28/8/15

TRƯỜNG CẤP 3 ĐỒNG HỚI QUẢNG BÌNH -CHUYỆN GIỜ MỚI KỂ- NĂM HỌC 1970-1971.

TRƯỜNG CẤP 3 ĐỒNG HỚI QUẢNG BÌNH-CHUYỆN GIỜ MỚI KỂ _NĂM HỌC 1970-1971

Cuối năm 1969, tình hình chiến sự trên cả nước có nhiều chuyển biến tích cực.  Ở miền Nam, quân giải phóng liên tục tấn công, liên tiếp giành thắng lợi. Ở Miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ  bị thất bại thảm hại, hàng ngàn máy bay bị bắn rơi bắn  cháy , hàng trăm phi công Mỹ bị bắt sống. Mỹ đã thấy rõ nguy cơ sa lầy nghiêm trọng và tìm cách rút lui ra khỏi cuộc chiến tranh Việt nam. Phong trào phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam rầm rộ trên thế giới cùng  thắng lợi trên mặt trận ngoại giao khiến Mỹ phải xuống thang hạn chế và ngừng ném bom Miền Bắc, tưởng như hoà bình đang ở trong tầm tay , tầm mắt.
Nhưng ngày 2/9/1969 chủ tịch Hồ chí Minh qua đời, cả dân tộc đau buồn vô hạn.
Kết thúc năm học 1969-1970 thực hiện chủ trương của Tỉnh, trường chuyển địa điểm từ Cồn Chùa về Cộn (địa điểm hiện nay ) mà lúc đó còn là một khu vực đồi rộng đầy đá sỏi và cây dại, để phù hợp với hoàn cảnh mới.
Những tháng hè năm đó, thị xã huy động lực lượng bộ đội công binh của tỉnh rà phá bom đạn còn vương vãi còn sót lại, san chặt cây dại, san ủi mặt bằng để xây mới thêm phòng học,   nhà Văn phòng  ban giám hiệu , nhà bếp đồng thời với việc tháo dỡ vận chuyển toàn bô tài sản của trường từ Cồn Chùa mang về. Những ngày đó toàn bộ thầy trò đều chung vai gánh vác. Nhà cữa lán trại dỡ đến đâu,  được chất lên ba gác, xe bò hoặc xe cút kít rồi rồng rắn nối đuôi nhau vượt dốc băng suối đưa về địa điểm tập kết. Đoạn đường từ Cồn Chùa về Cộn lúc đó còn quanh co uốn lượn, nhiều chổ dốc cao và có cả khe suối , nhiều ổ gà, thậm chí cả ổ trâu ổ bò  cũng không ngăn được tinh thần và nghị lực của tập thể thầy trò học sinh chúng ta . Từng tấm ngói , từng viên gạch còn tốt và nguyên vẹn , được nâng niu, bảo quản rồi đưa về tiếp tục xử dụng. Gổ lá tranh tre cũng vậy, tuỳ từng loại, không bỏ thứ gì.Cũng nhờ vậy mà dãy nhà tập thể dành cho giáo viên chỉ không bao lâu sau đó đã hoàn thành, tuy chỉ là nhà tranh vách đất, nhưng cũng giúp cho cuộc sống của thầy cô được ổn định, an tâm công tác. Cũng cần nói thêm, ngòai cơ sở vật chất của nhà trường ở Cồn Chùa, vùng Nam trạng cũng có một số tài sản , phần lớn là nhà ở dành cho giáo viên cũng được tháo dở đưa về nơi ở mới. Một số giếng nước được đào mới, đủ cho thầy cô sinh hoạt


Với tinh thần lao động tích cực khẩn trương chỉ trong 3 tháng hè, ngôi trường mới đã hoàn thành với diện mạo mới, trên vùng đất mới, làm cho bộ mặt thủ đô Grat- Cộn thêm phần vui tươi và sinh động. Năm học 1970-1971 khai giảng đúng thời gian, phố Cộn như một ngày hội. Năm học đó, ngoài số cán bộ giáo viên củ được chuyển từ Cồn Chùa về, nhà trường được bổ sung thêm nhiều giáo viên mới từ nhiều nguồn khác nhau. Người viết không thể nhớ đầy đủ và chính xác họ tên   từng thầy cô nhưng cũng mạnh dạn xin nêu một ít trường hợp cụ thể như sau và mong sự bổ sung của các bạn gần xa.
  Trường về Cộn, thầy Hòang Trọng Đoá vẫn tiếp tục làm hiệu trưởng cùng gần 20 thầy cô từ Cồn Chùa chuyển sau đó được bổ sung, có thể kể.
Thầy Các,  Cô giáo Phạm thị Minh Nga, thầy giáo Hồ Văn Phòng vốn là giáo viên cấp 2 Đồng Hới đi học đại học trở về. cô Nga dạy hoá, thầy Phòng dạy Văn)  , Thầy ...Chánh dạy chính trị , thầy Đinh văn Trọng ( Văn)  Thầy Phạm bá Chiểu ( Thương binh, cựu chiến binh trận Điện biên phủ dạy Lý ).

Cũng vào thời gian này, nhiều thầy cô giáo trẻ mới tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội cũng được điều động về trường nhận công tác như thầy Vũ trọng Thành, Lê Hữu Khoảnh, ...Tân, thầy An , thầy Thiều , thầy Trác, thầy Vũ Hùng, thầy Hồng, thầy Chương, thầy Khởi, thầy Lộc...thầy Toản, thầy Pham Quang Bình Cung

Đặc biệt một số thầy cô nguyên là học sinh cấp 3 Quảng Bình và khoá đầu cấp 3 Đồng hới tốt nghiệp đại học cũng được điều về nhận công tác như các thầy : Thầy Trương Duy Mạnh ( chuyển từ Đa Phúc Vỉnh phú về) thầy Hoàng văn Ty, thầy Nguyễn thái Đảm, thầy Lại tấn Thi, Cô Hoàng thị Thương,  Cô Nguyễn thị Kim Uyên, cô Huê ...thầy Xuân , thầy Doãn
( Hầu hết các thầy cô được bổ sung về trường trong giai đoạn này đều đi bộ hay xe đạp vượt hàng trăm cây số,trong điều kiện khó khăn thiếu thốn vô cùng)

Với cơ sở vật chất mới khang trang, nằm ngay trung tâm Grat Cộn,và lực lượng giáo viên hùng hậu , năm học đầu tiên về Cộn , nhà trường có chủ trương bố trí lại các lớp học cho phù hợp với điều kiện đi lại của học sinh ở các địa phương khác nhau, do đó xảy ra tình trạng  xáo trộn các lớp, hầu hết các lớp 9 và 10 đều bị thay đổi, ít nhiều làm ảnh hưởng đếm tâm tư của nhiều học sinh. Phải nói, đáng lẽ năm học 70-71 có đầy đủ nhân thời, địa lợi nhân hoà để có một năm học đầu tiên về Cộn thành công mỹ mãn thì ngược lại.

Sau Noel năm ấy !

Đàm phán ở Hội nghị Pa - Ri đi vào bế tắc, Mỹ ngang ngược tuyên bố đánh phá trở lại Miền Bắc với quy mô và mức độ ác liệt hơn hòng làm cho Miền Bắc  "trở về thời đồ đá " trong đó Đồng Hới Quảng Bình là trọng điểm , hòng cắt đứt sự chi viện cho chiến trường Miền Nam. Điều gì đến cũng đã đến.

Một buổi sáng như bao buổi sáng khác, khi học sinh  đang lủ lượt kéo nhau đến trường thì tiếng kẻng vang lên và tiếng loa phóng thanh phát ra từ văn phòng nhà trường .
"  Hôm nay, máy bay Mỹ có thể ném bom đánh phá khu vực Đồng Hới và một số nơi ở Quảng Bình, nên học sinh được nghỉ học, trở về với gia đình, chờ lệnh mới từ tỉnh sẽ có thông báo sau "
Thế là học sinh lục tục kéo nhau ra về.
 Chiều hôm đó, khoảng 15 g30 , hàng tốp, hàng tốp máy bay Mỹ từ phía biển lao vào , hàng loạt bom các loại tới tấp dội xuống dọc đường 15 trong đó có một loạt rơi trúng  ty Thuỷ Lợi Quảng Bình . cả vùng Lê kỳ- Rẫy Cau- Ba đa chìm ngập trong khói bom, Từ phía đồi Mỹ Cương nhìn lên khói đen nghịt trời, và phỏng đoán sẽ có thương vong không phải là ít, dẩu biết vậy nhưng nào ngờ !

Sáng hôm sau, đến trường để tìm hiểu về thiệt hại của trận ném bom ,thì tất cả đều bàng hoàng, xúc động khi được biết " Người chết và bị thương rất nhiều chưa thể thống kê được, trong đó có 2 học sinh cấp 3 Đồng hới bị thương đã được đưa về bệnh viện Đồng Hới ờ Xóm Re (Nam Lý ) để điều trị. Rồi  tin tức chính xác cuối cùng cũng về đến trường: 2 học sinh bị thương là Ngô La Na và Ngọc Anh. 3 học sinh khác bị chết tại chổ là Đ Hương- Đ Huệ- Ng- H.Một số người định lên khu vực bị ném bom để dự tang và chôn cất các bạn  nhưng nhà trường không cho cũng vì lúc đó lực lượng cứu hộ đang làm nhiệm vụ và cũng đề phòng Máy bay trở lại ném bom lần nữa.
Ba bạn mất, hai bạn bị thương !
 Ngày định mệnh ấy là ngày 29/ 12/ 1971 tức 12/11 âm lịch.
Mà tôi vẫn còn nhớ như in.
Trở về nhà ở Mỹ Cương, nhận khẩu phần ăn là hai cái bánh bao không người lái rồi một mình băng đồi, men theo đường tàu hoả , lội ruộng đi về hướng Xóm Re- Nam Lý, nơi có bệnh viện Đồng Hới sơ tán về đó. Gọi là bệnh viện chứ thực ra cũng chỉ là những nóc nhà nữa chìm nữa nổi nằm xen lẫn trong  một khu vực rộng cùng với nhà dân. Đến khu vực cấp cứu, thấy một số người nhà nạn nhân đứng xớ  rớ bên ngoài, tôi len vào nhìn rồi hỏi thăm nhưng nào ai biết. Chỉ có 5 hay 6 nạn nhân còn ở lại đó cùng một số nhân viên y tế đang theo dõi chăm sóc họ. Tưởng không gặp được La Na và Ngọc Anh thì bất ngờ gặp người quen * vốn là Y sỉ của bệnh viện. Ông hỏi tôi tìm ai ?  và được  ông cho biết La Na bị bỏng nặng do hơi nóng của bom, còn Ngọc Anh bị mảnh bom vào chân. Tôi khẩn khoản xin ông để được vào thăm  hai bạn thì ông chần chừ rồi nói : chỉ có thể vào thăm một bạn ở khoa bỏng vì gần đây, còn khoa ngoại tận cuối làng khá xa.hơn nữa Ngọc Anh vẫn còn hôn mê , chưa tỉnh .. Đi vào phòng cấp cứu để giải quyết công việc khoảng 10 phút thì ông trở ra và vẩy tay ra hiêu tôi cùng đi , vừa đi ông dặn :  Không được nói gì nhé !
 Khi tôi hỏi lại , thì chính ông mới cho tôi biết : Mẹ của LaNa chết, em của LaNa cũng bị thương trong đợt ném bom này _ Tôi chỉ biết im lặng , không nói nên lời.
 Bạn tôi La Na nằm đó, trên một cái giường nhôm trắng , trãi dza trắng, phủ một tấm   vải mền trắng và cái đầu cũng quấn đầy băng trắng, trừ khuôn mặt đen sậm vì sức nóng cũa hơi bom. Cô y tá khẽ lay La Na, bạn mở mắt nhìn tôi, Tôi nhìn bạn mà không nói nỗi một câu nào : Vì biết rằng ! Không thể!
 Vết thương trên người bạn còn đó...biết nói gì đây, ngay cái chết của người Mẹ và đứa em cũng bị thương bạn cũng chưa được thông báo.
Thấm thoát mới đó mà 44 năm đã trôi qua





Đăng nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét