26/4/12

THI XA HOA HONG

ĐÔNG HỚI VÀ THỊ XÃ HOA HỒNG
Apr 26, 2012 11:40 AMPublicPageviews 1109

   Trước chiến tranh thị xã Đồng hới có rất nhiều hoa, nhất là hoa hồng. Có nhiều loại hoa hồng với nhiều màu sắc khác nhau. Hoa được trồng khắp các nơi trong thị xã từ những ngôi nhà cổ mặt tiền phố đến những ngôi nhà bình dân trong ngõ ngách của xóm lao động nghèo . Người Đồng Hới tự hào về điều đó và gọi Đồng Hới quê hương mình là thị xã Hoa hồng.
   Người viết bài này- Hoài Nhớ-không có tham vọng nói về “ Đồng Hới thị xã Hoa Hồng” vì đây là một đề tài khá rộng và hấp dẫn mà nhiều cây bút gạo cội của quê hương đã chấp bút, tạo nên những áng văn thơ sống cùng năm tháng . “ Đồng Hới và Thị xã Hoa Hồng”  mà Hoài Nhớ tui viết sau đây hoàn toàn không phải viết về “Đồng Hới thị xã Hoa Hồng” . Mà viết về hai bài thơ của hai tác giả , người Đồng Hới cùng viết về Đồng Hới quê hương mình trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất.
   Đó là bài thơ “  Đồng Hới’’  của Xuân Hoàng viết năm 1966 và bài thơ “Thị xã Hoa Hồng” của Hà Nhật viết năm 1968. Nếu ghép tên hai bài vào một có lẽ cũng được, bởi nội dung và năm tháng sáng tác  có tính logic của nó . Ai cũng biết Xuân Hoàng và Hà Nhật  đều là người Đồng Hới - Xuân Hoàng là người Xóm câu –Đồng Hải, Còn Hà Nhật là người Trung Bính – Bảo Ninh  (Ở bên này và bên kia sông Nhật Lệ) .Tuy hai người hai thế hệ khác nhau , Xuân Hoàng lớn hơn Hà Nhật trên dưới 10 tuổi, nhưng cùng tắm chung dòng nước, ngắm chung ánh trăng, hưởng chung ngọn gió nam nồm nên chất thi sỉ của Xuân Hoàng và Hà Nhật  như hoà quyện vào nhau, cùng thăng hoa để viết nên những câu thơ về Đồng Hới làm lay động lòng người . Ai cũng biết, Hà Nhật sinh ra và lớn lên ở Bảo Ninh , đi học ngành sư phạm  làm thầy giáo và làm thơ,   Còn Xuân Hoàng xuất thân là thầy giáo ở Bảo Ninh , tham gia kháng chiến và trở thành nhà thơ. Cả hai nhà thơ đều có bài viết về Đồng Hới như chắt lọc từ con tim và tình yêu của mình đối với quê hương, trước trong và sau chiến tranh.  Bài thơ Đồng Hới của Xuân Hoàng  viết năm 1966 khi cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ mới xảy ra hơn một năm, Người dân đã đi sơ tán nhưng thị xã vẫn còn khá nguyên vẹn, chỉ có một vài nơi bị đánh phá, nhịp sống của thị xã như vẫn còn thơ mộng , những khoảng trống yên bình còn đâu đó dành cho những cặp tình nhân.
Em đi , phố nhỏ động cành dừa
Cửa biển về khuya gió đêm ngả lạnh
Phố nhỏ tan rồi qua bao trận đánh
Chúng ta về , ấm lại dải đường xưa

Đọc bốn câu này, tác giả như đưa chúng ta đi cùng em trong một buổi chiều tà, bách bộ trên bờ sông Nhật lệ , dưới rặng dừa Bình Trị Thiên đang độ xanh tốt và vừa  trải qua những trận mưa bom bão đạn đầu tiên. Người Đồng Hới khẳng định,  Chúng ta yêu nhau không chỉ cho nhau mà cho cả mảnh đất này, cho cả con phố này và cho cả gốc cây , ngọn cỏ và cho cả hoa hồng.
Anh yêu em không phải chỉ riêng em
Bởi lẻ tình ta nhen từ phố nhỏ
Phố nhỏ đổ nhưng lòng ta ở đó
Vẫn ngọt ngào trong nổi nhớ đầu tiên

Khổ thơ tiếp theo , tác giả như nhắc nhở những kỷ niêm  của phố nhỏ quê ta, có “ hương dạ lan thơm ngát những cánh dài”có` “Bóng em lồng bóng biển , cùng bài thơ tình yêu, như một tấm khăn choàng động lại trên vai . Chiến tranh vẫn tiếp diễn ngày càng ác liệt hơn , như
cuốn hút mọi kỷ niện thân thương về Đồng Hới
Sao thương thế , bài thơ lành phố nhỏ
Cặp tình nhân nào đó tiễn đưa nhau
Thơ phố nhỏ cũng chính lòng ta đó
Đồng Hới ơi , năm tháng đậm thêm màu!

Những  tưởng chiến tranh sẻ sớm chấm dứt , trong một thời gian ngắn  để Đồng Hới sớm phục hồi,   nhưng không :
Ta biết hôm nay Đồng Hới tự huỷ mình
Để có một ngày mai Đồng Hới đẹp
Thành phố ta xây bên bờ biển biếc,
Biển miền trung xanh ngát một màu xanh

Ra đi không hẹn ngày trở về , cả Đồng Hới lên rừng xuống biển xây dựng quê hương mới, để lại Đồng Hới cùng vầng trăng , con sông  bến nước và con đò với bao kỷ niệm thân thương.  Để đến ngày chiến thắng “ Ta sẽ về xây Đồng hới quê ta , sẽ trồng lại hoa hồng trên lối củ… hoa thược dược đến mùa xuân lại nở ”
   Ba khổ thơ cuối, nhà thơ mơ về một thành phố mới sẽ to đẹp và đàng hoàng hơn khi chiến tranh kết thúc , một giấc mơ rất chân thành và giản dị như “ cây táo nhỏ bên vườn, lại sây quả mỗi mùa xuân đến ” và “ những chiều xanh xao động hàng dừa” để những cặp tình nhân lại ngồi trên ghế đá…nhìn những cánh buồm đi trong nắng hạ… nhắc lại ngày phố đổ năm xưa. Hy vọng chiến tranh sớm kết thúc không chỉ là hy vọng của riêng nhà thơ mà đó là hy vọng của tất cả mọi người, của tình yêu và chân lý vỉnh hằng. Hai câu kết Xuân Hoàng viết  :
Buồm sẽ đi xa, biển mình đẹp lắm
Đồng Hới mình sẽ đẹp vạn lần hơn
Bài thơ viết về Đồng Hới , quê hương của nhà thơ Xuân Hoàng và của chúng ta là một bài ca tuyệt đẹp về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại chống Mỹ cứu nước , không những thế nó còn là một bản tình ca về tình yêu lứa đôi , tình yêu quê hương đất nước một cách cụ thể mà giản dị, rất sinh động qua từng câu , từng chữ, qua cái nhìn đầy tự tin , lãng mạn và tin tưởng vào tương lai chiến thắng huy hoàng.
  Bài thơ này dừng lại ở giai đoạn đầu của chiến tranh, và cuộc chiến tranh này vẫn tiếp tục tiếp diễn với quy mô ngày càng ác kiệt . Tính chất huỷ diệt sự sống thể hiện qua từng trận đánh , qua từng trận oanh tạc kể cả máy bay B52, để lại trên thân thể Đồng Hới hàng trăm , hàng ngàn hố bom sâu hoắm , đất đai bị cày xới , nhà cữa bị san phẳng, chùa chiền , nhà thờ , cầu cống bị huỷ diệt... Nhưng dưới con mắt của nhà thơ, nhà giáo Hà Nhật – Lương Duy Cán, trong sự huỷ diệt và đổ nát ấy là cả một tương lai sáng ngời , trong đống đổ nát ấy là một “ Thị xã Hoa Hồng ’’.
 Bài  Thị Xã Hoa Hồng  của tác giả Hà Nhật viết năm 1968  nói lên điều đó :
Một năm rồi … Lại một năm qua…lại một năm qua nữa. Có thể Hà Nhật bấm đốt ngón tay để tính ngày giặc Mỹ leo thang bắn phá miền bắc , đánh phá Đồng Hới là một , hai và ba năm. Còn tính từ ngày bài thơ Đồng Hới của Xuân Hoàng  thì cũng đã ngót ngét hai năm   

Thị xã đi rồi
Còn để lại hoa thôi
Hoa hồng đỏ, đỏ như nổi nhớ
Hồng hạnh phúc là hồng vàng , vàng rỡ
Hồng nhung chia tay , hồng trắng đợi chờ…
Và chỉ mới có hai năm thôi mà Đồng Hới đã có quá nhiều thay đổi
Trong thị xã những ngôi nhà đổ
Một bức tường vỡ đôi
Một viên gạch vỡ đôi
Thậm chí :
Một hạt cát cũng vỡ đôi
Thì sự huỷ diệt ấy là tận cùng của  sự tàn ác và khốc liệt
Hãy nghe ký ức  của tác giả khi nói về những kỷ niệm xưa còn đọng lại trong nổi nhớ của mình .
Nơi ngã tư xưa trẻ nhỏ đến đùa chơi ,một hòm thư treo, sần sùi vết đạn.
Như người lính không nghỉ mình dũng cảm
Vẫn trầm tư những chuyến thư đi
Bốn khổ thơ đầu trong bài là cảnh huỷ diệt của đạn bom, cảnh hoang tàn đổ nát của thị xã thân yêu , thì những câu và  khổ thơ sau tác giả Hà Nhật lại chuyển sang một mạch cảm xúc lãng mạn, đan chéo trong hoang tàn đổ nát ấy là một vẻ đẹp huyền diệu và bất tử !  khi :
Mùa thu về
Hồng mấy độ ra hoa
Và kỳ lạ, nơi ngã tư bom phá
Đung đưa trong gió
Vẫn long lamh những đoá mắt cười
Như một lẽ tự nhiên và bình thường đến lạ lùng, dưới con mắt của nhà thơ sự tàn phá của bom đạn, cảnh hoang tàn của chiến tranh vẫn không làm cho người Đồng Hới nao núng tinh thần. Hoa Đồng Hới vẫn nở, người Đồng Hới vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu như trường sơn  hùng vĩ, như biển đông bao la và “ Khi quân thù mang cái chết đi qua”
Ta bỗng nhận ra
Những đoá hoa
Đã giúp ta bình tỉnh thế
Tưởng như
Những đoá hoa nhỏ bé
Đẩy cái chết lùi xa
Hoa “ từ đất sinh ra  -Là một nữa trái tim ta gửi lại- Là một nữa cuộc đời ta gửi lại…Những ngày ta đi xa.
Khi bài viết này đang đi đến đoạn kết thì người viết nhận được Tập ca khúc “ Nhớ quê hương ’’ Nhật Lệ -Đồng Hới- Quảng Bình  của Anh Đinh gia Hoà từ Đà nẳng gửi vào. Cầm tập ca khúc của Đinh Gia Hoà trên tay , tôi như sững sờ và ngạc nhiên trước tình cảm sâu đậm của anh dành cho quê hương mình trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước . Là một thanh niên xung phong và giai đoạn đó  (1966- 1968) anh đã viết nhiều ca khúc về Đồng Hới thân yêu như:   Nhớ Đồng Hới xưa ,  Nhớ quê,  Mơ về Nhật Lệ,  Bài ca phố biển, Trở về quê cũ, Đêm trăng Nhật Lệ … Trong đó bài  “Nhớ Đồng Hới xưa ’’ có câu ghi chú “ trích thơ Hà Nhật ’’ trong bài “ Tâm hồn thị xã ’’. Người viết xin trích chép một phần ca khúc này như sau:
Khi hát một bài ca, 
ta nhớ về quê mẹ. 
Ôi con sông Nhật Lệ… 
xao xuyến mãi lòng ta…
Khi gieo một vần thơ, 
ta lại về nơi ấy, 
con sông quê vẫn chảy… 
Êm đềm giữa hồn thơ.
“ Đồng Hới ơi , 
ta yêu từng ngã phố, 
trong tim ta  mang một góc đường quen, 
nơi bắt đầu ta bắt gặp mắt em ’’
Đồng Hới ơi, hôm nay thành phố mới , trong nguy nga cao rộng phố phường vui… 
“ Ngày dẩu mất nhưng tình ta còn mãi , 
như mùi hoa sen trắng buổi chiều xưa ”
Chính Hoa hồng và chính cái thị xã nhỏ bé mang tên Đồng Hới thị xã Hoa hồng của chúng ta đã làm nên một huyền thoại , làm chất liệu là nguồn cảm hứng để Xuân Hoàng và Hà Nhật có những vần thơ bay bổng du dương để lại cho quê hương yêu dấu     Sài gòn một ngày tháng tư , đêm thơ Xuân Hoàng với Đồng Hới đã được diễn ra tại câu lạc bộ thơ Hương Nguồn do đài truyền hình thành phố HCM phối hợp với đồng hương Quảng bình tại thành phố HCM tổ chức . Nhà thơ , nhà giáo Hà Nhật – Lương Duy Cán dẫn chương trình đã làm sống lại quá trình chiến đấu và chiến thắng của quân dân Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất và thơ  cũng lãng mạn nhất. Bài thơ viết về Đồng Hới của Xuân Hoàng  được Hà Nhật giới thiệu và bài thơ Thị xã Hoa hồng của Hà Nhật được Xuân Hoàng giới thiệu  qua giọng đọc và diễn ngâm của các nghệ sỉ làm cả khán phòng im lặng vì xúc động , có người kín đáo lau vội giọt lệ rơi trên hàng mi để tiếp tục thưởng thức trọn vẹn đêm thơ. Đêm thơ Đồng Hới trên thành phố Hồ Chí Minh làm thổn thức con tim.
Hoài Nhớ -    Sài gòn  tháng tư - 2012

       
Đăng nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét