bụi đất đỏ Trường Sơn ghé nhà (lúc đó đang ở Mỹ Cương) xe phải đổ bên
đồi Xưởng in . Thời đó được ngồi trên cabin xe nhà binh để thưởng thức
hương vị “Xe không kính, không phải là xe không kính , đạn giật bom rung
kính vỡ mất rồi ‘’ hoặc “ Cái gạt nước xua đi nổi nhớ Đông Trường Sơn
nhớ tây Trường Sơn ‘’ thì sung sướng lắm . Đến tối , tôi gợi ý và anh
đồng ý cho lên xe đi một vòng tới mô cũng được . Thế là “ung dung buồng
lái ta ngồi, nhìn đất , nhìn trời , nhìn sao , nhìn biển ‘’Quá đã. Xe
chạy từ đồi Mỹ Cương, trên đường sắt cũ qua Nam Lý , xuống thị xã (lúc
đó là một đống đổ nát ) vòng lên Cộn, ghé thăm nhà chú Trang , chưa đến
mười phút.
Có đi nữa không ? Tôi trả lời : Nữa ! Rồi lại lên xe.
Xe
chạy xuống khu vực Nghĩa Ninh , rẽ phải vào một cánh đồng rồi dừng lại
trên một con dốc nhỏ , cạnh bờ mương thủy lợi. Trăng sáng , gió hây hây
tứ phía biển thổi vào và từ trường sơn đổ xuống , quấn quýt vuốt ve đám
ruộng xanh non đang thì con gái ,thoang thoảng mùi thơm lúa mới . Quá đã
.
Anh dặn tôi ngồi coi xe ,
khoảng hai mươi phút mà chân phải đạp lên côn, kẻo sợ xe tuột dốc. Rồi
anh đi bộ một mình về hướng cửa sau , Ty Công an Quảng Bình . Năm phút ,
rồi mười phút qua mau , tôi vẫn vui vẻ , chân đạp côn tay ôm vô lăng
cái đầu lắc la lắc lư rất khoái chí . Nhưng mười lăm rồi hai mươi phút
đầu tiên trôi qua , không thấy anh ra , chân tay đã mỏi, hơi buồn ngủ.
Rồi hai mươi phút tiếp theo , lại trôi qua , vẫn không thấy anh ra. Chân
tay đã mỏi nhừ , cơn buồn ngủ đã đến , vẫn không thấy anh ra.
Lại
thêm hai mươi phút nữa và bực , tức , ân hận ….bắt đầu ùa đến xen lẩn
những suy nghỉ vẩn vơ .Cố mở mắt thật to nhìn về hướng Ty Công an thì
thấy có bóng người đi ra , nhưng không phải một mà những hai người. Hai
người không đi , mà lại đứng ! Đứng dưới bóng trăng . Hay nói chính xác
là nấp dưới bóng trăng và cạnh mấy bụi chuối đang nở bông ra trái . Cố
nhìn mà cũng chẳng thấy gì và cũng chẳng biết là ai ,vì bị mấy bụi chuối
che mất, lại chờ vậy . Cuối cùng (cũng phải mười lăm phút nữa) , hai
người đi về hai phía . Một trở vào Ty Công an , một tiến về chỗ thằng
tôi đang ngồi coi xe , cho tới khi tôi nhận ra đó là anh tôi với một
dáng đi thoải mái và khi đến gần là một nét mặt tươi tắn đầy mãn nguyện
…..
Một
thời gian sau đó ít lâu, tôi tìm hiểu thì mới biết người thứ hai hôm đó
làm tôi phải ôm vô lăng ngồi suốt đêm trên cánh đồng xã Nghĩa Ninh là
cô công an người xóm câu, cùng tuổi với anh tôi, được sinh ra và lớn lên
tại căn nhà số 12 đường Bờ sông- Xóm Câu, bên dòng Nhật Lệ hiền hòa và
xinh đẹp , mà đã đề cập ở phần trước. Và ai cũng hy vọng về một kết thúc
có hậu cứ thế lớn dần cho đến ngày “ Trâu ta ăn cỏ đồng ta”
Năm
1974 tranh thủ thời gian hòa bình ngắn ngủi sau khi Hiệp định Pa ri ký
kết và giữa hai mùa chiến dịch , một đám cưới ấm cúng được diễn ra . Chú
rể là bộ đội lái xe , cô dâu là cán bộ công an tỉnh. Cả hai đều là
người Xóm Câu , lại biết nhau từ nhỏ nên hai bên gia đình cũng hiểu nhau
nhiều và thông cảm nhau hơn.
Sau
đại thắng mùa xuân 1975 anh tôi ở lại trong quân ngũ thêm mấy năm nửa ,
rồi phục viên chuyển về quê ở Đồng Hới. Tiếp tục lái xe cho công Ty
Thương nghiệp , mà thời đó , cả nước vừa thoát ra chiến tranh còn vô vàn
khó khăn thách thức , lại thiên tai bảo lụt liên tiếp . Đồng Hới nói
riêng và Quảng Bình nói chung còn thiếu thốn mọi bề , ngành thương
nghiệp phải gồng mình lo cho dân từ lương thực , thực phẩm thậm chí cả
tương cà mắm muối , và cả cây kim sợi chỉ . Chế độ bao cấp vẫn duy trì
và tem phiếu vẫn ngự trị trong cuộc sống thường nhật của con người . Mà
ngày đó, nền sản xuất tiểu thủ công nghiệp , nông nghiệp của Quảng Bình
chưa ra ngô ra khoai gì cả nên tất cả đều nhờ vào sự năng nổ , tháo vát
của mấy ông cán bộ thương nghiệp.Ở đâu có kế hoạch cấp hàng , khi nào
Trung ương cho chỉ tiêu là La- đa – Lát lại lên đường . Hà Nội , Hải
Phòng hay Huế , Đà Nẵng thậm chí cả Sài Gòn ở đâu có hàng là La- đa- lát
có mặt chở cán bộ tiền trạm đến liên hệ xin hoặc mua về phục vụ nhân
dân . Có năm Quảng Bình mất mùa do lũ lụt , dân Đồng Hới thiếu gạo , Ủy
ban Nhân Dân thị xã còn trưng dụng cả xe và lái vào tận Long An , Tiền
Giang mua gạo về cung cấp cho dân. Những ngày đầu ra quân, phục viên của
một lính lái xe Trường Sơn năm xưa là vậy đó . Nhưng vượt lên tất cả ,
hạnh phúc đã mỉm cười khi mọi khó khăn gian khổ lần lượt được vượt qua
một cách nhanh chóng , đời sống nhân dân đi vào ổn định và trong cái
chung cũng có cái hạnh phúc riêng khi một , hai rồi ba em bé ra đời. Nay
chúng đã lớn và trưởng thành ,
Con
gái đầu ở nhà gọi là bé , nhưng đi học thì có tên là Hương nên gọi luôn
là Bé Hương cho dễ phân biệt với bé con hàng xóm. Nay bé Hương không bé
nữa mà đã thành cô giáo Thu Hương, công tác tại Trường Địa Chính Trung
ương ở huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai và Bé Hương đã có một bé trai khôi
ngô , lém lỉnh. Mới ba tuổi mà phát âm chuẩn ba “ nội ngữ , bằng giọng
Bắc – giọng Trung và giọng Nam .
Nó
hỏi mẹ nó “ Mẹ Đi mô về rứa” nhưng với bố nó thì “Bố đi đâu đó” . Rủ
bạn vào nhà, thì “ Zô chơi zới tớ cho dzui” .hoặc “ Thưa bà con dzề”
Hai
thằng sau là Tuấn và Tiến nay cũng sinh sống, làm việc tại thành phố Hồ
Chí Minh và đã ngoài ba mươi cả rồi nhưng xem ra chưa đâu vào đâu cả,
vẫn trong tình trạng độc thân, vui vẻ. Được cái là đã tự lo cho cuộc
sống bản thân mà không cần viện trợ của cha mẹ nữa . Thành thử anh chị
tôi có chờ dài cổ cũng chưa biết khi mô mới lên chức ông nội , bà nội .
Mà trước mắt, chỉ mới ông ngoại , mệ ngoại thôi.
Nguyễn
thị Doãn Cung là tên khai sinh , là tên đi học còn ở nhà được gọi là
Ny, kém anh Dũng một tuổi . Không nói thì cũng biết, cả năm anh em nhưng
chỉ có một Thị nên quý lắm. Cũng vì vậy mà trong nhà việc gì cũng có Ny
gánh vác , lo toan . Hồi còn nhỏ , Ny ở nhà đi học và phụ giúp việc gia
đình rất chu đáo , lại rất có uy trong nhà . Mà cũng đúng thôi vì hồi
đó chợ búa , ăn uống gì trong nhà cũng một tay Ny lo , lơ mơ với Ny là
không được.
Khoảng năm 1958,
chị học trường cấp 1 Đồng Hải ở Khu Đồng Đình , đến 1962 thì chuyển lên
cấp hai Đồng Hới ở bên cạnh cầu Mụ Kề , tuổi nhỏ đi học ( cấp 1, 2 )
của chị có rất nhiều bạn bè thân thiết và được nhiều thầy cô quý mến và
là thời gian sống trong hòa bình của đất nước , nên tuổi trẻ rất hồn
nhiên , trong sáng . Ở Xóm Câu ngày đó Ny có rất nhiều bạn bè cùng trang
lứa . Có thể kể qua một vài người trong xóm như Trần Sáo, Trần Hải ,
rồi Hường (chị Hùng Ngoọng) rồi Cỏn ( Chị Nuôi) rồi Chanh , Hạnh ( chị
của Ớt )….hoặc Như , Tương Bình , Lựu, Nga và kể cả Thu Bê nữa . Ngoài
ra còn một số bạn bè cùng học nhà ở Bảo Ninh như anh Đoàn Thị, anh Đắc
,anh Thế, anh Thông… mà trong đó có người nay đã thành thiên cổ ,còn lại
đến nay tuy đã ngót hơn nữa thế kỷ, tóc đã bạc và lên chức ông bà nội
ngoại cả rồi nhưng cứ gặp được nhau là : Mày , Tao , Tao , Mày . cứ như
hồi mới 12, 13 tuổi vậy.
Những
năm đó , ngoài đi học Ny phải lo chăm sóc các em , chợ búa cho cả nhà .
Nhớ nhất là chiều nào Ny cũng ghé chợ, xí chỗ sắp hàng đợi tối khi
thuyền đánh cá về mua được vài ba cân cá tươi cho cả nhà.( kho , nấu
canh hay chiên rán gì cũng có). Năm 1965 Chị lên lớp 8, vào cấp 3 Quảng
Bình cũng là năm chiến tranh phá hoại Miền Bắc của Mỹ . Năm đó , cả Đồng
Hới phải sơ tán và cấp 3 Quảng Bình cũng phải sơ tán lên tận xã Vạn
Ninh huyện Quảng Ninh. Lúc đó tôi mới vào lớp năm và cũng theo chị sơ
tán lên Vạn Ninh để được tiếp tục đi học .Từ lớp năm , ngước lên nhìn
các anh , các chị học cấp 3 mà sao cao vời vợi , mà sao xa thăm thẳm.
Đường
đi gian lao vất vả , cách sông trở đò nhưng cứ đi sẽ đến , cứ đi sẽ
thành quen .Từng tốp , năm bảy người kết thân với nhau hành quân từ Đồng
Hới lúc sáng sớm với ruột tượng gạo quấn ngang bụng , tập vỡ , sách
giáo khoa kè kè ngang hông . Cứ thế thẳng tiến lên Vạn Xuân . Ai biết và
thích đi đường nào cứ đi nhưng phải chọn đường ngắn nhất, ít nguy hiểm
nhất để tránh máy bay Mỹ . Nhóm học sinh thị xã cùng lớp với Ny ngày đó
có anh Hoàng Trọng Tôn , anh Trần Mạnh Lực , chị Nguyễn Thị Minh Trung ,
chị Lý , chị Lương thị Bích Liên, chị Dương Thủy , chị Lê thị Bạch
Yến….đi đường từ Cầu Dài theo quốc lộ 1A Lên Lương Yến, Văn La rồi theo
đường làng đi lên Vĩnh Tuy , qua bến đò Trúc Ly lên Hữu Phan – Trần Xá .
Lại qua bến đò Trần Xá mới lên đến Xuân Dục – Hiền Ninh .
Đến
được chợ Cột nghĩ ngơi và coi như hơn nữa chặng đường vì không còn con
đò nào nữa, xong mới đi tiếp và phải qua Thủ Thừ – Kim Nại (thuộc xã An
Ninh) mới đến Vạn Ninh . Nếu tính từ Đồng Hới lên thì có lẽ đây là con
đường ngắn và ít nguy hiểm nhất vì tránh cầu phà và các ngã ba ngã tư
trọng điểm giao thông . Nhưng cũng có những cung đường phù hợp với nhóm
khác, như lên Mỹ Trung – Quảng Xá hoặc theo đường 15, đường sắt củ lên
Long Đại . tuy nhiên đường này khá nguy hiểm vì quá vắng vẻ , có khi còn
gặp cả thú rừng.
Năm đó, Ny
học lớp 8A, ở xóm Bến. Hiệu trưởng là thầy Lê Khánh và các thầy cô như :
Cô Xuyến , thầy Hoàng (Văn)…Thầy Lượng , thầy Kỳ (Toán)… Thầy Khả (hóa)
Thầy Đóa (Chính Trị) và thầy Hoành, thầy Dũng dạy ngoại ngữ … Thầy Kỷ
năm đó mới ra trường, còn trẻ và rất đẹp trai nên được học trò để ý
nhiều lắm . Thầy Hoành dạy tiếng Nga là dân Hà nội thứ thiệt , lại đẹp
trai , trắng trẻo . Nhà thầy ở phố Nguyễn Thượng Hiền (gần bến xe Kim
Liên – mà tôi đã có dịp đến thăm) Ngoài tên các anh chị đã nêu trên còn
có chị Việt Nga ,chị Đặng Quỳnh Hoa. anh Nguyễn Đại Thắng .anh Lê Như
Trí , anh Hồ Chấn… Đặc biệt còn nhớ, anh Lê văn Chương người Lệ Thủy ,
làm lớp trưởng. Không biết do làm lớp trưởng phải lo toan cho lớp hay do
“ máu xấu” mà tóc anh bạc từ những ngày đó nên được gọi là Chương bạc
và đến nay gặp lại anh ấy thì (tóc đâu đâu cũng bạc hết cả rồi ). Lại
nhớ ngày đó, ít ai có được chiếc xe đạp để đi vậy mà anh Chương có chiếc
xe Thống nhất sườn ngang nên nhiều lần tôi cũng được anh cho quá giang ,
ngồi trước sườn xe , phía sau là lương thực , sách vở . Mặc dù chiến
tranh nhưng học sinh khóa này học rất giỏi (mà chị tôi cũng vào loại
giỏi toán).
Lớp này phần lớn
là người Đồng Hới , nhiều chị được coi là hoa khôi của trường hoặc của
thị xã như chị Minh Trung , chị Bích Liên, chị Việt Nga. Chị Minh Trung
sau vào đại học Y Hà nội được nhiều khóa suy tôn là Hoa hậu trường Y.
Một số tiệm ảnh ở Hà nội còn lấy ảnh của chị ấy làm mẫu (chứ không phải
là quảng cáo như bây giờ) Nay chị ấy đã ngoài 60 lâu rồi nhưng còn …đẹp
lão lắm . Chị Lương Thị Bích Liên là người Hoa, bố là chú Mùi (người
Đồng Hới thường gọi một cách thân mật) làm nghề nhiếp ảnh. Đã lâu tôi
không gặp chị ấy nhưng bù lại Lương Thị Như Hiền và Lương thị Ngọc Hà (
là em chị Liên ) lại là bạn học tại cấp 3 với tôi . Như Hiền , và nhất
là với Ngọc Hà tôi có những kỷ niệm đẹp khi tham gia phong trào văn nghệ
của trường vào 1971 mà ngày đó Ngọc Hà là một trong những hoa khôi của
trường . Chị Việt Nga ở chung một nhà với hai chị em tôi ở xóm Bến , mà
cũng may , nhà này có thằng Nghệ bằng tuổi với tôi và cũng đang học lớp 5
nên rất tiện .Chị Nga coi tôi như em ruột. Tuy chưa đến một năm nhưng
tình cảm chị em rất thân thiết.Hết cấp 3 chị vào đại học ngoại ngữ,
chuyên ngành tiếng Trung và công tác tại Viện Nghiên cứu về Hán Nôm .
Nếu chị Minh Trung ,có nét kiều diễm , kiêu sa kiểu Tây phương thì chị
Việt Nga có nét dân giã , đằm thắm … theo kiểu Phương Đông hơn .Chị Bạch
Yến là con bác Trợ , có xưởng chè Trường Xuân mà mẹ tôi làm , đã nói ở
phần trên . Sau này chị ấy vào ngành sư phạm và giảng dạy ở Huế , nay
chắc cũng nghỉ hưu rồi. Hồi đi học chị ấy cũng thuộc tốp có tiếng, ấy là
: con nhà khá giả , học giỏi , lại xinh gái nên nhiều người trồng cây
si.(ai đọc mà chớp chớp mắt thì biết liền) . Nhưng cây si nào si nhất
chắc chỉ có “ Giặc ……mới biết”
Từ
Đồng Hới sơ tán lên Vạn Ninh, thầy trò ra đi với hai bàn tay trắng, nên
điều kiện học tập là hết sức khó khăn. Lớp học là nhà hầm nữa chìm nữa
nổi, nằm rải rác trong các khu vườn của nhà dân, giữa các đồi cây um tùm
quanh làng . Bàn ghế là những cây gỗ tròn được đẽo và ghép lại, do thầy
giáo và học sinh vào rừng chặt mang về. Nhà ở thì cứ 1, 2 hoặc 3 người ở
rải rác trong các nhà dân từ thôn Bến , xóm Sỏi ,đến xóm Chùa , xóm Đồn
.Ăn uống phải tự túc hoặc góp gạo chung với gia đình rồi ăn chung tùy
theo hoàn cảnh điều kiện từng nhà . Thầy giáo soạn bài và học sinh học
bài đều dưới những cây đèn dầu , mà ngày đó gọi là đèn Phòng không được
chế từ những ống tiêm đã qua sử dụng , ánh sáng được che kín chỉ chừa
một lổ nhỏ vừa nhìn đủ trang sách. Loại đèn này ,vừa hạn chế được ánh
sáng tỏa ra xung quanh lại tiết kiệm được dầu vì nó cháy bằng hơi dầu
chứ không đốt trực tiếp . Trong hoàn cảnh đó , nhưng tình bạn , tình
thầy trò cứ như một chất keo kết dính mọi người lại với nhau mà đến nay
vẫn nguyên như cũ. Xin chép tặng những người anh , người chị từng là học
sinh một thời hoa lữa của cấp 3 Quảng Bình năm ấy , bài thơ của cô Phan
Thị Xuyến giáo viên dạy văn ,với tựa :
NHỚ
Một thời đạn bom , một thời đánh Mỹ
Sống động về theo nét bút cài hoa
Quảng Bình ơi! Ngày ấy không nhòa
Nơi đất Mẹ gợi về nổi nhớ
Nhớ thuở cô trò đồng cam cộng khổ
Củ sắn, củ khoai chia ngọt sẽ bùi
Tiếng giảng bài lẫn trong tiếng bom rơi
Thần Sấm , Con Ma xé trời rạch đất
Ba mươi Tết , cả trường đi chiến dịch
Tải đạn về vui Tết cùng dân
Và đêm đêm Võ Xá, Hiền Ninh
Long Đại , Quán Hàu ầm ầm bom dội lửa
Vách hầm rung lên theo từng nhịp thở
Ngọn đèn chao nghiêng
Vẫn ngời lên trang vở
Cho bài học ngày mai
“Súng bắn chưa quen
Quân sự vài bài
Lòng vẫn cười vui Kháng chiến”
Ta đã đi và ta đã đến
Thắng giặc rồi ta xây lại trường ta
Quảng Bình ơi ! Đất Mẹ hiền hòa
Trong lửa đạn Người là sự sống
Trong thương đau , Người ta hy vọng
Khắc đậm tên Người trong sâu thẳm hồn con.
( Xin miễn bình luận, vì mỗi từ, mỗi câu trong bài thơ đều đã lột tả hết tình cảm thân thương của tình thầy trò ngày ấy)
Tháng
11 năm 1965 , hai chị em đang học ở Vạn Xuân thì ba tôi kêu về gấp , mà
còn dặn phải đem hết quần áo, sách vở về luôn . Tưởng chuyện gì , ai dè
ngày 13 tháng 11 năm đó tôi và chị được đưa ra Bắc , trên chiếc xe Mô-
nô của Bộ Thủy lợi vào công tác và do anh Quế (chồng chị Phong ) làm
trưởng đoàn .Lái xe là anh Chính , người Hà Bắc. Phụ xe, kiêm hậu cần
cũng là cán bộ đo đạc là anh Hợp, người Hà Nội .Trước lúc đi xa , hai
chị em lén ba tranh thủ ghé về thăm thị xã, thăm và ngắm lại căn nhà ,
lúc đó gần như vẫn còn nguyên vẹn .Tôi ghé qua nhìn lại cái giếng Chăm ở
nhà thờ họ Phạm, nơi có Ông Dòi , một vị quan còn lại trong triều đình
nhà Nguyễn coi sóc và cái giếng nhà O Cân ở cạnh nhà , nơi mà trước đó,
trưa hè nào tôi cũng tắm truồng . Nhìn xuống giếng, mấy con cá Tràu vẫn
đang bơi lội như không có gì xảy ra, thấy bóng người chúng quẩy mạnh
đuôi rồi lặn xuống đáy giếng .Lại xuống bờ sông Nhật Lệ nhìn về phía Bảo
Ninh, về phía cữa biển ở Đông Thành , rồi nhìn dãy U- bò xa xa ở đằng
Tây, như cố giữ lại những kỷ niệm một thời thơ trẻ .Có mấy chú khuyển
mực , khuyển vàng nhà ai không chịu theo chủ đi sơ tán, đang vô tư đùa
giỡn ở gần nhà Xâu, thỉnh thoảng lại cắn nhau inh ỏi, thì ra chúng đang
tranh giành một bạn tình ,đang nằm vẩy đuôi gần đó. Và điều gì xảy ra
…chắc sẽ đến . Đồng Hới thanh bình , mới qua một năm rưởi chiến tranh
với cả chục trận oanh tạc,bởi máy bay giặc Mỹ. Dấu vết chiến tranh đã
hằn rõ trên thịt da Đồng Hới,bởi những hố bom sâu hoắm , khét lẹt mùi
bom đạn nằm rải rác ở khắp nơi từ Cầu Dài ra Đồng Phú. Xung quanh , trên
vành miệng một hố bom ở gần chùa Linh Quang , ai đó vừa mới đặt ba bát
nhang , ba chén cơm , những nắm nhang cháy dỡ đang nghi ngút khói và
những cành hồng trắng , hồng đỏ còn tươi nguyên.
Bất
chợt, tôi nhớ nhà thơ Xuân Hoàng và bài thơ viết về Đồng Hới đi vào
chiến tranh của Ông: (Trích trong tuyển tập Thời gian và Quãng cách -
NXB Văn học 1990)
Em đi , phố nhỏ động cành dừa
Cữa biển về khuya gió đêm ngả lạnh
Phố nhỏ tan rồi qua bao trận đánh
Chúng ta về, ấm lại dải đường xưa
Anh yêu em không phải chỉ riêng em
Bởi lẽ tình ta nhen lên từ phố nhỏ
Phố nhỏ đổ….nhưng lòng ta ở đó
Vẫn ngọt ngào trong nổi nhớ đầu tiên
Phố nhỏ quê ta thức nhiều kỷ niệm
Hương dạ lan thơm ngát những cành dài
Em đi nhé, bóng em lồng bóng biển
Bài thơ lành anh đến ngủ trên vai
Sao thương thế, bài thơ lành phố nhỏ!
Cặp tình nhân nào đó tiễn đưa nhau ?
Thơ phố nhỏ cũng chính lòng ta đó :
Đồng Hới ơi , năm tháng đậm thêm màu!
Ta biết hôm nay Đồng Hới hủy mình
Để có một ngày mai Đồng Hới đẹp
Thành phố ta xây bên bờ biển biếc
Biển Miền Trung xanh ngắt một màu xanh
Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta,
Sẽ lại trồng hoa hồng trên lối cũ.
Hoa Thược Dược đến mùa xuân lại nở
Vàng huân chương trong mỗi sân nhà.
Hỡi em yêu, cây Táo nhỏ bên vườn
Lại sây quả mỗi mùa xuân đến sớm
Mặc lũ con ta ra vườn hái trộm:
Những năm dài chúng vẫn nhớ quê hương!
Và những chiều xanh xao động hàng Dừa
Ta lại về ngồi trên ghế đá
Nhìn những cánh buồm đi trong nắng hạ.
Nhắc lại ngày phố đổ năm xưa
Nhật Lệ quê ta vốn sẵn nhiều buồm,
Mây ngũ sắc ta gửi vào một tấm
Buồm sẽ đi xa, biển mình đẹp lắm.
Đồng Hới mình sẽ đẹp vạn lần hơn.
Thực
ra, bài thơ này vào thời điểm đó chưa ra đời mà đến đầu năm 1966 mới
được chú Xuân Hoàng viết ra. Khoảng ba tháng sau đó, tôi nhận được thư
Ba từ Quảng Bình gửi ra , Ông hỏi thăm sức khỏe , đi đường, rồi ăn ở ,
học hành ra sao . Rồi Ông khoe: Chú Xuân Hoàng vừa ghé thăm ba ở Phúc
Duệ nhân chuyến công tác đến xưởng in đặt in bài cho hội Văn nghệ Quảng
Bình và Chú vừa có bài thơ viết về Đồng Hới hay lắm, mà mới viết , chưa
đăng. Sẵn có Chú đang ở đây Ba kêu chú đọc, Ba chép gửi cho con luôn .
Bài thơ ấy theo tôi suốt những tháng ngày trên đất Bắc. Mỗi lần đi trên
đê , nhìn sông Hồng, sông Thái Bình cuồn cuộn Phù sa mà chạnh lòng nhớ
về Nhật Lệ , nhớ về Kiến Giang. ( xanh ngắt một màu xanh )mỗi lần đi qua
Cầu Long Biên ở Hà Nội, cầu Đuống hay Cầu Bo ở Thái Bình lại nhớ về Cầu
Dài, Cầu Ngắn .Mỗi đêm Noel, nhìn dòng người lủ lượt đi lễ nhà Thờ lại
nhớ về xóm Đạo Đồng Mỹ và nhà Thờ Tam Tòa nơi Hàn Mặc Tử rữa tội thuỡ
thiếu thời (nhập đạo ) và sau đó: ( sao anh không về thăm thôn Vỹ) Mỗi
lần qua bến phà Tân Đệ lại nhớ về phà Gianh hay phà Quán Hàu. ,BR>
Những đêm không ngủ, nghe tiếng rì rào của ruộng lúa Thái Bình cũng nôn
nao nhớ tiếng sóng ầm ào, rào rạt của biển Đông và đôi bờ sông Nhật Lệ.
Và hơn thế nữa, bài thơ cũa chú Xuân Hoàng còn như là lời dự báo cho một
tương lai gần của Đồng Hới xa, như một cuộc chia ly màu đỏ. Mà ở đó có
cả mất mát và hy sinh, có biệt ly và ly tán của những lứa đôi “nhen từ
phố nhỏ”… phố nhỏ đổ …nhưng lòng ta ở đó …vẫn ngọt ngào trong nỗi nhớ
đầu tiên. Và . “Em đi nhé bóng em lồng bóng biển…..Bài thơ lành anh đến
ngủ trên vai”. Chiến tranh là sự thử thách vô cùng to lớn và vĩ đại, là
cái giá phải trả vô cùng lớn lao, tuy thơ nhưng Xuân Hoàng đã nhìn được
cái sự thật hiển nhiên. Cái mà Xuân Hoàng dự báo là chiến tranh xảy ra
thì Đồng Hới hủy mình, Đồng Hới thành chiến trận … (Không để quân thù
nghe ta khóc Em ơi , Vết thương hãy thành sẹo mau đi mà đánh Mỹ…. Đã đau
rồi đừng đau nữa nghe Em… Ta còn suốt cả cuộc đời ta mà đánh Mỹ). Còn
nhớ, cũng vào những ngày ấy sau đó một thời gian , từ Thủ đô Hà Nội -
Bác Hồ kêu gọi chống Mỹ cứu nước .
Chiến
tranh có thể còn kéo dài 5 năm , 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà-
Nội, Hải- Phòng và một số thành phố Xí nghiệp có thể bị tàn phá…. Không
có gì quý bằng Độc lập tự do…. Đến ngày thắng lợi, ta sẽ xây dựng lại
đất nước ta đàng hoàng hơn , to đẹp hơn. Từ 1966 đến 1975 cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, giải phóng Miền Nam , Thống nhất đất
nước , non sông Việt Nam liền một dãi . Đất nước ta , Đồng Hới quê ta từ
khi “Ta biết hôm nay Đồng Hới hủy mình…Để có một ngày mai Đồng Hới đẹp…
Thành phố ta xây trên bờ biển biếc,… Biển Miền Trung xanh ngắt một màu
xanh . Rồi “Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta,…. Sẽ lại trồng hoa hồng trên
lối cũ….. Hoa thược Dược đến mùa xuân lại nở,…. Vàng huân chương trong
mỗi sân nhà” . Mạn phép nhà thơ Xuân Hoàng, người viết bài này xin sữa
một từ trong câu cuối của bài thơ (chữ sẽ, thành chữ đã)
Đồng Hới mình đã đẹp vạn lần hơn
Gần
45 năm đã trôi qua , nhưng cứ mỗi lần đọc lại … Bài thơ lành phố nhỏ
….viết về một thị xã nhỏ , của một nhà thơ “nhỏ” mà sao thấy lớn lao vô
cùng. Vì nó không còn đơn thuần chỉ là môt bài thơ , mà nó còn là lời dự
báo, một sự khẳng định, một bản tình ca , một khúc tráng ca , có đau
thương mất mát, có hy sinh và chiến thắng của một nhà thơ Phố biển, của
một tâm hồn biển
…
Ra
Hà Nội rồi xuống Thị xã Thái Bình , chị tiếp tục học lớp 8 rồi lớp 9
trường cấp 3 Thái bình, sau đó đi học Trường Trung cấp Thủy lợi và công
tác tại nhà máy sữa chữa ôtô thuộc Bộ Thủy lợi.
Nhà
máy nằm ở gần thị xã Hà Đông , cũng nhờ vậy chị có điều kiện chăm sóc
ba trong hai đợt điều trị tại bệnh viện Việt Đức . Ban ngày chị đi làm ,
đến chiều đi xe buýt hoặc tàu điện lên với ba. Năm 1972 nhà máy phải sơ
tán lên tận Hà Bắc, chị xin ở lại Hà Nội để lo cho ba . Cho đến những
ngày cuối cùng của ba trên giường bệnh cũng một mình chị chăm sóc cùng
một số bạn bè trong cơ quan giúp đỡ , có thể kể tên các anh như : anh
Toại , anh Hiếu…..hoặc anh Lâm Duy Kế người Đồng Hới, năm đó anh Kế vừa
tốt nghiệp đại học Y chuẩn bị tiếp bước con đường của bác sĩ Đặng Thùy
Trâm đi B, thì Hà Nội bị đánh phá ác liệt nên cả đoàn phải ở lại phục vụ
cho Hà Nội. Gặp phải lúc ba tôi bệnh nặng nên anh giúp luôn. Ba ngày
sau khi Ba mất tôi mới từ Vĩnh Phúc về và có gặp , ngủ với anh một đêm
tại 17 Hàng Chĩnh để ngày mai tôi trở lại trường , còn anh vào bệnh viện
Bạch Mai làm việc .Nhưng ba ngày sau đó, B52 ném bom Khâm Thiên , Bệnh
viện Bạch Mai cũng bị B52. Nhà đổ , hầm sập , bệnh nhân chết vì bom .
Bác sĩ cũng chết vì bom mà trong đó có cả bác sĩ Lâm Duy Kế . Thật tiếc
cho anh , một bác sĩ trẻ , tương lai đang chờ đón đã phải ra đi ở tuổi
26. Cũng cần nói thêm, những ngày đó tôi cũng mới nhập học nhưng phải
tập trung ở Trường Cán Bộ An ninh Miền Nam tận Vĩnh Phú dưới chân núi
Tam Đảo, lúc đó Trường mới thành lập và mang mật danh là E1171, nghĩa là
thành lập tháng 11 năm 1971. Do đó ,trường là một trong những địa điểm
được bảo mật nghiêm ngặt , mọi thư từ hay liên lạc đều phải qua trung
gian ở Hà Nội.
Năm 1973
,hiệp định Pa ri được ký , Mỹ cút khỏi Việt Nam và Miền Bắc hết chiến
tranh. Việc quan trọng nhất của gia đình là phải đưa hài cốt của Ba về
quê cha đất tổ. Nhưng đây lại là một bài toán nan giải cho gia đình vì
ngày đó, anh Dũng vẫn còn trong quân ngũ . tôi mới nhập học không có
điều kiện và khả năng làm được việc đó. Cường và Bảo còn nhỏ và còn phãi
đi học . Trong khi Mẹ thì buồn vô hạn vì những ngày Ba nằm trên giường
bệnh cho đến khi mất Mẹ không được chăm sóc thậm chí khi Ông Mất rồi bà
cũng không có điều kiện ra Hà Nội để thắp lên mộ phần cho Ông một nén
nhang.
Thế rồi , sau mấy năm
chôn cất ba tại Hà Nội , một mình chị lại đứng ra lo liệu mọi bề để đưa
cốt ông về quê một cách chu đáo mà đáng ra việc này đâu phải của một
mình chị . Ngày đón Ông trở về bà con , cả nhà ai cũng toại nguyện . và
khâm phục chị . Người ta nói : Con gái là con người ta , nhưng Con gái
như chị cũng đáng tự hào lắm đó ,vì mấy ai làm được vậy. Và đúng như
phần trên đã đề cập , cả năm anh em nhưng chỉ có một Thị nên quý lắm,
không sai tí nào cả.
Năm
1973 tôi được chuyển từ Vĩnh Phú về Hà Nội và vào học trường đại học ở
gần đó . Nên ngày nào cũng qua lại với chị . Đời sinh viên , ai đã từng
trải qua mới thấu hiểu bao gian nan vất vả mọi bề ! Nhưng được cái ,
trường tôi so với các trường khác cũng còn sướng hơn , lại có chị bên
cạnh nên tôi cũng có chỗ dựa, cả vật chất lẫn tinh thần.
Nguyễn
Doãn Cường là em kế , kém tôi 4 tuổi và học dưới khoảng 3 lớp .Tuổi nhỏ
của nó cũng có nhiều kỷ niệm với Đồng Hới cũng như ngôi nhà cũ ở thị
xã, nhưng rất tiếc lên 8 tuổi đã phải đi sơ tán và Cường là người duy
nhất trong nhà “Một tấc không đi , một ly không rời” khỏi mảnh đất Đồng
Hới , mảnh đất Quảng Bình trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh phá hoại
của Mỹ ở Quảng Bình từ 1965 đến 1973 và những năm tiếp theo sau ngày
thống nhất đất nước. Từ 1965 theo cha mẹ sơ tán lên Phúc Duệ rồi Quảng
Xá , Rào Nan….hoặc vào tận rừng xanh xa thẳm. Nó chứng kiến bao thăng
trầm , gian lao vất vả và bao chiến công của vùng đất lữa Quảng Bình
những năm đánh Mỹ. Nó cũng là người trong cuộc và chứng nhân lịch sử
chứng kiến bao thăng trầm của xưởng in Quảng Bình , kể cả thời gian sau
này khi ba tỉnh nhập thành Bình –Trị -Thiên , xưởng in chuyển vào Huế
(ngay trong thành nội ) rồi lại tách vào năm 1989.
Tốt
nghiệp cấp 3, Cường có ra Nam định , vào học Trường Giáo viên Dạy nghề ,
nhưng phải bỏ cuộc vì lý do sức khỏe . Ngày đó , vừa đi ra từ chiến
tranh hậu quả của những tháng ngày ngủ rừng , uống nước suối nên bị sốt
rét đã ảnh hưởng đến sức khỏe không đủ sức chống chọi với khí hậu lạnh
giá ở Miền bắc. Về lại Quảng Bình , Cường vào học trường Trung cấp Sư
phạm hệ 10+3. và được giữ lại trường do có ít nhiều năng khiếu Văn – Thể
- Mỹ và hoạt động Đoàn Đội . Với những năm tháng lăn lội ở đất quê
hương cùng tố chất có phần văn nghệ nên Cường có rất nhiều bạn bè học
cùng cấp 3 và trường sư phạm (nam có, nữ cũng nhiều ) Nếu nhắc thì e
không hết , mà thú thật người viết bài này cũng đâu biết hết được. Chỉ
nêu một số ít nhân vật có vẻ điển hình như: Vui (mít) Nại (Tàu lửa) Hải …
Thành , Kỷ , Kha …...rồi Hương (kèn ) Hà (đất)….
Năm
1976 , thành lập tỉnh Bình – Trị - Thiên, Cường lúc đó đang công tác
tại Trường Trung cấp Sư phạm Quảng Bình phải vào Huế lập cơ sở mới là
trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh . Những tưởng có một ngày nào đó sẽ trở về
tỉnh nhà, nhưng đất lành chim đậu , thế là ở lại luôn trong đó cho đến
bây giờ. Thấm thoát mới đó mà đã hơn 35 năm rồi đó. Câu chuyện về việc ở
lại hay về của số đông những cư dân Quảng Bình ở Huế giai đoạn đó nếu
thống kê sẽ là một tiểu thuyết dài nhiều tập mà e không có trang chót,
mà trong đó có cả nụ cười và những giọt nước mắt , có cả hạnh phúc và bi
thương . Nhưng với Cường , việc ở lại là đương nhiên ,vì nơi đó , mảnh
đất đó Nó đã tìm thêm được một nữa của cuộc đời hay đúng hơn là thêm một
dấu cộng và cả một dấu nhân trong cuộc đời của nó. Người ta nói:
“Học trò trong Quảng ra thi , Gặp cô gái Huế ra đi không đành’’
Có
lẽ trong Quảng ra hay ngoài Quảng vô cũng đều đến Huế và đều phải ra đi
không đành thì hà cớ gì người ở đó mà…..không mọc rễ . Thú thật , nếu ở
Huế mà không sử dụng tối đa “ cửa sổ tâm hồn” và trái tim không lay
động hay xao xuyến thì e bị khùng hay điên điên cũng vậy. Không rõ nó sử
dụng cửa sổ tâm hồn và trái tim của nó ở mức độ nào và có chiêu gì độc
không mà thấy hiệu quả lắm, khi mà giờ đây ! Mẹ hai đứa con của nó lại
là một cô giáo , hình như lai lai bởi cái dịu dàng , mềm mại , một điều
dạ chín Điều thưa của con gái xứ Huế . Lại khéo tay, hay làm , nữ công
gia chánh, chiên xào nấu nướng , cái gì cũng tươm tất , chu đáo mọi bề.
Với lại vóc dáng khỏe khoắn , mạnh mẽ của của con gái xứ kinh kỳ. Mà, đã
là con gái Huế thì (không biết có đúng không) lãng mạn và mơ mộng lắm,
lại học văn và dạy văn nữa . Với giọng Huế không thôi thì dạy văn đã hay
lắm rối ấy vậy mà nó còn lai giọng Bắc vùng Thanh Hóa nghe như rót mật
vào tai vậy . Dạy văn kiểu đó học trò nào chẳng khoái .
Cường
với cô giáo dạy văn vừa nói ở trên hiện đang ở khu ( tạm gọi theo tên
cũ) là Trường Bia thuộc thành phố Huế cùng hai con -Một gái , một trai,
nay cũng đã trưởng thành và khôn lớn.
Nhớ
lại , lúc còn nhỏ cô con gái đầu trong nhà gọi tên là Zenđa .và tôi
cũng chỉ biết tên cháu là Zenđa mà không rõ nguồn gốc hay ý nghĩa của
cái tên đó là sao. Thắc mắc mà không dám hỏi vì nghe hơi ngồ ngộ cứ như
tên của một nhân vật nào đó nổi tiếng ở tận Châu Phi da màu. Rồi có nghe
ai đó cắt nghĩa, hồi mới đẻ nước da cháu hơi bị đen (da đen) nên hai
nhà giáo dạy văn ( chơi chữ ) gọi luôn tên cháu là Zen- đa , kể cũng oan
vì nay cháu đâu có đen gì đâu . Chỉ nâu nâu bánh mật, mà con gái nâu
nâu bánh mật là quí và hiếm lắm đó. Có lần , hỏi nó : My tên chi ?
Dạ
!Cháu tên Chi. Lại hỏi : Rứa My tên chi ? Lại trả lời : dạ tên Chi. Tôi
há hốc mồm tỏ ra ngạc nhiên , hỏi tiếp : Chi là chi. Lúc đó nó mới
thong thả trả lời : Cháu là Phương Chi. Thì ra tên đầy đủ của cháu là
Nguyễn Thị Phương Chi , cái tên nghe cũng nữ tính và dễ thương lắm chứ.
Cũng
như Phương Chi , thằng em nó lúc nhỏ trong nhà hai nhà giáo dạy văn kêu
tên là Bờm .Mà nói đến Bờm, thì có lẽ ai có chút kiến thức văn học (văn
học dân gian) cũng đều liên tưởng đến chuyện “Thằng Bờm có cái quạt mo
‘’ Không hiểu sao mà gọi nó là Bờm , hay do bệnh nghề nghiệp của ai đó
có liên quan đến văn chương , đem luôn nhân vật trong văn học vào cuộc
sống gia đình cho thêm phần thi vị. Nay Bờm đã lớn và đẹp trai lắm rồi
và chỉ còn được gọi Bờm trong nhà thôi, chứ ra ngoài không ai gọi Bờm
nữa đâu . Thay vào đó là Quang , tên đầy đủ là Nguyễn Doãn Quang . Có
người yêu rồi đừng kêu Bờm nữa phải không Quang.
Vợ
Cường có tên trùng một loài hoa , và không hiểu Cường yêu hoa từ lúc
nào mà trong khuôn viên nhà, tuy không rộng , nó vẫn dành một diện tích
vừa phải nhưng đẹp để trồng hoa và để ngắm hoa. Có điều là nó chỉ trồng
một loại hoa duy nhất, ấy là hoa Phong Lan, do nó sưu tầm , mua hoặc do
bạn bè tặng mà tuyệt nhiên không có một loài hoa nào được xen vào. Kể
cũng lạ !Nhưng cũng không sao cả vì bây giờ Lan là hạnh phúc của nó, là
niềm hãnh diện của nó . Phong Lan chỉ làm đẹp thêm Lan trong nhà nó mà
thôi. Lan là con gái xứ Huế , được sinh ra ở Thanh Hóa do ông cụ là cán
bộ Miền Nam tập kết sau Hiệp định Giơ ne vơ 1954, rồi bén duyên mọc rễ
với đất xứ Thanh cho đến ngày đất nước thống nhất mớidắt díu nhau trở về
cố đô Huế .
Nguyễn Doãn Bảo
là con út trong nhà, nó sinh năm 1960 tại nhà thương Đồng Hới . Sở dĩ
nó mang tên Bảo vì ngày sinh nó thì bão lớn ập đến , vừa sinh xong phải
di tản ra khỏi nhà thương tìm nơi ẩn nấp cho an toàn , có lẽ vì thế mà
ba mẹ đặt tên cho nó là Bảo và mong muốn nó luôn vững vàng trong mọi
phong ba bão táp của cuộc sống . Do còn nhỏ nên hình bóng căn nhà và
những con đường , ngõ xóm ở Đồng Hới đối với nó, nếu có cũng chỉ nghe kể
lại . Ngày chiến tranh xảy ra , nó mới bốn tuổi và đi sơ tán trên đôi
quang gánh của Mẹ.
Cũng như
Cường , Bảo bám trụ với xưởng in với Quảng Bình trong suốt những năm
tháng đánh Mỹ và phải chịu đựng bao gian nan , khổ cực, hứng chịu bao
đạn bom nơi đất lửa Quảng Bình .Lớn lên đi học , rồi đi làm tại Công ty
đường dây và trạm Quảng Bình . Năm 1981 , được đi hợp tác lao động tại
Tiệp Khắc , hết hạn (4 năm ) về lại Quảng Bình . Cũng như nhiều công
nhân khác , khi trở về việc sắp xếp bố trí công việc cực kỳ khó khăn ,
một phần do cơ chế chính sách của nhà nước và tay nghề đào tạo ở nước
ngoài không phù hợp với đặc điểm trong nước . Do vậy Bảo vào thành phố
Hồ Chí Minh làm việc . Trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống,
trải qua nhiều công việc khác nhau, nay nó cũng đã có một công việc ổn
định và một gia đình hạnh phúc “ Nhìn lên chẳng bằng người ta , nhưng
nhìn xuống có người vẫn không bằng mình”. Bảo Ngọc là con gái đầu của nó
, nay đã lớn nhưng đi học xa .Thỉnh thoảng Mail về thăm nhưng Bảo chỉ ọ
ẹ mấy từ cơ bản ( Yes , No, Okey) . Ở nhà chỉ còn hai vợ chồng son . Vợ
là Tuyết công nhân viên - còn nó làm nghề lái xe suốt ngày vi vu trên
mọi nẻo đường .Căn nhà nhỏ của Bảo ở vùng phụ cận Sài Gòn , nay thuộc
quận Bình Tân. Tuy nhỏ nhưng cũng đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống gia
đình, có cả sân trồng được vài ba cây ăn trái nên mát mẻ vô cùng , chỉ
tiếc khu vực này, việc qui hoặch đô thị còn “ rùa bò quá ” . Phải vài ba
năm nữa , may ra mới thành phố xá ! Nhưng, Thời buổi này , cuộc sống
được như vậy kể cũng ổn lắm rồi.
Nguyễn
Doãn Mạnh là tôi , sinh 1952 (nhâm thìn) ấy là tính theo Dương lịch ,
Âm lịch thì vẫn còn là năm Mão. Có điều , sau khi ra đời thì đã phải
hứng chịu trận lụt lịch sử năm đó . Cả Thị xã chìm ngập trong nước , có
nơi cao đến nửa mét , cả nhà phải sinh hoạt trên những bộ phản và đồ đạc
trong nhà phải chất lên tra.( Rầm ). Trong nhà , tôi thứ ba em của Dũng
và Cung , anh của Cường và Bảo . Tuổi nhỏ của tôi đầy ắp những kỷ niệm
với quê hương , với gia đình, với căn nhà , những con đường , những hè
phố , những gốc cây , những giếng nước …. Của Xóm Câu và của Đồng Hới.
Mặc dù đã lâu lắm và xa lắm rồi nhưng khung trời nơi ấy, mỗi khi nhớ lại
nó cứ hiện lên mồn một trong tâm trí của mình, như mới ngày nào vậy.
Học
vỡ lòng , học cấp 1 ở Đồng Hới rồi chiến tranh, năm 1965 sơ tán ra Hà
Nội , Thái Bình học cấp 2 , 3 . Năm 1969 trở về học cấp 3 Đồng Hới . Năm
1972 lại ra Hà Nội học Đại học . Năm 1978 tốt nghiệp đại học được điều
động vào Sài gòn công tác cho đến nay. Thấm thoát mới đó mà đã 35 năm
sống và công tác ở – Thành phố Hồ Chí Minh và gần 40 năm đi về thăm Đồng
Hới . Khoảng thời gian ấy so với vòng quay của vũ trụ và chiều dài lịch
sử thì không thấm vào đâu nhưng với cuộc sống một con người thì đâu
phải ngắn , chí ít cũng hai phần ba cuộc đời rồi . Mà trong khoảng thời
gian ấy đã có bao nhiêu sự kiện , bao nhiêu kỷ niệm của cuộc đời, bao
nhiêu niềm vui , nổi buồn và cả những mối tình chợt đến rồi chợt đi cũng
như hạnh phúc khi tìm được một nữa quả cam ngọt lịm của cuộc đời và
những dấu cộng dấu nhân đã đến . Nhớ để ghi lại chắc cũng nên lắm …do
vậy xin tạm dừng …. Để cố gắng….. ghi lại vậy .
Thay
lời kết : Khi bài viết này đang đi vào trang cuối , thì tôi nhận được
điện thoại của Cường từ Huế gọi vào và cho biết: Dịp về Quảng Bình giỗ
100 ngày của Mẹ xong , Cường và phu nhân đã làm một chuyến hành hương
bằng xe máy lên thăm một số nơi trước đây gia đình sơ tán trong những
ngày đầu chiến tranh .
Mà
địa điểm đầu tiên là Làng Phúc Duệ , xã Vĩnh Ninh , huyện Quảng Ninh .
Nó cho biết, Phúc Duệ xưa vẫn vậy nhưng đàng hoàng to đẹp hơn nhiều, nhà
cữa khang trang hơn , đường sá rộng rãi hơn lại rãi nhựa hoặc bê tông
rất chắc chắn và sạch sẽ, Điện lưới quốc gia vào tận mỗi nhà. Con đường
sắt cũ của Pháp năm xưa chạy ngang Phúc Duệ , nơi ngày đó anh em mình
hay đi hái sim , hái dâu và cưỡi lưng trâu nay là đường tàu Thống nhất
Bắc – Nam , con đường 15 đất đỏ bụi mù mịt khi xưa nay là đường Hồ Chí
Minh chạy qua Phúc Duệ. Nó nhắc tên một số người trong làng nhưng thú
thực tôi cũng không thể nhớ nỗi vì lâu quá rồi.Có điều những người già
trong làng tuy lúc nhớ lúc quên, nhưng khi nhắc, đều nhớ như in những
năm tháng chia ngọt sẽ bùi, củ khoai , củ sắn chia đôi với bà con Đồng
Hới , với cán bộ công nhân viên Xưởng in Quảng Bình trong những ngày cam
go của chiến tranh.Lại còn có người nhắc đến thằng Mạnh, một mình dám
điều khiển máy in bị bàn chân máy quẹt vào chân, đau lắm mà không khóc.
Cường cho biết : từ Đồng Hới đi lên đó, bằng Đường Hồ Chí Minh vừa đi
vừa ngắm cảnh chỉ hơn một tiếng. Và Phúc Duệ tuy có nhiều đổi thay nhưng
tình cảm con người thì vẫn không thay đổi.
Tôi
định kết thúc bài viết này ở đây , nhưng một anh bạn đồng Hương Xóm Câu
đọc xong vẫn chưa ưng ý . và cho là chưa đủ . Thì ra anh ta gợi ý phải
viết thêm về gia đình O tôi là bà Trợ Luân cùng gia đình anh Vân , gia
đình chị Phong ở Hà Nội , rồi gia đình nhà chú Trang nữa. Thú thật,gợi ý
trên là rất hợp lý và cũng đã có trong dự kiến, nhưng từ… từ đã , chờ
phản ứng của người đọc cho chắc ăn. Để nếu được tôi sẽ cố gắng viết
không những chỉ trong gia đình họ hàng mà cả bà con láng giềng, nơi ấy:
Quê Hương.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 năm 2010
Nguyễn Doãn Mạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét