15/10/12

Cuộc đời " TÔI "- Những năm tháng không thể nào quên

 
Tháng 5 năm 2012, HN về Quảng Bình, chị Nguyễn Thị Thu Thủy con Ông Nguyễn Tư Thoan có cho HN xem một số bút tích của Ông trước lúc đi xa, gom lại những dòng chữ nguệch ngoạc run rẩy không còn chuẩn của người cha đã sức cùng lực kiệt vào cái tuổi " nhân sinh thất thập cổ lai hy". Chị Thủy gọi đó là : NHỮNG LỜI TÂM TÌNH GỬI CHO CÁC CON. Đọc xong và được phép của chị Th.. Hoài Nhớ tui chuyển thể thành CUỘC ĐỜI TÔI- NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG THỂ NÀO QUÊN.
Trước tiên xin nói cho rõ " Tôi " trong bài chứ không phải là tôi, người chấp bút để viết những dòng này. Tôi viết bài này là viết về "Tôi "  đó là một người đã khuất, đã đi xa hơn 1/4 thế kỷ rồi, xa và rất xa, ở phía bên kia cuộc đời  im lặng đợi chờ !Tôi viết bài này là tự tôi hiểu biết, tự tôi thấy cần, đúng sai sẽ có lịch sử phán xét vì lịch sử là công minh , sáng suốt nhất, là quan tòa của mọi quan tòa. Xét xử mọi thời đại mọi con người. Trong phạm vi bài này tôi chỉ muốn " Tôi " được  Phải trái phân minh , nghĩa tình trọn vẹn".
Xin được bắt đầu như sau:

Tháng 1 năm 1973 khi hiệp định Pari được kí kết, buộc Mỹ bị  phải rút khỏi Việt Nam, nhiêm vụ đánh cho Mỹ cút coi như đã hoàn thành, toàn đảng , toàn dân và toàn quân tiếp tục bắt tay vào nhiệm vụ mới " đánh cho Ngụy nhào " tiến tới giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước.

Thời gian này
" Tôi " mới ngoài 50 tuổi, giữ chức vụ bí thư tỉnh ủy một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng , vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng trọng lượng cơ thể của " Tôi "  , cả quần áo và giày dép vừa chẳn 48 kg .

Được trung ương cho ra nước ngoài để an dưỡng , nghỉ ngơi , điều trị bệnh, và đó là cộng hòa dân chủ Đức, một đất nước xa xôi ở giữa Châu  Âu văn minh và hiên đại, là một thành viên của đại gia đình  XHCN do Liên bang cộng hòa XHCN Xô Viết đứng đầu . Cũng như Việt Nam, ngày đó Nước Đức cũng chia làm hai miền, đông Đức và tây Đức. Hai thể chế chính trị đối kháng và đối lập nhau.
(Đây là lần thứ hai "Tôi" được ra nước ngoài, lần trước cách đó 10 năm (chính xác là ngày 28/6/1962) tại Liên Xô, cả đi và về (13/8/1962) gần hai tháng . " Tôi " lúc đó ngoài 40 tuổi, cân nặng trước và sau khi đi thay đổi không đáng kể, sít soát 53.1 kg, chiều cao 1m66).

Cả hai chuyến ra nước ngoài đó để lại trong  của  
" Tôi " những kỷ niệm không thể nào quên cho suốt cả cuộc đời, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, nhất là chuyến đi thứ hai. Kết thúc chặng đường dài vòng quanh trái đất, từ Đức về Matxcơva, từ Matxcoơva về Ulanbator- Bắc Kinh -Về đến Hà Nội  ngày 15/10/ 1973. Sau 4 tháng trời Âu của tuyết trắng và bạch dương , của cách mạng tháng 10 và Lê Nin vĩ đại, của nước Đức công nghiệp , nền văn minh Châu Âu " Tôi " tăng được 7kg( từ 48lên 55,3kg) Những tưởng với sức vóc như vậy, " Tôi " tiếp tục lao vào công việc, cùng quê hương góp sức chia lửa với Miền Nam  nhưng sự đời lại khác,ngoài suy nghỉ và mong muốn của " Tôi ".

Biết
" Tôi " về đến Hà Nội, ngày 16/10 một số anh em, đồng chí trong tỉnh đang học ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đến thăm " Tôi " ở số 8 Chu văn An và " Tôi " cũng lên trường thăm anh em thì được anh em thông báo chuyện động trời rằng , một nhóm nguyên là người cùng thời, cấp dưới của " Tôi " đang tìm cách bôi nhọ , nói xấu " Tôi " Gọi là tìm cách lật đổ không biết có đúng không nhưng ít nhất thì họ cũng muốn chiếm cái ghế hay chức vụ mà " Tôi " đang nắm. Trong thời gian " Tôi " ra nước ngoài, họ tung tin hỏa mù " Tôi " bị bắt đưa đi nhà đá( tù) và dựng lên câu chuyện " Tôi " ngồi chủ tịch đoàn quốc hội có ông cán bộ Miền Nam ra phát hiện" Tôi' đã đàn áp tra tấn ông ấy sao nay lại ngồi chủ tịch đoàn. Thực chất là họ bịa chuyện, chứ không có ai, không có ai là cán bộ Miền Nam ra dự họp và bản thân "Tôi "  chưa bao giờ có cái vinh hạnh được ngồi vào đoàn chủ tịch quốc hội hay một hội nghị lớn nào, vị trí đó là của các đồng chí lảnh đạo trung ương, còn " Tôi " nếu có dự một hội nghị nào thì vị trí của "Tôi "  là bên dưới, chiếu dưới cùng các tỉnh, ai cũng như ai. Chưa hết đâu, họ dùng thủ đoạn chiến tranh tâm lý, tung tin " Tôi " làm  gián điệp ăn lương hai phía, mà không biết phía nào. Cũng chưa đủ đô , họ tung tin ban bảo vệ (mà không biết ban bảo vệ nào) vào tòa đại sứ Pháp  lấy được hồ sơ tài liệu về " Tôi ".  Thậm chí họ còn tung tin "Tôi " chưa vào đảng, chưa được kết nạp v...v Ngoài ra họ còn dựng lên  nhiều nhân chứng, với hàng trăm đơn thư khiếu nại tố cáo " Tôi " cả trong quá khứ và hiện tại, họ coi " Tôi " là người ở phía bên kia , chui sâu leo cao vào hàng ngũ cách mạng, họ phủ nhận những gì "Tôi"  đã làm được, những gì " Tôi " đã cống hiến cho quê hương trong suốt một thời gian dài.
Tuy hơi đột ngột nhưng không bất ngờ lắm đối với " Tôi " vì trước đó, nhất là sau Mậu thân 1968 vấn đề " Lịch sử cá nhân của Tôi" đã được trung ương đề cập đến , " Tôi " đã báo cáo  về khúc cua đời tôi trước 1945 ở Sài Gòn. Ban tổ chức trung ương lúc đó là ông L. V. L đã thông báo cho " Tôi " chỉ là vấn đề lịch sử cá nhân nhưng không thấy ghi trong lí lịch " Tôi " đã giải trình và bổ sung vào lí lịch rồi. Trung ương vẫn để tôi tiếp tục làm bí thư  cho đến 1972 và năm đó ( 1972) trung ương điều động " Tôi " sang làm chính ủy 559 nhưng tỉnh ủy xin trung ương cho ở lại  vì lúc đó địch đang đánh phá ác liệt.

Ở lại Hà Nội 5 ngày ! Những thước phim kí ức trong
" Tôi " trào dâng, những con người, những khuôn mặt thân quen ngày xưa hiện về trong trí nhớ , nhắc nhở " về những ngày tháng không thể nào quên" trên quê hương yêu dấu.Sau đó về quê và tiếp theo là những tháng ngày dông bão.
Trung ương vào cuộc !
Trở về Quảng Bình một thời gian  ít lâu thì ngày 01/01/74 ban bảo vệ đảng và ban tổ chức trung ương cử người gặp " Tôi " hỏi về một số vấn đề thuộc lịch sử cá nhân, mà theo đó là :
Có 3 người  (xin không nói rõ tên) tự nhận vào Sài Gòn hoạt động cách mạng, khi đang vào vai (giả danh) bán sách báo ở chợ Bến Thành thì " Tôi " gặp và xét giấy tờ của họ. " Tôi "  nói không có chuyện đó, kiên quyết phản đối và nếu có ai đó gặp  " Tôi " thì đề nghị cho " Tôi " gặp họ để đối chứng, làm cho  rỏ, nhưng ban bảo vệ và ban tổ chức lờ đi . Ngày 16/02 năm đó. Trung ương cử ông T là trung ương ủy viên, phó ban tổ chức trung ương và ông K về triệu tập cuộc họp tỉnh ủy để kiểm thảo " Tôi ".Trong cuộc họp đó, không biết họ chuẩn bị từ khi nào mà họ có hàng trăm lá đơn của một số cá nhân và tập thể ở Hà Nôi 'gọi là' góp ý xây dựng cho " Tôi " nhưng thực chất là tố cáo, vu khống " Tôi " nhiều chuyện, họ dựng lên những sai lầm của " Tôi " . Nực cười nhất là họ dựng lên chuyện:  Quân ta đánh đồn An Lạc khi xung phong vào thì thấy " Tôi " đang ngồi nói chuyện với một tên linh mục phản động. Cả hội nghị tỉnh ủy im lặng , không ai có ý kiến gì duy chỉ có anh P đứng dậy đập bàn và nói  đây là những lá đơn tố cáo láo của bọn phản động. Tức thì cũng có một người trong tỉnh ủy cũng đứng dậy đập bàn cho rầng anh P bao che cho " Tôi ". Hội nghị im lặng một lúc , sau đó một số người quay sang phê phán khuyết điểm của " Tôi " nào là quan liêu , mệnh lệnh, độc đoán chuyên quyền, thiếu dân chủ. Họ cho việc gì " Tôi " đề và làm ra đều sai cả, thậm chí một số chủ trương  không đúng của ... thì họ cũng đổ cho " Tôi " .
Hội nghị đi đến kết luận những việc do tập thể đề ra thì có kết quả, còn cá nhân " Tôi " đề ra là sai : Chăn nuôi, đưa giống mới vào sản xuất ! sai, nhất là thủy lợi Rào Nan , Mỹ Trung v...v đều phá của, khoan sức dân, thậm chí khẩu hiệu " Trút gạo trong nồi cho Miền Nam" để dân đói. Trước tình hình như vậy, " Tôi " đâm liều và nghĩ đấu tranh cũng vô ích vì người ta phủ nhận hết rồi nên " Tôi " nhận hết. Riêng  về Lịch sử cá nhân, có mục nói " Tôi " là phản động thì "Tôi " kiên quyết phản đối và như anh P cũng nhận định do bọn phản động , bọn thù hằn cá nhân tố láo. Hội nghị chỉ kiểm điểm đến đó rồi kết thúc mà chủ yếu là phần sai lầm khuyết điểm của " Tôi " trong thời gian 15 năm làm bí thư, còn vấn đề lịch sử cá nhân có làm mật thám phản động hay không thì đề nghi trung ương kết luận và cho tỉnh ủy biết sau.
Sau hội nghị tỉnh ủy một thời gian, ban bí thư triệu tập " Tôi " ra Hà Nội, ông L.V.L trực tiếp gặp " Tôi ".ông ấy nói rỏ " Tôi "  làm mật thám cho đế quốc thì trên này chúng tôi đã khẳng định, riêng có vấn đề chưa rỏ, còn thắc mắc là không biết " Tôi " có thành tích đặc biệt gì mà nó đề bạt " Tôi " làm nhân viên hạng 3. Đây cũng chỉ là vấn đề lịch sử anh về suy nghỉ lại rồi khai báo với trung ương. Nghe ông L nói, lúc đầu " Tôi " cũng thắc mắc không hiểu TW căn cứ vào đâu mà kết luận như vậy, nhưng khi suy nghỉ lại thì thấy TW đã căn cứ vào những nhân chứng mà ban bảo vệ,  ban tổ chức đã cho " Tôi " biết trước đó mà cụ thể là 3 người còn hàng chục người khác thì không cho biết là ai . Thêm vào đó là hàng chục đơn tố mà họ đã đọc trong hội nghị tỉnh ủy cũng được gửi lên TW cộng thêm tài liệu lấy được ở  trong sở mật thám Huế mà công an đã báo cáo với ban bí thư ( như phần trên đã nói - TW đã biết từ 1969). Như vậy cơ sở để TW kết luận vấn đề lịch sử cá nhân " Tôi " làm mật thám thì đầy đủ rồi, bây giờ chỉ tìm thành tích đặc biệt , tức thành tích phá hoại cách mạng trước đây đến mức nào  và tội hiện hành để trừng trị. Tội hiện hành có hai đơn tố cáo, một số gặp trong đồn An Lạc với linh mục Thể...lại cũng có cả  lời khai , tố cáo " Tôi " một cách mơ hồ kiểu : Nhà nghèo nhưng ăn tiêu rộng rải và hể bắt được phản động thì thả ra. Do đã trải qua kinh nghiệm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn giai cấp trước đây, nếu kéo dài thời gian để họ tiếp tục tìm kiếm moi móc thì không sẽ thành có , nhỏ thành to thì tội " Tôi " không biết sẽ bị xử lý như thế nào. Nhớ lại 3 ngày ghé  Bắc Kinh trên đường từ Đức về Việt nam , " Tôi " cảm thấy rùng mình ! cỡ như Lưu Thiếu Kỳ chủ tịch nước , cánh tay đắc lực của Mao Trạch Đông và hàng ngàn đảng viên đảng cộng sản TQ chỉ trong một sớm một chiều cũng bị quy là gián điệp, quốc dân  đảng bị đày dọa , tù tội cho đến chết hoặc thủ tiêu, mất tích. Rồi còn chuyện ở ta, ông Hoàng văn Hoan nguyên là ủy viên bộ chính trị, phó chủ tịch ủy ban thường vụ quốc hội bổng trở thành kẻ phản quốc, trốn ra nước ngoài, bị kết án tử hình vắng mặt. Huống hồ " Tôi " sớm muộn cũng bị thôi, vì thế mà " Tôi " sinh giao động. Từ khi tham gia cách mạng qua hai cuộc kháng chiến, " Tôi " hoạt động trong vùng địch hậu , vào sinh ra tử, cái chết cận kề, cái sinh mạng nhỏ bé của " Tôi "  lúc đó như ngàn cân treo trên sợi tóc nhưng " Tôi " không hề run sợ , không hề sợ chết, " Tôi "  nghỉ , người ta sinh ra ở đời ai cũng chết, nhưng chết vì dân vì nước thì đó là một vinh dự nhưng đằng này chết vì phản cách mạng thì nhục cho muôn đời con cháu về sau . Với những ám ánh đó,và với những " đồng chí  mình"  thì " Tôi " lại cảm thấy run sợ thực sự. Do quẫn trí, bế tắc và mất phương hướng! Nhân trong lí lịch " Tôi " có khai mấy tháng làm ở sở cảnh sát " Tôi " dựng lên chuyện ngày 9/3/1945 Nhật  đảo chính Pháp " Tôi " gác bót mở cửa cho lính Nhật  vào và dẫn nó đi bắt thằng Cò Tây vì thế mà nó đề bạt. Sau khi " Tôi " khai như vậy thì không thấy người ta truy vấn gì thêm và cũng không đưa ra thêm nhân chứng gì nữa. " Tôi "  trộm nghỉ có lẽ mình khai vậy là hợp lý vì dẫn lính Nhật vào chiếm bót cảnh sát, không tốn một viên đạn mà còn bắt được Cò Tây là thành tích đặc biệt thật nhưng thành tích đó chỉ có hại cho Tây, lợi cho Nhật còn đối với cách mạng thì không có hại gì cả. Nhưng  ngờ đâu vì thế mà TW chấp nhận ra quyết nghị xử lý " Tôi " và trong quyết định xử lý có nói rỏ ngoài sai lầm nghiêm trọng trong thời gian làm bí thư QB, còn vấn đề lịch sử cá nhân thì nghị quyết ghi rỏ (nguyên văn như sau):
" Vì nhà nghèo vào Sài gòn làm ăn có một thời gian làm mật thám cho đế quốc ".
" Tôi " như chết lặng đi vì câu kết luận này, nó cũng giống như bản án kết thúc cuộc đời chính trị của " Tôi ".Đó là ngày 15/6/1974.
Sau khi nhận nghị quyết " Tôi " phản ứng ngay và nói : Tôi khai làm cảnh sát sao đây lại ghi là mật thám. Nhưng anh Kh...ủy viên dự khuyết TW phó ban tổ chức TW không trả lời trực tiếp mà chỉ nói đó là nghị quyết của ban bí thư. " Tôi "  bảo lưu ý kiến và đề nghị TW thẩm tra lại, nếu hiện nay chưa có điều kiện thì sau khi Sài gòn giải phóng . Anh Kh đồng ý và hứa sẽ báo cáo lại với ban bí thư.
Đi đôi với quyết định này, ban tổ chức TW còn ra quyết nghị điều động " Tôi "  lên công tác ở ban nông nghiệp TW( cùng ngày 15/6/1974) lúc đầu " Tôi " định không đi nhưng nghĩ lại nếu không đi mà ở lại QB lúc đó Miền Nam chưa giải phóng, QB gần vĩ tuyến 17 chưa biết nó vu cho vượt tuyến rồi bắt giam thì khổ cho con cái nên " Tôi "  đi. Khi lên gặp BTC TW " Tôi " cũng nói thật là vì dao động tôi đi nhận công tác theo lệnh điều động chứ tôi không làm được đâu, tôi tạm thời lánh nạn để chờ Miền nam giải phóng rồi xin về thôi. Thế là " Tôi "  lên nhận việc ở ban nông nghiệp TW, trên ấy , họ bố trí tôi vào ban kinh tế mới nhưng hơn một năm trời chỉ đọc sách , đánh cờ tướng , uống trà- theo kiểu sáng cắp ô đi , chiều cắp ô về không hơn không kém cho đến ngày Miền nam giải phóng. " Tôi " lập tức viết thư xin gặp ban bí thư, lần này cũng gặp ông L .V. L, tôi báo cáo thật là hồi đó dao động nên bịa ra chuyện để khai cho có, chứ tôi không có gác bót khi nào và cũng chẳng có chuyện mở cửa cho Nhật vào lấy bót và  bắt Cò Tây , xin TW cho thẩm tra lại. ông L có trả lời là ý kiến của tôi phù hợp với ý đồ của trên nhưng sợ lâu ngày hồ sơ tài liệu có thể bị thất lạc. Tôi đề nghị hồ sơ thất lạc thì có nhân chứng, trung ương cứ cho người  xác minh, điều tra thì sẽ rỏ. Ông L đã đồng ý ý kiến của tôi, tiện thể tôi cũng xin về ( nghỉ hưu) khi nào TW thẩm tra xong và có kết luận thì TW giao bất cư việc gì tôi cũng làm kể cả gác cổng. Nhưng ông L chưa đồng ý và gợi ý cho tôi vào Tây nguyên làm việc với anh Đ- S- N hay chờ Bình Trị Thiên nhập tỉnh rồi sẽ làm nhưng tôi cương quyết xin về, và nói thẳng " Tôi " còn ở QB thì không bao giờ về hưu, lên đây không làm được gì thì xin về .Trong lúc ban bí thư chưa quyết định có cho về hay không thì tôi báo cáo lại với anh Võ Thúc Đồng lúc đó là chủ nhiệm ủy ban nông nghiệp TW xin về nhà nghỉ, khi nào TW đồng ý thì anh Đồng điện báo " Tôi " ra làm thủ tục. Thế là " Tôi " về nhà nghỉ , ba tháng sau,   anh Đồng điện vào cho biết: TW đồng ý cho tôi về nghỉ hưu...ra Hà Nội  làm thủ tục và nhận Qđ ngày 15/6/1976 "Tôi" phấn khởi lắm, anh L hỏi về Huế hay về đâu? " Tôi " bảo: Về QB quê hương nghĩa nặng tình sâu , kết thúc 31 năm hoạt động cách mạng theo Đảng theo Bác Hồ.
Cũng cần nói thêm ,  khi biết có QĐ nghỉ hưu, một lần nữa  tôi đề nghị ban bí thư TW xem xét và yêu cầu thẩm tra lại lí lịch của tôi và sau đó về nghỉ năm nào tôi cũng viết đơn lên TW hỏi  xem kết quả đến đâu . Khi ông Ph. H làm bộ trưởng bộ nội vụ tôi có viết thơ riêng nhờ anh Tất đưa tận tay yêu cầu cho công an xác minh lại cho " Tôi " . Bộ luật Hình sự ra đời (1985) có điều khoản nói về tội vu khống "Tôi" viết đơn kiện những người tố láo, trong đó có một đơn gửi ông Chu Huy Mân lúc đó là ủy viên bộ chính trị, đại tướng chủ nhiệm tổng cục chính trị, phó chủ tịch hội đồng nhà nước nhưng tất cả đơn thư khiếu kiện của " Tôi " đều không có hồi âm. Cuối cùng " Tôi "  viết thẳng cho ông Lê Duẫn nhưng ông Lê Duẫn mất, viết cho ông Trường Chinh , Phạm văn Đồng cũng không có tin tức gì. Thế là " Tôi " khẳng định việc của " Tôi " họ bỏ qua mất rồi, hơn nữa thư của " Tôi " chưa chắc đến tay mà có đến thì các ông ấy cũng không trực tiếp giải quyết mà lại giao cho các bộ phận tham mưu, có trách nhiệm, mà các bộ phận đó đã làm lỡ rồi bây giờ họ lại lờ đi.
Chờ đợi lâu ngày đôi khi " Tôi " tự an ủi theo kiểu duy tâm: " Mình một tuổi với Nguyễn Trãi- canh thân" Nguyễn Trãi bị vụ án Lệ Chi Viên phải bị tru di tam tộc mãi đến 20 năm sau mới được minh oan. Còn " Tôi " thì cách mạng lâu lắm thì 10 năm nhưng nay hơn 10 năm rồi cũng không hi vọng gì cho nên " Tôi " nghĩ Nguyễn Trãi được minh oan là nhờ có Lê Thánh Tông nghỉ đến công ơn của Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi cứu mẹ con Ông ta nên khi làm vua ông ta trả ơn. Nhưng đời nay làm gì có Lê Thánh Tông , trong lúc Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhiều, nhiều quan sư quạt mo tung hoành ngang dọc. Hơn nữa , hồi còn làm việc, có ơn nghĩa thì cũng ơn nghĩa với những người dân thường còn một số cán bộ gọi là cốt cán thì họ cũng đã quay 180 độ cả rồi. Khi " Tôi " bị kiểm thảo họ biết bị mất chức rồi nên chơi bài "Chim cút".
Không phải hiện nay mà từ ngày " Tôi " bị kỷ luật , nhiều người dân Quảng Bình đã nói " ông Th có gì sai thì với trên ấy thôi, còn đối với dân Quảng Bình thì Ông ấy có công" điều này thì càng ngày càng thấy rỏ. Những việc họ dựng lên trước đây do " Tôi " làm là sai , nay lịch sử đã trả lời. Vì vậy việc oan ức của " Tôi " xem như bỏ qua rồi, không đếm xỉa gì nữa, " Tôi " cũng không buồn phiền oán trách gì ai. " Tôi "  có một nguồn động viên an ủi rất lớn là mình làm cách mạng là để phục vụ nhân dân được nhân dân hiểu cho mình là được rồi. Ngoài ra " Tôi " còn có gia đình, vợ và các con thân yêu của tôi sẽ đồng hành cùng " Tôi "  trong chặng hành trình khúc cuối cuộc đời.

-----------------------------------------------


Xin tạm kết thúc phần này ở đây, hẹn viết tiếp phần lịch sử cá nhân của ông vào một thời gian  hợp lý có thể



--------------------

1 nhận xét:

  1. Gambling - Casino Europe - FilmFileEurope
    Gambling. Casino Europe. 로티플 Information about gambling in 하이스코어걸 casino fx 마진 거래 사이트 Europe. 야구 분석 Casinos accepting players. Gambling and betting bet365 해외 배당 흐름 on sports, politics,

    Trả lờiXóa