13/11/10

Hoài nhớ - phần 3

CÔNG CHA CÔNG MẸ

“LUNG LINH,LUNG LINH,TÌNH MẸ TÌNH CHA,
LUNG LINH ,LUNG LINH,HAI TIẾNG GIA ĐÌNH”

Hồi ký: NGUYỄN DOÃN MẠNH



Căn nhà ba gian , hai chái mái lợp bằng ngói xưa, cột kèo ,rui mèn bằng gỗ táu, gỗ lim …, những bức hoành phi sơn son thiếp vàng dược sắp đặt từ thấp lên cao , từ trong ra ngoài, bao quanh khu vực bàn thờ tổ tiên , gia tộc. Bàn thờ được chia làm bốn cấp , chiếm một phần rộng gian giữa căn nhà. Ngôi nhà, nằm giữa khu vườn , trong một khoảng không thoáng mát,với rất nhiều cây cảnh ,cây ăn trái. Nào Lựu, nào khế, nào mảng cầu… rồi hoa hồng , hoa cúc, thược dược, bon sai….và rất nhiều các loại thảo dược thông dụng khác, được trồng kín khắp vườn nhà .Cây trái xanh tươi, hoa nở khoe sắc, tiếng chim ríu rít gần như suốt ngày. Con đường đất rộng chừng hai mét dẫn lối vào vườn nhà. Cạnh bên có một hồ chứa nước ngọt thật to, đủ dùng quanh năm.Trước sân nhà là một hồ cá cảnh (non bộ nguyên khối) , lúc nào cũng có tiếng róc rách của nước chảy và mấy lão tiều phu đốn củi dưới núi đá , nước hồ trong veo với đàn cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng .Thật là “ sơn thủy hửu tình”-một không gian yên ã, thanh bình làm sao; nơi chôn nhau cắt rốn, chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn và tình cảm gia đình, của năm anh em dòng họ Nguyễn chúng tôi là vậy.

Căn nhà và khu vườn ấy, không rõ được xây dựng vào năm nào, vào đời nào .Chỉ biết Bố tôi là Người được sở hữu, quản lý , đồng thời chăm sóc thờ cúng ông bà tổ tiên của dòng họ . Do đó, đây cũng là nơi năm anh em chúng tôi được sinh ra, lớn lên cùng quê hương Đồng Hới .

Căn nhà và khu vườn này mang số 64 đường Xóm Câu ,tiểu khu 3 khu phố Đồng Hải , thị xã Đồng Hới , tỉnh Quảng Bình. Cho đến nay , hình bóng căn nhà này chỉ còn lại trong ký ức, trong tiềm thức và nỗi nhớ không nguôi của mỗi chúng tôi, cũng như Thị xã Đồng Hới có thời được coi là Thị xã Hoa Hồng cũng chỉ còn trong tiềm thức , trong ký ức và nổi nhớ của người dân Đồng Hới hôm nay

“Có những điều tưởng đã trôi xa,
Bỗng hiện lại giữa lòng ta chi chút,
Tiếng một nhánh hoa rơi cũng làm ta tỉnh giấc.
Huống chi đây….là một ĐỒNG HỚI thanh bình

Nhắc lại những kỷ niệm về ngôi nhà , con đường và Thị xã Đồng Hới xưa sẽ có người cho là hoài cổ thậm chí lạc hậu . Nhưng với tôi, tuy không có tham vọng trở về cố hương và có lại được một thành phố như xưa, vì như vậy sẽ không thực tế, nhưng ngược lại vì cuộc sống hôm nay đã quá dư thừa, đầy đủ mà quên đi những kỷ niệm xưa kể cũng đáng trách lắm đó !

Đường Xóm Câu không rộng, cũng không dài so với những con đường khác ở khu Đồng Hải. Nhưng đây lại là con đường chính , tập trung hầu hết, đầy đủ các tầng lớp cư dân mang tính đặc trưng về ngành nghề của Thị xã như thợ thủ công , trí thức, ngưới dân lao động, ngư dân , tiểu thương v. v . Dọc hai bên đường là nhà , nhà này nối tiếp nhà kia bằng những mảnh vườn, bằng những hàng rào dâm bụt hoặc những bức tường bằng đá được chồng được úp lên nhau, có nhà hàng rào được xây kiên cố bằng táp lô rất chắc chắn Tôi còn nhớ, nhà tôi có cổng đi vào rất đẹp và kiên cố, từ mặt đường đi lên có bốn bậc cấp mới đến cổng nhà.Cổng nhà cũng như một căn nhà nhỏ, có mái, có tường và hai cánh cửa bằng gỗ rất to , chốt bên trong rất chắc chắn. Mặt trước cổng nhà , một bên là tường bao bằng đá liếp, một bên là hàng rào bằng cây chè luôn xanh tốt.. Nhìn từ ngoài vào, có một bức bình phong chắn tầm nhìn vào bên trong ,có lẽ đó là quy định của phong thủy hay bùa yểm gì đó mà tôi chưa có điều kiện tìm hiểu .Muốn vào nhà phải đi theo một con đường nhỏ bên trái , hai bên đường lại có cả hàng rào bằng cây và hoa thẳng tắp đi vào đến tận sân . Sau chính giữa bức bình phong là một cây mai tứ quý cao đến hơn bốn mét tán rộng xòe ra bốn bên . Đây là loại mai quý vì mỗi năm cho hai mùa hoa và mỗi mùa cho hai màu khác nhau, thường là đỏ và vàng . Để cho mai ra hoa vào đúng ngày Tết bố tôi phải coi thời tiết , nắng mưa ra sao rồi canh ngày bứt lá, bón thêm phân , tưới nước cho vừa đủ khi trời nắng và khơi rảnh cho thoát bớt nước khi mưa lớn , năm nào cũng vậy . Để cuối năm, cây ra hoa xum xuê , trông rất đẹp mắt . Kế bên phải cây Mai (từ trong nhìn ra) là cây Tùng (bách tùng) rất bề thế và vững chãi . Bên dưới cây Tùng là một hồ nước rất to và sâu , được xây nửa chìm nửa nổi lên trên mặt đất . Hồ có bề ngang khoảng bốn mét , bề rộng khoảng ba mét và sâu đến hơn một mét rưỡi ( bằng chiều cao người lớn ) trong đó phần chìm dưới đất một mét và phần nổi khoảng nữa mét , thành hồ rộng ba mươi phân , có thể đi được trên đó . Hồ được xây kiên cố bằng đá , tráng xi măng dùng chứa nước mưa để sử dụng quanh năm . Khi mùa mưa đến, anh em tôi lo vệ sinh hồ , nối lại máng dẫn nước cho chắc chắn . Khi cơn mưa bắt đầu, nước mưa làm sạch bụi bặm bám trên mái nhà mới bắt đầu hứng , dẫn vào hồ . Mưa đầu mùa ở miền trung dữ dội lắm . Chỉ cần một hai trận là hồ đã đầy nước dùng cho cả mùa một cách thoải mái , kể cả hàng xóm. Cách góc hồ nữa mét lại có một tháp miếu cao khoảng ba mét , chia thành ba hay bốn tầng ,là nơi thờ trời đất v.v . Người ta nói cây Tùng thể hiện sự oai phong và là hào khí của cuộc sống con người trong trời đất không biết có đúng không , chứ thời đó tôi còn nghe kể lại rằng : Cổng nhà, bức bình phong , cây Tùng, hồ nước và tháp miếu là năm thứ không thể thiếu được trong một căn nhà để trừ ma quỷ từ ngoài quậy phá nhà . Khi qua khỏi cổng , tưởng đã lọt vào bên trong nhưng bị bức bình phong chặn lại , ma quỷ phải bay lên trời để vào nhà thì bị tán cây Tùng chộp lại ,hoặc rơi xuống hồ nước kẹt lại tại đó , còn không sẽ bị các vị thần ở miếu giữ lại ,ở đó có xôi chè , trái cây quanh năm và không rõ thời gian lưu lại đó là bao nhiêu và có Ngọc Hoàng , Thiên Lôi hay Tôn Ngộ Không giám sát hay không .Có lẽ phải căn cứ vào thái độ ăn năn hối cãi của ma quỷ thì mới được THA - thả ma quỷ cho bay vào không trung rộng lớn .

Nói vậy không phải nhà nào cũng có điều kiện và bắt buộc phải có những thứ đó trước ngôi nhà của mình mới trừ ma quỷ được, mà ít nhất cái phải có là diện tích đất trong khuôn viên nhà mình có đủ chỗ hay không. Sau nữa là ảnh hưởng uy tín của ngôi nhà và cả chủ nhân của ngôi nhà đó nữa.

Ngay góc vườn phía trước nhà có một cây dâu và hai cây khế to, mà không chỉ hai mà đến bốn cây mới đúng, (vì phía sau vườn có hai cây nữa) cây nào cành lá cũng xum xuê và ra hoa kết quả quanh năm. Khế cho quả to,vị không chua cũng không ngọt lắm , gọi khế chua cũng đúng mà gọi là khế ngọt cũng không sai . Nên nó được gọi là khế Rành . Mổi độ xuân về , khế bắt đầu ra hoa, những chùm hoa khế đung đưa trước gió , thỉnh thoảng có những bông li ti lẻ loi rụng xuống đất khi có cơn gió mạnh chợt đến rồi chợt đi . Mặt đất lại được rắc đầy một màu hoa khế nom rất đẹp mắt .Thích nhất là lúc khế cho quả, từng chùm , từng chùm đung đưa, đung đưa trong gió cho đến khi quả chín, từ xanh xanh chuyển sang hườm hườm rồi vàng vàng ấy là lúc tụi con nít trong xóm lảng vảng lại gần để có thời cơ lấy sào hái hoặc ném đá cho khế rụng ….. rồi dùng vạt áo lau vội, bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến rất ngạo nghễ .Thường năm nào , hễ khế cho nhiều trái thì y như rằng năm đó có bão to , mà thật vậy, mỗi khi có bão đến khế oằn mình quằn quại , quay quắt trong gió . Thương nhất là những cành to , có nhiều trái, nó cứ như một người mẹ bị vắt kiệt sức gồng mình níu kéo lại đàn con thơ dại trong dông bão mà vô vọng để ngày hôm sau khi bão tan rồi thân hình người mẹ ấy tiêu điều xơ xác khi dưới mặt đất là lũ con trẻ nằm chỏng chơ , tan tác . Mỗi lần như vậy, anh em chúng tôi không ai bảo ai đều nhanh chóng ra sân lượm từng quả gom lại một đống , rồi phân loại to nhỏ khác nhau để cho Mẹ rửa sạch , nén vào chum hoặc vại rồi ngâm với nước mưa hòa với muối làm gia vị nấu thức ăn . Chẳng hạn món canh cá ngạnh , cá ngát, cá cơm nấu với khế thêm tý măng ngâm chua bằng nước mưa thì tuyệt vời lắm, nhất là khi ăn chung với rau sống nhiều loại.



Lúc còn nhỏ, Tôi được nghe bố tôi kể chuyện cổ tích , trong đó có chuyện “ Cây Khế” kể về hai anh em cha mẹ mất sớm để lại một số tài sản trong đó có một cây khế. Người anh tham lam giành hết chỉ chừa cho em cây khế ….không rõ cây Khế trong chuyện xưa và bốn cây Khế trong vườn nhà tôi có liên quan gì với nhau không , chỉ biết rằng bố mẹ tôi có bốn người con trai , phải chăng nên có bốn cây Khế để chia cho đồng đều để mà tự sống , tự quyết dịnh lấy tương lai hạnh phúc của mình. Chứ không được trông chờ vào sự may rủi kiểu ăn Khế trả vàng như trong chuyện cổ tích xưa . Nhưng gia đình tôi có đến năm anh em và trái Khế không chỉ có bốn múi mà thường có đến năm múi , không lẻ thiếu Xin thưa, múi thứ năm chắc là (có lẽ ) còn có ai chăng ? Phải rồi, Năm anh em cả thảy, đó là em gái của Dũng ! chị gái của Mạnh , tên gọi ở nhà là Ny . Đi học, đi làm có tên là Nguyễn thị Doãn Cung. Và như vậy, Ny hay Cung còn là chị gái của Cường , của Bảo nửa đó. Như vậy bốn Anh Em trai là bốn cây khế thì chị Ny chắc phải là cây Lựu , một cây Lựu cô đơn , lẻ loi trước sân nhà nhưng xung quanh có bốn cây khế bao bọc . Và nếu như ai đó còn nhớ ngôi nhà và khu vườn ở số 64 đường Xóm Câu thì cũng phải thừa nhận Cây Lựu mới chính là điểm nhấn làm cho khu vườn ấy trở thành Thượng Uyển trong mắt nhiều người đã từng sống và lớn lên trên mảnh đất Xóm Câu cũng như những người một thời yêu Đồng Hới

Cây Dâu bên cổng vào nhà, có trái và ăn được nhưng loại dâu này không phải để lấy trái , mà chủ yếu lấy lá nuôi tằm . Mỗi năm dâu cho hai lứa lá , lá to và dày bản . Khi dâu ra đầy lá có người từ Võ Xá hay Lệ Thủy xuống mua lá , và tự tay họ hái mang về nuôi tằm, tằm đẻ ra kén, kén nhả tơ . Rồi qua bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công cùng những khung dệt bằng gỗ biến thành những dải lụa mảnh mai mềm mại. Loại lụa này trước đây chỉ phục vụ tầng lớp quý tộc hoặc cung phụng cho các cung tần mỹ nữ trong triều đình .Tương truyền, cùng với nền văn minh lúa nước có từ thời Vua Hùng thứ 18 thì nghề trồng dâu nuôi tằm cũng phát triển mạnh ở nước ta . Ngày nay lụa tơ tằm Việt Nam là một trong những mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng trên thế giới. Tôi đã có dịp được về thăm quê Bác – Làng Sen và nhìn thấy chiếc võng ru hời cùng khung dệt vải của thân phụ Bác, bởi vậy tiếng võng kẻo cà kẻo kẹt và tiếng thoi dệt vải từ ngôi nhà của CON NGƯỜI VĨ ĐẠI ấy cứ theo tôi suốt mấy chục năm qua . Để mỗi lần có dịp về thăm Đồng Hới lại chạnh lòng nhớ đến cây Dâu trước cổng nhà và văng vẳng bên tai tiếng thoi dệt lụa. Cổng nhà và sân vườn nhà tôi là thế đó , có phong thủy, có âm có dương để trừ ma quỷ .Có Tùng bách để thể hiện hào khí con người trong trời đất, có Mai có Lựu có Khế để luôn có mùa xuân và hơn nữa là có Dâu nuôi tằm để chứng tỏ lịch sử căn nhà gắn với lịch sử dân tộc cũng giống như sự tích bánh chưng bánh dày ; vải lụa được dệt từ tơ tằm dâng lên vua Hùng mà cho đến nay, đã qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước , mỗi khi năm hết tết đến nhà nào cũng phải có bánh chưng bánh dày để thờ cúng trời đất tổ tiên và nếu có điều kiện thì tặng Mẹ mảnh vải lụa tơ tằm .

Sân nhà rất rộng , được lát bằng đá mà là đá liếp , mỗi tấm có kích cỡ khác nhau nhưng sắc thành vuông cạnh . Mỗi tấm cách nhau chừng năm phân để dành chỗ cho nước mưa thấm xuống, đồng thời cho cỏ mọc thành rãnh , tạo thành đường ranh giữa các tấm đá, có tấm hình vuông lại có tấm hình chữ nhật mà nhìn vào cứ như một bàn cờ giữa thiên nhiên , lại ẩn hiện trong những tán cây , chậu cảnh và thoang thoảng mùi hoa ngâu, hoa nhài khi về đêm cho đến gần sáng . Phía trên sân ở những khoảng trống là giàn bằng cây để cây bầu, cây bí, cây sule đưa những cái vòi ra với, kéo vươn mình bò khắp nơi . Đến mùa , cho trái. Những trái bí, trái bầu dài ngoẳng hoặc như cái hồ lô đung đưa trong gió cứ mỗi ngày mỗi lớn lên và nặng thêm như muốn níu kéo cả gìàn cây sụp xuống . Rồi chừng chùm sule xanh rì, lè lưỡi tủm tỉm cười như một đàn lợn con bám chặt vào giàn như sợ té ngã khi một cơn gió đến .Ngọn bí ngọn bầu ngọn sule vươn đến đâu là hoa là trái ra đến đó và theo nó là một màu xanh phủ kín cả khoảng không gian phía trên còn bên dưới là một không gian mát mẻ đầy gió cùng những tia nắng lách qua được tán cây lúc ẩn lúc hiện chiếu xuống mặt sân. Huyền ảo , lung linh , lung linh .

Căn nhà chính gồm ba gian và hai chái , mái lợp bằng ngói xưa mà ngày đó gọi là ngói liệt. Tấm ngói hình chữ nhật có ngàm để móc vào nhau , tường nhà bằng đá hơi thấp luôn được rêu phong phủ kín; cửa chính ở ba gian giữa bằng gỗ có chạm trổ và liền kề , san sát nhau, chốt bên trong bằng gổ . Vào mùa đông, các cánh cữa được đóng kín để giữ cho bên trong không lạnh, còn mùa hè các cánh cửa được mở toang cho gió từ ngoài lùa vào tràn trề , luồn lách , len lỏi từ trong ra ngoài , từ ngoài vào trong , từ dưới lên trên . Gió từ ngoài vào, nền nhà bằng gạch tàu , cột nhà bằng gỗ, mái lợp ngói và bên dưới ngói là lớp rui mèn bằng gỗ ken kín , dày đặc nên không khí trong nhà luôn mát mẻ mặc dù bên ngòai nhiệt độ có cao đến mấy đi nữa . Từ ngoài vào , ba gian giữa cũng có đến ba lớp cửa . Lớp ngoài dùng để sinh hoạt ngủ nghỉ, còn hai lớp trong là nơi đặt bàn thờ . Bàn thờ cũng có đến bốn hay năm lớp từ thấp lên cao theo thứ tự khác nhau. Mỗi lớp đều có đầy đủ lư hương , chân đèn, lục bình , đèn dầu , đèn sáp v .v .Mỗi lần có kỵ giỗ hoặc việc họ , khi mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất , đèn đã được thắp lên cả ba gian nhà lung linh huyền ảo, hòa quyện với khói hương nghi ngút cùng mùi thơm của trầm lan tỏa vào không gian tĩnh lặng . Rồi mùi thơm của các món ăn ngon và lạ lan tỏa đến mọi người, nhất là lúc mặt trời đã đứng bóng và cái bụng đã cồn cào thì cùng vai cùng vế ngồi với nhau,để được hưởng lộc cũa ông bà. Đàn ông với đàn ông, người già với người già , trẻ với trẻ, phụ nữ ngồi với nhau và sau cùng là lớp choai choai trong đó có tôi

Bộ đồ thờ cúng trong nhà , hầu hết bằng đồng , bằng đồng thật. Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết ba tôi lại nhắc anh em tôi chuẩn bị lau chùi cho sáng. Thế rồi đứa đi hái lá me đất , đứa hái khế , hái chanh, đứa đi kiếm vài ba rổ tro bếp , cát để rồi sau đó quây quần lại lau chùi miệt mài từ sáng đến trưa , từ trưa đến chiều cho đến tối mới xong . Bộ chân đèn , lư hương chùi xong cứ sáng loáng , bóng bẩy coi rất bắt mắt. Ba tôi cẩn thận kiểm tra từng cái ốc vít xem xiết chặt chưa, bộ phận nào chưa chùi sạch thì bắt phải chùi lại. Trước khi đặt lên bàn thờ ông còn bắt chúng tôi phải lau sạch bụi bám trên mặt bàn , khăn trải bàn cũng phải sạch sẽ , phẳng phiu. Do công việc này năm nào cũng làm nên thành quen và cảm thấy rất thích thú .Nhất là khi đèn được thắp lên , bộ đồ đồng lóng lánh, lung linh cùng mùi trầm , mùi hương lan tõa khắp cả căn nhà và những bộ quần áo mới vừa may xong được mang ra mặc thử.

Ba tôi sinh năm 1919 trong một gia đình Nho giáo .Ông bà nội chỉ sinh được hai người con, một trai và một gái .O tôi là chị, lớn hơn ba tôi đến gần một con giáp (1908) Thời đó mà chỉ sinh hai con có lẻ là chuyện lạ, nhưng không hiểu vì sao . Cũng vì vậy mà ba tôi được coi là đích tôn , được cưng chiều , theo kiểu gia trưởng. Tính khí đó ba tôi giữ cho đến khi lấy Mẹ tôi và cả khi chúng tôi trưởng thành. Là con một , nên Ông được ăn học tử tế , học trường Tây , vì vậy mà Ông đọc thông viết thạo tiếng Pháp. Do tiếng Pháp không dấu nên khi chuyển sang sử dụng tiếng Việt ông không thèm dùng dấu . Đọc một số văn bản do ông viết cứ lẩn lộn, na ná giữa tây và ta.

Sau Cách mạng Tháng 8 , Ông ở nhà coi sóc nhà cửa và chăm sóc bà nội, đồng thời mở lớp dạy chữ cho trẻ con trong khu vực Xóm Câu. Lứa học trò ba tôi dạy nay cũng đã trên dưới 70 cả rồi, thậm chí có nhiều người đã thành thiên cổ . Trong số đó vẫn còn một số ít người là học trò của thầy Học Đôn năm xưa như giáo sư- tiến sĩ Hoàng Trọng Bá , anh em kiến trúc sư Phạm Trọng Thống , Nhà giáo Trần Kỉnh , Anh Trần Cung ,Anh Nguyễn Chánh Vân …v…v rồi đền lứa nhỏ hơn như Anh Lê Minh Tâm, Phan Viết Dũng , rồi anh Thọ , anh Thử …. kể cả chị tôi là Lê Kim Phong và anh tôi là Lê Công Vân (con O tôi, cũng được học cậu Đôn). Ngoài việc dạy chữ cho con nít, Ông còn tham gia tích cực phong trào Bình dân học vụ nhằm xóa nạn mù chữ cho người lớn do chính sách ngu dân của thực dân pháp để lại. Nhất là khi Hồ Chủ tịch có lời kêu gọi thi đua ái quốc và chỉ rõ ( giặc dốt , giặc đói và giặc ngoại xâm) là ba thứ giặc nguy hiểm nhất đối với chính quyền cách mạng trong giai đoạn còn trứng nước, ngàn cân treo sợi tóc. Sinh thời, Ông có kể cho tôi nghe, ngày đó ngư dân Xóm Câu nói riêng và nhiều người Đồng Hới nói chung không biết chữ. Nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ nhiều người đã tìm đến Thầy Học Đôn để được no cái chữ . Thế là ngôi nhà của ba tôi trở thành lớp học Bình dân học vụ suốt ngày đêm , học trò không phải là đám con nít choai choai mà đủ mọi thành phần mọi lứa tuổi, căn nhà rộng rãi đến mấy cũng trở nên chật chội vì học trò ngồi la liệt từ trong ra ngoài và tiếng đánh vần Ê ,A và A , bờ, xờ… A , bê ,xê rồi I , Tờ , t..i…Sắc Tí lan tỏa khắp cả khu nhà. Không chỉ dạy ở nhà mình , thầy còn đến tận nhà dạy cho một số người do bận công việc không đến lớp được hoặc cả con cháu của bạn bè (dạng con cưng) không chịu đến lớp.Tôi có nói chuyện với mấy ông anh nguyên là học trò của Thầy năm xưa thì được nghe kể : Thầy nghiêm khắc lắm , phải học ra học, chơi ra chơi chứ không có kiểu vừa học vừa chơi hoặc học chiếu lệ. Tất nhiên với Thầy sẽ còn kỷ luật kèm theo mà thường là bắt quỳ , khi lổi nặng thì phải quỳ trên xơ mít.

Cũng cần nói thêm , căn nhà của ba tôi ngày đó không những chỉ là nơi dạy học đơn thuần mà còn là địa điểm đi về của một số cán bộ Việt Minh Đồng Hới , nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến khu Thuận Đức , U bò hoặc chiến khu Thuận Lý (bao gồm Đức –Nghĩa Ninh , Cộn ngày nay) vì ngày đó thị xã là vùng tạm bị chiếm , quân đội Lê Dương đóng đồn bốt rải rác khắp nơi trong thị xã . O và dì tôi ( O Trợ , dì Cam , dì Bưởi ) ở ngoài phố , cùng một số chị em trong hội phụ nữ cứu quốc có nhiệm vụ mua gom lương thực , thực phẩm , thuốc men , dụng cụ y tế chuyển vào nhà ba tôi để đến tối có người của Việt Minh xuống nhận . Hồi đó và khi tôi còn nhỏ , tôi cũng chẳng biết Việt Minh là gì và làm gì trong đó , nhưng ít nhất tôi cũng được biết trong đó có anh em ông Đẳng , Ông Hoàng , vợ ông Hoàng (anh em cô cậu với ba tôi) mà lúc đó , mụ Ấm mẹ ông Hoàng, ông Đẳng cũng đang ở trong căn nhà này , ba tôi gọi bằng O . Ông Trạch ( chú của ba tôi) . Rồi Vợ chồng ông Kỳ -Trúc (ông Kỳ là anh Dượng Huy tôi) Rồi cả ông Lại văn Ly, ông Trần Thanh Đạt , ông Hồ Thanh Chương (người thân với gia đình tôi ) .Trong đó Ông Đẳng , Ông Ly làm công tác đảng , Ông Hoàng là nhà thơ Làm công tác phong trào. Bà Trúc làm công tác y tế , còn Ông Trạch , Ông Kỳ, ông Đạt , Ông Chương làm công tác công an . Và, như một duyên nợ đã được an bài cho đến gần 20 năm sau ( 1972 ) , chính Ông Trạch (Nguyễn Thế Trạch ) trưởng phòng tình báo của công an tỉnh Quảng Bình đã hướng và giới thiệu tôi vào ngành công an , hội đồng xét duyệt của công an tỉnh Quảng Bình do ông Trần thanh Đạt (lúc đó là phó ty ) làm trưởng ban, dự kỳ thi tuyển sinh vào đại học và trúng tuyển vào học học tại trường C500 (lúc đó gọi là Trường Công An Trung ương ) Ông Hồ Thanh Chương là trưởng khoa Tình báo và trinh sát của trường . Chỉ hai năm đầu học nghiệp vụ chung rồi đi luôn vào chuyên khoa chấp pháp ( điều tra xét hỏi bây giờ) Sau khi đươc nghe Ông Phan Kỳ , lúc đó là Trưởng phòng Chấp pháp của Công an Hà Nội báo cáo thực tế và kinh nghiệm công tác chấp pháp (xét hỏi ) các loại tội phạm , nhiều sinh viên háo hức xin vào chuyên khoa này , nhưng cuối cùng nhà trường chỉ chọn một số , trong đó có tôi . Lại như một duyên số được sắp sẵn , năm 1974 Ông Trần Thanh Đạt được cử đi Miền nam và phải tập trung tại trường để học tập thì tôi đã là sinh viên cựu , nhưng không dám bắt nạt sinh viên mới. Sau khi tốt nghiệp ( 1978 ), tôi được phân công vào Thành phố Hồ Chí Minh và nhận công tác tại phòng Cảnh sát hình sự. Lúc đó Ông Đạt vẫn còn là trưởng phòng , nhưng chỉ một thời gian ngắn , vì sau đó ông phải ra Hà Nội nhận công tác khác. Một điều ngẫu nhiên nữa là tôi được gặp và cùng công tác với ông Phan Kỳ , đại diện bộ công an phía Nam. Chỉ khác nhau ở chỗ ông là cán bộ của Bộ công an phía Nam , tôi là cán bộ công an thành phố Hồ chí Minh. Ông làm công tác An ninh, xét hỏi tội phạm xâm phạm an ninh Quốc gia, tôi là cảnh sát, xét hỏi tội phạm hình sự. Nhưng điều khác nhau cơ bản nhất giữa Ông và tôi ( cả thế hệ công an như tôi ) ông là bậc thầy, là thủ trưởng , của lực lượng điều tra tội phạm . Lại một sự trùng hợp tiếp theo , có thể nói như là định mệnh : Ấy là khi tôi được theo học một lớp nghiệp vụ ngắn hạn tại Trường đại học An Ninh phía Nam thì ở đó ông Hồ Thanh Chương đang là Hiệu trưởng

Xin tiếp tục chuyện về ba tôi .

Dạy học đến khoảng 1954 ba tôi chuyển sang làm việc tại xưởng in Duy Tân của ông Khóa Bé với nhiệm vụ được giao là kế toán , thời đó làm kế toán của một xưởng tư nhân cũng như là tay hòm chìa khóa của ông chủ . Mà cũng đúng thôi , Ông Duy Tân lại là chú ruột của mẹ tôi nên cháu giữ tay hòm chìa khóa cho chú đâu có gì sai …. Cho đến năm 1956-1957 miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh , cái xưởng in nho nhỏ ấy cũng không tránh khỏi bị trưng dụng , trưng mua và trưng thu. Mà trưng dụng , trưng mua thì ít mà trưng thu thì nhiều. Trưng dụng , nếu có thì dùng luôn .Trưng mua thì , kháng chiến mới thành công còn dùng đồng bạc Đông Dương , chưa phát hành kịp đồng bạc Bác Hồ lấy đâu mà trả .Thế rồi Nhà nước chơi màn : Trả bằng lợi tức hàng tháng cho người dân. Với cách trả này lợi đâu chẳng thấy, chỉ thấy tức, tức triền miên. Vì biết đến khi mô Nhà nước mới trả đủ cho họ.

Mặc dầu biết vậy, nhưng ba tôi với tư cách là kế toán của ông Duy Tân đã thực hiện công tác bàn giao một cách suôn sẻ, để xưởng in tiếp tục đi vào hoạt động ….và ba tôi trở thành công nhân xí nghiệp in Quảng Bình cho đến sau này

Là người công nhân dưới chế độ mới , lương mỗi tháng chỉ từ 39 đến 45 đồng , lại phải lo chăm sóc mẹ (bà nội tôi ), vợ (mẹ tôi lúc đó chưa đi làm ) và một đàn con ba rồi bốn rồi năm đứa đang sức ăn , sức lớn và đều trong độ tuổi đi học . Ngoài đồng lương công chức ra , đâu có thu nhập nào nữa . Muốn làm thêm, cũng chẳng có việc mà làm , cũng chẳng ai thuê mướn . Chỉ thi thoảng , tôi thấy ông ghé chỗ ông Đào , người phụ trách thư viện tỉnh , ôm về một đống sách cả cũ và mới rồi hì hục tháo mở để đóng lại cho chắc chắn hoặc làm bìa các tông cho đẹp và bảo quản cho lâu mà thù lao thì chẳng được là bao , chủ yếu là giúp đỡ nhau trên tinh thần thân quen với ông Đào , hay do thư viện và xưởng in có cùng một cơ quan chủ quản là ngành văn hóa thông tin .Mặc dù chỉ với đồng lương như vậy nhưng cuộc sống của gia đình chúng tôi không đến nổi quá khó khăn . Vẫn đầy đủ, cơm ngày ba bữa ,quần áo tươm tất , học hành chu đáo .Và tháng nào cũng vậy, đã thành thông lệ cứ đến kỳ lĩnh lương thế nào chúng tôi cũng được ông chiêu đải một đọi (bát ) phở Nam Phát hoặc một dĩa bánh bèo mụ Cày hay mụ Phẩm để động viên tinh thần .Ngoài ra, ông cũng không quên thưởng cho ông 5 hay 6 giác (hào), mua được một chai bảy (0,7) lít quốc lủi , made in Võ xá hay made in Ba đồn mà ông sai tôi đi mua ở nhà ông Cửu Mai, dưới đường bờ sông Nhật lệ , cùng nhưng phía trước nhà bác Trương Duy Bình (chỉ mua ở nhà ông Cửu thôi , chỗ khác ông không chịu) đem về ông làm một chén rồi đem cất .Mà ông đâu có uống một mình , thỉnh thoảng chú Trang cũng sang làm một chén . Ngoài quốc lủi ra ông còn hút thuốc lá (thuốc vấn) . Loại thuốc Cẩm lệ xắt sợi , mua ở tiệm ông Khóa Phu hoặc tiệm của bà Nghè Bang ở đường Lâm Úy hoặc do ông tự trồng trong vườn nhà và nhất là trà thì không thể thiếu mỗi sáng sớm , mà phải do tự tay ông nhóm bếp, đun nước và pha trà. Người khác làm ông chê không đúng cách. Ông thích dùng trà Ba Đình là loại trà gần như số 1 , loại trà này chỉ bán cho cán bộ trung cao cấp thời đó , hoặc trà Thái Nguyên mà anh Vân hay chị Phong đôi khi gửi từ Hà Nội vào biếu cậu . Ngoài những thói quen trên , ông còn có đam mê chăm sóc cây cảnh trong vườn, trồng năm bảy luống rau xanh , trồng và chăm sóc năm bảy gốc bầu gốc bí cho mát nhà lại có trái ăn, trồng vài ba chục cây thuốc lá rồi tự tay thu hoặch , chế biến . Thăm viếng bạn bè hoặc lâu lâu tụ tập mấy người bạn cùng tuổi như ông Đội Sung , ông Khóa Yêm , ông Cửu Đài ,ông Thông Hoa v.v làm năm bảy ván tổ tôm. Thời kỳ gia đình chú Linh ở chung trong nhà , ba tôi cùng chú nuôi chim bồ câu, không hiểu ai mát tay hơn ai và có bí quyết gì mà bồ câu đẻ liên tục , lại còn gù được chim hàng xóm về ở chung , nhiều lắm . .

Những năm tháng chiến tranh, không quân Mỹ tàn phá Miền Bắc , đánh phá Quảng Bình , Đồng Hới sơ tán , xưởng in cũng sơ tán. Đồng Hới sơ tán vài ba lần ở vài ba nơi thì xưởng in phải sơ tán đến bảy tám lần và đến cũng bảy tám nơi. Đồng Hới bắn hạ máy bay Mỹ bằng súng cao xạ , dân quân tự vệ xưởng in cũng bắn hạ máy bay Mỹ bằng súng 12,7 ly . Xưởng in Quảng Bình là vậy đó và có thể là hơn thế nữa . Bởi vì công nhân xưởng in Quảng Bình nhận thức được trách nhiệm và vinh dự của mình vì bảo vệ mình chính là bảo vệ tiếng nói của Đảng , tiếng nói của đảng bộ và chính quyền tỉnh cùng các chỉ thị , nghị quyết của trung ương , không chỉ phục vụ cho riêng Quảng Bình mà còn cho cả chiến trường Trị Thiên , chiến trường Miền Nam. Vì thời đó chỉ có báo in là truyền tải tin tức đầy đủ và rộng rải nhất. Cũng vì vậy nên kẻ địch rất chú ý đến xưởng in và tìm mọi cách để phá hoại. Sòng phẳng mà nói thì ngày đó công nhân xưởng in chịu vất vả , cực khổ nhất ngay từ khâu tháo dỡ máy móc vận chuyển đến nơi ở mới. Lại vất vả cực khổ hơn khi thấy có dấu hiệu nơi ở mới bị lộ . Máy bay trinh sát nhòm ngó. Những ngày đó , người công nhân xưởng in là:

Kẻng cơm , trời tối lắm rồi ,
Màn đêm đã xuống khuya rồi , đó nghe.
Kệ !
Ta chưa ăn, vì lắp máy chưa xong ,
Chờ thêm nữa trăng lên ta làm tiếp,
Máy sẽ cười khi có ánh bình minh .

Trong nhiều địa điểm xưởng in sơ tán thì Làng Phúc Duệ thuộc xã Vĩnh Ninh huyện Quảng Ninh là địa điểm sơ tán đầu tiên . Ấy là vào khoảng sau Tết năm 1965 . Sau khi tỉnh nhà phát lệnh sơ tán khẩn cấp cho toàn thị xã , hàng trăm công nhân nhà in bổng chốc trở thành thợ cơ khí và công nhân bốc xếp . Hàng chục cổ máy in , mỗi máy hàng trăm kí được tháo rời , cùng hàng trăm dụng cụ khác , trong đó có chữ bằng chì phải đóng thùng hoặc đóng trong bao bố rồi vận chuyển bằng mọi phương tiện xuống sông Nhật lệ , ngược dòng lên Quán Hàu , Vĩnh Tuy mới đến Phúc Duệ . Từ bờ sông , công nhân lại phải vận chuyển vào từng ngôi nhà dân rồi hì hục lắp ráp trở lại . Mặc dầu quá trình vận chuyển và lắp ráp phải thực hiện vào ban đêm nhưng phải đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật , không được bỏ sót các chi tiết dù nhỏ nếu không , máy đâu hoạt động được .

Quá trình vận chuyển như vậy, mỗi người một việc tùy theo sức của mình , thanh niên trai tráng thì khiêng vác máy , người già và phụ nữ thì gồng gánh , rất nhiệt tình và hăng hái .Khí thế và tinh thần làm việc thời đó chỉ có được khi khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ‘’ hoặc “mổi người làm việc bằng hai vì miền nam ruột thịt vì thống nhất Bắc Nam ’’ đã ăn sâu vào con tim và khối óc của mỗi người .Với Ba tôi cũng vậy .

Làng Phúc Duệ nhỏ nhắn, xinh xắn và yên ã ấy không chỉ là nơi đứng chân của xưởng in những ngày đầu sơ tán mà nó lại còn là nơi tật kết gặp gỡ của những đoàn quân ngược xuôi từ Nam ra Bắc , từ Bắc vào Nam nên chẳng bao lâu lại trở thành trọng điểm bắn phá của những máy bay ném bom Thần sấm , Con ma của không lực Huê Kỳ khi chiến tranh ngày một leo thang . Ngày cũng như đêm máy bay ném bom bắn phá đường 15 , Cầu Vĩnh Tuy, bến phà Quán Hàu , phà Long Đại cũng bị ném bom và thủy lôi để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến miền Nam và……Phúc Duệ cũng không ngoại lệ , thành trọng điểm và bị ném bom , kể cả pháo tầm xa từ biển dội vào và….. lại phải di chuyển .

50 năm đã trôi qua, tôi cũng chưa có dịp nào trở lại thăm nơi ấy .Nhưng hình ảnh những con người, những căn nhà bình dị , mộc mạc nhưng chan chứa tình cảm đã cưu mang đùm bọc gia đình tôi và cả đại gia đình xưởng in ngày đó vẫn còn khắc sâu trong trái tim tôi .Gia đình chú Xảo , chú Sự ,chú Thẩm v.v… hiện sống ra sao , ai còn ai mất . Nhân nhắc lại những kỷ niệm đã qua cách đây nửa thế kỷ xin gửi đến những ai còn sống ngàn lời cảm ơn và những người đã mất ngàn nén nhang lòng.

Qua bảy tám lần di chuyển và trong điều kiện thiếu thốn mọi bề ,bệnh tật triền miên mà nhiều nhất là sốt rét nhiều người trong đó có ba tôi đã gần như kiệt sức.Đến khoảng năm 1969 ông mắc bệnh nan y mà không có thuốc men chữa trị . Được chuyển ra Hà Nội và điều trị ở bệnh viện Việt Đức, bệnh có lúc thuyên giảm nhưng lại tái phát vào năm 1972. Những ngày đó, cả Hà Nội sơ tán chuẩn bị cho trận quyết tử trên bầu trời bằng chiến dịch “ Điện Biên Phủ trên không ‘’ Ông cùng người Hà Nội hứng chịu hàng loạt bom B52 vào ngày và đêm Noel năm đó rồi đã ra đi mãi mãi .Cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội kéo dài suốt 12 ngày đêm gây không biết bao nhiêu thiệt hạ cho Hà Nội, nhưng thiệt hại lớn nhất là cho con người . Ngày nào cũng có người chết và bị thương, ít thì hai ba chục có ngày năm sáu thậm chí bảy chục người chết Nghĩa trang Văn Điễn lúc nào cũng đông nghịt bởi người sống tiễn biệt và chôn cất người chết. Trong hoàn cảnh đó, nhưng các anh chị tôi, nhất là Ny cũng một tay sắp xếp lo liệu đâu vào đó để cho chuyến hành hương đi vào cõi vĩnh hằng của Ba rất an toàn và chu đáo . Nhưng có điều , tấm bia đá khắc tên Ba tôi ngày đó không kịp ghi quê quán ở Đồng Hới , Quảng Bình mà chỉ ghi vắn tắt “ 12 Hàng Chĩnh khu Hoàn Kiếm-Hà Nội” vì đó là địa chỉ nhà chị Phong (cháu kêu ba tôi bằng Cậu) mà đây cũng là địa chỉ bệnh viện Việt Đức thường xuyên liên hệ khi cần . Tờ khai tử cũng từ nơi này mà có, do vậy,những năm đầu ở cõi hư vô đó, Ba tôi được làm người Hà Nội.

Mẹ kém ba một tuổi.

Không rõ hai người lấy nhau từ năm nào , vì từ trước tới nay mấy ai để ý đến chuyện này.Bây giờ, muốn tìm hiểu cũng đành chịu.Vì hai người nay đã thành thiên cổ cả rồi mà bà con nội ngoại cũng chẳng còn ai lão làng hơn để mà tìm hiểu, nên đành suy luận theo kiểu đoán vậy. Anh đầu của tôi sinh năm 1947 thì chắc chắn ba mẹ tôi lấy nhau trước đó khoảng một hay hai năm , vị chi là ông bà lấy nhau năm 1945 hoặc 1946 gì đó. Lúc đó ông bà khoảng 25 hay 26 tuổi có lẽ là hợp lý.Mẹ có năm anh em ( hai trai ,ba gái ) tuy là gái đầu , nhưng là con thứ (vì có một người anh) nên có bổn phận nặng nề hơn ba người em sau. Nghe nói ở nhà bà phụ ông bà ngoại chăm sóc nhà cửa , lo cơm nước cho cả nhà và ngay cả việc học hành bà cũng nhường cho anh và những người em sau .

Từ ngày xuất giá, về nhà chồng bà lại có bổn phận mới là làm dâu , làm vợ rồi làm mẹ .Mọi việc trong nhà từ nhỏ đến lớn một tay bà quán xuyến .Từ chuyện chăm nom cho bà nội đến lo cho ba tôi và tất cả chúng tôi bà không nề hà , việc gì cũng phải qua tay bà và tất cả đều tươm tất , đâu vào đấy. Chỉ riêng việc dọn dẹp quét nhà thôi , nếu quét cho sạch cũng phải mất từ hai đến ba giờ đồng hồ mỗi ngày mà đâu chỉ có quét , còn phải chợ búa nấu ăn, chăm sóc vườn hoa cây cảnh trong nhà , rồi lo hủ cà hủ kiệu,hủ mắm , hủ muối v…v . để phòng khi bão lụt hoặc mưa to gió lớn thất thường

Đến khoảng năm 1957 , bà đi làm xưởng trà Trường Xuân của ông Trợ Chuẩn ở góc chợ Đồng Hới .
Công việc của bà là phân loại và gói trà , tức trà sau khi chế biến xong phải phân loại to nhỏ , tốt xấu khác nhau để đóng gói sau đó mới xuất bán ra thị trường . Công việc này tuy nhẹ nhàng nhưng rất tất bật vì phải làm khẩn trương cho kịp thời vụ và đảm bảo chất lượng cũng như phải giữ cho được hương vị của trà .Cũng từ công việc này mà có thêm đồng lương (tuy ít ỏi ) để lo cho cả nhà. Nhưng khổ nỗi nghề này chỉ có tính thời vụ vì phụ thuộc vào nguyên liệu. Đất Quảng Bình đâu phải đất trồng trà, mà phải thu mua từ các nơi khác đem về nên rất bị động trong sản xuất. Do vậy xưởng trà không phát triển được mà ngày một thu nhỏ lại cho đến khi ngừng sản xuất. Thời kỳ này , xưởng in ngày một phát triển về chất lượng và cả số lượng người làm việc nên bà chuyển sang xưởng in .Cũng như tất cả các cơ quan xí nghiệp khác trên miền Bắc, để công nhân yên tâm sản xuất , đơn vị nào cũng thành lập bộ phận giữ trẻ để chăm sóc con cái họ. Nhà trẻ xưởng in ra đời trong hoàn cảnh đó và bà trở thành một trong hai (người kia là O Trai) người công nhân nhà in làm nhiệm vụ chăm sóc trẻ , là con cái công nhân viên từ đó. Cái nghiệp giữ trẻ gắn với cuộc đời bà cho đến tuổi nghỉ hưu rồi lại tiếp tục chăm sóc cháu chắt cho đến khi già .

Mẹ tôi thực sự là một người mang đậm truyền thống đặc trưng của Phụ nữ , bởi tính đảm đang hay lam hay làm lại luôn nhường nhịn , nhẫn nhục trong đối nhân , xử thế . Suốt đời không làm phiền lòng ai và cũng ít ai làm bà phiền lòng. Bởi đối với bà : cho là được ,Cho ít là được ít , cho nhiều là được nhiều và càng cho là càng được. Còn nhận ư ? Bà luôn coi là nợ và phải trả , trả càng nhiều càng tốt. Với tính cách đó nên , cả cuộc đời bà là những chuỗi ngày tần tảo chăm lo cho gia đình , thương yêu, chăm sóc cho chồng, cho con, cho cháu chắt và cho cả những người thân trong gia đình thậm chí cả ai đó lúc sa cơ lỡ vận hay hành khất qua đường.

Cả năm anh em chúng tôi được mẹ sinh ra, lớn lên từ bầu sữa của bà , trong vòng tay âu yếm và tiếng ru ngọt ngào của bà để lớn lên và trưởng thành theo năm tháng và khi chúng tôi càng lớn nhu cầu về cái ăn , cái mặc , cái học càng nhiều thì Mẹ càng già ,sức càng cạn .Nhưng với bà, cái quan niệm “Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử “ là quan trọng hơn cả. Do vậy , với bà:

Các con có lớn , vẫn là con của mẹ,
Mẹ vẫn theo con suốt cả cuộc đời.

Nghe kể lại: ngày mẹ sinh anh Dũng , cũng là lúc giặc Pháp đổ bộ vào Đồng Hới , người dân Thị xã thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến , bằng “ Vườn không nhà trống’’ bỏ lại nhà cửa vườn tược rồi dắt díu nhau đi tản cư. Ai có thân nhân hay người quen ở đâu thì đến đó lánh nạn . Mỗi người một đường , mỗi đường về mọi ngã , mẹ tôi tay xách nách mang ôm con theo đò tản cư lên tận Xuân Dục ở nhờ nhà ông Hương Cành và nhà bác Khóa Huyền . Ở trên đó một thời gian , chờ cho thị xã yên ổn lại trở về sinh sống.

Anh tôi lớn lên vào bộ đội , mẹ thấp thỏm vào ra . Chiều nào đi làm về cũng nhìn ra ngõ đợi chờ mong ngóng . Mâm cơm đã dọn mà bà đâu có chịu ngồi ăn , chỉ chực chờ với hy vọng mong manh biết đâu nó được về ,dù chỉ trông chốc lát. Ngày giặc Mỹ mang bom đạn đánh phá miền Bắc, đánh phá quê hương Quảng Bình , bỏ lại nhà cửa, vườn tược với một đôi quang gánh trên vai . Một bên là nồi niêu xoong chảo , năm bảy kí gạo, mắm ruốc và một bên là thằng út mới bốn tuổi cùng hàng ngàn người dân Đồng Hới dắt díu nhau đi sơ tán khi ông mặt trời còn đang ngủ. Cả năm mẹ con vượt Cầu Dài , cùng đoàn người nối đuôi nhau lên tận Lương Yến tá túc tại nhà chú Học , chú Viễn là công nhân xưởng in để chờ chủ trương mới.Chiều nào , mấy anh em chúng tôi cũng ra đứng đầu làng, hướng mắt nhìn về phía Đồng Hới mà lòng bồi hồi xao xuyến vô cùng. Có những ngày máy bay Mỹ gầm rú trên trời rồ bổ nhào ném bom thị xã, rồi tiếng súng cao xạ, súng trường các loại như xé nát không trung .Cả Đồng Hới rung chuyển , cả Đồng Hới chớp giật bởi bom Mỹ . Rồi Cầu Dài , Cầu Ngắn bị đánh sập và tượng Phật chùa Linh Quang, chùa Phật Học cũng phải lăn lóc ra đường.Lại có những đêm thức trắng bởi pháo sáng rồi hàng loạt pháo tầm xa của tàu chiến Mỹ từ biển Đông dội vào . Rồi hàng chục người chết và bị thương, cả thị xã quằn quại trong tang tóc đau thương. Những ngày đầu chiến tranh ở Đồng Hới của ta là vậy đó.

Xưởng in đi đến đâu cả nhà cũng đi đến đó ,kể cả trèo đèo lội suối vào tận rừng xanh thăm thẳm mẹ cũng vẫn tiếp tục công việc chuẩn bị nhà cữa, giường chiếu để tiếp nhận con cái công nhân và chăm sóc nuôi dưỡng chúng , dù trong mọi điều kiện mọi hoàn cảnh , khó khăn gian khổ đến đâu.Và cùng với tiếng máy in reo vui rộn ràng từ sáng đến tối thì tiếng hát ru..hời …ru ..hởi …là …ru của mẹ cũng ngân nga đi vào từng giấc ngủ, vào từng tâm hồn non nớt của trẻ thơ, ngay dưới tiếng gầm rú của máy bay và bom đạn của giặc Mỹ.

Khoảng năm 1973 bà nghỉ hưu nhưng vẫn phải sống trong khắc khoải đợi chờ vì năm người con mỗi đứa một phương .Anh Dũng tôi vẫn còn trong quân ngũ, chị gái tôi ra Hà Nội sơ tán rồi ở lại làm việc ngoài đó luôn .Tôi cũng phải đi học xa , ở nhà còn lại Mẹ với hai thằng út .Nhớ con ngày nào bà cũng khóc , thỉnh thoảng có đứa nào về bà mừng như bắt được vàng .Con về , bà khóc; Con đi , bà cũng khóc.

Nhớ lại những ngày gian lao vất vả trong chiến tranh, những ngày thiếu ăn , thiếu mặc trong thời bao cấp, tôi không bao giờ quên được hình ảnh bà trong những đêm đông giá lạnh, những ngày mưa gió bão bùng bà luôn dành cho chúng tôi sự ấm áp từ tâm hồn đến cuộc sống .Nhường cho con chỗ nằm và chiếc chăn ấm trong đêm lạnh giá . quạt cho con ngủ trong những đêm hè oi bức …. Những trưa hè trời nắng chang chang mẹ vẫn cặm cụi ở góc vườn nhặt cho đầy mớ rau tập tàng để nấu cho con nồi canh ăn cho mát bụng .Những buổi sớm tinh mơ bà dậy sớm nấu nồi cơm rồi ém chặt, chuẩn bị cho anh em tôi trước những chuyến đi xa. Không chỉ lo cho các con , mẹ còn quan tâm chăm sóc cho cậu tôi , là anh mẹ vì ông sống độc thân , không con cái.Có lẽ cái hạnh phúc lớn lao nhất của mẹ tôi là đem lại hạnh phúc cho mọi người

……….

Anh đầu lập gia đình ở Quảng Bình lúc đó mẹ tôi còn khỏe, anh chị tôi chớp thời cơ ba năm cho ra đời ba đứa cháu nội để một tay mẹ chăm nom, ẳm bồng, nuôi nấng .Cả ba đứa quen hơi bà nhiều hơn hơi mẹ nó , tay sờ bú tý mệ nhiều hơn sờ bú tý mẹ nó. Vợ chồng tôi thấy bà còn khoe khỏe cũng tranh thủ đón bà từ quê vào chăm sóc hai cục cưng một gái, một trai mà cách nhau đến những năm năm . Mà khổ nỗi ở Sài gòn nhưng tối ngày cứ than ngắn thở dài rằng nhớ con , nhớ cháu, sợ không ai hương khói cho ông , bà. Rồi thằng em kế tôi ở Huế sợ mất phần cũng làm luôn một mạch hai đứa cũng một gái , một trai, đưa mệ vào coi sóc cho yên tâm . Duy chỉ có thằng cháu ngoại ở tận ngoài Sơn Tây thì đã có bên nội lo nhưng cũng vài ba lần mẹ tôi cũng ra thăm cháu .Thằng út, ở Sài Gòn sinh sau và lập gia đình sau cùng, tưởng hết phần nhưng cũng có một công chúa được Mệ chăm nom . Vậy là ai củng có phần cả , năm người con , chín đứa cháu đều qua tay mệ . Nếu tính từ đứa thứ nhất – bé Hương cháu đầu – thì lúc đó mẹ tôi đả qua tuổi lục tuần , nhưng thương con thương cháu bà vẫn lặn lội từ Bắc vào Nam , Từ Nam ra Bắc suốt chặng đường hơn hai mươi năm để chăm nom cả thảy chín đứa cháu , cho đến gần tám mươi tuổi bà mới thật sự được nghỉ ngơi. Mặc dù đã qua tuổi xưa nay hiếm nhưng sức khỏe của bà rất tốt , lại ăn được, ngủ được mà tuổi đó “ăn được ngủ được là tiên , không ăn không ngủ tốn tiền thêm lo” nên bà không hề ốm đau bệnh tật gì cả, bà sống với cuộc sống rất bình dị, cùng vợ chồng anh đầu tôi và tình mến thương của họ hàng trong thân tộc cùng bà con hàng xóm láng giềng .

Nhưng tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng giảm ,điều đó không có gì là lạ và bà cũng không phải là trường hợp ngoại lệ của số phận con người và quy luật của tạo hóa . Bởi bà là con người bằng xương bằng thịt dù muốn cũng không sao tránh khỏi quy luật của tự nhiên . Bà biết nhưng rất sợ cái ngày nào đó , khi sức cùng , lực cạn mà phải ra đi thì không ai đi vô đi ra coi dùm nhà cữa cho chúng nó. Nhưng bà có muốn cũng không được , vì có ai sống được đến mãi đâu .

Mẹ già như trái chín cây ,
Gió lay Mẹ rụng , biết ngày nào đây.

Chiếc lá vàng trên cây, khi không còn thực hiện chức năng hấp thụ ánh mặt trời được nữa thì cũng phải lìa cành và rơi theo làn gió nhẹ, để về với đất. Ấy là quy luật của tự nhiên và cũng là quy luật của kiếp Người . Dẩu biết, bà đã vượt qua , vượt qua tất cả mọi biến cố và cả trong bom rơi đạn nổ để đến với tuổi Cửu thập, mà người đời cho là Xưa nay hiếm. Bà đã vượt qua cái ngưỡng của số phận mà tạo hóa đã sắp đặt cho con người là : SINH- LÃO – BỆNH – TỬ để đến với thế giới vô thường, hư vô nơi cửa Phật .Vâng ! Một Cõi đi về ! Ấy là lúc 5giờ 30 phút ngày 21 tháng 3 năm 2010 (tức 7 / 2 năm Canh Dần ).

“Rồi sẽ một ngày con không còn Mẹ .
Trời vẫn xanh ,
Biển vẫn xanh, và vẫn mặn ngàn đời.
Trái đất vẫn thiên di những bước chân không mỏi
Chỉ lòng con không còn nắng, Mẹ ơi”



Vậy là từ nay chúng con không còn Mẹ nữa ,
Vậy là từ nay các cháu không còn Mệ nữa .

Tiếc thương vô hạn , muốn khóc cũng không thành tiếng. , chỉ cố kìm nén trong lòng . Ôi; Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình .

Một người Mẹ bình thường như trăm , như ngàn người Mẹ khác . Nhưng với chúng con mẹ là tất cả , mẹ là vĩ đại nhất trong suy nghĩ , trong tình cảm , trong cuộc sống, trong từng giấc ngủ và cả giấc mơ. Bởi thế gian này , có nhiều lắm những kỳ quan, những tượng đài, nhưng không kỳ quan nào,không tượng đài nào bằng trái tim và tấm lòng nhân hậu của Mẹ.

Ngày Mẹ ra đi, Mùa Xuân vẫn còn đâu đó , Mùa Hạ chưa về . Sớm mai trời còn mát nhưng đến chiều lại nóng như thiêu . Hôm cuối cùng , Ông trời bỗng dưng chuyển hướng , đưa về một cơn gió lạnh đột ngột vào lúc nửa đêm , rồi tiếp một cơn mưa rào nhẹ lúc gần sáng .Trời đất dung hòa , nắng mưa , nóng lạnh đâu đâu cũng đến như chia sẽ cùng. Có lẽ, Ông Trời cũng muốn tiễn biệt một người đã sống trên cõi đời này ngót chín phần mười thế kỷ, chứng kiến bao thăng trầm nhân thế. Căn nhà nhỏ , nép mình dưới rặng xà cừ , cạnh bờ hồ công viên là nơi bà sống cùng anh chị tôi gần 40 năm rồi , nay bỗng dưng nhộn nhịp, nhộn nhịp nhưng im lặng . Im lặng mà không nặng nề . Cơn mưa rào nhẹ lúc ban mai chưa đủ thấm đường , mặt đất sền sệt , ươn ướt như cố níu lại dấu chân và hơi thở của bà lần cuối .Tất cả con cháu từ muôn nơi , bà con gần xa , bà con hàng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu đâu đâu cũng đến để thắp nén nhang tiễn biệt. Các cháu Sơn , Kim Chi , Quân đang công tác ở Hà nội cũng vào chịu tang và đưa tiễn bà . Nhưng có lẽ xúc động nhất là sự có mặt của các cựu binh lái xe thời chống Mỹ như anh Trang , anh Vị ….nguyên là bộ đội lái xe cùng đơn vị với anh Dũng tôi từ thuở “Nằm ngữa nhớ trăng , nằm nghiêng nhớ bến . Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo ...’’ từ quê ở Nghệ an nghe tin cũng vào.

Mẹ tôi đã sống và chứng kiến bức tranh xã hội Việt Nam từ thuở phong kiến , đến thực dân . Rồi chính quyền cách mạng từ sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, với sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa đến cuộc kháng chiến 9 năm và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Rồi những năm tháng thắt lưng buộc bụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, những năm tháng chống Mỹ cứu nước oanh liệt và chiến thắng vẻ vang . Một con người đã phải trải qua hàng chục ngàn ngày trong thời kỳ bao cấp với nền kinh tế thời chiến, rồi cũng chứng kiến sự ra đời của Nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam vươn lên tầm cao mới .Một con người đã sống qua 80 năm của thế kỷ 20 và gần 11 năm của thế kỷ 21. Con người đó là Mẹ tôi.

Cha , Mẹ là đấng sinh thành , xin ghi lòng tạc dạ.
Nam mô bổn sư Thích- ca- Mô- Ni- Phật!

Cầu mong cho vong hồn của Ông , Bà nơi chín suối gặp lại nhau.

“ Mây trời lồng lộng không che nỗi công Cha.
Nước biển bao la không đong đầy lòng Mẹ’’
Xin Ba , Mẹ nhận nơi các con ngàn ngàn nén nhang lòng.

NGUYỄN DOÃN MẠNH
SaiGon 02-09-2010
Đăng nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét