Cội Nguồn nơi xa vắng – Phần 1
Đã nghỉ hưu, sắp bước sang tuổi sáu mươi thì chẳng còn trẻ mà chỉ chớm già . Tuổi này, cuộc sống đã tương đối ổn định nên ai cũng thường nghĩ về gia đình , cha mẹ , anh em , Quê hương , bạn bè và cả tình yêu thời son trẻ . Mình đã có bài viết về quê hương , về gia đình ,về cha mẹ , về anh em và cả về bạn bè một thuỡ thiếu thời hoa lửa , gian lao vất vả nhưng tràn đầy niềm tin , lạc quan và hy vọng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước . Nhưng , thú thật chừng ấy thôi thì vẫn còn thấy thiếu vì ai sinh ra cũng phải có Ông, Bà tổ tiên dòng giống ,đấy là cội nguồn . Ngược dòng thời gian, đi tìm cội nguồn là một công việc không phải dể, nó đòi hỏi phải có sự kiên trì , nhẫn nại cũng như óc suy nghĩ chín chắn, chính xác bởi các sự kiện, con số phải thật sự chính xác không được hư cấu hoặc bóp méo . Vì “Quá khứ thì bất động. Còn lịch sử thì di động. Nếu ai đó có đi ngang qua dưới luồng ánh sáng của nó, xin chớ xem cái bóng phản chiếu đó là mình, Vì cuộc sống là một tổng thể diệu kỳ của muôn vàn biến động ” Và “ Chỉ có đi qua sự hòai nghi , chúng ta mới có lòng tin vững chắc”
Bởi vậy, Tôi rất băn khoăn với ý nghỉ táo bạo sẽ viết đôi điều gì đó về Ông, bà tổ tiên khi trong tay không có một tư liệu hay nhân chứng gì cả. Những người thế hệ trước, nay chẳng còn ai, thế hệ tiếp sau xem ra cũng không. Đến tuổi này thì đều đều bằng nhau không hơn không kém . Có chăng chỉ là những mẩu chuyện có tính chất vụn vặt, không theo thứ tự thời gian năm tháng , thậm chí cả ngôi thứ trong nhà cũng có thể sai lệch. Tôi sinh ra và lớn lên, ngòai cha mẹ, anh chị em trong nhà của tôi là những người thân yêu nhất, vẫn còn đó những cây cao bóng cả trong dòng họ Nguyễn .Nếu sắp xếp theo thứ tự trên dưới, có thể kể ra một số người mà tôi còn được biết mặt như sau. Bà nội Trần thị Chữ…. ( đến năm 1957 mới mất) Rồi O ruột của Ba tôi, bà Nguyễn Thị Khéo ( mẹ của chú Hòang , Chú Đẳng – ) chị ruột của ba tôi, O Trợ Luân –Nguyễn Thị Nga … Và những Người thế hệ trước…
Dòng họ Nguyễn Giai đọan cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19
Sách‘ Địa chí Đồng Hới ’ có ghi: Theo thống kê của Triều Nguyễn , làng Đồng Hải có 6 vị cử nhân và một vị tiến sĩ võ .Sáu vị cử nhân này là : Ngô Trọng Vĩ đậu năm 1819, Gia Long năm thứ 18 . Ngô Bá Tuấn đậu năm 1828 , Minh Mệnh thứ 2 . Nguyễn Văn Long đậu năm 1852, Tự Đức thứ 5. Nguyễn Dõan Thăng đậu năm 1870 tự Đức thứ 23. Trần Văn Trứ đậu năm 1822 , Tự Đức thứ 35 . Hòang Khai Tế đậu năm 1897, Thành Thái thứ 9 . Về Ông Tiến sĩ võ, được gọi là hậu quân đại tướng Hồ Vịm , tên thật là Hồ Viêm . Như vậy trong 6 vị cử nhân người Đồng Hải thì họ Ngô có hai vị , họ Nguyễn có hai vị còn 2 vị là họ Trần và họ Hòang . Một trong hai vị cử nhân họ Nguyễn là dòng họ Nguyễn Dõan , Ông Nguyễn Dõan Thăng … Nhưng xem ra Ông Nguyễn Dõan Thăng cũng chưa phải là ông tổ của dòng họ Nguyễn Dõan mà trước đó còn có ông cao tổ là Nguyễn Dõan Thanh mới lấy chữ lót là Dõan .Như vậy , chắc chắn Ông cử nhân Nguyễn dõan Thăng là một nhánh trong dòng họ Nguyễn Dõan . Và trong gia Phả cũng như bia mộ gia đình tôi , hiện thờ Ông Nguyễn Dõan Thăng . Tôi chưa có đủ tư liệu và đang trong quá trình tìm hiểu về mối quan hệ từ thời Ông nguyễn dõan Thăng về sau , mà chỉ biết từ giai đọan Ông Cố nội ( tức ông nội của ba tôi )
***************
Ông cố (ông nội của bố tôi) có tên Nguyễn dõan Chấp, Ông là một ấm sinh. Ông học giỏi, nhưng không ham thi cử . nói đúng hơn, không dưới một lần ông đã cắp tráp đi thi, nhưng vì phạm húy, bị đánh hỏng . Từ đó Ông sinh chán , không thiết tha thi cử gì nữa mà ở nhà lấy sách làm bạn , cạnh đó Ông còn có thú vui thích chơi cây cảnh và non bộ , lấy thú an nhàn làm vui . Ông chịu khó đi nhiều , mà chủ yếu để tìm mua và đọc sách. Nghe kể , Ông thừa hưởng và không ngừng bổ sung tủ sách của cha để lại (Cụ Sơ …).Khu nhà, Vườn cây cảnh mà cụ cố để lại hồi đó có hòn non bộ, các chậu sành, chậu sứ, bộ đôn đá Thanh cùng những giò phong lan và một tủ sách đồ sộ. Đó là căn nhà ba gian hai chái khá rộng , kiểu nhà xưa ở các gia đình khá giả miền trung, cột gổ bóng nhẵn, có chạm trổ sơn son thếp vàng , rồng phượng rất công phu ở các vì kèo , mái lợp bằng ngói liệt thông thường nhưng được xây bằng thứ gạch khá chắc với lớp keo hồ bằng vôi vữa trộn mật mía, có đủ độ bền để chịu đựng thử thách của gió mưa và năm tháng . Phía trước là một dãy cữa bàng khoa có chốt gài cẩn thận để phòng trộm cắp. Tiếp cữa bàng khoa là một dãy cữa liếp bằng lá cọ, có thể chống lên hoặc sập xuống vừa che mát cho bên trong, vừa che sương cho người ngủ ngòai trời trong những đêm nóng bức. Sân lát bằng thứ đá trắng (đá liếp ) mỗi tấm vuông vức dễ đến một mét vuông để phơi phóng, thường các cụ phơi cau hoặc thỉnh thỏang phơi sách vào những ngày nắng ráo sau mỗi mùa mưa bảo. Mà thông dụng nhất là nơi vui chơi, đá kiệu , chơi cầu đùa giỡn của con cháu trong nhà.
Giữa sân có một cái bể cạn bằng đá Thanh , có lẽ vì đá được mua từ Thanh Hóa về . Trong hồ lúc nào cũng có đàn cá vàng bơi lội quanh năm, quanh một hòn non bộ có tiều phu gánh củi, có tiên ông đánh cờ và uống rượu, có cây si được hãm lớn , nhỏ tí xíu nhưng cũng đủ bóng che mát một cây cầu bằng gốm sứ , lung linh bảy sắc cầu vồng .
Xung quang cái hồ đó có bốn cái đôn cũng được đẽo bằng đá Thanh , trên đó đặt bốn chíec chậu cảnh bằng sành, hai chậu ngòai trồng hai cây xương rồng lúc nào cũng nở hoa đỏ thắm . Hai chậu phía trong là hai cây nguyệt quế cho hoa trắng muốt và cho quả bậm dài , trong như những quả ớt tí hon và mùi thơm thoang thỏang vào mỗi chiều tối và mỗi ban mai.
Phía ngòai là một hồ chứa nước, xây bằng ximăng nữa chìm nữa nổi . Cứ mỗi khi mưa Ba và các Chú lại dở bộ máng tre đem ra hứng nước , nước đổ xuống từ mái nhà , theo ống máng chảy thẳng ra bể . Khi nước đầy , hồ được đậy điệm kỷ lưỡng, gia đình có nước dùng quanh năm. Ngay cả trong những ngày hạn hán khỏi phải đi lấy nước xa , đở tốn tiền bạc . Kế hồ nước , cách một lối hẹp cỡ một mét rưởi là một tấm bình phong xây bằng gạch được đắp nổi phía ngòai hai trái đào tiên với một chùm lá được cách điệu hóa tượng trưng cho sự trong sạch và trường thọ . Đó là nơi dành cho con cháu đánh bi , đánh đáo . Phía ngòai là ranh giới của gia đình và bên ngòai là một hàng rào chè và đá bao quanh khu nhà . Ở đó , ngay lối đi vào là một cái cỗng bằng gạch sừng sững uy nghiêm có mái hiên lợp bằng ngói liệt , bên trong là hai cánh cửa bằng gổ lim vững chãi. Ở hai gờ cổng có một đôi câu đối lạ mà dù đã tò mò hỏi nhiều người mà cho đến nay chưa ai giải nghĩa một cách thỏa đáng do tính hàm súc của câu văn và tự dạng khó đóan do lối chữ triện vuông chằn chặn, được cách điệu hóa một cách tài tình , tinh xảo .
Phía trước và xung quanh nhà là một vườn cây lưu niên gồm cam , quít , bưởi , đào long , lựu , mãng cầu , ổi . Ở bức bình phong lối ra vào , có một cây Tùng , một cây bách tượng trưng cho sức sống mãnh liệt , sự trường tồn “bách niên giai lão” của các cụ. Trong vườn còn có hai cây nguyệt quế lâu năm , nở hoa bốn mùa, mấy bụi dạ lan thường thơm lừng về đêm và một cây mai trắng thường nở hoa vào mỗi độ xuân về . Dọc mái hiên nhà là lủng lẳng vài chục giò phong lan nở hoa đủ màu sắc .
Tôi đã được sống ở cả ba miền Bắc Trung Nam ,đã có dịp ghé thăm nhiều ngôi nhà cổ ở Làng Đường Lâm ( Sơn Tây ) ,cao nguyên đá Đồng Văn –Hà Giang hay những ngôi nhà cổ các tỉnh miền bắc dọc sông Hồng . Rồi những căn nhà rường , nhà vườn ở Huế , ở Hội An và xa hơn nữa tận Đồng bằng sông Cửu Long nơi có các dinh thự của các công tử Bạc Liêu , công tử Trà Vinh thì ở đâu cũng có dáng dấp hoặc nét hao hao với căn nhà mà tôi đang nói ở đây.
Ông Cố có ba người con , hai trai một gái thì số phận hai người con trai không được may mắn : Mất sớm khi chưa đến ba mươi tuổi , chỉ còn người con gái mà ba tôi gọi bằng O đó là Bà Ấm Khéo . Xin ghi lại cho rõ hơn trừơng hợp mà tôi vừa nêu về số phận không may mắn của hai ngừơi con như sau : (Bố của ba tôi và bố của chú Trang).
Nguyễn Dõan Hòai ( Khóa Hòai ) là bố của ba Tôi (ông nội tôi) được ăn học đến nơi đến chốn , về nhà mở lớp dạy chữ Nho và dạy cùng người anh vợ ở ngòai phố chính thị xã . Nhưng số phận không mỉm cười khi lúc này chữ Nho ít thông dụng , học trò chuyển sang học chữ quốc ngữ thành ra Cụ gần như bị thất nghiệp , túng bấn . Phải gửi Ba tôi và O tôi cho bà ngọai đảm nhiệm . Không bao lâu sau đó Cụ bị mất trong trận đại dịch đậu mùa năm Ất tỵ mà số người chết hơn một phần mười dân số thị xã , năm đó thị xã như đại tang.
Nguyễn Dõan Hiệp (Khóa Hiệp- bố chú Trang) là người thành thạo cả chữ nho và chữ Quốc ngữ nên được bổ làm lương sư trường sơ học Pháp – Việt tổng Võ Xá . Cụ tham gia phong trào cách mạng do Cụ Trần Quí Cáp phát động . Một ngày tháng bảy Cụ đi bộ từ trường về nhà , khỏang 10 km trên đường xe lữa để về nhà xin phép làm lễ róc tóc theo yêu cầu phát động của tổ chức . Không may trên đường đi về nhà cụ gặp một cơn mưa giong , về nhà bị cảm hàn mà cấm khẩu chết không kịp chạy chữa . Khi đó Chú Trang mới lên ba và người vợ (mẹ chú Trang) mới hai mươi ba tuổi. Trở lại với khu vườn, cây trái, trong khuôn viên căn nhà, Nghe kể lại , hồi đó ba tôi rồi chú Trang ,chú Hòang , chú Đẳng lúc đó còn nhỏ thường leo lên ngọn cao nhìn khắp hàng xóm , nhìn cả ra bãi cát vàng bên kia sông Nhật lệ vì ngày đó nhà cữa còn thưa thớt lắm nên đã tận hưởng cái thú vui “nhìn xa thấy rộng và khi tụt xuống ai cũng hái cho mình một hai túi quần trái cây căng cứng , quả thật ngon, đem tặng mấy cô nàng, là em út hàng xóm láng giềng . Mấy cây mãng cầu thì có thú hấp dẩn khác, thường sau mỗi trận mưa là mãng cầu chín mà trái to ở bên dưới thấp lè tè với tay là hái được . Chú Hòang và chú Đẳng thường thám thính trước nhằm những trái chín thì xơi luôn còn trái nào nứt mắt thì báo cho ba tôi hoặc chú Trang rồi cùng đem rổ rá ra hái , đem về chia cho từng gia đình tùy nghi sử dụng , mà cái quyền này là của Ba tôi vì ông là cháu đích tôn của cả ba gia đình .
Ba gia đình mà Ba tôi là cháu đích tôn cùng ở trong căn nhà ba gian hai chái này là căn nhà do ông nội của ba Tôi để lại . Xin mô tả một đôi chút về sự sắp xếp của căn nhà và nơi ăn ở của từng gia đình như sau : Gian giữa là gian thừa tự và phòng khách chung (gian thờ ở phía trong, phòng khách ở phía ngòai) Gian thờ trong là nơi thiêng liêng và bí ẩn. Do gia đình theo đạo Nho, nhưng cũng thờ Phật do các Cụ chứng kiến quá nhiều những bi kịch của lịch sử và đất nước từ thế kỷ trước trở nên thờ Phật và sùng luôn tất cả mọi thứ thần thánh cần cúng bái trên đời. Cái Trang thờ Thập điện Tướng Quân và Ngọc Hòang Thượng Đế là nơi trang trọng nhất trong gian thờ, còn lại là bàn thờ để thờ ông bà. Gian này tương đói tối và ẩm , ban ngày ánh sáng mờ ảo được chiếu xuống từ một tấm gương nhỏ lợp thay ngói từ trên mái , tằn tiện tỏa ánh sáng vừa đủ xuống trang thờ . Tuy nhiên khi vào đó nhắm mắt , đứng một lúc rồi mở mắt thì mới thấy nguyên được cả . Đó là tủ sách khá khá to và rộng của các Cụ để lại còn xung quanh treo tám bức tranh lụa, vẻ cảnh, phong cảnh trong tranh thật hữu tình ! Chùa trong núi, thuyền dưới sông, chim nhạn lơ lửng bên ghềnh đá, ngư ông thư thả trong nắng ráng chiều, túp lều cỏ ven sông , bóng tùng nghiêng chênh vênh in hình xuống mặt nước long lanh. Bộ tứ bình mai, lan, cúc, trúc rồi bộ long phượng giao duyên. Những ngày giổ chạp tết, những bức tranh này càng lung linh, huyền ảo dưới ánh sáng những ngọn đèn sáp mùi mỡ bò quyện lẫn mùi trầm hương làm xua đi vẻ u tối thường ngày. Những ngày đó , các cụ thường áo dài đen, đầu khăn đống, chân guốc mộc và vẽ mặt thành kính tạo nên cảm giác như đang sống trong một thế giới xa xưa, huyền bí vô cùng. Dưới ánh sáng lung linh của hàng chục cây đèn sáp, các bức tranh xung quanh đều trở nên sinh động như thật , những làn khói trầm hương , khói nhang cùng hương thơm của nó lan tõa như có thể bay đến các thánh thần . Xin nói thêm đôi chút về tủ sách của các cụ để lại mà trước đây nghe Ba tôi và chú Hoàng sau này có kể lại như sau : Sau những ngày mưa dầm hoặc lụt lớn ba tôi và chú Trang thường mở toang các cánh cửa tủ, lấy sách đem phơi , rải lên hàng chục chiếc nong chật cả sân trong sân ngòai, mà ngày đó cả Ba tôi và chú Trang cũng đã đọc được cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ , còn chú Hòang chú Đẳng thì chỉ xán lại xem ba tôi dở từng tờ xem hình mà công việc đó ai củng cảm thấy rất thích thú vì hình ảnh là những hiệp sị áo mão uy nghiêm, những vị tướng cưỡi ngựa lẩm liệt, cầm kích , cầm giáo mác hoặc thanh long to bản . Cũng có cả cảnh núi non hùng vĩ , sông nước hữu tình, có thuyền chài và ngư ông ngồi bên bình rượu , ấm trà hoặc là cảnh những ông quan mặt sắt đen sì đang thẩm vấn một bầy tội nhân mặt mày bậm trợn như qũy. Sau này trong một dịp nói chuyện với chú Hòang tôi mới biết đó là những bộ sách Tam quốc diễn nghĩa, Tam hạ nam đường, Tiết nhân Quí chinh đông … Bao công kỳ án …và cả chuyện Kiều nổi tiếng bằng chữ nôm mà lúc nhỏ chú Hòang, chú Đẳng được mẹ là Mụ Ấm hát ru khi còn ẵm ngữa . Ngòai sách bằng chữ Nôm , tủ sách còn có cả sách bằng chữ quốc ngữ cùng các hình vẻ minh họa , sách tóan học, và có cả sách dạy nghề làm thuốc cùng các chỉ dẩn cụ thể công thức , sơ đồ chỉ dẩn về cơ thể con người hay có cả sách hướng dẩn chăm sóc cỏ cây hoa lá , cá nước chim trời và rất nhiều muông thú. Cái tủ ấy được đóng bằng lọai gổ nhẹ và bền, có nhiều ngăn hộc, bên ngòai sơn đen bóng lóang, các nẹp tủ phủ sơn mài để đựng các lọai sách khác nhau .Nếu có ánh sáng rọi vào trông rất hấp dẫn.
Như vậy, tủ sách trong ngôi nhà này đã có từ rất lâu , chí ít cũng từ đời ông nội của ba tôi để lại . Qua bao thăng trầm của lịch sử , nhất là các đợt tản cư trong thời Pháp thuộc và hư hỏng do mối mọt , số lượng sách củng dần dần vơi đi , đến thời chúng tôi chỉ còn một ít và cho đến chiến tranh phá họai của giặc Mỹ thì tất cả đã trở thành mây khói cùng ngôi nhà và cả Thị xã Đồng Hới thân yêu của chúng tôi .
- Chào chú Mạnh. Cháu là Nguyễn Hoài Ân giáo viên trường THPT Đồng Hới. Cháu biết chú là em của chú Dũng. Vì ba cháu là Nguyễn Đức Danh bạn của chú ..Trả lời nhận xét này
- Anh là một người đáng được yêu. Một con người luôn luôn hoài nhớ về quê hương, tình làng nghĩa xóm, gia đình, trường lớp, bạn bè thân quen yêu dấu. Bài viết rất đáng trân trọng. Viết nữa đi anh.