21/8/15

50 NăM MỘT ChẶNG ĐƯỜNG

TIẾN TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG CẤP 3 ĐỒNG HỚI  QỦANG BÌNH


50 năm , nữa thế kỷ đã trôi qua, Các thế hệ học sinh trường cấp 3 Quảng Bình ( tiền thân của cấp 3 Đồng Hới, Trung học phổ thông Đồng Hới ) đang háo hức chờ đón kỷ niệm ngày thành lập trường trọn 50 năm . Một con số tròn trỉnh cũng không phải quá dài đối với đời người mà chỉ đủ  đầy kỷ niệm trong hành trang của mỗi học sinh để bước vào đời đối với tất cả chúng ta.
 Còn nhớ, ngày 15/8/1966 uỷ ban hành chính tỉnh Quảng Bình ra quyết định thành lập trường cấp 3 Đồng hới trên cơ sở chia tách trường cấp 3 Quảng bình đang sơ tán ở Vạn Xuân, rút chuyển số học sinh Đồng Hới đang học dở chương trình lớp 10 về lại quê nhà cùng các học sinh từ cấp 2 mới lên của các xã lân cận phía bắc Quảng Ninh và các vùng phụ cận khác để hình thành bộ khung đầu tiên . Lúc đầu trường chỉ có 17 cán bộ giáo viên do thầy Hoàng Trọng Đoá làm hiệu trưởng và trường được đặt tại Cồn Chùa, một khu vực sơ tán của người Đồng Hới có từ trước đó, khi thị xã sơ tán trong chiến tranh chống Mỹ và cũng là chiến khu xưa của Đảng bộ thị uỷ Đồng hới  trong kháng chiến chống Pháp vùng này đất đai còn rộng lại tương đối tốt, lại gần rừng có khe có suối , phong cảnh khá hữu tình .
KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI
Ngày 5/9/1966 cùng với cả nước, nhà trường long trọng tổ chức lễ khai năm học đẩu tiên tại Cổn Chùa. Trên một khoảng sân rộng , dưới màu xanh của cây lá nguỵ trang. Cũng có lễ chào cờ trang nghiêm cũng có tiếng trống trường thúc dục báo hiệu kỷ nguyên mới. Năm học đầu tiên ấy trường có 7 lớp với 365 học sinh, nhưng chỉ có một lớp 10. còn lại do từ các trường cấp 2 chuyển lên và các địa phương khác chuyển đến đủ sắp xếp 2 lớp 9 và 4 lớp 8.. Ngoài con em Đồng Hới -Bảo Ninh còn lại là học sinh 6 xã bắc Quảng Ninh ( Lộc Ninh- Lý Ninh- Đức Ninh - Nghĩa Ninh - Lương Ninh- Vĩnh Ninh),nông trường Việt Trung của Bố Trạch. Ngoài ra còn có một số học sinh Miền Nam mà chủ yếu là Quảng Trị cũng có mặt.
Đầu năm học , thị xã đầu tư xây được 7 ngôi nhà gổ lợp ngói nằm rải rác ven các sườn đồi , xen lẫn trong khu dân cư , dưới những tán cây rừng. Với tinh thần tự lực cánh sinh, thầy và trò thực hiện phương châm vừa "học tập tốt , lao động tốt" sau những giờ tan học và ngày thứ 5 chủ nhật hàng tuần , tất cả thầy và trò với cơm ém muối vừng "Dao cài thắt lưng"  tiến vào rừng xanh cùng cất cao tiếng hát " Rừng ơi, ta đã về đây,...đem sức của đôi tay..." . Học sinh nam thì đốn gổ lớn làm cột nhà, đòn tay , rui, mèn rồi tự khuân vác , khiêng về . yếu một chút và nữ sinh thì bứt tranh, đan tranh. Chỉ trong một thời gian ngắn, với quyết tâm cao, thầy trò của trường xây dựng thêm được 3 phòng học  với đầy đủ bàn ghế tự chế bằng gổ, tranh,  tre do chính bàn tay mình khai thác đẽo gọt. Không chỉ làm và dựng nhà mà còn đào hệ thống giao thông hào để phục vụ đi lại, hầm trú ẩn xung quanh các lớp để phòng khi có bom Mỹ đánh phá.
 Song song với việc xây dựng trường lớp, học sinh còn phải xây dựng cho mình nơi ăn ở sinh hoạt để học tập và lao động. Trừ một số có gia đình , bà con ở Cồn Chùa, Trạng , Hà , Zét là đi về, còn lại hầu hết đều ở lại suốt tuần. Khu  A, Khu B va khu C được hình thành ở 3 vị trí khác nhau giành cho các khối lớp và khu vực dân cư dần dần được hình thành như những xóm nhà nhỏ đơn sơ mà ấm cúng. Lều lán thay nhau mọc lên thay cho màu xanh của cây rừng và đá sỏi. Suối nước róc rách như muốn vui hơn khi có dấu chân người. Tuỳ theo địa hình các khu để xây dựng lán trại, nơi thì theo hình chữ U, chữ L hay theo vòng tròn cho tiện sinh hoạt , lại có sân bóng chuyền , khu vệ sinh. Cuộc sống của học sinh trong các lán trại rất gần gũi và thân thiên ấm cúng đúng nghĩa với một khu dân cư nhỏ " Tối lữa tắt đèn có nhau" . Những mảnh vườn nho nhỏ đầy hoa rừng có sẵn của núi rừng, bên những bông hồng, thược dược được trồng mới cùng những vườn rau xanh tốt dọc các đường mòn làm tăng thêm vẻ lãng mạn hấp dẫn và trữ tình , ven những sườn đồi vốn hoang vu hẻo lánh bỗng chốc lột  xác biến thành con đường đầy hoa với nhiều màu sắc.
Một số học sinh , ngoài học tập và lao động, còn phát nương , làm rẫy trồng thêm khoai , sắn để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình và bản thân... Vui nhất là những lúc rảnh rồi vào các hang suối, bắt cá, hái cây rừng để cải thiện bữa ăn.
Những năm tháng đó cùng với phong trào  "học tập tốt , lao động tốt " là phong trào ca hát với chủ đề  "cất cao tiếng hát, át tiếng bom " kết nghĩa vơi các đơn vị bộ đội , tổ chức các đêm văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao rất sôi nổi và hào hứng

KÝ ỨC ĐAU THƯƠNG VÀ NHỮNG NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH.

 -Vâng ! đó là khi trường mới hơn một tuổi, ngày 5 tháng 1 năm 1967 vào tầm 20h 30. Một tốp máy bay Mỹ từ Biển đông bay vào và hạ độ cao dọc  vùng trời  Đồng Hới để quan sát di chuyển của bộ đội trên đường mòn Hồ chí Minh. Khi bay qua vùng trời Cồn chùa , chiếc đi đầu bắn  4 trái pháo sáng để quan sát, cả khu vực Cồn Chùa- Trạng và Hà sáng rực . Kế đó chiếc sau chao nghiêng cánh dòm ngó, trung đội pháo 14ly 5 trên đồi Độc lập chớp thời cơ nổ súng, một loạt đạn đỏ lừ vạch không gian lao vút  theo máy bay nhưng bất thành, chúng  vọt lên cao hơn rồi vòng trở lại. Một lọat bom phá cùng bom sát thương  thả xuống. Xóm nhỏ Cồn Chùa và trường cấp ba rung lên trong chớp giật và chìm trong khói bom, bầu trời đã tối lại càng thêm tối mịt bởi đất đá và khói bụi. Chờ cho tiếng máy bay Mỹ đi xa, các thầy cô và các bạn gần đó chạy đến Văn phòng thì Văn phòng không còn hình hài gì nữa , chính giữa nền nhà là một hố bom sâu đến nữa mét, cả cái nhà lợp ngói 3 gian  biến mất không còn dấu tích .chỉ còn là những vệt đen cháy sém cũng như mùi bom khét lẹt. Cả xóm Cồn Chùa hổn loạn trong tiếng la hét, kêu cứu. Nghe báo  nhà anh Huy bị trúng bom , nơi có 2 học sinh lớp 10 ở trọ , các thầy chạy lên tham gia đào bới cứu nạn nhưng tất cả đều tuyệt vọng . Bom trúng hầm Chữ A  ... công tác cứu nạn rất khó khăn vì không ánh sáng, không dám dùng cuốc xẻng vì thân thể các nạn nhân đã mềm nhũn do sức ép của bom, vả lại để đề phòng máy bay quay trở lại ném bom tiếp tục thì hậu quả sẽ rất lớn.
Ngay tờ mờ sáng sớm hôm sau, các thầy cô tập trung đến văn phòng thì phát hiện bên cạnh hố bom  có đường kính khỏang 1,2 m là một thi thể và nhận ngay được đó là thi thể của học sinh Đoàn thị Kim O..( h/s lớp10). thân thể còn khá nguyên vẹn trong bộ bà ba đen và cái khăn rằn Nam bộ. Có lẽ, do O.. bị hơi bom văng ra xa nên thân thể còn khá nguyên vẹn, còn P- t -T... và H... cũng như các nạn nhân trong nhà anh H đều  không  còn gì...chỉ đến khi mai táng mới phát hiện đầu và tay của một nạn nhân đang treo lủng lẳng trên ngọn một cây chuối. Các bạn ấy đã mãi mãi lìa xa thầy cô, bạn bè và mái trường Đồng Hới thân yêu khi tuổi đời còn quá trẻ và khi trường cũng mới ra đời chưa đến hai năm.
Trận bom này, cướp đi sinh mạng của tất cả  11 người , trong đó có 5 người trong một gia đình. 3 cán bộ bưu điện cùng 3 học sinh cấp 3 Đồng Hới. Toàn bộ Văn phòng nhà trường bị phá huỷ tan tành, toàn bộ hồ sơ giấy tờ bị thất lạc, toàn bộ tiền lương tháng của  giáo viên mới lỉnh chưa kịp phát cũng bị tiêu tan

_ Ngày đầu thành lập trường, trong số 17 thầy cô giáo đầu tiên có mặt do thầy  Hoàng Trọng Đoá làm hiệu trưởng và một số thầy cô được bổ sung, cùng khoá học trò năm học này hẳn không bao giờ nguôi ngoai và  quên đi ký ức hãi hùng của trận ném bom năm xưa ấy,

Năm đó , ngoài thầy Hoàng Trọng Đoá làm hiệu trưởng và dạy môn chính trị cùng thầy Đặng Phàn còn có các thầy cô giáo:
  VĂN :
Thầy giáo Thái Hoàng, Thầy giáo Lê Doãn Cần,  Cô giáo Phan thị Xuyến, Thầy giáo Lương Duy Cán.
 TOÁN:
Thầy giáo Nguyễn văn Hiền , Nguyễn Đường Lãm, Đoàn Viết Trình, Nguyễn Chương
 VẬT LÝ:
 Thầy Hoàng Bình, Trần Trọng Kỷ
 HOÁ:
Thầy Lê Đình Khả, Văn Đức Thuần
 SINH VẬT:
 Thầy Nguyễn Văn Thụ, Hoàng Văn Dương
SỬ ĐỊA:
 Lưu Danh Hương, Biện Văn Dục
NGOẠI NGỮ:
Thày Trịnh Xuân Hoành, Lê Viết Dũng
THỂ THAO:
Thầy Nguyễn văn Thừa, Nguyễn Dình Phi
Ngoài ra còn có thầy Chước phụ trách văn phòng

50 năm đã trôi qua, trong số các thầy các cô có mặt từ những ngày đầu  của trường , hẳn sẽ có nhiều người không còn nữa , còn lại thì đã già và rất già lại tãn mát muôn phương. May ra ở Đồng hới còn thầy Đoàn Viết Trình và thầy Trần Trọng Kỷ.Ở thành phố Hồ chí Minh có thầy Lương Duy Cán. Ở Hà Nội có cô Phan thị Xuyến là những người trong cuộc. Ngoài ra số học sinh niên khoá 1966-1967 bây giờ cũng đã ngót nghét 70 tuổi rồi , đã là cái tuổi lúc nhớ lúc quên mà quên thì nhiều hơn nhớ.
 Viết bài này, hi vọng các thế hệ học sinh cấp 3 Đồng Hới, trong không khí hân hoan tiến tới kỷ niệm 50 năm thành lập trường càng tự hào  với truyền thống của trường càng tri ân các thầy các cô, những người đặt nền móng cho  trường cấp 3 mang tên Đồng Hới và cùng thắp lên những nén nhang lòng thay cho lòng tri ân gởi đến hương hồn những thầy cô, những người bạn đã đi vào cỏi vĩnh hằng


Sài gòn ngày 22/8/2015



















1 nhận xét: