1/8/15

CÁI MÀN CÁ NHÂN CỦA TÔI

CÁI MÀN CÁ NHÂN CỦA TÔI.

Cái màn tuynh  của tôi sỡ hữu và sử dụng đã được hơn bốn mươi năm, chính xác là từ năm 1973. Nhưng nó có từ năm nào để tính tuổi thọ của nó thì tôi cũng không biết, điều này chắc phải hỏi lại anh trai tôi, chiến sỉ lái xe thuộc tiểu đoàn D30 cục hậu cần đoàn 559 ( bộ đội Trường sơn ) tôi đã sử dụng nó, nó đã theo tôi đi suốt nhiều nơi trên đất nước, từ thành phố đến nông thôn, từ trường học đến chiến trường, từ rừng xuống biển và trải dài suốt chiều dài đất nước.
 Đã lâu rồi , không sử dụng và cất kỷ như một vật kỷ niêm nhưng mấy hôm nay Sài gòn mưa, trời âm u. Ban ngày lác đác có vài ba chú muỗi vo ve dưới chân khi ngồi gõ bàn phím và ban đêm thì quấy rầy giấc ngủ, khi vô cớ đột nhập vào phòng ngủ chích một hai phát rồi tẩu thoát làm mình không kịp trở tay.Thằng con trai lục tìm lại cái màn tuynh của tôi rồi giăng lên để đi ngủ. Nhìn lại nó , bao ký ức và kỷ niệm lại ào về.
Năm 1973, khi hiệp định Pari được ký kết, Mỹ buộc phải rút khỏi Việt nam, hoà bình đã trở lại trên miền bắc. Các trường học lục tục kéo nhau về lại trường củ ở Hà Nội, tôi cũng vậy. Từ Vỉnh Phú về Thanh Xuân, một khu vực khi đó còn là ngoại ô thuộc huyện Từ Liêm, trên đường Nguyễn Trãi, cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 10 cây số và cách thị xã Hà Đông khoảng 3 cây số. Hà nội lúc đó khẩn trương ổn định cuộc sống, sữa sang nhà cữa đường sá, nhà máy xí nghiệp bị tàn phá sau chiến tranh phá hoại của Mỹ. Hà Nội cũng tập trung sức người sức của để phục vụ Miền Nam thống nhất đất nước. Khu vực ngoại ô Hà nội  từ Cầu Giấy vòng qua BaLa - Bông Đỏ xuống thị xã Hà Đông, dọc tuyến đường Nguyễn Trãi dày đặc xe vận tải quân sự tập kết chờ nhận hàng nhu yếu phẩm, chủ yếu từ các nhà máy thuộc khu vực Cao Xạ Lá.Trong đó tiểu đoàn- D30 cục hậu cần là đơn vị chủ lực.Đoàn xe nối dài từ khu Cao Xạ- Xá cho đến cổng trường tôi.
 Hôm đó , sau bữa cơm chiều đang thả bộ dọc đường Nguyễn Trãi  thì có người báo tôi có khách đang đợi trước cổng trường. Vội quay về thì Anh tôi cùng mấy đồng đội cùng đơn vị đang đứng đợi ở đó. Tôi rất mừng với cuộc gặp bất ngờ này, đúng là không hẹn mà gặp. Thì ra đoàn xe của anh tôi đang đậu ở gần bến tàu điện Thanh Xuân. Mấy anh em kéo nhau đến một quán phở ngay bến tàu điện Thanh Xuân " Liên hoan mừng gặp mặt " mỗi người một tô phở bò bình dân giá năm hào thơm phức, ngọt đậm đà. Đêm hôm đó, ngay bên vệ đường Nguyễn Trãi, giữa cánh đồng mênh mông gió và hương lúa, mới trổ bông đang thì con gái, các anh bộ đội kể cho tôi nghe về các cung đường tập kết của đơn vị. Nào là Cầu giấy, Ba La Bông đỏ, thị xã Hà Đông cho đến dọc đường Nguyễn Trãi. Vào đến Ninh Bình là khu vực Nho Quan, rừng quốc gia Cúc Phương.Khu vực Khương Hà- Thọ Lộc thuộc huyện Bố Trạch , rồi Hoa Thuỷ- Vạn Ninh thuộc huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình. Từ những địa điểm ấy các anh tiêp tục phải cõng hàng hoá , nhu yếu vào khắp các chiến trường tận tây nguyên và cả Nam Bộ. Đặc biệt lý thú và cảm động nhất là những chi tiết xúc động trên con đường 20 Quyết thắng thuộc miền tây Quảng Bình mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in.
Hình ảnh những nữ thanh niên xung phong tuổi đời còn quá trẻ,nhung phải lăn lộn ngày đêm trên cung đường Quyết Thắng thuộc miền Tây Quảng Bình để giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, mặc dù đời sống khó khăn bộn bề và cái chết luôn cận kề nhưng lúc nào cũng lạc quan yêu đời.Câu chuyện làm cho tôi và chính các anh cũng bùi ngùi xúc động ấy  là chuyện trước đó một thời gian ngắn, các anh tham gia cứu nạn cho các cô gái TNXP ở đường 20 Quyết Thắng bị bom Mỹ làm sập vách núi đá khổng lồ che chắn hoàn toàn lối thoát. Khi đó tiểu đoàn phải huy động hàng chục chiếc xe Zin 130 4 cầu có tời, kết hợp với bộ đội công binh và xe tăng kích kéo tảng đá nhưng bất thành, trong ngậm ngùi thương tiếc và cả ân hận khôn nguôi.Lúc đó cũng chưa biết trong hang có bao nhiêu người bị vùi lấp. Chỉ gặp nhau được mấy tiếng đồng hồ ngắn ngủi thì tôi phải trở lại trường, trước khi chia tay Anh trao cho tôi một ít quà từ chiến trường, trong đó có cái màn tuynh. Lúc đầu tôi không nhận vì đã được cấp phát ,vẫn còn mới .Nhưng anh bắt tôi nhận cho bằng được. Đêm đó, tôi mắc cái màn tuynh lên giường và cẩn thận xếp cái mùng bằng vải mùng được cấp phát rồi gói lại trong một tờ báo nhân dân. Cái màn tuynh của tôi khi mắc lên giường khác hẳn và nổi bật so với hơn 50  cái màn cấp phát của mọi người xung quanh, ai cũng thấy lạ và ngạc nhiên với sự xuất hiện của nó. Sáng sớm, trước khi có kẻng báo thức, tôi dây trước kẻng để chạy thể dục , tiện thể cầm  cái màn của tôi chạy đến bến tàu điện Thanh Xuân đưa cho anh. Cũng đúng thôi vì sợ anh không có màn.Lúc đầu, không ai chịu nhận cái màn trắng của tôi, có lẽ cái màn trắng sẽ không phù hợp với cuộc sống nơi chiến trường ác liệt khi mà cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Rồi một anh trong đơn vị lên tiếng:
  Thôi được, cứ nhận lấy, đem vào Quảng Bình tặng lại cho mấy O thanh niên xung phong, chắc mấy em sướng lắm.

Cái màn tuynh bộ đội ấy theo tôi suốt hết những năm tháng ròng rã trong trường, cả thời gian  trên đất bắc, xâm  nhập thực tế với người nông dân ngoại thành Hà Nội theo phương châm  " Cùng ăn cùng ở cùng làm việc " rồi theo tôi vào Nam, nó là hành trang không thể thiếu được trong ba lô con cóc và cuộc sống thường nhật của tôi trong suốt một thời gian dài...cho đến tận bây giờ. Và năm tháng cứ dần trôi, quá khứ cứ lùi xa tôi cũng chẳng bận tâm nhớ gì về cái mùng trắng năm nào mà tôi đã gởi lại cho các anh ở bến tàu điện Thanh Xuân hơn bốn chục năm về trước

Và 40 năm đã trôi qua .
Cuối năm 2012 đoàn cựu chiến binh bộ đội vận tải  trở về thăm chiến trường xưa trong đó có cung đường 20 Quyết thắng, đài tưởng niệm thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, bến phà Xuân Sơn và rừng quốc gia Phong Nha - Kẽ Bàng nơi mà hơn 40 năm trước đã từng in nhiều dấu bánh xe lăn của họ, Họ vô cùng xúc động bởi cảnh củ người xưa nay không còn nữa. Đại lộ Hồ chí Minh rộng thênh thang đã thay cho những con đường mòn xuyên rừng. Đặc biệt tại hang 8 Cô gái Thanh niên xung phong trên đường 20 Quyết Thắng, họ đã thắp lên những nén nhang lòng tưởng nhớ, trong bồi hồi xúc động khi nhắc lại.  với hàng chục những chiếc Zin 130 kéo cáp tời cùng bánh xích xe tăng cũng không thể kéo nổi tảng đá chặn lấp cữa hang. Gặp lại  dịp này, tôi nhắc và hỏi về chiếc mùng cá nhân năm xưa của tôi đâu rồi, các anh như sực tỉnh và nhớ lại"
Trong một chuyến trở lại cung đường 20 Quyết Thắng sau đó, các anh đã gởi tặng cho một đơn vị gái Thanh niên xung còn bám trụ tại đó làm nhiệm vụ  thông đường.
  Vậy là: cái màn cá nhân của tôi cũng đã ở lại với những O thanh niên xung phong trên cung đường 20 Quyết Thắng, cả với những người đã khuất và những người còn sống.













Đăng nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét